Trịnh Tuấn – Riêng một góc trời

Tổng hợpThứ Hai, 25/04/2011 04:05:00 +07:00

Vào một ngày đẹp trời, tôi đến gặp gã tại phòng làm việc riêng - một “cơ ngơi” mà vừa bước vào phòng đã thấy ngay cái giá sách to tổ chảng...

“Nhỏ là một thằng nông dân. Lớn lên làm mọi ở Sài Gòn. Giờ lại làm thuê ở Hà Nội. Trong tôi có ba thằng: một tên trí thức nửa mùa, một tay nghệ sĩ amateur, một anh nông dân mất gốc. Chính xác thì tôi là một bi kịch của xã hội. Đời nặn tôi ra với một hình hài dị hợm: tí sĩ thức, tí thợ cày, tí con buôn và chắc gì không đĩ điếm”- đó là chân dung gã tự vẽ về mình.
 
Vào một ngày đẹp trời, tôi đến gặp gã tại phòng làm việc riêng - một “cơ ngơi” mà vừa bước vào phòng đã thấy ngay cái giá sách to tổ chảng. Gã ngồi đằng sau cái bảng tên đề ba chữ Phó Giám đốc- tóc xoăn bồng bềnh lượn sóng, áo sơ mi hoa thêu vằn vện, trên tay gân guốc hình xăm, miệng không ngừng bắn thuốc. Bàn bên cạnh, tay thư ký của gã đầu bóng mượt, chải chuốt, sơ mi trắng muốt, cavat chỉnh tề, nghiêm trang đạo mạo sổ bút cầm tay... Thú thật, nếu không có cái bảng chức danh, thật khó phân biệt đâu thủ lĩnh đâu đàn em…

 Gã là thế, có cái ngông ngông gàn gàn của một “ông đồ xứ Thanh”.

 Thẳng thắn, bất cần, nên cứ cái gì không ưng là gã chửi. Nhắc đến thư pháp nước nhà, gã càng chửi tợn hơn. Lòng gã như nỗi lòng người cha đứng nhìn thằng con mặt mày nhem nhuốc, vừa xót thương lại vừa muốn nổi đóa.

 Nghe đâu gã vừa viết xong cuốn tiểu thuyết có tựa đề là “Ơ!”, ngoài bìa minh họa hình ảnh một thằng bé tụt quần ngồi vệ đường. Thôi thì cứ tạm gác “thằng trẻ con” của gã sang một bên (bởi với cái bìa đó, sách gã có được in hay không thì còn phải chờ hồi sau phân xử). Tạm thời hôm nay, bên dăm ba chén trà, bỗng dưng tôi lại có nhã hứng trò chuyện với gã về cái ngông ở đời và sự gàn dở của những kẻ sĩ.

 “Chữ tôi bán, không cho!”

 Nếu được giới thiệu một câu về mình, anh sẽ nói gì?

 Không có gì để nói!

 Thế mà người ta vẫn gọi Trịnh Tuấn bằng những cái tên “ông đồ gàn thời @”, “người săn kỷ lục”, “kẻ chơi ngông với con chữ”…?

 Toàn những lời nói láo của những người đi thực tế trên bàn tròn và không hiểu gì về tôi. Toàn những thông tin cóp nhặt, vô giá trị. Xin tri ân các phóng viên đã ưu ái những điều tốt đẹp cho tôi nhưng cũng xin trả lại họ những mỹ từ mà tôi không xứng đáng. Tôi chỉ nhận những gì đúng là của tôi. Thông qua bài viết này, tôi muốn khẳng định và chỉ khẳng định một lần này nữa thôi: tôi không phải là người đi săn tìm kỷ lục. Bởi vì thật sự không có gì để gọi là kỷ lục cả. Danh nếu có thì là cuộc đời ưu ái ban tặng cho tôi. Mà đời ban tặng thì đời cũng có thế lấy đi bất cứ lúc nào. Những việc tôi làm là những việc phải làm. Tôi đã tặng các tác phẩm ấy chứ không bán,  không săn tìm cái gì cả. Còn khi tôi làm xong rồi, người ta muốn gọi nó là gì thì… kệ.

 Là một người viết chữ và cho chữ như anh…

 Khoan đã, chữ tôi để bán chứ không cho. Tôi không giả mạo thánh hiền, tôi cũng không làm con buôn có hạng. Giấy của tôi toàn giấy tốt, ai thích thì tôi cho, mấy trăm nghìn cho nhau dễ lắm. Nhưng chữ của tôi mất công ăn học 31 năm nay thì tôi phải bán chứ! “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”. Vậy tại sao cái cây cỏ dại thì bán tiền tỷ, bức tranh con cò của một ai kia như trẻ con vẽ thì bán bạc tỷ, mấy miếng sành vỡ cũng bán tiền tỷ, trong khi chữ nghĩa thì bán mấy chục nghìn ngoài Văn Miếu. Chính con người giờ đây đang tạo nên cái chết của con chữ. Như thế phải đổi lại là: Nhất tranh đểu, nhì sành rởm rồi đến những cái gì gì nữa mới tới lượt chữ. Người xưa nói “Nhất tự thiên kim”, một chữ đáng nghìn vàng. Thế nên, tôi cho rằng chữ của tôi không thể rẻ mạt.

 
Vâng, thì vì bán chữ nên anh là một người rất biết trân trọng chữ, nhưng nên gọi anh là gì cho phải?

 Người Tây gọi chúng tôi là artist, còn với ngôn ngữ quá khó và phong phú như Việt Nam thì xin đừng gọi chúng tôi là cái gì cả. Tôi khẳng định luôn là những người viết chữ ở Việt Nam có gọi là cái gì đi nữa thì cũng không thể chính xác. Có thể hiểu ở một khái niệm hẹp trong nội hàm nghệ sĩ là “thư sĩ”: những người chuyên tu nghiệp chữ, lấy chữ làm nghiệp. “Nhà thư pháp” thì hợm hĩnh, “thư pháp gia” thì láu cá, “đồ” thì chả biết đồ gì, có khi là “đồ đểu”, “đồ lưu manh”…

 Nghe có vẻ hơi bất mãn và cực đoan…?

 Ngày xưa, để xin chữ của một người có chữ là cực kỳ khó và không có chuyện dễ dàng vừa giả mạo thánh hiền vừa làm con buôn có hạng như ngày nay. Một tờ giấy điệp vốn chỉ vài nghìn đồng, các “cụ đồ” đem ra, giả bộ uy nghi để truy cầu sự cung kính của bỉ nhân, bán tờ giấy lên 50 ngàn, thậm chí 500 ngàn, trong khi chữ nghĩa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tư cách đâu?

 Nhiều kẻ cùng nhân bây giờ đi học chữ Hán, học thư pháp. Đến, ông thầy hỏi: “Mày học làm gì?” thì bảo “Con học để Tết năm sau đi viết chữ, kiếm cơm”. “Ừ, 30 mẫu chữ đấy, tô đi”. Tô thuộc rồi thì ra đó ngồi mà vẽ. Thư pháp mà tô đi quệt lại thì không khác gì nồi cám lợn. Thời đại nào cũng có anh hùng và mạt nhân cả, nhưng mạt nhân nghề chữ nghĩa thì có tội với thánh hiền. Tôi xin phép được coi thường họ- những người chỉ làm cái trò cố gắng nói ngon nói ngọt, phủ dụ vào trong con chữ  những ma linh, bùa chú hòng móc túi con trẻ, bòn rút từng đồng tiền mừng tuổi của các cháu học sinh, sinh viên Tết đến xuân về. Nói thế để thấy rằng, nhắc đến thư pháp hiện nay là nhắc đến những điều đau lòng.

 “Trong tôi có một đứa trẻ…”

 Phàm là nghệ sĩ thì thường sợ sự nhàm chán, cũ kỹ. Như Nguyễn Tuân xưa kia cũng phải tích cực xê dịch để hít thở những không khí mới. Trịnh Tuấn thì sao?

 Thiền. Tôi trở về với chính tôi. Tôi không đi được. Tôi không đối thoại được. Tôi về học lại trái tim mình. Trái tim nói với tôi rằng: “Tuấn ơi, trong mày có một đứa trẻ, hãy học đứa trẻ ấy, những điều ngô nghê của đứa trẻ ấy, những lời chân thật của đứa trẻ ấy, nét vẽ ngây ngô của đứa trẻ ấy, là nghệ thuật đấy”. Và tôi thấy đúng thật. Tôi sáng tác trong im lặng, duy trì và âm thầm tiếp nhận những tư trào về thư pháp Đông Tây, những câu chuyện diễn ra trong nội tại thư pháp nước nhà, để nghe đứa trẻ trong tôi thốt lên những lời khờ khạo, đáng yêu trong mỗi tác phẩm.

 Có bao giờ Trịnh Tuấn cô đơn trong cõi riêng ấy?

 Khi tôi đối diện với chính mình, tôi gặp những chư vị thành tựu đang trò chuyện với nhau. Tôi thấy Frank Capka nói chuyện bên bờ biển. Tôi thấy Lão, Khổng, Trang, Mao… nói chuyện với nhau về đạo Nho, đạo Giáo và một ít đạo cộng sản của Mac-Lê. Tôi thấy Bill Gates nói chuyện với một số người trong lĩnh vực tin học và câu chuyện kinh doanh… Tôi nghe những âm ba xào xạc ngày tháng ở trong thác bản bi ký. Tôi bội thực âm thanh trong căn phòng ấy mà chỉ có một mình tôi với ngọn đèn dầu. Bên cạnh là tờ giấy trắng tinh và những giọt mực loang, cùng những ngòi bút tật nguyền. Tôi nhắm mắt lại để ghi chép những lời rù rì đó với thứ ngôn ngữ của riêng tôi. Mắt tôi nhắm và tay cứ đưa nét bút…

 Ở cõi đó, liệu có sẵn cái ngông và sự ngang tàng đang ém mình chờ thời cơ trỗi dậy?

 Ngông thì trong mỗi con người ai cũng có một ít. Vũ trụ này, hành tinh này, xã hội này, con người này có phát lên được hay không là nhờ sự khác biệt. Tôi tôn trọng những sự dị biệt. Mà dị biệt nghĩa là mới. Cái mới ra đời rồi lại bị những cái mới khác phủ định. Nên tạo ra những cái mới và trân trọng những cái mới. Nó xấu hay tốt thì tự thời gian sẽ chọn lọc và đào thải.

 Phải hiểu như thế nào về chữ ngông ở đời, nhất là chữ ngông của người nghệ sĩ?

 Nếu để phải hiểu về chữ ngông thì tôi xin phép được nói như sau: chữ ngông được hiểu theo hai trường nghĩa, thứ nhât là những người có cá tính, dám nghĩ dám làm những việc khác với người bình thường. Xã hội cho rằng đó là những việc không thực tế, người ta gọi là ngông. Trường hợp thứ hai là chả biết gì nhưng vẫn cố tạo ra một thứ gì đó ngông nghênh, ngông ngang, dị hợm, thường dành cho những đối tượng mới lớn, cái tóc cái tai trông chả giống ai…

 
Người ta nói: ngông là không có chuyện thỏa hiệp giữa ý thức và cá tính nữa mà hoàn toàn sống thật với bản năng thích muốn của chính mình?

 Đấy cũng là một phần. “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó đời”. Không phải ai cũng ngông được, người ta phải có cái chất để mà ngông. Ông có thì ngông đi, không có thì chống cằm nhìn người khác ngông và xem đó như một lẽ tất nhiên phải thế. Khi lý trí không làm chủ được bản năng, bản năng được đẩy lên, thì với những artist đó chính là THĂNG. Cần phải có những giây phút thăng đó thì nghệ sĩ mới sáng tạo nên những tác phẩm dị biệt, khác người, thậm chí là những kiệt tác. Tôi cho rằng không có những giá trị bản năng gốc thì không tạo nên được những cái dị biệt.

 Vậy người ta có thể tự tiết chế cái “ngông” của mình không?

 Con người là một động vật cao cấp, ý chí của con người khiến cho họ là họ, không bị lẫn lộn trong những đám thú vật khác. Nếu con người không tiết chế được bản thân mình thì họ đã đồng dạng và đồng nghĩa với loài mèo, loài chó, loài hươu, loài vượn. Nhưng từ khi có pháp chế và con người biết tiết chế thì dù ngông đến đâu họ cũng không bao giờ thể hiện được hết cái ngông, cái ngang, cái ngửa của mình. Nếu phạm quy, vượt mức thì sẽ bị tuýt còi cho vào nhà thương điên.

 “Không phải ai cũng ngông đẹp”

 Nhắc đến chữ “ngông”, anh nghĩ đến ai?

Tôi thích cái ngông của Kinh Kha, tôi thích cái ngông của cây trúc, tôi thích cái ngông của con rồng, tôi thích sự treo ngược của con cú mèo, tôi thích sự vuốt râu của Lý Bạch, tôi thích sự bất cần đời của Bùi Giáng, tôi yêu sự cô độc của Trịnh Công Sơn. Tôi thích sự ngộ độc chữ, ngộ độc văn, ngộ độc đời để cuối cùng chiết xuất từ máu mình ra những tác phẩm để đời như “Sói đồng hoang” hay “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse. Tôi yêu sự tự cháy, cháy không còn cái gì nữa trong trái tim mình để làm nên tập Thơ Dâng được giải Nobel của Tagore. Tôi thích cái sự điên của Vương Hiến Chi với  thập ngũ niên nhất vĩnh tự. Tôi thích sự đối diện với cuộc đời của chính mình…

 Hiện nay, rất nhiều nghệ sĩ cố thể hiện sự “chơi ngông” của mình bằng đủ mọi trò: ăn mặc dị hợm, tiêu tiền không tiếc tay, đốt ô tô để quay clip nhạc, thậm chí là đúc tượng của chính mình…, rồi tự vỗ ngực xưng “ngông” xưng “gàn”. Nhưng người đời cũng có câu “đi ngoài đường anh lùn bao giờ cũng ưỡn ngực, người cao bao giờ cũng khòm lưng”, riêng anh nghĩ gì về điều này?

 Đó là việc của họ, không phải việc của tôi. Tôi cũng không cho như thế là đúng hay sai, đẹp hay xấu. Họ chưa làm được những việc đáng để tôi quan tâm, hay nói cách khác những việc họ làm không gấy ấn tượng với tôi. Không phải ai cũng ngông đẹp nhưng tôi tôn trọng họ, họ thích làm gì thì làm. Bao giờ chiếc đinh cuối cùng được đóng lên quan tài của họ thì cuộc đời hẵng phán xét họ.

 Cái ngông nghệ sĩ của anh có hay chăng thì đã được thể hiện qua nét chữ, vậy còn trong kinh doanh, đã bao giờ Trịnh Tuấn dám “ngông”?

 Người như tôi ăn cướp thì không đủ tài, ăn mày thì không ai tin, chẳng có việc gì làm thì đi kinh doanh, mà đã kinh doanh thì cũng cố gắng để làm một con buôn thứ thiệt. Ngông ở đây để chết đói à. Phải tiết chế đến mức độ cuối cùng.

 Nhưng nếu một ông giám đốc dám đặt ra con số doanh thu khổng lồ gần như siêu tưởng làm mục tiêu cho vài ba năm tới, người ta bảo ông ấy ngông nhưng cũng đáng để học hỏi đấy chứ?

 Người xưa đã dạy: hãy giương cung ngắm thẳng mặt trăng mà bắn, nếu có trật nó sẽ rơi vào các vì sao. Còn nếu chỉ nhăm nhe các vì sao, thì khi trật sẽ rớt ra khoảng đen sâu hoắm. Khi bạn cho mình một mục tiêu lớn hơn sức có thật của mình, bạn sẽ có ba nguồn năng lượng: kích thích chính bạn nỗ lực, truyền lửa cho anh chị em nhân viên trong công ty thêm tinh thần phấn đấu và tạo ra sự dị biệt với đối thủ cạnh tranh. Đấy không phải là ngông, mà là người có chí lớn, dám nghĩ dám làm.

 Vậy Trịnh Tuấn đã bao giờ đặt cho mình một mục tiêu lớn hơn sức có thật của mình?

 Không. Với tôi thì giữa mục tiêu và mơ hồ không có điểm chung. Tôi đi bước đi của một con rùa, ý chí của một con thỏ, uy lực của một con hổ, tiếng gầm của một con sư tử, trong sự biến hóa của một con rồng.

 Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ rất thẳng thắn của anh!

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn