NSƯT Trần Nhượng: Từ nay ta đã có mình

Tổng hợpThứ Sáu, 21/10/2011 02:46:00 +07:00

Trần Nhượng vẫn thế, vẫn phong độ một cách quyến rũ, hào hoa khiến khán giả có cảm giác thời gian đã... quá nhẹ tay với ông.

Cùng lứa tuổi U60, nhiều diễn viên đã không giữ được vóc dáng gọn gàng, nếu như không nói là đã trở nên quá khệ nệ, thì NSƯT Trần Nhượng vẫn phong độ một cách quyến rũ, hào hoa khiến khán giả có cảm giác thời gian đã... quá nhẹ tay với ông.

 

“Mặt tôi trông đểu lắm thì phải!”

Tôi gặp ông tại nhà riêng, một căn hộ xinh xắn, được thiết kế trang nhã tại khu Hoàng Cầu. Vợ ông đón tôi ở cổng với nụ cười hồn hậu, dịu dàng. Cũng chỉ kịp hỏi han qua loa vài câu rồi chị lại tất bật chạy ra cửa hàng với khách. Căn nhà của vợ chồng nghệ sĩ Trần Nhượng được trang trí chủ đạo bằng màu trắng, nằm ở mặt đường không quá sầm uất, đủ để kinh doanh một gian hàng. Nó không quá lớn nhưng đủ không gian để thổi vào đó một không khí lãng mạn, một phong cảnh hữu tình.

Diện tích không quá rộng rãi nhưng chủ nhà vẫn khéo léo sắp xếp đồ đạc, vật dụng để vừa có đủ các phòng đơn phòng kép, ban công trên tầng 2, tầng 3 trồng những giò hoa phong lan rủ xuống cạnh hòn non bộ với cá quẫy tung tăng và nước chảy róc rách. Một cảm giác thanh bình, yên ả khi bước qua cổng sắt, để lại những ồn ào phố thị sau lưng. Cách bài trí ngôi nhà cho thấy chủ nhà là người khá am hiểu phong thủy. Tất cả đều toát lên một không khí nhẹ nhàng, gần gũi nhưng không kém phần sang trọng.

Trần Nhượng vẫn thế, vẫn phong độ như bao năm qua và như biết bao vai diễn của ông mà tôi vẫn thấy trên tivi.

Nói đến chuyện nghề, ông hỏi tôi: “Cô xem, cái mặt tôi có đểu không mà toàn được mời vào những vai xấu, dễ gây ác cảm với khán giả, thậm chí bị ghét cay ghét đắng”. Hỏi xong thì cả người hỏi lẫn người được hỏi đều nhìn nhau cười mà không có câu trả lời.

Thực ra cái chất của Trần Nhượng là làm những vai chính diện, thậm chí hơi khắc khổ, có vẻ chịu đựng một chút. Nhưng không hiểu sao các đạo diễn cứ hay nhắm ông vào những vai không được tốt lắm, dù là đóng vai quan chức cấp cao thì vẫn cứ hơi đểu đểu.

Trong những vai diễn của mình, ông bảo ông ấn tượng nhất với vai cố vấn người Mỹ tên là Robert trong một vở diễn ân khấu. Trong khi các bạn diễn vào vai người Việt đều to béo, phương phi thì anh chàng Trần Nhượng cái năm 1985 chỉ nặng gần 50 kg, gầy nhom, ốm yếu. Làm thế nào để toát lên vẻ dữ dằn, ghê gớm của một cố vấn Mỹ chỉ với bộ dạng còm ròm ấy là cả một thách thức lớn với ông. Và rồi sau tất cả những miệt mài cố gắng, “trái ngọt” cho ông từ vai diễn này là một giải Bạc trong Hội diễn sân khấu toàn quốc cùng năm.

Thường các nhân vật phản diện đều được viết na ná nhau và ít khi được đầu tư kỹ lưỡng. Người ta vẫn quen rồi với những nhân vật một chiều, xấu là xấu hẳn, xấu từ đầu đến cuối phim. “Tôi cứ ao ước mãi một nhân vật phản diện nhiều màu sắc, một con người mà bình thường tiếp xúc bề ngoài sẽ chỉ thấy những đàng hoàng, lịch sự, che dấu những tâm địa xấu xa ẩn giấu bên trong. Một kiểu người khó nắm bắt, khó phát hiện. Nhưng mãi chưa thấy”- nghệ sĩ tư lự.

Không ít lần ông đem tâm sự của mình đi chia sẻ với các đạo diễn nhưng có vẻ chưa đạo diễn nào hiểu và chiều được ông “phó chủ tịch tỉnh” Trần Nhượng. Vẫn chỉ là những nhân vật lãnh đạo, giám đốc tham ô tham nhũng, hống hách, cửa quyền, bồ bịch…

Nhiều người lo sợ rằng nếu cứ tiếp tục lên sân khấu với cùng một mô-típ nhân vật như thế thì sớm muộn gì Trần Nhượng cũng bị lặp lại chính mình. Đó cũng là điều khiến ông băn khoăn lớn nhất. Vẫn là mình, vẫn là con người đó, vẫn là cách ăn mặc, lối diễn đó, phải làm sao để thoát ra khỏi cái bóng của nhau? Mỗi lần nhận vai, ông lại lo thon thót, trăn trở nghĩ cách diễn sao cho mỗi nhân vật ít nhất cũng có nét gì đó khác với những vai diễn đã trải qua.

Ngay phim “Chủ tịch Tỉnh” vừa rồi cũng thế. Khi được đạo diễn trao đổi qua về vai Phó chủ tịch, Trần Nhượng đã khấp khởi mừng thầm vì chắc mẩm lần này mình sẽ được diễn một vai như mong muốn, một ông lãnh đạo bề ngoài đàng hoàng, tử tế nhưng bên trong đầy mưu mô, xảo quyệt. Nhưng khổ thân Trần Nhượng, sau khi đọc kỹ kịch bản thì mới thấy lời thoại, tình tiết vẫn không cho phép ông được thể hiện lối diễn riêng của mình… Vai diễn ít nhiều để lại ấn tượng cho khán giả, nhưng Trần Nhượng vẫn thấy tiếc, giá mà được diễn thế này thế khác, có lẽ vai diễn của ông sẽ tròn đầy hơn.

Hồi đầu, nhiều khi bị hỏi đùa “ông ăn ở thế nào mà chỉ toàn nhận vai nham hiểm thế?”, Trần Nhượng thú nhận cũng thấy hơi chạnh lòng nhưng rồi lại tự an ủi rằng ngoài đời mình sống tốt và mọi người xung quanh biết là được. Còn điện ảnh, sân khấu là một cuộc sống khác và ở đó có những vai diễn không phải lúc nào ta cũng được lựa chọn.

 

“60 tuổi đầu mới biết thế nào là hạnh phúc!”

Chính bản thân Trần Nhượng cũng thừa nhận mình là một trong những nghệ sỹ chịu khó quan tâm và chăm chút tới ngoại hình của mình. Có ai trêu thì ông cũng chỉ cười. Sự đặc biệt của nghề diễn viên là phải đẹp, phải giỏi nghề để tạo sự truyền cảm tốt cho khán giả.

Với Trần Nhượng, việc dùng nước hoa hay chăm chút cho trang phục cũng là cách để ông thể hiện sự tôn trọng của mình với nghề nghiệp và công chúng. Trần Nhượng vốn là người chỉn chu và khá cầu kỳ khi chăm sóc bản thân. Khi tắm xong, bao giờ ông cũng phải xức nước hoa, kể cả là có phải ra phố hay ngồi ở nhà; quần áo lúc nào cũng có mấy bộ được là lượt cẩn thận để trên xe ôtô. Ông bảo,  không phải chỉ là việc giữ gìn hình ảnh mà nó còn thuận tiện cho việc thay đổi trang phục khi tham gia các vai diễn.

Ông kể, thời bao cấp, Nhà nước có hẳn chế độ bồi dưỡng thanh - sắc để phục vụ cho sự đặc biệt ấy. Chế độ bồi dưỡng ấy khá hậu hĩnh khiến những người ngoài ngành phải ao ước. Do đó, hồi ấy các nghệ sĩ có ý thức giữ gìn thanh - sắc rất tốt chứ không phải do đời sống vật chất khó khăn. Riêng cá nhân ông, cũng có ý thức giữ gìn thanh - sắc từ thời trẻ. Đồng nghiệp đã quá quen với hình ảnh một Trần Nhượng chăm chỉ tập múa, tập thể hình, luyện thanh với những sinh hoạt hàng ngày điều độ tới mức rượu bia không biết uống để có được thể trạng như bản thân mong muốn.

Ông “phó chủ tịch tỉnh” cười khà khà bảo bây giờ đời sống vật chất khá lên thì dường như các nghệ sĩ lại sống phóng khoáng theo xã hội nên không còn ý thức giữ gìn thanh - sắc cho mình để phục vụ cho nghề nghiệp của mình nữa. “Bản thân tôi cũng thế. Có lẽ, tôi sắp trở thành người có độ hóng lớn nhất Hà Nội rồi đấy. Giờ mà anh em, bạn bè gọi đi ăn uống là bất kể giờ giấc nào cũng có mặt. Những khi phải làm việc bận rộn tôi cũng để qua bữa là chuyện bình thường. Có lẽ, càng có tuổi, người ta càng dễ dãi với bản thân mình hơn”.

 
Không chỉ hào hoa, phong nhã, đối với mọi người, Trần Nhượng cũng luôn nhẹ nhàng. Với từng ấy thứ thì chuyện nhiều khán giả nữ ái mộ và muốn làm quen với ông là lẽ thường tình. Nhắc đến Trần Nhượng, giới anh em nghệ sĩ vẫn “kiêng nể” ông về độ đào hoa. Ngày xưa, khi được anh em tán tụng như thế, ông cũng thấy tự hào lắm, cũng thấy oai oai. Nhưng dần dần, cái mác “đào hoa” nó cứ bám lấy Trần Nhượng và gây không ít mệt mỏi, phiền toái cho chủ nhân. Đến độ, trong một bài báo gần đây, Trần Nhượng đã phải tuyên bố rằng đây là lần cuối cùng tôi nhắc đến từ đào hoa trên báo chí.

Ông không muốn bà xã phải suy nghĩ nhiều. Lận đận tình duyên bao năm, giờ Trần Nhượng mới ổn định gia đình và tìm được người phụ nữ yêu thương mình thực sự, gắn bó và chăm sóc cho mình chu đáo. Nghe người ta đồn thổi  chồng mình là một nghệ sĩ đào hoa, người đàn bà nào đang yêu mà không có chút hờn ghen, nhưng có lẽ đôi vợ chồng ấy đã ở cái tuổi có thể bình thản với những tin đồn và quan trọng là biết mình cần gì. Bởi vậy mà vợ ông luôn biết cách cư xử với những vấn đề mà tai tiếng, thị phi hay các mối quan hệ của chồng mình.

Đàn ông Nhâm Thìn thường long đong về tiền vận. Bản thân Trần Nhượng trước đây không tin lắm vào điều đó nhưng giờ thì nhận ra, khuôn mặt có tướng làm quan của mình cũng không giúp cho ông tránh khỏi những gian nan lận đận trong tình duyên. Người ta nói rằng ông đã nhiều lần kết hôn, còn ông thanh minh rằng mới chỉ lấy vợ có... một lần rưỡi trước khi gắn bó với người vợ bây giờ. Lần kết hôn thứ 2, ông chưa kịp đi đăng ký thì đã tan vỡ rồi. Ông bảo, người ta cứ nói “Ôi, Nhâm Thìn là hay lắm đấy”, nhưng trong 12 con Giáp, chỉ có con rồng là mơ hồ, là thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể nhất. Có lẽ vì thế mà cuộc đời ông cứ bay bổng, lửng lơ. Thất bại trong hôn nhân đầu, ông không đổ lỗi cho ai cả, phải chăng duyên số của ông là thế. Phải trải qua những cửa ải đó thì giờ đây mới được nếm vị ngọt của hai chữ gia đình, giống như người ta vẫn nói có đi qua những ngày mưa mới biết yêu thêm những ngày nắng.

Sống trọn 60 năm cuộc đời, cuối cùng Trần Nhượng cũng tin vào số phận. Tin để bình thản mà sống và cảm nhận hạnh phúc đang có. Tin để vỗ về những sóng gió đã trải qua. Cũng như ông tin vào phong thủy như một thứ tâm linh giải quyết vấn đề tư tưởng là chính, để thấy yên tâm và thoải mái hơn.

Trong những năm tháng cuối cùng làm công tác quản lý tại Đoàn kịch Công an nhân dân, trước khi về nghỉ hưu, anh đã tìm được người bạn đời xinh đẹp, kém anh hai giáp, người phụ nữ bé nhỏ cả về vóc dáng lẫn tuổi tác so với Trần Nhượng, nhưng lại là một chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần đối với anh, chấm dứt 15 năm sống độc thân trong căn phòng nhỏ lạnh lẽo của người đàn ông vốn đào hoa, đa tình và cô đơn…

Ông không thích nói nhiều về vợ trên báo chí. Có lẽ, cả hai người đã vượt qua quá nhiều khó khăn và ồn ào để đến được với nhau rồi. Giờ, ông chỉ muốn yên tĩnh hưởng thụ hơi ấm hạnh phúc gia đình. Vợ chồng chênh lệch tuổi tác thì thường gặp khó khăn. Hồi đầu, người ta cũng e ngại cho mối tình “chú cháu” của vợ chồng ông, nhưng rồi thời gian đã chứng minh rằng tuổi tác không phải là thứ quyết định hạnh phúc, mà quan trọng là cả hai đồng tâm đồng lòng với nhau, biết tôn trọng và hy sinh vì nhau.

Thế nên, sau khi lấy vợ, người ta lại thấy Trần Nhượng ngày càng trẻ ra, vui vẻ hơn, xông xênh hơn.

Gặp người vợ trẻ bây giờ, ông như kẻ đi trên sa mạc lâu ngày tìm được nguồn nước mát lành nuôi dưỡng sự khô cằn của tâm hồn và kiếp sống. Khiến cho ông đã phải thốt lên “60 tuổi đầu, tôi mới biết thế nào là hạnh phúc”. Mỗi tuần, ông cùng vợ đều có lịch đi xem phim, uống cà phê. Ông dẫn vợ đến những buổi biểu diễn, tham gia cùng ông những việc liên quan đến Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (trực thuộc Hội Sân khấu) do ông làm giám đốc. Có lúc hứng chí, hai người trốn khỏi Hà Nội để tránh cái ồn ào, xô bồ, về một vùng ngoại ô để thưởng ngoạn hoàng hôn rơi xuống, lắng nghe một bản nhạc êm ái của tình yêu và hạnh phúc.

Những lúc Trần Nhượng đi công tác xa, vợ cũng đi theo để chăm sóc bữa ăn giấc ngủ, còn những lúc vợ đi công tác xa, ông nhớ quá, không biết làm cách nào, lại lôi ảnh của hai vợ chồng ra mua khung về treo khắp nhà, khắp phòng ngủ. Đã có lúc, có một Trần Nhượng ngồi tỉ mẩn cắt giấy màu đủ loại hình trái tim dán lên tường với dòng chữ “I love you” để thể hiện tình yêu với vợ… Ai dám bảo tình yêu có giới hạn tuổi tác? Họ, như hai kẻ bị lạc đường bỗng tìm thấy nhau trong kiếp sống vốn ngắn ngủi, nhiều lo toan và đầy ắp những dự định còn dang dở. Hơn hai năm chung sống, thời gian chưa đủ dài để có thể nói những điều xa xôi ở con đường phía trước, nhưng trông ánh mắt họ âu yếm nhìn vào nhau đủ biết họ đang yên lòng với cuộc sống hiện tại.

Hạnh phúc đôi khi có cả những xung đột nho nhỏ bên trong, nhưng với vợ chồng Trần Nhượng, đó như thứ gia vị cho hạnh phúc để vợ chồng hiểu nhau và yêu thương nhau hơn. Những lúc phải đi quay 2-3 phim liền, phim nọ chồng phim kia, thời gian ở nhà thưa thớt, khiến cho ông đôi khi tự giật mình nhận ra mình chẳng khác nào khách trọ trong nhà. Thế mới thấy, hiểu và thương vợ hơn.

Ngoài giờ làm, ông thích ngồi ở cửa hàng lặng lẽ ngắm nhìn vợ thoăn thoắt bán hàng. Một cửa hàng nho nhỏ, bán đủ thứ tạp hóa, nhưng mang lại cho ông không ít khoảnh khắc thanh bình của cuộc sống, khi được ngồi đó nhìn phố phường đông đúc, tấp nập xe cộ ngược xuôi, những khuôn mặt, giọng nói, điệu cười của người đến mua hàng, thấy nụ cười dịu dàng của vợ... Có lẽ, chỉ thế thôi cũng đủ để ông thấy mãn nguyện với cái tuổi đã ở bên kia đỉnh dốc cuộc đời.

Nhiều người theo đuổi, phấn đấu cho sức khỏe, sự nghiệp, ai cũng mong sống lâu ở đời, và mong “có danh gì với núi sông”. Còn Trần Nhượng, với ông, điều quan trọng nhất trong cuộc sống chính là tình người. Là tình cha con, vợ chồng, anh em, tình bạn bè, đồng nghiệp… “Cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, người ta cũng chỉ nghĩ đến cái tình ở đời, đến những người thân xung quanh chứ sức khỏe rồi cũng sẽ bỏ ta mà đi, tiền tài danh vọng cũng không mang theo được xuống nấm mồ”- ông cười khà khà bảo rằng, kể cả có sống được thêm vài năm nữa thôi, nhưng được trọn vẹn trong tình nghĩa thì ông vẫn vui vẻ hài lòng.

Nói là nói vui thế, nhưng tôi nghĩ Trần Nhượng vẫn còn nợ nần cuộc đời nhiều lắm, vẫn còn phải vất vả, trăn trở cho nghề nhiều lắm. Mặc dù đã về hưu nhưng ông vẫn được tin tưởng mời làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Đấy lại là nơi mà ông phải bỏ tâm bỏ sức còn nhiều hơn cả lúc đang là Trưởng đoàn kịch Công an Nhân dân. Đôi khi, ông cứ tự động viên mình “ừ, coi như một thử thách, một sân chơi mới vậy”. Một sân chơi sôi động cho một gã già ngoài 60, cứ tưởng khập khiễng, cứ tưởng bất khả thi, vậy mà người ta thấy ông háo hức lên kế hoạch xây dựng mô hình này, thể loại nọ… Sắp tới sẽ có thêm hãng phim sân khấu, sẽ sản xuất phim, sẽ có những kế hoạch mới nữa, nghĩa là tâm sức của Trần Nhượng cũng sẽ phải bỏ ra nhiều hơn. Mọi thứ cuốn ông đi như tự nhiên phải thế. Cứ nghĩ là món nợ cuộc đời cũng được, mà nghĩ là món quà cuộc sống ban tặng ông cũng phải, để cho ông không có cảm giác hụt hẫng của một ông “tướng về hưu”…

Thanh Hương

Ảnh: Hồ Quang


Bình luận
vtcnews.vn