Có một vị Thứ trưởng rất... khác

Tổng hợpThứ Năm, 06/10/2011 12:07:00 +07:00

“Tôi luôn muốn chứng minh rằng, ít nhất, có một người không thể mua được bằng tiền thì cũng không thể mua được bằng rất nhiều tiền”

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ: Từ một góc nhìn rất khác…

“Tôi luôn muốn chứng minh rằng, ít nhất, có một người không thể mua được bằng tiền thì cũng không thể mua được bằng rất nhiều tiền” – tác giả của phát ngôn đầy ấn tượng này luôn đưa tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, khi nghe những gì ông nói, khi nhìn những việc ông làm….

 
  Giới ký giả vốn hay “nhiều chuyện” rất mê Đặng Hùng Võ, bởi “ông quan điền thổ” này hiếm khi nói “không” với bất kỳ lời đề nghị phỏng vấn nào. Ông luôn nhiệt tình cắt xén quỹ thời gian rảnh rỗi vốn luôn vô cùng eo hẹp của mình - cả khi còn đương nhiệm Thứ trưởng tới lúc đã về hưu -  để lắng nghe và kiên nhẫn làm thỏa mãn trí tò mò rất nhiều cây bút luôn sẵn sàng vặn vẹo “trăm thứ bà rằn”. Từ ý kiến, quan điểm của một trong những chuyên gia hàng đầu về chính sách đất đai, kinh tế bất động sản, hạ tầng thông tin địa lý đến bí quyết giữ lửa cho tổ ấm gia đình. Từ luận về vai trò tiền bạc đến bí quyết xóa nhòa ranh giới tuổi tác ba chục năm với cô vợ trẻ vừa làm lễ thành hôn. Từ những câu hỏi “xoáy” về “lộc lá quan chức” tới tổng thu nhập khi đã “về vườn”. Quấy quả ông, vì thế, có cả phóng viên chuyên mảng kinh tế, xã hội, môi trường, thị trường bất động sản lẫn văn hóa, giải trí, tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Chưa một thắc mắc nào về cả sự nghiệp lẫn đời tư, dù “hóc hiểm” đến đâu khiến ông phải bó tay hay chọn cách trả lời loanh quanh, né tránh.

Được giới truyền thông nhiệt tình “săn đuổi” đến thế, tưởng như “cuốn sách” đời ông đã mở đến tận trang cuối cho bàn dân thiên hạ cùng “thưởng thức”. Vậy mà ông cựu Thứ trưởng vẫn đủ sức khiến tôi tiếp tục ngạc nhiên, khi vẫn có thêm những câu chuyện mới  để chia sẻ cùng phóng viên, trong một buổi chiều hè nhạt nắng.

 “Trung ngôn nghịch nhĩ” chỉ dẫn tới sự cô đơn mà thôi!

Vị giáo sư nổi tiếng là người trực tính này đã tổng kết một câu ngắn gọn như thế, khi nghe tôi vặn vẹo về sự được - mất của những lời nói thẳng. Ông bảo, “ngay từ khi còn bé, tôi luôn có thói quen đào sâu, nghiền ngẫm để tìm ra bản chất của mọi vấn đề để có thể gọi tên chúng một cách chính xác nhất. Trong khi đám đông thường coi trọng hình thức mà nhẹ phần nội dung thì tôi luôn nghĩ ngược lại, cái bên trong mới là yếu tố quyết định để đánh giá một sự vật, sự việc hay một con người. Vì bản tính khác người ấy, tôi luôn có góc nhìn không giống với số đông còn lại - vốn dễ nghiêng về phía những gì xuôi dòng, êm dịu, đèm đẹp trên bề mặt mà chấp nhận lờ đi những mục ruỗng, ung nhọt đang rình rập từ sâu thẳm bên trong. Hệ quả là tôi rất hiếm khi được ủng hộ. Cũng có khi nhận được cảm thông, chia sẻ (kiểu như ông là người có năng lực nhưng sao cứ hay trực ngôn nghịch nhĩ thế cho khổ!) nhưng rất ít, số không ưa luôn chiếm phần nhiều”.

Nhìn lại quãng đường đời hơn sáu thập kỷ của mình, ông hóm hỉnh, “cái cá tính kịch liệt ấy chỉ mang lạị duy nhất cho tôi sự cô đơn. Nhưng tôi đã xác định rất rõ, cho dù không được đa số ưng thuận, tôi vẫn luôn sẵn sàng đơn độc mà đối diện với mọi vấn đề. Và nhờ vậy mà tôi đã trưởng thành hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý, hiểu biết về con người đúng hơn và đọc vị mọi thứ cũng nhanh hơn”.        

Hỏi, “có phải ông trực tính từ trong máu”, giáo sư Võ gật ngay. “Gia đình tôi chịu ảnh hưởng rất lớn của Nho giáo chính thống, trọng nhân nghĩa, đề cao tiết tháo nho học và không chấp nhận chùn bước trước cường quyền. Cụ nội tôi từng đỗ Tiến sĩ, từng ngồi ghế Tri phủ Xuân Trường, rồi làm Đốc học Kinh Bắc, rồi về quê dạy học, đã là thầy và sau đó trở thành bố vợ của cụ Bùi Bằng Đoàn. Chịu không nổi những chướng tai gai mắt chốn quan trường, cụ đã treo ấn từ quan về dạy học. Có một phần dòng máu của cụ chảy trong người, tính tôi thế cũng không lạ. Nhưng có lẽ cái gien dòng tộc ấy trội nhất ở tôi, vì nhìn lại hai đời gần nhất, với chín ông chú và bà cô ruột, mười mấy anh em họ mà chẳng thấy ai bướng đến mức như mình”.

Đi học thì không được thầy cô yêu, đi làm thì chẳng mấy thủ trưởng quý, ông thú nhận, “đời công chức của tôi chỉ được mỗi ông Trực (nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực) có chút quý mến”. Có câu chuyện phiếm mà tôi “hóng hớt” được cách đây khá lâu, rằng một vị lãnh đạo cấp cao đã khen ông Trực giỏi, mà một trong những cái giỏi là đã “dùng” được ông Võ. Hỏi câu chuyện trà dư tửu hậu ấy thực hư đến đâu, GS Đặng Hùng Võ cười xòa. "Dùng" Võ đâu có khó, chỉ cần lấy cái "tình" mà đãi nhau là đủ. Tình người mới trói chặt được tật của ngựa hay, cái ấm của tình người có thể làm mềm được cả gỗ đá.

 

 

Làm quan là do duyên số

Dưới một bài phỏng vấn đăng tải trên trang báo điện tử VNExpress, tôi đọc được một lời bình rất thú vị của độc giả, trong đó thắc mắc tại sao một người chọn nói thật chấp nhận mất lòng như ông lại có thể được chọn để ngồi tới ghế Thứ trưởng? Thắc mắc ấy cũng là của số đông, khi người đời cứ mặc nhiên rằng đường quan lộ hiếm khi thẳng tuột, muốn tới đích thường phải qua nhiều ngã rẽ, khúc quanh.

“Tính tới khi chính thức cầm sổ hưu, tôi đã có 12 năm làm quan chức. Trong đó khoảng 7,5 năm làm Phó Cục trưởng Cục Địa chính và 4,5 năm làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tôi có thể khẳng định, ai đó và vào lúc nào đó có thể phải chạy chọt để leo lên chức, chứ tôi thì không hề phải chạy, phải vận động, phải tốn kém quà cáp đồng nào với bất kỳ ai. Chuyện quan chức đến với tôi tự nhiên như là cơ may của số mệnh”.

“Vào năm 1994, Tổng cục Địa chính thành lập do sát nhập Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước với Tổng cục Quản lý ruộng đất. Các vị lãnh đạo cũ về hưu hết, chỉ còn trơ lại mỗi mình với hàm vị Giáo sư, Tiến sỹ khoa học ở tuổi 46 nên được Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó chấm vào cái ghế Phó Tổng cục trưởng. Rồi tới năm 2002, Tổng cục Địa chính lại “về” Bộ Tài nguyên và Môi trường mới thành lập, một lần nữa đội ngũ lãnh đạo bên Tổng cục đều đến tuổi về hưu, kịch bản cũ lại diễn ra, vậy là tôi được đặt vào ghế Thứ trưởng”.

Nghe thắc mắc của tôi, rằng “sao ông không nghĩ mình lọt vào con mắt xanh của các cấp lãnh đạo nhờ năng lực chuyên môn vượt trội”. Ông cười xòa, “Lẽ đời đâu giản dị như vậy, nếu có quá nhiều ứng viên thì yếu tố quyết định chưa chắc là năng lực. Mà hiện nay cũng chẳng thấy thang bậc giá trị nào để đánh giá thực lực. Khuôn mẫu giá trị con người hiện nay cũng chỉ là hình thức. Tuổi tác hay chức danh khoa học chẳng ăn nhập gì với năng lực thực. Đúng là học hàm, học vị của tôi cũng đã ở tột đỉnh, cũng chỉ để chứng minh kết quả của một số kỳ thi, khả năng biện bạch trước một số hội đồng. Dùng chứng cứ này làm thang bậc giá trị để đánh giá năng lực thực của một con người thì chẳng chính xác, nhất là khi thật giả lẫn lộn càng chẳng biết đâu mà lần nữa. Năng lực thực nằm ở nội dung mà ta vẫn chưa gọi được tên thật”.


Thứ trưởng trong một chuyến đi khảo sát đất đai trên thực địa

Một quan chức lãng mạn và lạc quan

Đám cưới của GS Đặng Hùng Võ với nghệ sĩ đàn dân tộc Nguyễn Hồng Ánh vừa diễn ra tháng 3/2011 đã khiến không ít người trong giới nghệ thuật lẫn chính trị, khoa học bất ngờ. Người ta tò mò, khi một người đàn ông tuổi xế chiều “đi bước nữa”, với người vợ chỉ bằng phân nửa tuổi ông.

Người phụ nữ đẹp đã quyết định gắn bó đời mình với ông từng sẻ chia với báo giới trong niềm hạnh phúc dâng trào. “Cũng có một vài lời xì xào, bàn tán khi thấy chúng tôi đi cạnh nhau. Chồng tôi cũng hỏi, em có ngại khi đi cạnh anh bởi anh đứng chỉ đến vai em thôi? Câu trả lời của tôi là, dù anh có đi chân đất thì anh vẫn cao hơn em một cái đầu và em rất hãnh diện khi sánh bước bên anh. Cũng có bạn bè bày tỏ nỗi lo lắng về sự chênh lệnh tuổi tác khá lớn giữa hai chúng tôi. Nhưng nếu nhắm mắt lại và nói chuyện với chồng thì tôi không hề nghĩ anh ấy đã ở tuổi ngoại lục tuần. Tôi luôn nghĩ mình đang chuyện trò với một người bạn, một người đồng lứa, một người có nhiều điểm tương đồng”.

Còn ông quan điền thổ ngày nào thì tâm sự giản dị. “Cái ngày tôi gặp Hồng Ánh cũng rất  tình cờ và giản dị như có số mệnh sắp bày. Tôi là người rất thích nhạc cổ điển và nhạc dân gian. Một trong những điều khiến Hồng Ánh hấp dẫn tôi là chơi nhạc rất có hồn, trên cả nhạc cụ dân tộc lẫn đàn dương cầm. Rồi thời gian cho thấy sự tương đồng về tính cách, cách nhìn nhận vấn đề. Vào một ngày đẹp trời, cả hai cùng nhận ra rằng đã đến lúc không thể mỗi người mỗi nơi được nữa, vậy là quyết định thành hôn”.

Ông tự nhận, “tôi là người rất lãng mạn và luôn lạc quan. Cái bản chất đầy lãng tử ấy không hề thay đổi theo tuổi tác. Câu nói "không sợ con người già mà chỉ sợ trái tim già" là vô cùng chính xác”.

Bởi lãng mạn nên ít ai biết GS Đặng Hùng Võ thường chọn đọc sách văn học, chơi đàn, làm thơ hoặc vẽ tranh để thư giãn trong những giây phút rảnh rỗi hiếm hoi. Ông bảo, “thời sinh viên, tôi chơi những bản nhạc semi – classic trên cây đàn guitar gỗ khá hay, giờ ít văn ôn võ luyện nên ngón đàn rất tiếc là ngày càng cùn dần”. Hỏi ông học đàn ở đâu, ông cười, “ngoài những kiến thức do trường đại học cung cấp, mọi kỹ năng mà tôi có hiện tại, đều do tự học mà nên. Tự mày mò chơi nhạc, vẽ tranh, làm thơ. Tự update vi tính, tự làm giàu vốn tiếng Nga, tiếng Anh. Trong đó, với ngôn ngữ sau, tôi tự học theo đúng nghĩa đen, không một giờ lên lớp, không có thầy, từ chỗ không biết gì đạt đến trình độ có thể viết sách bằng tiếng Anh”.  

Người mới gặp lần đầu thường rất khó đoán được tuổi thật của vị giáo sư. Bởi không chỉ sở hữu giọng cười sảng khoái cùng cách nói chuyện dí dỏm, thông tuệ, ông còn có gương mặt… rất trẻ.  Bí quyết của ông, có lẽ nằm chính ở phong cách sống lạc quan. “Tôi không có khái niệm tuyệt vọng, chịu khó tư duy là sẽ tìm ra giải pháp. Tôi luôn cười, vì nghĩ rằng không nên để nỗi buồn xâm chiếm tư duy. Cần biết cách chấp nhận và hài lòng với những gì mình có và cả  những gì mình đã mất. Cái đã mất là cơ hội để bắt đầu phát triển cái tốt hơn. Đến khi lực bất tòng tâm thì cũng không nên để tâm tồn tại nữa! Còn sống là còn làm việc. Khi làm được điều gì có ích cho ai đó thì chính mình đã có được một niềm vui”.

Thứ trưởng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh

Và một ông quan “khác người”

Xấp xỉ dăm năm làm Thứ trưởng, ông cũng đã làm được khá nhiều điều ích nước lợi dân, đủ để có thể tự hào nhìn lại mà không gợn chút xấu hổ hay hối hận. Cũng ông, nói duy nhất không ngoa, là người dám mạnh miệng khẳng định một số nguyên tắc sống bất di bất dịch. “Tôi là người không thể mua được bằng tiền” hay “tôi chẳng bao giờ nhận đồng tiền mà mình không bỏ công sức lao động để làm ra, cũng không bao giờ đánh cắp sức lao động của người khác”. “Làm lãnh đạo thì không bao giờ tơ hào lợi ích từ khu vực mình được giao quản lý” hay “tôi cố gắng hết mình để không phụ thuộc vào đồng tiền, bởi mọi sự phụ thuộc đều khiến con người hèn kém đi”…

Cũng ông, một ông quan “khác người” đã từ chối mọi sự phân phối trong suốt thời bao cấp, lắc đầu với cả một suất đất phân cho lãnh đạo vì mình đã mua được nhà từ tiền tích cóp của bản thân. Cũng ông, một chữ ký đồng nghĩa với rất nhiều tiền nhưng dám ngẩng cao đầu tuyên bố trước cả công luận rằng chưa bao giờ nhận một khoản tiền “bôi trơn”, “hoa hồng”, “cảm ơn” của bất cứ ai. Và cũng chỉ có ông dám công khai “Lúc đương vị, lương tháng được khoảng 5 triệu đồng, họp hành cũng được thêm khoảng 2 triệu nữa. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia đào tạo ở các trường đại học, tôi  cũng có thêm khoảng 100 triệu mỗi năm. Khi về hưu, trong tay cóp nhặt được chưa đầy một tỷ, tôi dùng để mua cái xe ô tô hiện tại đang đi. Sau khi nghỉ chế độ, tiền làm ra của tôi lại cao hơn rất nhiều, mỗi năm khoảng 800 triệu, sau khi đã trừ thuế thu nhập cá nhân”.

Vui miệng, ông bảo, “người ta hay nghĩ làm Thứ trưởng như tôi, chỉ cần một chữ ký phê duyệt dự án đất đai là bỏ túi cả đống tiền dễ như bỡn. Nhưng khi tôi làm Thứ trưởng thì Luật Đất đai lại phân hết các quyền quyết định  xuống cấp tỉnh, Bộ chỉ còn việc xây dựng luật pháp và kiểm tra việc thực thi luật pháp ở địa phương. Nói vậy chứ ở vị trí Thứ trưởng vẫn có "cửa" để "ăn tiền". Đó là việc can thiệp vào các vụ, việc đòi lại quyền sử dụng đất mà các địa phương đang áp dụng sai pháp luật để không muốn trả lại. Người muốn đòi mà đòi được thì sẽ có một tài sản rất lớn. Theo "tục lệ bất thành văn", có "cưa đôi" hay "chặt tư" phần tài sản sẽ đòi được cho các phía tham gia thì mọi sự mới trơn tru, nhanh gọn. Việc can thiệp như vậy cũng thuộc nhiệm vụ hướng dẫn thi hành pháp luật. Những vụ này họ đưa tới nhiều tiền. Chẳng ai sinh ra đã là Thánh, đã có thể bình tĩnh không xao xuyến trước cả xấp tiền dày. Như nhà thơ Tố Hữu đã từng băn khoăn: “ăn đi vài con cá/dăm bảy cái chột nưa/có ai biết ai ngờ/thế vẫn toàn danh dự” (cười). Cũng may, nhờ từng trải qua hành trình gian nan tiếp cận với đồng tiền, tôi đã hình thành một ý thức rất mạch lạc về tiền. Rằng, hãy tránh xa những đồng tiền không phải do sức lao động của mình làm ra. Chúng có sức tàn phá cực lớn, có thể hủy hoại  được nhân cách của con người".        

Tôi biết khi nghe những gì ông nói, người tán thưởng, cảm động không ít mà người tỏ ý nghi ngờ tính xác thực cũng nhiều. Bởi đứng trước quốc nạn tham nhũng đang hoành hành, cái nhìn mặc định của xã hội về giới quan chức hiện nay không mấy thiện cảm, cảnh “con sâu làm rầu nồi canh” đã trở thành "nồi canh toàn sâu". Quyền và tiền luôn đi đôi như hình với bóng, quan chức tuyệt đối nói “không” với thứ ma lực khó cưỡng này xem ra rất khó tin. Ông cười nhẹ, “tôi phải làm được thì mới dám nói. Bởi rất nhiều người đã cần tới tôi giúp đòi lại nhà đất, chỉ cần có một trong số họ đứng ra nói rằng đã từng hối lộ ông Võ thì mọi thứ mà tôi một đời nâng niu sẽ đổ hết ra sông xuống biển. Dính chuyện hối lộ, đời sau người ta nói cho nhục lắm”.

Tôi từng đọc một comment chia sẻ cảm xúc trên một tờ báo điện tử của độc giả Lê Minh. Theo cảm nhận của riêng tôi, nó thật chính xác. «Tôi không nhìn ông ở góc độ một người cao thượng hay bóng dáng một vĩ nhân. Tôi nhìn ông như một con người bình thường, muốn sống và cống hiến cho cuộc đời này theo cách mà bản thân mình thoải mái, thanh thản nhất. Đó là điều mà nhiều người trong chúng ta lại thiếu. Sống nhiệt tình, thẳng thắn mà vẫn được mọi người coi trọng, vẫn thừa hưởng những vật chất mà mình đáng có, vẫn có được địa vị xứng tầm trong xã hội, ông thật hạnh phúc”.

Còn với một độc giả có nickname nguyen_lucky, “tôi rất tin bởi những điều ông nói không ghê gớm nhưng là sự đúc kết, trải nghiệm gần cả một đời người. Tôi tin ông vì ông nói giản đơn, không hoa mỹ về những điều rất khó thực hiện được đối với phần đông trong chúng ta. Cảm ơn ông - Đặng Hùng Võ, vì ít nhất nhờ ông, tôi nhận ra vẫn còn đó niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp này”.

Đọc những lời tâm sự này, chẳng biết ông có vui? Bởi cái được - sau cả một đời gắng gỏi làm việc, cống hiến tận tâm, giữ mình trong sạch - lắm khi cũng chỉ giản dị có vậy.   

 

Vài nét về GS Đặng Hùng Võ

Sinh năm 1946, hiện vị giáo sư 65 tuổi là Chủ nhiệm bộ môn Địa chính -  Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông cũng đảm nhiệm vai trò cố vấn cao cấp cho Tổng cục Quản lý đất đai, cũng như tư vấn độc lập cho nhiều tổ chức phát triển quốc tế. Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về chính sách đất đai, kinh tế bất động sản, hạ tầng thông tin địa lý.

Từng tốt nghiệp khoa Toán Đại học Tổng hợp HN, năm 1984, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Warsaw (Vacsava), Ba Lan. Năm 1988, nhận học vị tiến sĩ khoa học tại Học viện Mỏ - Luyện kim Krakow. Năm 1992, ông được phong học hàm Giáo sư. Năm 2005, ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ cho đề tài ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu vào Việt Nam và công trình xây dựng hệ quy chiếu tọa độ quốc gia VN-2000. Cùng năm, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ông đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từ 2002 đến 2007.

   Bài: Hồ Huyền Nga

   Ảnh: Nguyễn Đình Toán


Bình luận
vtcnews.vn