Lý Hùng – Ba là người bạn lớn trong đời tôi

Tổng hợpThứ Tư, 18/05/2011 02:58:00 +07:00

Giữa hai người đàn ông trong gia đình nổi tiếng ấy không chỉ có tình yêu thương cha con ruột thịt mà còn có đạo thầy - trò...

Trên bước đường thành công của Lý Hùng luôn có bóng dáng người ba  của anh: NSƯT Lý Huỳnh. Giữa hai người đàn ông trong gia đình nổi tiếng ấy không chỉ có tình yêu thương cha con ruột thịt mà còn có đạo thầy- trò. Đặc biệt hơn là tình bạn, một tình bạn lớn.

 

 

Sinh ra trong một gia đình nhà võ, Lý Hùng, nam diễn viên nổi tiếng một thời trên màn ảnh nhỏ sớm được cha dạy dỗ và dìu dắt trên con đường võ thuật, nghệ thuật. Ông nội của anh vốn là một võ sư nổi tiếng. Thân phụ là Lý Kim Tuyền hay chính là Lý Huỳnh một người có tố chất mạnh mẽ, tinh thần phóng khoáng, có biệt danh là “con beo đen của làng đấm Việt Nam”. Đặc biệt, nằm trong nhóm Tứ tú (bốn ngôi sao) trên bầu trời võ thuật miền nam trước 1975. Ba của Lý Hùng- võ sư Lý Huỳnh từng “làm mưa làm gió” trên sàn đài quyền Anh và võ tự do.

Nếu gọi Lý Huỳnh là mãnh hổ thì Lý Hùng ắt phải là hổ tử. Khác với nhiều đứa trẻ cùng lứa, Lý Hùng lớn lên trong võ đường. Từ năm 6 tuổi anh đã được ba huấn luyện võ thuật một cách nghiêm khắc. Trước khi học võ phải rèn luyện sức khỏe, tập đứng tấn, chạy bộ, nhảy dây… Sau lớn hơn một chút, cứ đi học về là Lý Hùng lại lao vào võ đường tập từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối, cho đến khi mồ hôi ướt đầm như tắm, thân thể rã rời mới thôi. Học võ phải tập luyện rất nhiều và tập luyện một cách có kỷ luật. Mặc dù ba chưa bao giờ đánh nhưng Lý Hùng vẫn nể sợ ba. Anh bảo, “với tôi ba vừa là ba mà lại vừa là thầy khó tính”. Anh vẫn nhớ mãi, những lần trốn ba đi bơi, hoặc đi chơi đêm về muộn bị ba la, cấm đi mà không dám cãi một lời. Nhưng nhờ vậy, anh lại cảm thấy gắn bó với ba hơn.

Tình yêu của mẹ rất khác tình yêu của người cha với con trai. NSƯT Lý Huỳnh là một người trầm tính nhưng khẳng khái và phóng khoáng đúng chất Nam bộ. Ông yêu con bằng cách sớm để con làm quen với tinh thần võ đạo, phải chịu tôi luyện cơ thể, trí lực. Ông dạy con phải biết kiên trì, nhẫn nại và chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân. Nhưng, nghiêm khắc là thế, ông cũng chưa bao giờ đánh con lấy một roi. Ông luôn đi bên cạnh con, dõi theo từng bước đi của Lý Hùng để luôn kịp thời động viên anh. Lý Hùng bảo, “tôi không bao giờ có thể quên được hình ảnh ba tôi vượt cả quãng đường dài đi Honda lên Long Thành (Đồng Nai) chở tôi về Sài Gòn chơi và hôm sau nữa lại đưa tôi quay trở lại Đồng Nai. Cứ cuối tuần nào, tôi cũng có cảm giác khấp khởi đợi ba lên đón. Khi đó tôi 12 tuổi và đang đóng phim Đàn chim và cơn bão. Trong phim này, tôi đóng vai một đứa trẻ bụi đời cũng hút thuốc như giang hồ thứ thiệt. Tôi đóng phim đó vào mùa hè, suốt 3 tháng hè tôi ăn, ngủ, sinh hoạt trong trại giáo dưỡng dành cho trẻ em bụi đời”.

 

Lý Hùng chia sẻ, cũng chính vì tinh thần võ đạo mà những khó khăn, vất vả trong quá trình đóng phim anh đều có thể vượt qua. Năm 17 tuổi khi đóng Phạm Công Cúc Hoa, Lý Hùng phải diễn xuất trong điều kiện kinh phí của đoàn làm phim thiếu thốn, khó khăn. Diễn viên diễn xuất trên những ngọn đồi, phải leo núi giữa cái nắng thiêu đốt của Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận), và của miền Trung. Có những lúc cảm thấy rất cực nhưng có ba đi cùng động viên, anh lại tự nhủ phải kiên trì. Và Phạm Công Cúc Hoa do Lý Hùng thủ vai chính đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, khiến cái tên của anh được khán giả nhắc đến không ngớt.

Nói thành công của Lý Hùng có công sức lớn của ba anh quả không sai. Sau vai diễn nhỏ trong phim “Phượng”, năm 1982, NSƯT Lý Huỳnh đã khuyên con trai thi vào trường Đại học Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh (năm 1986) và học lớp diễn viên điện ảnh khoá đầu tiên của trường. Lý Hùng kể lại, ba luôn nhắc nhở tôi: “Muốn làm nghề nào thì phải học đến nơi đến chốn. Có học mới tồn tại được lâu, nghề mình mới vững chắc. Đến giờ, càng lúc tôi càng ngẫm thấy ba nói đúng”. Trong hơn 10 năm “hoàng kim” tham gia diễn xuất anh đã tham gia đóng trên 90 bộ phim, đưa cái tên Lý Hùng trở thành cái tên “hot” bậc nhất lúc bấy giờ. Và giờ đây, sau nhiều năm quay trở lại với điện ảnh, cái tên ấy vẫn chưa một lần nguội lạnh trong lòng người hâm mộ.

Còn nhớ cách đây độ 2, 3 năm nói chuyện với Lý Hùng, khi đó anh khoe với tôi là đang chuẩn bị làm Tây Sơn hào kiệt. Đó là bộ phim do Lý Huỳnh film sản xuất với kinh phí 12 tỉ đồng. Không bàn về việc sau đó bộ phim này đã gây nhiều tranh cãi, Lý Hùng chỉ chia sẻ rằng, đọng lại trong anh là hình ảnh người ba giống như một vị lão tướng quân vậy. Ông đã cùng con trai dàn binh, lập trận, thảo sơ đồ. “Đây là bộ phim mà ba tôi tâm huyết, vì ông vốn thích đề tài lịch sử Việt Nam. Tôi còn nhớ, buổi sáng ba đánh thức tôi dậy nói chuẩn bị tập trận. Tôi bước ra ngoài và cảm thấy hoảng hồn khi nhìn thấy 20 ngàn con người đứng đó, họ đều là sinh viên, bộ đội được huy động để đóng một bên là quân Tây Sơn và một bên là quân Mãn Thanh. Để làm bộ phim này, thật không đơn giản. Ba tôi thật sự là một người dám nghĩ, dám làm. Tôi rất khâm phục ba”, Lý Hùng nói.

Trong gia đình, với Lý Hùng, ba là một người vô cùng đặc biệt, một người ba yêu thương con, một người thầy nghiêm khắc và một người bạn lớn luôn chung vai sát cánh với anh. Lý Hùng bảo, “ba tôi chân thật và hiền khô à. Ông lúc nào cũng được mọi người yêu mến bởi tính hòa đồng. Ba tôi còn là người luôn tích cực vận động bạn bè lập quỹ để giúp đỡ các nghệ sĩ nghèo. Chính vì vậy, ông được Hội điện ảnh TP HCM tặng giấy khen nữa”, Lý Hùng nói giọng đầy tự hào.

Có lẽ, cũng vì luôn gắn bó với gia đình, có người đã đưa chuyện dèm pha là “sao Lý Hùng lớn rồi mà vẫn sống với ba mẹ, chắc là cần sự đùm bọc, che chở này kia”… Lý Hùng nghe xong chỉ cười “tôi nghĩ đó là điều mà mình cần phải tự hào khi được che chở dưới mái ấm gia đình vốn có truyền thống nghệ thuật, được giáo dục và có nề nếp. Tôi tự hào lắm, đó là cái gương để cho tôi học theo”. 

Tuấn Minh

Bình luận
vtcnews.vn