CTV Phạm Lâm: Mê làm báo và “nghiện” xe hơi…

Tổng hợpThứ Bảy, 14/01/2012 03:37:00 +07:00

Sinh ra ở vùng trung du rừng cọ đồi chè, Phạm Lâm khiến người ta dễ liên tưởng tới một gã trai mạnh mẽ, phần nào đó ẩn chứa sự hoang dã, bụi bặm, nóng nảy.

Cầm tinh con Hổ, lại sinh ra ở vùng trung du rừng cọ đồi chè, Phạm Lâm khiến người ta dễ liên tưởng tới một gã trai mạnh mẽ, phần nào đó ẩn chứa sự hoang dã, bụi bặm, nóng nảy. Nhưng thực tế lại khác xa. Từ ngoại hình, giọng nói cho tới tính cách của hắn đều toát lên nét hồn nhiên, ngồ ngộ, hiền hiền. Hiếm khi nào Phạm Lâm tắt nụ cười. Có lẽ bởi thế nhìn hắn trẻ hơn nhiều so với lứa tuổi 26 của mình. Hắn quan niệm: “Đời nhiều áp lực quá rồi. Cứ hồn nhiên cho dễ sống chị ạ. Mọi thứ đều có một chữ “duyên” nào đó…”. Thậm chí, cả cái đam mê truyền hình của hắn bây giờ cũng chẳng nằm ngoài chữ “duyên” ấy…

 

 

Từ cái “duyên”  truyền hình…

Mấy năm về trước, chính Phạm Lâm cũng không thể nghĩ mình sẽ theo và sau đó là quyết định gắn bó với truyền hình… Hắn từng đam mê máy tính và ước ao mình sẽ làm một nghề gì đó liên quan tới loại máy móc công nghệ cao này từ hồi bé tí. Nhưng lớn lên, sự du nhập thiếu bài bản của gameonline đã khiến bố mẹ hắn ác cảm với loại hình trò chơi trực tuyến này, và rồi ghét luôn cả … máy vi tính. Không muốn phiền lòng bố mẹ, hắn đăng kí và thi đậu trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành Kinh tế đầu tư. Những tưởng mọi thứ cứ thế xuôi chèo mát mái,thế nhưng cuộc đời lại dành cho hắn một lối rẽ bất ngờ…

Ở trọ cùng một anh làm Thư kí tòa soạn báo Bạn đường, thi thoảng Phạm Lâm lại được rủ đi cùng “tác nghiệp”. Khi anh bạn phỏng vấn, Phạm Lâm chăm chú lắng nghe. Một thời gian sau, hắn tập tọe làm phó nháy. Và không lâu sau đó hắn được anh bạn tín nhiệm: “Chú ngồi phỏng vấn thử đi. Anh sẽ làm phó nháy”. Khỏi phải nói hắn đã run như thế nào ở cái “lần đầu tiên” ấy, nhưng nhờ thế mà hắn trở nên tự tin hơn để thực sự bắt tay với nghề. Ban đầu là những tin ngắn ngắn, rồi sau đó những bài phản ánh, phóng sự… của hắn cũng dần dần được đăng tải trên các báo. Sự tự do, khoáng đạt, hay “ma lực” hấp dẫn về một chân trời nào đó ngày càng rộng mở hơn của nghề báo khiến Lâm cảm thấy tò mò và dần dần thích thú.

Khi hắn học năm thứ 3 đại học, Trường Cao đẳng phát thanh truyền hình I (Phủ Lý – Hà Nam) mở một lớp đào tạo nghiệp vụ báo chí ở Hà Nội. Hắn đăng kí thi và trúng tuyển. Lâm thích nghề báo và càng bị hấp dẫn hơn bởi nghề báo hình – một trong những nghề “thời thượng” và “hot” ở thời điểm bấy giờ, một nghề mà hắn chưa bao giờ được thử sức, được khám phá. “Lúc ấy em nghĩ nghề truyền hình là những người đứng nói trước màn hình, những MC được hàng triệu khán giả ngưỡng mộ. Chỉ đơn giản thế thôi”, hắn nhớ lại. Nhưng khi vào học thực tế, được đào tạo những kĩ năng cơ bản của một biên tập viên, quay phim, đạo diễn… Phạm Lâm mới dần hé mở được những “bí ẩn” khổng lồ phía sau màn hình, những thực tế đầy vất vả của nghề mà trước đây hắn không bao giờ có thể hình dung tới… Hắn nhận ra không phải MC, mà chính là những biên tập viên, những người trực tiếp sản xuất các chương trình: quay phim, đạo diễn, âm thanh, ánh sáng… - những người phần lớn đều đứng sau màn hình – mới chính là những người tạo ra đến 90% thành công cho các chương trình.

Lúc ấy hắn thấy nghề báo hình quá phức tạp. Nó tỉ mỉ, tủn mủn, vụn vặt từng chút một và quá khác so với những gì hắn… ảo tưởng. Không ít lần hắn chứng kiến cô bạn cùng lớp nói giọng địa phương bị thầy giáo bắt luyện đi luyện lại tới khản cả tiếng. Rồi những kĩ năng nhỏ nhất: viết kịch bản, chọn khuôn hình, ghi hình… cũng phải học và thực hành đi thực hành lại từng chút một. Lần đầu tiên cầm mic, hắn đứng im như tượng đá không nói được câu gì. Hắn thấy sợ. “Lúc ấy em đã rất lo lắng, không biết mình có theo được không. Truyền hình đòi hỏi rất nhiều yếu tố: sự nhanh nhẹn, lưu loát, khả năng ngoại giao… Mà những thứ ấy em đều thiếu”, hắn nhớ lại. Không ai biết hắn đã vượt qua sự lo lắng bằng cách nào, càng không hiểu hắn đã bù lấp những khoảng thiếu của bản thân ra sao, chỉ biết sau hai năm học người ta thấy hắn lặng lẽ “cất gọn” chiếc bằng cử nhân kinh tế sang một bên và bắt đầu lao đi làm… truyền hình với tất cả sự nhiệt huyết và đam mê.

 

 

 …Dẫn tới cái  “nghiện” xe hơi

Khởi động nghề báo hình bằng việc thực tập ở VOV TV với các chuyên đề mảng xã hội, sau đó lần lượt thực hiện các chương trình mảng giải trí, nghệ thuật… rồi chuyển qua tọa đàm, talk…, thậm chí là các chương trình lĩnh vực kinh tế ở kênh VTV4. Gần như thể loại truyền hình nào Phạm Lâm cũng từng… kinh qua. Nhưng chỉ đến khi đầu quân cho VTC, thực hiện chương trình “Sao và Xe”, hắn mới tìm ra sở trường và niềm đam mê thực sự của mình.

Giống như phần lớn những gã trai khác trên đời, Phạm Lâm thích tìm hiểu về ô tô xe máy. Chính vì thế, khi được giao thực hiện chương trình ở lĩnh vực này hắn cảm thấy rất thoải mái và tự tin. Bắt tay vào thực hiện số đầu tiên đầy hứng khởi, hắn đã không thể nghĩ mình sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn đến thế…

Truyền hình thời điểm ấy có quá nhiều chương trình ô tô xe máy. Dù “Sao và xe” đã có format cụ thể, nhưng thực hiện làm sao để tạo ra được dấu ấn riêng cho chương trình là cả một vấn đề. Vừa làm vừa mày mò, hắn nhận ra những kiến thức “lý thuyết” mình từng đọc, từng biết qua mạng hóa ra chẳng thấm tháp gì, chỉ như muối bỏ bể so với những trải nghiệm thực tế. Đó là chưa kể các “Sao” – những nhân vật chính của chương trình lại có lịch làm việc rất… đặc thù và quá bận rộn. Hẹn hò cẩn thận, kĩ lưỡng, đến ngày quay nhân vật lại hủy hẹn vì có lịch làm việc, có show diễn đột xuất. Khi nhân vật sắp xếp được thời gian thì trời lại mưa to gió lớn. Bao nhiêu công sức “set up” máy móc, nhân sự, ánh sáng… phút chốc cũng đổ xuống sông xuống bể. Chưa kể trong ekip mỗi người một tính, tạo được một môi trường làm việc để mọi người cùng thoải mái cũng không dễ chút nào… Mọi thứ khó khăn cứ nối tiếp nhau, cứ như đang chống đối lại hắn khiến hắn cảm thấy ức chế, mệt mỏi và phần nào đó… nản lòng với nghề. Nhưng rồi hắn cứ tự ru lòng mình, tự đẩy lên cao hết cỡ cái khả năng và sự … hồn nhiên vốn có để rồi từ từ vượt qua từng nấc thang khó khăn. Dù số đầu tiên lên sóng chậm hơn gần 2 tháng so với dự kiến, nhưng bù lại nó được mọi người đánh giá đã tạo ra những nét hấp dẫn và thực sự khác biệt so với các chương trình về ô tô xe máy khác. Không ít người còn thấy nó hấp dẫn và đẹp như chương trình “xế hộp” của nước ngoài… Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để hắn vui, để hắn có thêm động lực và tiếp tục… cố gắng.

Những số chương trình “Sao và xe” cứ thế tiếp nối, lần lượt lên sóng. Càng làm hắn lại càng cảm thấy thích thú. Thay vì chỉ đọc “lý thuyết” trên mạng, giờ hắn lại có thêm cơ hội để trải nghiệm thực tế với nhiều loại xe. Hắn nhớ chuyến đi offline tới Đà Nẵng với đoàn siêu xe Việt Nam. Những mẫu xe hắn chỉ từng thấy qua ảnh đã cùng nhau hội tụ và hiển hiện trước mắt hắn. Lần đầu tiên hắn cảm nhận được sự cuồng nhiệt của những người đam mê xế hộp. Dòng siêu xe đi đến đâu, dòng người đổ ra chạy dài theo đến ấy, đông đúc và ồn ào, náo nhiệt không khác gì sự hò reo cổ vũ của đám đông cổ động viên sau khi đội bóng đá Việt Nam thắng trận… Từ việc “thích”, hắn trở thành một con “nghiện”, đam mê xế hộp lúc nào không biết…

Hơn một năm thực hiện “Sao và Xe”, từ một kẻ chỉ lờ mờ về xế hộp, giờ đi trên đường chỉ cần thoáng thấy chiếc bốn bánh nào từ xa hắn đã có thể nói vanh vách như một chuyên gia tầm cỡ đó là loại xe gì, của hãng nào, ưu điểm nổi bật của dòng xe ấy ra sao, mức giá bán ra như thế nào, đó có phải là dòng xe “độc” trên thị trường hay không?... “Bây giờ thậm chí em còn được kết nạp làm thành viên của hội siêu xe Việt Nam. Chỉ có điều chưa có điều kiện để sở hữu bất cứ một chiếc bốn bánh nào thôi”, hắn hài hước.

 

 

Vẫn đang chờ đợi cái “nghiệp”

Người ta thường nói, trong công việc con người có chữ “duyên” và chữ “nghiệp”.  Với nghề truyền hình, có lẽ Phạm Lâm chỉ mới gặp chữ “duyên” và vẫn đang phải đợi chờ chữ “nghiệp”. Tới thời điểm này, hắn vẫn đang dừng lại ở vị trí Cộng tác viên.

Nhiều người lo lắng cho cái sự bấp bênh trong công việc của hắn. Không ít người khuyên hắn tìm một công việc ổn định trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng hắn vẫn bỏ ngoài tai, vẫn miệt mài với từng số chương trình lên sóng của mình. Có lẽ hắn bị cuốn theo, bị “ma lực” của truyền hình hấp dẫn rồi nên khó bỏ. “Đúng là truyền hình không phải là con đường đầy ánh hào quang như em ảo tưởng khi đến với nghề, đúng là em có thể tìm cho mình một lối đi khác bằng phẳng hơn. Nhưng có lẽ, chỉ làm truyền hình thì em mới thấy niềm đam mê của mình thực sự được thỏa mãn. Biết đâu chữ “nghiệp” vẫn đang đợi em ở một đoạn đường nào đó rất gần phía trước”, hắn cười tươi, khoe trọn sự hồn nhiên vốn có của mình.

Tiến Toàn

Bình luận
vtcnews.vn