Tiến sĩ Thái Minh Tần: Người “khát” học

Tổng hợpThứ Bảy, 04/06/2011 05:39:00 +07:00

Quyết tâm học thật giỏi để thoát nghèo đã giúp cho Tiến sĩ Thái Minh Tần có nhiều nghiên cứu khoa học tìm hướng đi cho ngành Truyền hình nước nhà...

Miền Trung! Dường như “ Cái đặc sản mà người dân nơi đây thường xuyên gánh chịu là chiến tranh, bão lụt và thiên tai !”… Nhưng từ những khó khăn khắc nghiệt đó đã hun đúc nên tính cách con người, hun đúc nên truyền thống hiếu học lâu đời trên mảnh đất này. Đó không thể là sự may rủi, càng không thể là sự cam chịu số phận, mà phải là một nghị lực phi thường. Và chúng tôi cũng đang muốn nói tới một người con sinh ra trên dải đất miền Trung đầy nắng gió này. Ông là Tiến sĩ Thái Minh Tần.

 Năm 2006, tôi phụ trách và thực hiện chương trình CHUYỆN DOANH NHÂN mỗi tuần một số phát sóng 30 phút vào tối thứ Tư hàng tuần trên VTC1, chương trình đề cập đến các doanh nhân tiêu biểu, thành đạt của Việt Nam. Lúc đó tôi cứ trăn trở một điều: từng viết và thực hiện nhiều chương trình về doanh nhân, vậy mà một doanh nhân tôi thường xuyên gặp và cảm phục, một con người có tâm, có tầm và có tài, người đã nghiên cứu và thực hiện thành công cuộc “cách mạng số” truyền hình Việt Nam để có được sự ra đời của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC ngày hôm nay, tôi vẫn chưa có dịp được thực hiện. Đó là tiến sĩ Thái Minh Tần – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC.

Nhiều lần đặt vấn đề ông cười và nói: Chương trình CHUYỆN DOANH NHÂN của Đài cố gằng tìm được các doanh nhân giỏi, thành đạt của nước mình thực hiện và tôn vinh họ để xã hội biết đến, khơi dậy lòng đam mê kinh doanh và khát vọng làm giàu của lớp trẻ hôm nay. Còn làm chương trình về mình thì xin để thư thư đã…Thời gian trôi thật nhanh, thấm thoát đã 5 năm kể từ ngày tôi mời ông tham gia chương trình. Cho đến ngày hôm nay sau nhiều lần thuyết phục ông mới nhận lời để tôi thực hiện chương trình về ông. Tiếp tôi tại phòng làm việc vào một buổi trưa hè oi bức, nhưng giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, điềm tĩnh của ông khi kể về chuyện đời, chuyện nghề đã thực sự cuốn hút tôi. Ông kín đáo và cũng rất khiêm tốn khi nói về mình, về Tổng công ty và những dự án ông đã thành công.

Cũng giống như nhiều người khác, cuộc đời của tiến sĩ Thái Minh Tần đã trải qua nhiều thử thách cam go, vượt qua thiếu thốn về vật chất, bỏ lại phía sau sự đói nghèo, dành hết đam mê và trí tuệ để cống hiến cho ngành truyền hình mà ông cho rằng đó là cơ duyên của ông để có sự thành công như hôm nay. Dường như ông chả có mấy thời gian ngơi nghỉ, chỉ thấy ở ông lúc nào cũng cháy bỏng đam mê học tập, nghiên cứu miệt mài với những ý tưởng mới.

Tiến sĩ Thái Minh Tần và con trai

Muốn thoát nghèo phải học thật giỏi

Ông sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, vùng quê ấy chính là xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, là một vùng quê nghèo, nhưng bù lại người dân nơi đây hiếu học và giàu lòng yêu nước. Là con trai cả trong gia đình có 12 anh em. Tuổi thơ của ông là những ngày vất vả lam lũ cùng gia đình với nhiều bữa đói cơm.Việc chạy đủ ăn cho 12 người con là bao nhọc nhằn, vất vả trĩu nặng trên đôi vai gầy của mẹ. 7 tuổi ông đã  theo mẹ ra đồng. Đó là những buổi nắng chang chang mò cua, bắt ốc, hái rau dại giúp gia đình có miếng ăn để sống và để học. Khó khăn là vậy nhưng cha vẫn thường dạy rằng: “Con phải học, học để nên người, học để thoát nghèo”.

Cái nghèo và nỗi cơ cực của gia đình và quê hương dường như đã quyện chặt với ông suốt năm tháng tuổi thơ. Mặc dù khó khăn thiếu thốn đủ bề, song ông vẫn miệt mài bên đèn sách. Hàng ngày từ nhà đến trường ông phải đi bộ gần 10 cây số. Nhiều lúc bụng đói lả, học hành vất vả nhưng ông vẫn cố gắng vượt qua.

Nhớ lại những ngày nghèo khó ấy, người mẹ hiền của ông, năm nay đã 85 tuổi, cụ Lê Thị Cưu tâm sự: “Sinh con thì phải nuôi, tôi đâu quản khó nhọc, chỉ mong kiếm được một đồng để có gạo về cho con ăn. Hồi đó, anh Tần cứ một buổi đi học một buổi về đi cày, bắt cá ngoài ruộng. Cha mẹ nghèo, anh em thì đông, mà vượt khó để đến nay được như thế này, tôi cũng phấn khởi”. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự túng thiếu về vật chất đã rèn giũa cho ông cũng như bạn bè cùng trang lứa ở vùng quê lam lũ hiểu rằng muốn thoát được nghèo đói, muốn giúp được bản thân gia đình và quê hương thì chỉ có một cách duy nhất là vươn lên trong học tập.

Chúng tôi đã về thăm lại ngôi trường cấp 3 Lê Hồng Phong ngày ấy mà giờ đây là trường THPT Lê Hồng Phong, nơi mà cách đây 46 năm, từng ghi dấu năm tháng gian khổ nhưng đầy quyết tâm nghị lực của người học trò xứ Nghệ này. Thời gian trôi qua, mái trường xưa cũng có nhiều đổi thay, nhiều thế hệ học trò đã nối tiếp ra trường nhưng với thầy Lê Văn Điều giáo viên chủ nhiệm lớp 8C ngày ấy vẫn còn nhớ rõ về hình ảnh người học trò Thái Minh Tần của mình với bao kỷ niệm. Với sự nhạy cảm của người thầy ông đã sớm phát hiện khả năng đặc biệt về học toán của cậu học trò này. Trong số 200 học trò của khóa đó, ông đã cử Thái Minh Tần đi thi vào lớp chuyên. Và kết quả không phụ lòng tin tưởng của ông: Cậu trò Thái Minh Tần đã đỗ vào lớp chuyên toán đặc biệt của tỉnh. Thầy kể với chúng tôi ấn tượng về người học trò ngày ấy: “Nhà Tần  rất nghèo lại đông con. Thế hệ chúng tôi hồi ấy là dạy thực sự, học thực sự. Nhà Tần hồi đó nghèo thật nhưng cậu họctrò này chưa bao giờ vắng một buổi học nào. Cậu là một học trò nghiêm túc, từ nét chữ, cách lắng nghe, ứng xử với  bạn bè, thầy cô giáo. Là con người biết nghĩ, có tình có nghĩa, mong là Thái Minh Tần sẽ tiếp tục mang đến cho đời, cho đất nước những thành quả lớn lao hơn nữa”.

Nói đến khả năng học toán của ông, chúng tôi không thể không tìm đến lớp toán đặc biệt cũng có tên là lớp 8C của trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Lớp có 37 học sinh giỏi toán được tuyển chọn từ các trường trong tỉnh do thầy Phạm San làm chủ nhiệm. Đây là lớp chuyên đầu tiên của tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ. Lớp 8C ăn ở tập thể và học tập trong hoàn cảnh hết sức khó khăn khi mà cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra khốc liệt, bom đạn đe dọa hàng ngày. Có lần bom thả xuống trúng trường một vài người bạn trong lớp đã không còn nữa. Có lẽ những mất mát đau thương ấy  đã thôi thúc những cô cậu học trò trong lớp toán đặc biệt này vượt qua khó khăn vươn lên để học tập. Nhớ lại những năm tháng làm chủ nhiệm lớp, thầy Phạm San vẫn còn đầy ắp những kỷ niệm về người học trò cũ của mình.

«Tôi là chủ nhiệm lớp chuyên toán 8C trong đó có anh Thái Minh Tần. Lớp này tuy là chuyên toán nhưng học rất đều các môn nên cuối năm bình xét học sinh giỏi tỉ lệ khá cao. Anh Tần là một trong những học sinh xuất sắc của lớp. Cuộc sống khi đó rất khó khăn và anh Tần là một trong những học sinh tích cực nhất cùng các bạn trong lớp 8C ngày ấy đồng cam cộng khổ để đưa tập thể lớp trở thành lớp tiên tiến xuất sắc».

 Vượt qua gian khổ, vượt qua cái đói, bóp bụng lại mà học. Ý chí, quyết tâm vượt nghèo bằng học tập của ông cuối cùng cũng được đền đáp, khi lần lượt đạt được những thành tích học tập cao. Năm 1968, ông là một trong số những sinh viên ưu tú được cử sang CHDC Đức học, nhưng do một số lý do khách quan từ phía nước ngoài nên ông không đi du học nữa và ở lại trong nước làm sinh viên khoa Vô tuyến điện trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Suốt những năm tháng thời sinh viên ông là cậu học trò thông minh ham học hỏi, giàu sáng tạo. Năm 1972, khi đang học năm thứ tư Đại học, ông rời ghế giảng đường đi chiến đấu, rồi được phân công công tác tại sư đoàn tên lửa bảo vệ Thủ đô, tham gia trận chiến 12 ngày đêm lịch sử . Xuất ngũ, tháng 9/1975, ông học tiếp 2 năm và tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc. Rời giảng đường, với hành trang đầy ắp nghị lực tuổi trẻ và khát vọng, ông về làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam.

 

Người số hóa truyền hình Việt Nam

Những năm gắn bó công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam đã cho ông những kinh nghiệm quý báu về lĩnh vực công nghệ truyền hình. Ông  nắm bắt được xu hướng phát triển của lĩnh vực này, khi đó thị trường Việt Nam đang rất thịnh hành phát sóng truyền hình theo chuẩn analog, ông đã nhìn thấy trước cần phải có một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực truyền hình, cuộc cách mạng số. Ông cho rằng sự phát triển của truyền thông phụ thuộc vào công  nghệ số hóa. Trong các lĩnh vực truyền thông, truyền hình sẽ đứng đầu và ông đã dành thời gian tìm hiểu về công nghệ này. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, năm 2001 đơn vị do ông phụ trách đã được Nhà nước cho phép thực hiện đề tài cấp Nhà nước về truyền hình số tại VN

Bắt đầu nhận dự án là những chuyến công tác xa ông cùng các cộng sự đến các nước có công nghệ truyền hình số phát triển để tìm tiếp tục tìm hiểu như: Anh, Mỹ, Đức... Không biết bao đêm ông đã mất ăn, mất ngủ, trăn trở với dự án để mau biến nó thành hiện thực. Ông cho rằng: Để dự án thành công, ngoài công nghệ còn phải có sự đầu tư rất lớn về vốn và sự thay đổi nhận thức, thói quen của của cộng đồng. Phải mất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đơn vị ông mới được cấp trên cho thử nghiệm truyền hình kỹ thuật số. Ban đầu, Nhà nước chỉ cho phép tiếp phát lại nội dung của VTV. Nhưng với quyết tâm cao đổi mới, số hóa các khâu trong truyền hình, dần dần ông đã chứng minh được năng lực về truyền hình số: Chuyển đổi máy phát tín hiệu analog sang máy phát số và chế tạo bộ chuyển đổi (Settop-Box) cho phép thu truyền hình số bằng TV thông thường. Điều này đã khẳng định một giải pháp đột phá về công nghệ, mang lại nhiều lợi ích xã hội và kinh tế.

 Sự phát triển đột phá của Truyền hình kỹ thuật số VTC đã tạo ra nhiều ý nghĩa to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội cho đất nước: tiết kiệm tài nguyên tần số quốc gia, phủ sóng truyền hình đến tận vùng sâu, vùng xa, từ biên giới đến hải đảo, đưa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến mọi người dân, phục vụ tốt đời sống văn hóa, tinh thần cho mọi đồng bào trên cả nước.  Hiện VTC đang cung cấp tới 100 kênh truyền hình, với 30 kênh SD VÀ 70 kênh độ nét cao HDTV, Truyền hình 3D, với đa phương thức truyền dẫn như: kỹ thuật số mặt đất, phát sóng qua vệ tinh Vinasat 1, Asiasat 5; phát thanh truyền hình Internet, truyền hình cáp, truyền hình di động, truyền hình IPTV. Đài truyền hình VTC sau khi ra đời đã làm thay đổi nhận thức của người xem truyền hình và trở thành Đài cung cấp số lượng kênh lớn nhất Việt Nam.

Hiện, đề tài: “Công trình ứng dụng công nghệ DVB-T, triển khai mạng truyền hình số mặt đất ở Việt Nam” do ông và các cộng sự nghiên cứu  và triển khai thành công trong thời gian qua đang được Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Những đóng góp to lớn của ông trong suốt những năm qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Năm 2006 Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tiến sĩ Thái Minh Tần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2010, ông vinh dự được nhận Cúp Thánh Gióng  do văn phòng công nghiệp Việt Nam VCCI trao tặng cho 100 doanh nhân xuất sắc của Việt Nam.

 Tiến sĩ Thái Minh Tần nhận bằng Giáo sư thỉnh giảng của ĐH Glyndwr
Một tâm hồn nhân văn

Bao năm qua đi, nhưng ông vẫn vậy: chất phác và giản dị. Vẫn đắm say với những khúc hát dân ca, những điệu đò đưa ví dặm. Cuộc trò chuyện của ông và tôi bị ngắt quãng bởi tiếng chuông điện thoại. Một người bạn mời ông đi chơi cờ. Từ lâu rồi tôi đã được nghe nhiều người kể về ông là một người chơi cờ rất giỏi nhưng cũng chưa có dịp được xem ông chơi. Phố Lê Phụng Hiểu chiều nào cũng vậy, ông đến đây chơi cờ cùng những người bạn sau giờ làm việc. Những lúc này trông ông thật giản dị và gần gũi. Chơi cờ tướng là cách giải trí ông yêu thích. Những thế cờ hay, những nước cờ táo bạo, quyết đoán đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của ông trên thương trường hôm nay. Ông luôn tâm đắc câu thơ mà mỗi khi chơi cờ thường ngâm:

 Lạc nước hai xe đành bỏ phí

Gặp thời một tốt cũng thành công

Hai câu thơ ấy thật ý nghĩa đối với ông. Ông cho rằng thượng đế đều ban cho tất cả mọi người cơ hội, nhưng ai biết nắm bắt cơ hội thì người đó sẽ thành công. Và ông là người như vậy, luôn nắm bắt được cơ hội và đi trước đón đầu.

Hơn 40 năm ông đến với Thủ đô để lập nghiệp, với một ý chí và quyết tâm lớn: Học thật giỏi để thoát nghèo. Ông đã làm việc và không ngừng học hỏi để có được thành công như hôm nay, người số hóa truyền hình Việt Nam và sáng lập ra Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

Mải chăm chú vào những thế cờ ông đi tôi không để ý đến thời gian. Những tia nắng đầu hè đã khuất dần sau những con phố. Dưới ánh điện lung linh buổi tối, tôi thấy ông thật hiền và đôn hậu. Vầng trán cao thông minh và đôi mắt sáng toát lên phong thái của một doanh nhân đầy bản lĩnh trên thương trường. Tôi hỏi ông: Điều gì hiện nay khiến ông trăn trở nhất? Ông tâm sự: mong ước lớn nhất và trăn trở nhất của tôi bây giờ là đưa Tổng công ty lên Tập đoàn để ngày một phát triển hơn nữa.

Tiến sĩ Thái Minh Tần là người như thế. Mặc dù nhiều điều đang còn ở phía trước, nhưng sự quyết tâm bởi ý chí lớn sẽ chắp nối những ước mơ của ông thành hiện thực.

 Quyết tâm học thật giỏi để thoát nghèo đã giúp cho Tiến sĩ Thái Minh Tần có nhiều nghiên cứu khoa học tìm hướng đi cho ngành Truyền hình nước nhà. Ông đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý do Nhà nước Việt Nam trao tặng. Và tối ngày 30/5/2011, tại trường quay S4, Đài Truyền hình KTS VTC, một lần nữa ông lại vinh dự được nhận danh hiệu Giáo sư thỉnh giảng do Đại học Tổng hợp Glyndwr (Anh quốc) trao tặng, cho công việc và những đóng góp xuất sắc của ông trong lĩnh vực Truyền thông đa phương tiện và phát triển giáo dục xứng đáng được trân trọng bởi cộng đồng học giả. Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Thái Minh Tần xúc động chia sẻ: Tôi tin tưởng rằng danh hiệu này không chỉ dành cho cá nhân tôi mà còn là sự ghi nhận những đóng góp cống hiến lớn lao của toàn bộ CBNV Tổng công ty VTC vì những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển nghành công nghiệp Truyền thông đa phương tiện, phát triển lĩnh vực giáo dục, phát triển con người tại Việt Nam.

Trần Hoài Thu - Ảnh: Hồ Quang
Bình luận
vtcnews.vn