Người Việt thích “tiến hàng ngang” và “lượn lờ đa dạng”

Tổng hợpThứ Năm, 26/05/2011 09:51:00 +07:00

Ngẫm lại thấy người Việt mình nhiều cái hay, vô cùng hay. Nhưng cũng nhiều cái dở, vô cùng dở. Những cái hay, cái dở ấy nó có ở tất cả mọi người,...

Đúng như người ta nói, Tô Đức Chiêu là một người ít dáng dấp văn nghệ sĩ nhất. Ông cao lớn, đi lại mạnh bạo, không trịnh trọng, không lôi thôi và cũng không hề chải chuốt khi nói về những cái xấu xí của người Việt, trong đó có chính mình…

 

 

Người Việt phải học xếp hàng…

Người ta đang nói rất nhiều đến những cuốn sách như: Người Trung Quốc xấu xí, Người Mỹ xấu xí, Người Nhật Bản xấu xí… Tôi đoán, chắc ông cũng từng nghe đến…

Tôi đã đọc cuốn “Người Trung Quốc xấu xí và cuộc khủng hoảng văn hóa Trung Quốc” của Bá Dương, ông ấy nói nhiều điều rất hay! Tôi là người nặng về tư duy những vấn đề xã hội nên sau khi đọc xong cuốn sách ấy bị tác động mạnh, cảm thấy trăn trở và suy nghĩ.

Ngẫm lại thấy người Việt mình nhiều cái hay, vô cùng hay. Nhưng cũng nhiều cái dở, vô cùng dở. Những cái hay, cái dở ấy nó có ở tất cả mọi người, kể cả chính bản thân tôi cũng vậy. Nó thể hiện trong nhiều mảng, nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh của cuộc sống.

Ví dụ như…?

Tôi không nhớ chính xác nữa, nhưng tôi từng đọc một bài về xếp hàng ở Mỹ in trên báo Văn nghệ từ lâu lắm rồi. Khi đó tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Thường nói tới xếp hàng là mình hay nghĩ tới thời bao cấp, lạc hậu và khốn khó: xếp hàng mua tem phiếu, mua thịt, mua gạo… Thế mà ở một nước hiện đại như Mỹ, tại sao họ cũng phải xếp hàng? Nhưng sau đó tôi thấy xếp hàng ở Mỹ là một sự văn minh, một sự tiến bộ mà chúng ta cần phải học tập.

Ông vừa nói chúng ta từng xếp hàng và chuyện xếp hàng đó khiến người ta nghĩ đến cái thời bao cấp khốn khó. Vậy sao bây giờ lại phải học tập chuyện xếp hàng?

Người Việt ta có một tư tưởng vừa hay nhưng cũng vừa dở là: cái gì cũng muốn tiến hàng ngang. Tiến hàng ngang là một khẩu hiệu rất đẹp, rất chuẩn trong thời chiến tranh. Tôi đã từng là lính ở chiến trường, khẩu lệnh “xung phong” hô lên là tất cả mọi người đều phải dàn hàng ngang mà tiến, không ai chậm hơn ai, không thể người tiến, người lùi, phải cùng đồng lòng xông lên mà chiến đấu. Như thế hồi ấy, dàn hàng ngang là tuyệt vời. Nhưng đến bây giờ mà vẫn dàn hàng ngang thì lại quá dở.

Cứ nhìn người ta tham gia giao thông mà xem. Thấy ông kia đi nhanh mình cũng phải đi nhanh, chẳng ai nhường ai. Đường đèn đỏ được phép rẽ phải, nhưng vì tư tưởng hàng ngang nên họ cũng phải cố nhen lên cho bằng người đứng trước đến nỗi chắn hết cả lối đi. Thế là một loạt người đáng lẽ được rẽ phải thì lại phải đứng sau đợi, tắc hết cả đường. Cái thói dàn hàng ngang khiến người ta cản trở nhau, kéo nhau xuống. Nó giống như chậu cáy, cứ con nào lóc ngóc bò lên là bị những con khác lôi xuống, cuộn lấy nhau thành cả tảng, tiến cùng tiến, lùi cùng lùi. Khẩu hiệu một thời rất đẹp nhưng bây giờ là thành nguy hiểm. Mình nói đến xếp hàng là nghĩ đến thời bao cấp, nghĩ nó lạc hậu, nhưng đúng là bây giờ chúng ta cần phải học xếp hàng.

Tôi vẫn thấy người Việt ta chịu khó xếp hàng khi mua đồ khuyến mãi, mua vé xem đá bóng… đấy chứ? Thậm chí còn thông minh tới mức biết dùng mấy viên gạch đứng chỗ thay mình cho đỡ mỏi nữa cơ…

Cái đấy chính là cái khác biệt của chúng ta so với những nước tiến bộ, là cái chúng ta phải học tập họ đấy! Ở nước Mỹ chẳng hạn, họ xếp hàng không giống mình. Họ không đặt mấy viên gạch để xúy chỗ, tranh chỗ hay mua chỗ. Họ trật tự và có kỉ luật. Ai đến trước đứng trước.

Tôi còn nhớ ngày tôi và cô Mỹ Dạ tới lãnh sự Mỹ để phỏng vấn lấy Visa. Chỉ có hai người nhưng họ cũng yêu cầu chúng tôi phải xếp hàng. Người Việt mình vẫn có tư tưởng đứng cùng nhau cho vui, tôi nói nhường cô Mỹ Dạ lấy trước và đứng bên cạnh cô đợi lấy sau. Nhưng cô nhân viên ở đó một mực yêu cầu: “Xin mời Ngài xếp hàng. Nếu ngài nhường cho bà đây thì xin mời đứng sau”. Họ xếp hàng để thể hiện sự công bằng. Dù có đứng sau nhưng họ luôn tin rằng sẽ đến lượt mình và không hề ganh tị với người đứng trước.

Ông nghĩ vì sao người Việt ta lại có tư tưởng dàn hàng ngang như thế?

Nó thuộc về bản sắc. Bản sắc của một nền văn minh lúa nước, từ đời ông cha mình đã như thế. Nó được lưu truyền lại. Tuy nhiên, như tôi đã nói, dàn hàng ngang là truyền thống tốt của ông cha ta trong thời chiến tranh nhưng ở môi trường này nó đã không còn phù hợp nữa.

Cũng một phần là bản chất người Việt ta từ xưa là “con gà tức nhau tiếng gáy”. Ông xây cái nhà to thì tôi phải xây được cái nhà to hơn dù thu nhập của tôi có không tốt đi chăng nữa. Người Việt ta thích bon chen, ganh tị, không muốn để ai đi trước mình.

Xã hội bây giờ phải có người tiến, người lùi, người đi chậm, người đi nhanh, ai có khả năng thế nào thì đi như thế ấy, có vậy mới phát triển, mới đi lên được.

Cái xấu nhất là không dám nói lên cái xấu của mình

Chúng ta có nên viết một cuốn sách kiểu như “Người Việt xấu xí” chẳng hạn?

Nên quá đi chứ! Bản chất của người Việt mình đúng như cố Giáo sư Trần Quốc Vượng nói là “Lượn lờ và đa dạng”. Nó là cái xấu nhất, chi phối tất cả tính cách và cách ứng xử của người Việt, tạo ra sự trì trệ của xã hội.

Tôi nhớ để nói về bản chất của người Việt, ông Vượng đã khái quát từ cái mênh mông bể sở thế nào là người Mỹ, thế nào là người Nhật, để rồi cuối cùng nói lên thế nào là người Việt. Ông dẫn chứng người Mỹ là “lối sống Mỹ”, tức là bất cứ người thuộc dân tộc nào, da đen, da trắng hay da màu… anh sống theo kiểu người Mỹ tức là người Mỹ. Người Nhật là “tái tạo”. Cái quạt điện do người Tàu chế tạo, nhưng khi vào tay người Nhật họ tái tạo lại nó, làm cho nó trở thành một cái quạt khác hẳn cả về kiểu dáng, chất lượng… mà người Tàu không bao giờ làm được như thế.  Còn người Việt, đặc biệt là người miền Bắc là “lượn lờ và đa dạng”, biểu hiện mênh mông bể sở khiến người ngoài cảm thấy vô cùng khó hiểu. Ví dụ như trong một cuộc hội nghị, ông lãnh đạo phát biểu, những người tham dự đều vỗ tay ủng hộ hết dù trong lòng họ không đồng ý. Nếu có được hỏi thì họ cũng chỉ nói “cũng được đấy” cho dù họ không thấy được một chút nào. Người Việt ta không dám phản đối, bằng mặt mà không bằng lòng và thâm thù khiến người ta không biết thế nào mà lần, không biết cái gì là thật. Lượn lờ và đa dạng chính là ở chỗ ấy. Nó vô cùng nguy hiểm và gây kìm hãm xã hội.

Cho nên sự thẳng thắn quan trọng lắm. Mà sự thẳng thắn đầu tiên chính là dám nhìn nhận và nói ra cái xấu của mình.

Người Việt mình vẫn có câu “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, viết về những cái xấu xí của người Việt thì có khác nào “Vạch áo cho người xem lưng” đâu?

Quan điểm “Tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại” cũng là một cái xấu của người Việt đấy! Cái xấu ấy đến thời điểm này chúng ta nên phải bỏ đi. Theo tôi xấu cứ nói thẳng. Không thể cứ nói mình tốt trong khi rõ ràng mình xấu. Người Việt vô cùng nhiều cái vĩ đại nhưng cũng rất nhiều cái xấu. Cái xấu ấy nếu không nói ra nó sẽ chi phối, làm cho mình không còn thật là mình, kể cả trong gia đình, trong xã hội và đối với người ngoài.

“Tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại” là câu các cụ để lại, là bản sắc. Nhưng bản sắc thì vẫn phải tiếp thu tinh hoa của cái mới rọi vào, vẫn phải ngưỡng mộ cái tốt, học cái tốt.

Liệu chúng ta có đang nhìn nhận cái xấu của người Việt bằng con mắt của một bà mẹ chồng khắt khe?

Không! Người Việt mình nhìn lại mình hoàn toàn không khắt khe. Thậm chí chúng ta hay mắc bệnh tâng bốc. Con mình là đẹp nhất, ngoan nhất, tốt nhất. Cái lõi của tâng bốc là không dám nói thẳng. Và nó sẽ trở thành bản chất lượn lờ, đa dạng đúng như ông Vượng nói.

Sau khi cuốn “Người Mỹ xấu xí” xuất bản, lãnh đạo nước Mỹ đã không ngần ngại sử dụng cuốn sách này như một sách lược. Nhưng sau khi cuốn “Người Nhật xấu xí” xuất bản thì tác giả vốn là một quan chức đã ngay lập tức bị mất ghế. Phải chăng đây là sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây?

Có thể! Nó là sự khác biệt về văn hóa và khác biệt cả về văn minh. Báo Văn nghệ lâu rồi có đăng một bài rất hay về ông Nghị, nói đến Cử tri và Dân biểu ở Mỹ. Trong bữa tiệc, anh phục vụ chia cho mỗi suất ăn một miếng thịt. Có vị Dân biểu nọ muốn ăn hai miếng, ngỏ ý xin thêm một miếng nữa. Anh phục vụ từ chối và nói mỗi suất ăn chỉ có thế. Ông Dân biểu hỏi anh không nhớ tôi là Dân biểu của cái bang này sao? Anh phục vụ đáp lại từ tốn: “Thưa ngài, chính tôi là cử tri sẽ bầu ra ngài. Xin ngài hãy cứ dùng như những người khác”, và ông Dân biểu lập tức dừng lại ngay. Nhưng ở Việt Nam hay một nước nào đó thuộc phương Đông, rất có thể ông Dân biểu ấy sẽ được đáp ứng thêm một miếng thịt, thậm chí là hai, ba miếng thịt theo đúng như ông ấy yêu cầu. Đó là sự khác nhau.

Chúng ta vẫn hô nâng cao dân chủ. Nhưng cái bản chất lượn lờ và đa dạng, chất đa nghi, thâm thù của người Việt khó mà thay đổi được. Chính vì thế bây giờ chúng ta vẫn chưa sống thẳng thắn với nhau, chưa dám nói thẳng lên những quan điểm, ý kiến và suy nghĩ của mình.

Vì sao chúng ta lại không dám thẳng thắn…?

Có thể do dân tộc ta đã trải qua 30 năm chiến tranh, người dân phải hi sinh, phải chịu đựng gian khổ quá nhiều nên giờ ai cũng muốn cầu an. Muốn được yên thân, không động đến ai và cũng không muốn ai động đến mình.

Có một bài viết về Hội nhà văn có ba ý chính như thế này: các nhà văn già thì cầu an, các nhà văn trẻ thì cầu danh, còn hội nhà văn thì cầu đông. Ngẫm ra tôi thấy đúng là mình cũng muốn cầu an, muốn yên thân. Nhìn thấy những vấn đề bức xúc trong xã hội, nhưng chỉ biết rồi để đấy thôi chứ không dám nói ra, bởi nói ra là mất cái cầu an. Người Việt sợ bị trù dập, đó là một cái dở, một cái xấu xí.

Người Tây thì khác, họ tin nhau lắm. Một người đưa ra ý kiến phản đối, họ cũng sẵn sàng tiếp nhận nếu ý kiến đó đúng. Nhưng người Việt thì không. Ông sếp của một công ty mà bị nhân viên phản đối thì nhiều khả năng nhân viên đó nguy, dù ngoài mặt ông ta luôn khuyến khích “cứ mạnh dạn nói đi, đừng ngại”. Trong lòng ông ta dù có ghét người phản đối nhưng chưa chắc đã nói ra, giải thích cũng chưa chắc đã tin, thâm thù, đa nghi, bởi bản thân mình không thật sao biết người khác có thật hay không?

Ông nghĩ làm thế nào để thay đổi được điều đó?

Phải có một luật pháp nghiêm minh, những người đứng đầu luật pháp, những người sử dụng luật cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh. Cái này rất khó, lại đòi hỏi sự dàn hàng ngang, đồng tiến của xã hội.

Trường hợp này tôi nghĩ quá khó để dàn hàng ngang như ông nói. Chúng ta đang ở trong một cái vòng luẩn quẩn. Luật pháp nghiêm thì ý thức người dân lại kém. Mà người dân thì lúc nào cũng phản đối luật pháp chưa nghiêm…

Có lẽ để có tiếng nói chung thì lớn nhất vẫn là phải có kỉ cương xã hội. Phải có sự mở rộng dân chủ, biết lắng nghe và biết sửa sai.

Bây giờ ông có còn tư tưởng cầu an không?

Tôi nói rồi đấy. Đó là bản chất của người già. Tôi hơn 70 tuổi rồi cũng  không vượt ra khỏi được quy luật đó đâu.

Nghĩa là ông im lặng trước những cái xấu của người Việt?

Không hẳn. Nhưng tôi không còn muốn để ý đến những vấn đề mà mình không còn năng lực để tham gia, giải quyết. Một người có tiếng nói cần phải có cái tâm, trí tuệ, nhiệt huyết và sức lực. Tôi qua cái thời ấy rồi.

Nếu cho ông quay lại thời trẻ thì sao?

Tôi sẽ làm.

Tôi thấy băn khoăn quá! Rốt cuộc chúng ta có nên viết một cuốn “người Việt xấu xí” không?

Nên chứ! Rất nên! Cái chính là ai đủ dũng cảm, đủ trình độ để viết một cuốn như thế? Mà nếu viết thì phải viết đến tận cùng, cả những vấn đề cốt lõi cũng phải viết ra…

Tiến Toàn

Ảnh: Hồ Quang, hts


Bình luận
vtcnews.vn