“Giáo dục cần phải thị trường hóa”

Tổng hợpChủ Nhật, 08/05/2011 05:36:00 +07:00

Điều quan trọng trong giáo dục nói chung và giảng dạy toán học nói riêng là nên có những bài giảng thân thiện, cảm xúc...

“Nên tạo ra sự cọ xát, tương tác cho phụ huynh và học sinh chấm điểm giáo viên, tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội phản biện, được nói lên những chính kiến của mình. Cần phải thị trường hóa giáo dục như thị trường hóa các cầu thủ bóng đá. Mỗi giáo viên sẽ là một cầu thủ trên sân đấu giáo dục, phải có sự đào thải để chỉ giữ lại các cầu thủ giỏi..”- giáo viên toán học trần Phương (pgđ tt hỗ trợ phát triển tài năng) chia sẻ.

 

 Tôi mừng vì học sinh tôi biết phản biện

 Là một giáo viên, anh xử lý như thế nào khi học sinh tranh luận, phản biện lại phương pháp giảng dạy của mình?

Toán học là một môn dễ phản biện nhất, vì thế tôi luôn khuyến khích học sinh tranh luận, trao đổi thắng thắn đến cùng với giáo viên. Và sự thật là nhiều học sinh của tôi còn giải toán nhanh hơn tôi. Tôi mừng vì học sinh của tôi biết phản biện.

 Nhưng báo đài vẫn đưa tin nhan nhản về các vụ học sinh bị lăng mạ, trù dập chỉ vì dám “cãi lại” thầy cô?

Giáo dục của chúng ta vẫn cứ theo đạo lý “tôn sư trọng đạo”, trò thì không được cãi thầy và cứ phải “cây đa, cây đề” phát biểu trước rồi mới đến lượt hậu bối. Chúng ta nên nhìn lại để sửa đổi. Những người có tự trọng thì nên biết dừng lại ở đỉnh cao, để cho lớp kế cận bước tiếp lên. Đó là những người hành xử có văn hóa. Những người tài giỏi là đáng quý nhưng những người biết nâng người khác đứng trên vai của mình còn đáng trân trọng hơn.

 Vậy là anh đề cao vai trò phản biện trong giáo dục?

Tất nhiên! Phản biện trong xã hội là rất cần thiết, trong giáo dục càng cần thiết hơn vì giáo dục con người là cội rễ của mọi vấn đề. Khi ban hành các cơ chế chính sách, luật giáo dục đều phải nhằm phục vụ cuộc sống. Nhưng các điều luật đó đã phù hợp chưa, vấn đề thực thi có những vướng mắc gì? Các văn bản đưa ra sẽ chưa thể chuẩn ngay được vì thế cần có các ý kiến phản hồi của cấp dưới thậm chí là người dân để điều chỉnh cho phù hợp.

 Là một người trong ngành, anh đã hài lòng về cải cách giáo dục hiện nay chưa?

Mỗi một năm Việt Nam mất gần 2 tỷ USD cho các học sinh du học nước ngoài, đặc biệt là ở bậc THPT và Đại học trở lên. Kể cả con các quan chức Chính phủ hầu hết đều học ở ở Anh, Pháp, Mỹ, Singapore…- những nơi có nền giáo dục phát triển. Như vậy, chúng ta thừa nhận là các nước đó có nền giáo dục tân tiến hơn ta gấp nhiều lần. Vậy mà khi cải cách giáo dục, chúng ta vẫn dùng các giáo sư cũ, những “anh hùng một thời” thì đó không phải là cuộc cách mạng triệt để. Người ta có thể rất nổi tiếng nhưng kiến thức và phong cách viết đã lỗi thời rồi nên có tham gia cải cách thì thực chất vẫn là một sự xào nấu A thành A’ mà thôi.

 

 Vì anh đứng ngoài hàng ngũ “giáo sư, tiến sĩ” nên mới có tư tưởng cực đoan như thế?

Không, tôi không cực đoan và cũng chưa bao giờ màng đến chức vị này nọ. Đó là sự chuyên môn hóa, cũng như bác sĩ nha khoa thì cần gì phải nghiên cứu về tim mạch hay siêu vi trùng. Với địa vị là một giáo viên dạy cấp 3 thì tôi chả cần trang bị bằng tiến sĩ làm gì cả, chỉ cần bằng đại học sư phạm là đủ rồi. Nhưng tôi có thể khẳng định những hiểu biết của tôi về toán học từ cấp 3 trở xuống có thể không thua kém một ông tiến sĩ nào, thậm chí giỏi hơn… Tôi dám thách thức với bất cứ ai về điều đó.

Chương trình khoa học tự nhiên của chúng ta đã cổ điển rồi, dẫn đến cách thức truyền đạt, nhiều người cảm thấy toán học của chúng ta quá lắt léo, dẫn đến việc tự đặt vấn đề, tự giải quyết và tự sướng. Cách viết sách không gắn với thực tế, nên học sinh cảm giác phải nhớ nhiều, nên thấy chán. Ở Mỹ, người ta dạy về tích phân thì sẽ có trưởng phòng của General Motors hay kỹ sư của Boeing nói về công thức tích phân đã được tính trong thiết kế diện tích cánh máy bay như thế nào, hay để cho một chuyên gia chứng khoán, giám đốc tài chính nói về công thức tính xác suất như thế nào… tự nhiên công thức khô khan sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều, trẻ con thấy “à, rõ ràng mình học toán có tính ứng dụng, sau này có thể sử dụng được ở đâu đấy”… Học sinh mình bây giờ ngay cả định nghĩa “điều kiện cần” cũng còn lơ mơ lắm.

 Thầy có những ví dụ cụ thể hơn không ạ?

Còn nhớ, lần tôi làm BGK Hoa khôi sinh viên Ngoại thương 2004. Đến phần thi ứng xử, một cô thí sinh rất tài năng và có triển vọng để trở thành Hoa khôi, bốc thăm đúng câu hỏi của tôi: “Theo em điều kiện cần để một người đàn ông lấy được một cô vợ trẻ là gì?”. Cô ấy trả lời rất dài nào là tri thức, địa vị, học vị, tài sản, sức khỏe, tình yêu… Và có lẽ sẽ rất nhiều người trả lời như thế, mà quên mất tính logic của tư duy toán học. Tôi mới nhẹ nhàng phản biện lại rằng: nếu một ông xe ôm không có quyền cao chức trọng, không địa vị tài sản nhưng với sự nhiệt tình, vị tha ông ta vẫn có thể có một cô vợ trẻ là tiếp viên, là nhân viên karaoke hay mát xa… Vậy điều kiện cần để người đàn ông lấy được cô vợ trẻ là gì, đơn giản là ông ấy phải đủ “già”. “Già là một thuộc tính đối lập với khái niệm “trẻ”, “già” chính là thuộc tính chung nhất cho tất cả những ai có vợ trẻ, từ ông xe ôm đến Thứ trưởng Đặng Hùng Võ hay Tổng thống Pháp Sarkozy   hoặc trùm tạp chí Playboy... Đây là 1 ví dụ tiêu biểu cho việc nắm bắt các khái niệm mang tính chất hình thức hời hợt tầm chương trích cú.

“Hãy để con kiến được bò theo chiều thẳng đứng”

Thời đi học, anh có phải là người hay phản biện?

Nói là phản kháng thì đúng hơn. Tôi nghịch ngợm và bướng bỉnh. Hay thắc mắc, vặn vẹo, thậm chí bỏ học khi thầy cô dạy quá chán. Vì thế tôi ít được các thầy cô yêu quý suốt từ phổ thông đến đại học.

 

 Không chỉ thời anh mà học sinh thời nay cũng “cãi” thầy cô nhiều hơn? Liệu nguyên nhân có phải xuất phát từ phạm trù đạo đức?

Đạo đức chỉ là một phần. Cái nguyên nhân cốt yếu chính là sự mẫu thuẫn thế hệ. Các cháu được thừa hưởng nền văn minh khoa học tiên tiến nhất, vì chúng ta đang sống trong môi trường toàn cầu hóa. Một cái click chuột là có thể biết được bên kia bán cầu người ta sống như thế nào. Các em được thừa hưởng tốc độ thông tin rất nhanh, trong khi kiến thức của nhiều thầy cô lại không được cập nhật. Giáo viên không biết ngoại ngữ, không biết sử dụng internet, nếu có thì cũng chỉ để gửi email chứ chưa biến nó thành công cụ, kỹ năng khai thác thông tin hàng ngày. Nhiều người trong số họ dốt và dấu dốt. Đây không phải là mâu thuẫn cá nhân giữa giáo viên và học sinh mà là mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ. Mâu thuẫn giữa thế hệ trẻ với nhịp sống sôi nổi và thế hệ thầy cô giáo đã không theo kịp thời đại.

 Nói như anh, chẳng lẽ phải đào thải hết lớp giáo viên hiện nay mới mong cải thiện được tình hình?

Vì là vấn đề xã hội nên chúng ta không thể đào thải hết giáo viên không phù hợp với tốc độ phát triển của xã hội được nhưng phải có sự phân loại, ở trình độ nào hưởng mức lương ấy. Nên giảm biên chế và thay thế bằng các hợp đồng ngắn hạn, dài hạn, để tạo sự cạnh tranh giúp các giáo viên có động cơ phấn đấu, hoàn  thiện kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời phải có sự cọ xát, tương tác cho phụ huynh và học sinh chấm điểm giáo viên, tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội phản biện, được nói lên những chính kiến của mình. Cần phải thị trường hóa giáo dục như thị trường hóa các cầu thủ bóng đá. Mỗi giáo viên sẽ là một cầu thủ trên sân đấu giáo dục, phải có sự đào thải để chỉ giữ lại các cầu thủ giỏi, quá trình “thay máu” phải diễn ra liên tục.

 “Thị trường hóa giáo dục”, nghe thì rất tân tiến, mới mẻ nhưng với tư duy của người Việt thì có lẽ hơi lạ và phũ phàng?

Không có gì là phũ phàng cả mà thật ra là rất nhân đạo. Hiện nay, cái dở trong giáo dục là chúng ta nói học không phải đóng học phí, nhưng thật ra là không đóng cho nhà nước thôi, còn các cháu vẫn phải đi học thêm với lịch học chồng chéo. Thậm chí một tuần phải học 12- 14 ca học thêm. Vừa tốn tiền lại mất thời gian. Thậm chí học nhiều cái vô ích. Người nghèo không có điều kiện thì không nói làm gì, nhưng với những người đã dám bỏ đồng tiền ra đầu tư cho con họ học thì thầy cũng phải đưa ra được lượng kiến thức tương xứng, để đừng mang tiếng là ăn cướp. Vậy khi thị trường hóa giáo dục thì cái lợi mang lại là cho cả nhóm xã hội chứ không chỉ riêng mỗi cá nhân.

 Điều này có thể đúng, nhưng có vẻ vẫn còn khó chấp nhận…?

Mình phải “đứng trên vai người khổng lồ”, tức là học lấy, tiếp thu lấy những tinh hoa của các cường quốc Anh, Pháp, Mỹ hay Singapore… Đối với khoa học xã hội thì khi cải cách cần giữ bản sắc của dân tộc Việt nên phải tự làm nhưng với khoa học tự nhiên thì bất biến, không thể nói công thức hóa học của một nguyên tố ở Việt Nam khác với công thức nguyên tố này ở Mỹ. Vì thế, chúng ta nên kế thừa các bộ sách chuẩn mực của các cường quốc Anh, Mỹ, Úc... Nó sẽ giúp quá trình hội nhập học tập của chúng ta được dễ dàng hơn.

 Tôi cũng biết anh là một trong những giáo viên có tư tưởng tân tiến hiện nay…

Kể cả mình có tân tiến hay đang lạc hậu thì vẫn phải ý thức được cuộc sống luôn chảy trôi về phía trước, đôi chân mình vẫn cứ phải bước đi mà cái đầu ở lại thì không thể trụ được. Riêng bản thân tôi, trong phương pháp giảng dạy môn toán, tôi của bây giờ cũng tư duy hoàn toàn khác với tôi của 5 năm trước. Mình cũng phải liên tục phủ định, phản biện chính mình để tiếp thu cái mới. Tôi rất thích câu nói “cần phải điềm tĩnh để chấp nhận  những cái khó thay đổi hoặc không thể thay đổi được nhưng phải dũng cảm để thay đổi những cái có thể thay đổi được và phải có một trí tuệ để phân biệt được điều này với điều kia”.

Ngày trước tôi phải đi dạy luyện thi nhiều vì mưu sinh. Dạy luyện thi có cái đặc trưng của nó, cứ đến ca là dạy. Giống như cứ bấm đi bấm lại một cái công tắc, thậm chí có ngày bấm ba lần, lặp đi lặp lại như một con vẹt. Tự bản thân mình cũng thấy chán, thấy muốn phản biện lại chính mình. Vô tình một lần nghe học sinh bảo “bọn mày chuẩn bị xem thầy Phương pha trò có giống lớp chị tao hồi xưa không nhé”, thế là tôi quyết định nghỉ luyện thi luôn. Giờ một tuần chỉ dạy 1- 3 ca bồi dưỡng học sinh giỏi.

 

 Cứ tưởng rằng “một mình một chiếu” sẽ yên nhưng anh lại khiến không ít người “ngứa mắt” đấy?

Tôi biết chứ,  trong đó phần đa là các giáo sư, tiến sĩ không đồng tình với quan điểm của tôi, họ cho rằng phương pháp dạy học của tôi là linh tinh, vớ vẩn. Cái đó bản chất là sự xung đột lợi ích. Nhưng tôi là người không quan tâm đến những điều tiếng thị phi và tôi khẳng định mình có công nghệ dạy học hẳn hoi. Con người tôi chỉ thích hành động và thích thi đấu. Nếu ai đó không phục tôi thì tôi sẽ chọn một học sinh nữ lớp 4, dạy nó 150 giờ toán để có thể tham dự kỳ thi SAT của đại học Mỹ với số điểm là 600/800 hoặc đoạt giải cuộc thi Toán của Châu Á- Thái Bình Dương APMOPS nếu BTC cho phép đặc cách dự thi (dành cho học sinh khối 6,7). Ông nào dám đánh cược thì vào cuộc. Tôi đảm bảo là học sinh đó vẫn có thể hát hay múa dẻo, vẫn sống đúng lứa tuổi của mình. Tôi chấp nhận đặt cược 1 tỷ đồng. Tôi là người làm toán nên lúc nào cũng thích số hóa, lượng hóa các vấn đề chứ không phải nói suông. Nếu tôi làm được thì chứng tỏ cách giảng dạy của tôi là có phương pháp, có công nghệ hẳn hoi chứ không phải vớ vẩn. Vì thế  phương pháp đó cần được nhân rộng.

 Anh thực sự tin vào phương pháp giảng dạy của mình?

Tin chứ. Vì tôi không nói suông. Tôi sẵn sàng biến mọi ý tưởng thành hành động hiệu quả. Ngoài 5 học sinh lớp 6 giải được toán đại học, tôi cũng rất thành công trong việc đào tạo học sinh giỏi. Tôi cũng đã từng xin được cho một học sinh lớp 5 thi đặc cách toán lớp 7 Châu Á- Thái Bình Dương và đạt điểm cao nhất năm 2009. Năm 2010, học sinh của tôi dành ba huy chương bạch kim, trong đó, 1 em đỗ đầu vòng 1 APMOPS và hai Huy chương Vàng duy nhất của Việt Nam trong kỳ thi APMOPS tại Singapore. Năm 2011, tôi có 7 học sinh đoạt Huy chương Bạch kim APMOPS 2011.

 Cũng có nhiều ý kiến phản biện rằng anh bắt học sinh lớp 6 luyện thi đại học là quá sức, là phản khoa học, anh đáp lại như thế nào?

Cái gì mới thì thường có sự tranh cãi, phản biện và sự phản biện đó là tốt cho quá trình phát triển. Phương pháp giảng dạy của tôi có một vài nguyên lý cơ bản. Khoa học đã chứng minh tốc độ của mắt, tốc độ của tai nhanh hơn tốc độ của tay viết nên phải truyền thông tin như thế nào cho học sinh một cách nhanh nhất, hệ thống hóa thông tin, lược bỏ những cái không cần thiết. Ví dụ, muốn đánh sập một tòa nhà 100 tầng thì đâu nhất thiết phải đặt bom từ tầng 1 đến tầng 100 mà có thể bỏ cách quãng từ 1 đến 7, đến 15…bỏ qua những lỗ hổng không quan trọng thì vẫn có thể đánh sập một cách ngon lành. Tôi dạy cho 5 em học sinh lớp 6 những cái “key” cần thiết để mở khóa bất cứ bài toán nào. Và rõ ràng là các em học rất tự nguyện, vẫn có thời gian chơi điện tử, thư giãn, vui vẻ như bao đứa trẻ con khác. Tôi nghĩ không thể tạo ra các thần đồng nhưng có thể đào tạo được tài năng. Đó cũng là lý do tôi mở ra câu lạc bộ Thắp sáng trí tuệ Việt. Tôi cũng đang chuẩn bị kết hợp với tổ chức giáo dục ETC của trường ĐH Quốc gia Hà Nội để mở rộng mô hình đào tạo này. Thay vì để con kiến cứ bò vòng trên miệng chén, đã đến lúc cho chúng cơ hội bò theo chiều thẳng đứng.

 Vậy cuối cùng theo anh, nên cải cách nâng cao trình độ giảng dạy, cân bằng giữa hai thế hệ để học sinh hài lòng và không có nhu cầu phản biện nữa hay là cải cách theo hướng dân chủ, cổ vũ tinh thần phản biện của học sinh?

Hai cái này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Thường những giáo viên bắt nhịp được với thời đại thì rất khuyến khích học sinh phản biện. Đôi khi chính mình lại học được từ học sinh nhiều điều rất thú vị. Ví dụ như thấy học sinh có cách giải toán rất hay, tôi cũng học hỏi rồi dạy cho các lớp khác. Còn những giáo viên không bắt nhịp được với thời đại thì thường muốn dấu dốt, không muốn dân chủ, không muốn bị phản biện và tìm cách trù dập. 

Điều quan trọng trong giáo dục nói chung và giảng dạy toán học nói riêng là nên có những bài giảng thân thiện, cảm xúc. Kiến thức đôi khi không cần phải quá sâu xa, học thuật mà chính cách truyền tải gần gũi lại hiệu quả hơn. Ví dụ khi tôi dạy đồ thị hàm bậc nhất, tôi đưa ra cước giá điện thoại thuê trả trước và trả sau khác nhau như thế nào, lợi ích như thế nào, rồi biểu thị bằng toán học… học sinh hiểu bài rất nhanh.

 Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

          Thầy Trần Phương hiện là PGĐ Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu & phát triển tài năng.

          Là tác giả của nhiều đầu sách phổ thông toán học: Tuyển tập các chuyên đề hàm số, Tuyển tập các chuyên đề lượng, Sai lầm thường gặp và các sáng tạo khi giải toán, Tuyển tập các chuyên đề tích, Những viên kim cương trong bất đẳng thức toán học…

          Là tác giả bản quyền Gameshow truyền hình “Thần đồng Đất Việt” được VTC mua bản quyền ghi hình và phát sóng. Gameshow đã được nhận giải thưởng “Tinh hoa Việt Nam” trong dịp triển lãm diễn đàn APEC và hội nhập 12/2006.

          Nhận Giải thưởng Tinh hoa Việt Nam cho Proposal for a book: “Diamonds in Mathematical Inequalities” năm 2007 tại Lễ vinh danh Doanh nghiệp WTO lần thứ nhất. Cuốn sách này được trao tặng cho 95 đoàn tham dự IMO48 tháng 07/2007 tại Việt Nam.

          Ngoài ra, anh còn là tác giả của các bài hát chính thức trong nhiều sự kiện lớn: Flame of IMO – được sử dụng trong lễ bế mạc IMO48 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 30/07/2007. Farewell Moment – được sử dụng trong Lễ đăng quang Miss Universe 2008 ngày 14/07/2008 tại Nha Trang- Khánh Hòa. Bài ca Việt Nam – WTO: bài hát chính thức trong Lễ vinh danh doanh nghiệp WTO hàng năm. Thắp sáng Thương hiệu Việt: Bài hát chính thức được sử dụng trong Lễ vinh danh doanh nghiệp WTO hàng năm. Bài ca Ngôi nhà tri thức Việt Nam: Bài hát chính thức của Liên hiệp hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam. Được sử dụng lần đầu trong Lễ kỉ niệm 25 năm thành lập LHH ngày 25/03/2008 tại Nhà hát lớn Hà Nội.  “Xuân quê hương” - bài hát chính thức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. “Công dân toàn cầu” - bài hát của chương trình cùng tên phát sóng trên VTV3.

 Thanh Hương - Ảnh: Dương Triều

Bình luận
vtcnews.vn