Người đàn bà "canh giữ" mùa xuân

Tổng hợpThứ Tư, 27/02/2013 09:11:00 +07:00

Mỗi bông hoa qua sáng tạo của bà đều mang một vẻ riêng, một câu chuyện riêng, thậm chí là một số phận riêng đầy màu sắc.

Hà Nội, những chiều cuối năm. Cái rét se sắt khiến cho người đi đường trở nên vội vã còn các khu phố thì như muốn co mình lại. Thế mà, có một ngôi nhà ở phố Chả Cá, sắc xuân vẫn ngập tràn bốn mùa. Ở đó có những bông hoa đua nở bung cánh, đẹp mê hồn - dù chúng chỉ được làm từ những mảnh vải lụa. Ở đó, còn có một “bông hoa” đẹp nhất, đã dành trọn gần 50 năm tỏa hương cho đời… “Bông hoa”  mang tên Mai Hạnh.

Mỗi bông hoa một linh hồn

Choáng ngợp và thích thú là cảm giác đầu tiên khi tôi đặt chân đến cửa hàng hoa lụa Mai Hạnh. Trong không gian chưa đầy 10m2, cơ man nào là hoa, từ những cành đào Việt Nam đến những loài hoa lan có nguồn gốc châu Úc, hay cả những đóa tulip đến từ Hà Lan… Muôn loài muôn vẻ, muôn màu sắc. Điều đặc biệt là tất cả đều được làm bằng lụa. Là hoa lụa nhưng vô cùng sống động, tươi sắc, nếu đứng xa thật khó để nghĩ chúng không phải là những bông hoa thật.

Đang bận rộn làm hoa cho mấy trăm đơn hàng ngày Tết nhưng Mai Hạnh vẫn dành thời gian chuyện trò với tôi. Bà hóm hỉnh bảo rằng riêng nói về hoa lụa thì bà có thể ngồi nói cả ngày mà không cần… uống nước. Rồi bà say sưa kể cho tôi nghe những câu chuyện về nghiệp hoa lụa.

Nghệ nhân hoa lụa Mai Hạnh.
Nếu như yêu hoa là thi vị, lãng mạn thì có lẽ Mai Hạnh là người phụ nữ… lãng mạn nhất Việt Nam. Bởi, ít ai dám hy sinh gần trọn cuộc đời, hy sinh cả cuộc sống riêng chỉ để sống trọn đam mê với nghề làm hoa lụa như bà.

Là con gái út của nghệ nhân hoa lụa Đoàn Thị Thái, nhưng từ bé Mai Hạnh rất thích học vẽ và mong muốn mai sau sẽ làm họa sĩ. Vào  những năm 60, trên đường đi sơ tán cùng mẹ, Mai Hạnh bị trúng thương và phải nằm điều trị suốt 6 tháng trời. Những ngày nằm trên giường bệnh, để con gái đỡ buồn, mẹ đã dạy cô làm những cánh hoa đầu tiên trong đời. Và thế là tình yêu với hoa lụa đã bắt đầu nhen nhóm trong tâm hồn cô gái trẻ cũng từ những ngày đó.

Khi thấy Mai Hạnh thực sự say mê hoa lụa, mẹ đã nói với cô rằng mỗi bông hoa  làm ra sẽ thể hiện chính con người của mình, vì thế hoa phải có hồn và phải chứa đựng tâm huyết người thợ trong đó. Sau này, chính thầy giáo dạy vẽ của Mai Hạnh cũng đã nói với cô: “Mẹ con làm nghề hoa là rất quý. Học hội họa để thành một người biết vẽ thì không khó nhưng thành nghệ nhân thì không phải dễ. Con nên giữ lấy nghề của mẹ”.

Những lời dặn dò đó càng giúp cho Mai Hạnh có thêm quyết tâm theo đuổi con đường mà mẹ đang đi.

Năm 28 tuổi, Mai Hạnh đoạt Huy chương Vàng trong cuộc trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ toàn quốc với bông hoa dâm bụt bằng lụa. Không tự bằng lòng ở đó, cô gái trẻ còn tìm tòi và thử nghiệm để cho bông hoa không chỉ có sắc mà còn ‘‘tỏa hương”. Mai Hạnh lấy bột thạch cao để chấm lên nhụy hoa sao cho giống những hạt phấn li ti. Chất bột này rất hiệu quả bởi nó vừa kết dính lại vừa giống y hệt phấn hoa.

Cách nhuộm cánh hoa của Mai Hạnh cũng khác người. Không chỉ nhuộm màu thông thường, bà còn sáng tạo và pha trộn các tông màu cho thật chuẩn. Cánh hoa sen không chỉ nhuộm riêng một màu hồng, mà càng lên trên gần đài sen, màu sắc sẽ càng nhạt dần khiếncho bất cứ ai nhìn qua cũng tưởng một bông sen thật đang tỏa sắc.

 
Năm 35 tuổi, Mai Hạnh được phong là nghệ nhân. Với bà, hoa là cả một thế giới bao la, nơi bà có thể sáng tạo không ngừng. Càng làm hoa, bà càng tìm tòi để có được những bông hoa đẹp nhất, sinh động nhất. Những bông hồng đỏ rực, những cành đào chúm chím nụ hồng hay những đoá tulip từ đất nước Hà Lan xa xôi… dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, đều toát lên một vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát.

Cùng là bông hoa cúc nhưng dưới bàn tay tài hoa của Mai Hạnh, bông cúc đại đoá hiển hiện vẻ đẹp rực rỡ của nắng, khiến khách hàng yêu hoa không thể không chọn cho mình một vài bông.  Một bông hoa được khách hàng chấp nhận, ngoài sự nhiệt tình, lòng yêu nghề, có lẽ cần một đôi ‘‘bàn tay vàng’’  để cảm nhận sức sống của mỗi bông hoa, dù là hoa lụa.

Gần 50 năm trong nghề, dường như chưa bao giờ Mai Hạnh làm hoa theo cách của một người thợ quen tay, lành nghề. Mỗi bông hoa qua sáng tạo của bà đều mang một vẻ riêng, một câu chuyện riêng, thậm chí là một số phận riêng đầy màu sắc.

Người ta cứ  nghĩ, hoa lụa là hoa giả, mà giả thì chỉ cần làm cho giống với hoa thật là đẹp. Nhưng với Mai Hạnh, bà không “sao chép” cho giống mà luôn nghĩ cách làm sao thổi được hồn vào mỗi bông hoa để trong thật có giả, trong giả có thật, đầy quyến rũ và tinh tế.

Nét chấm phá giữa lòng Hà Nội

Bận rộn với công việc, nhưng Mai Hạnh vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Bà là ủy viên Mặt trận tổ quốc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nghề hoa lụa gia truyền của gia đình Mai Hạnh cũng được xem là một nét chấm phá đặc sắc cho bức tranh tổng thể phố nghề ở thủ đô.

 
Không chỉ nỗ lực  tìm tòi, phát triển nghề hoa lụa, Mai Hạnh còn góp một phần không nhỏ vào việc quảng bá nghề hoa truyền thống của dân tộc đến rất nhiều nước khác nhau. Mỗi chuyến đi, bằng “đôi tay lụa” của mình, Mai Hạnh đã khiến bạn bè thế giới phải ngỡ ngàng, nể phục. Trong một lần trình diễn tại Nhật Bản, 12 nghệ nhân các nước châu Á, đều có máy dập, một lần làm ra tới 20 cánh hoa. Trong khi đó, Mai Hạnh trong tay chỉ có một cây kéo. Bà bắt đầu cắt cánh hoa cúc, uốn và tạo vân cho nó. Đôi bàn tay thoăn thoắt lập tức thu hút tất cả các giám khảo. Và cuối cùng những bông hoa cúc ấy đã đạt giải trong cuộc thi.

Rồi trong một lần sang Pháp biểu diễn, bà cũng đã khiến những người dân nơi đây phải kinh ngạc về tài năng làm hoa lụa của mình. Một thị trưởng Pháp đã đến xem bà biểu diễn hai lần, ngày hôm sau ông còn dẫn cả vợ con ra gian hàng của bà và đề đạt nguyện vọng được xem bà trình diễn quy trình làm hoa lụa. Hay khi sang Ấn Độ, người dân bản địa vào gian hàng của Việt Nam mà cứ ngây ngất. “Tôi ngồi làm mà không kịp để bán. Tôi thấy vui mừng và hãnh diện khi nghệ thuật hoa lụa của Việt Nam được bạn bè quốc tế trân trọng”, Mai Hạnh tươi cười kể lại.

Cũng từ đó, bà liên tiếp được mời đi giao lưu và quảng bá hoa lụa Việt Nam ở rất nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Với nghệ thuật làm hoa lụa độc đáo, Mai Hạnh cũng đã từng được mời đi Mông Cổ giảng dạy cách làm hoa lụa thủ công.

 
Đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời, nhưng nữ nghệ nhân ấy vẫn còn nhiều nỗi niềm đau đáu trong lòng. Lúc tôi đến cũng là thời điểm bà vừa trải qua một trận ốm nặng. Bà bảo, thời gian chẳng chờ đợi ai nên còn ngày nào được sống với hoa, bà sẽ làm tất cả để “giữ lấy lề”, giữ lấy cái nghề đã gắn bó bao đời của tổ tông.

Trong suốt những năm qua, bà truyền nghề cho không ít học sinh, tạo công ăn việc làm cho biết bao trẻ mồ côi, tàn tật. Ngay như chính con gái bà là chị Đặng Thị Minh Hằng cũng đang theo nghề mẹ. Thế nhưng bà vẫn tỏ ra chưa yên tâm. Mai Hạnh bảo: “Thị trường hoa ngày càng phát triển, người ta làm hoa hàng loạt nhiều, mấy ai còn dày công nâng niu từng cánh hoa như mình nữa. Giá thành của một bông hoa làm tỉ mẩn bằng tay qua biết bao công đoạn, ắt phải cao hơn, làm sao cạnh tranh được với thị trường hoa ồ ạt ngoài kia. Bởi thế, không có đam mê thì sẽ chẳng ai còn muốn làm hoa lụa nữa”.

 
Mai Hạnh đã dành trọn tuổi trẻ, tình yêu cho hoa lụa, và giờ đây, ở bên kia con dốc cuộc hành trình của đời mình, bà vẫn cần mẫn kiếm tìm, với hi vọng, bằng chính đam mê của mình, sẽ thổi bùng đam mê trong những học trò kế cận để giữ  vững ngọn lửa nghề.

Bây giờ, nhờ công nghệ hiện đại, người ta có thể sản xuất ra hàng loạt những bông hoa giống hệt nhau đến từng chi tiết nhỏ. Nhưng, hoa lụa Mai Hạnh vẫn giữ được uy tín và tình yêu đối với những người thích và chơi hoa lụa. Với Mai Hạnh, hoa lụa làm bằng tay bao giờ cũng mềm mại hơn.

Đã rất nhiều lần, Mai Hạnh không ngần ngại ngồi làm ngay một bình hoa tại chỗ theo đúng yêu cầu của khách hoặc “biểu diễn tay nghề” một cách say sưa với những đường kéo điêu luyện như múa. Mỗi lần như thế, bà cảm thấy mình trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Đặc biệt, khi có khách nước ngoài quan tâm, hiếu kỳ muốn xem nữ nghệ nhân Việt Nam làm hoa lụa, bà lại càng thăng hoa với lòng tự hào dân tộc trào dâng.

Mai Hạnh rất cổ hủ, một nét cổ hủ đáng yêu. Bà nhất quyết không sử dụng hoa đất như nhiều người khác. Theo bà, hoa đất không có độ bền cao lại phải sử dụng khuôn nên tạo ra hàng trăm tác phẩm giống nhau, thiếu tính sáng tạo. Điều này hoàn toàn trái ngược với phong cách làm hoa của Mai Hạnh. Bởi hàng ngàn bông hoa bà làm là hàng ngàn bông hoa khác nhau. Mỗi bông đều có một vẻ đẹp khác biệt, không bao giờ lặp lại. 

Người phụ nữ ấy, năm nay đã sang tuổi lục thập nhưng gương mặt vẫn tươi tắn, giọng cười vẫn giòn tan. Có lẽ, hơn nửa cuộc đời yêu hoa, yêu cái đẹp nên tâm hồn của bà cũng trẻ trung, sống động hơn. Bàn tay vẫn tròn đầy, trắng trẻo, mềm mại vuốt ve những cánh hoa. Cũng từ bàn tay ấy, mấy chục năm qua, hồn cốt của biết bao loài hoa đã được gìn giữ và phát triển như một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc…

Cuộc trò chuyện của Mai Hạnh và tôi liên tục bị ngắt quãng, bởi càng về chiều, cửa hàng càng đông khách. Bước vào thế giới của Mai Hạnh, ai cũng có cảm giác như lạc vào một miền khác. Một miền đầy màu sắc và ấm áp. Khác hẳn với cái lạnh tê tái ngoài kia.

Những người khách quen ra sắm hoa Tết. Không cần phải diễn tả một cách khó khăn yêu cầu của mình, chỉ một câu ngắn gọn: “Cô Hạnh ơi, cho cháu 2 lọ phòng khách, 1 lọ phòng ngủ”, thế là họ có thể tự tin mang về những lọ hoa thật đẹp và đầy sức sống dưới bàn tay “phù phép” của bà chủ Mai Hạnh. Với những ai còn lúng túng trước sự lựa chọn của mình, bà lại ân cần giảng giải tận tình về ý nghĩa của những loài hoa, cách trang trí hoa trong nhà cho hợp với phong thủy và không gian sống… Lúc này, tôi lại thấy bà am hiểu, “điêu luyện” không khác gì một nhà thực vật học, một kiến trúc sư hay thầy phong thủy...

Và dù có mua hoa hay không thì ai rời cửa hàng số 5 Chả Cá cũng ra về với một nụ cười mãn nguyện. Ở đó, họ được ngắm hoa, được nghe những câu chuyện về hoa không bao giờ chán. Nơi ấy, suốt bốn mùa, dù nắng hay mưa thì hoa vẫn nở. Bởi ở đó, có một người đàn bà đang miệt mài ‘‘canh giữ’’ sắc xuân…

Thương Thương

Bình luận
vtcnews.vn