Lê Anh Hoài – Tôi có ngông không? Đố biết!

Tổng hợpThứ Hai, 25/04/2011 03:55:00 +07:00

Tôi biết gã từ thuở gã còn đang là thư kí tòa soạn mảng văn hóa của báo Tiền Phong. Khi ấy, trông gã đứng cũng hiền, ngồi cũng hiền, đi lại cũng hiền...

Tôi giật mình khi nhận ra cái gã tụt quần ngồi bồn cầu đọc sách trong triển lãm sắp đặt và trình diễn RESTART. Tôi biết gã từ thuở gã còn đang là thư kí tòa soạn mảng văn hóa của báo Tiền Phong. Khi ấy, trông gã đứng cũng hiền, ngồi cũng hiền, đi lại cũng hiền, đến nói, cười cũng hiền. Có lúc tôi từng nghĩ, không hiểu nổi con người này mà “điên” lên thì sẽ thế nào. Không ngờ, cũng có ngày chứng kiến gã ĐIÊN thật!

 So với trí nhớ của tôi thì Lê Anh Hoài của hiện tại trông “nghệ” hơn. Gã đeo hoa tai một bên hình ngôi sao năm cánh bằng vàng (chắc là vàng tây). Cổ gã quàng một cái khăn rằn giống các nhiếp ảnh gia tôi hay gặp bây giờ. Trông mặt gã cũng… khang khác xưa. Tóm lại là gã ngồi đây, trước mặt tôi mà có cảm giác như lúc này, tôi mới thực sự biết gã vậy.

 

 

Cảm giác của anh thế nào khi là chiếc cột điện hay ngồi bồn cầu?

Lúc đấy mình đang trình diễn thì chỉ thấy hào hứng thôi.

Nhưng bao nhiêu người cứ nhìn chòng chọc vào mình như vật thể lạ thế kia?

Có làm sao. Người ta đang chiêm ngưỡng tác phẩm mà.

Ở nước ngoài ra đường cởi trần vẽ lên người là chuyện bình thường. Nhưng ở nước ta, ra đường làm cột điện hoặc tụt quần ngồi bồn cầu đọc sách như anh thì hiếm lắm!

Tôi nghĩ có hai điều đáng nói. Đầu tiên, mình cũng phải nhìn nhận lại quá trình phát triển của nghệ thuật đương đại, cái gì khởi đầu cũng vấp phải những thách thức. Tây tàu gì cũng thế thôi. Ví dụ như là nghệ thuật vẽ Graffiti. Ban đầu, người ta vẽ lên tường bị cho là bôi bẩn, khiêu khích, chống đối và nổi loạn. Ngay từ khi nó xuất hiện đã bị coi là sản phẩm của bọn phá phách, du đãng, chống lại xã hội. Lại có người coi các nghệ sĩ đường phố này là bọn thần kinh, không vẽ được thì đi làm những việc nhố nhăng. Hoặc người ta đặt vấn đề là sao lại vẽ lên tường như thế, sao không vẽ lên toan và mang đi triển lãm?

Về sau, cách nhìn của số đông đã khác.  Ở Mỹ bây giờ có những khu, ga tàu điện ngầm bỏ hoang được lưu giữ như một bảo tàng sống về Graffiti và về những nghệ sĩ Graffiti nổi tiếng thế giới.

Nói như vậy để thấy rằng, chuyện đó cũng đang lặp lại ở Việt Nam và không có gì lạ cả. Nhưng, tôi và một số người bạn trình diễn không phải vì nghĩ một lúc nào đó mình sẽ nổi tiếng. Nếu nghĩ thế thì tôi đã chẳng làm, hơi đâu mà nghĩ xa thế.

Có người bảo không biết Lê Anh Hoài có đứng được ở đó làm cột điện một tháng không?

Một tác phẩm có thể kéo dài, ngắn tùy thuộc vào dụng ý của nghệ sĩ. Riêng tôi thì tôi thấy chẳng phải đứng đấy một tháng làm gì cả.

Đang yên đang lành, từ nhà (báo) anh lại ra làm… cột điện là sao?

Trước đấy tôi cũng đã theo dõi loại hình nghệ thuật sắp đặt, trình diễn với tư cách người làm báo và thấy thích nó, rồi tôi tìm các tư liệu để hiểu thêm. Lúc làm tác phẩm cột điện thì tôi không còn xa lạ với loại hình nghệ thuật này nữa rồi.

Báo chí Việt Nam thường dùng từ “ngông” khi nói về một số nghệ sĩ. Cũng là nhà báo, anh nghĩ cách gọi này có chính xác không?

Báo chí mà. Thường hay thích giật gân và cường điệu. Tôi đồ rằng những nghệ sĩ múa balet đầu tiên ở Việt Nam cũng bị coi là ngông cũng nên! Truyện Kiều khi mới ra cũng bị coi là dâm thư còn gì.

Anh cũng đang làm báo đấy và đồng nghiệp viết về anh như một gã “ngông cuồng” khi mang cái chuyện riêng tư ở nhà ấy ra chình ình trước mặt bàn dân thiên hạ.

Ngay như khi bắt đầu ý tưởng làm wc.doc. Ban đầu tôi chỉ định làm đến thế thôi, tức là chỉ sắp đặt bồn cầu, giá sách… chứ không có trình diễn. Sau đó tôi bắt đầu nghĩ, như thế này thì chưa ép – phê lắm.

Thế rồi tôi mang cái đắn đo đó trao đổi với những người trong giới. Bạn tôi chia làm hai phe. Một thì bảo, “thôi thế là được rồi, thế là ghê gớm lắm rồi, thế này là công chúng đã chửi anh lắm rồi”. Một thì lại bảo, “anh cứ phát triển đi nếu anh cảm thấy còn có thể phát triển được”. Tôi cũng phải mất đến mấy hôm băn khoăn, đấu tranh tư tưởng. Bởi vì cũng biết là khi mình trình diễn thể nào cũng có người mắng mình lố bịch, muốn gây sốc, muốn nổi tiếng. Tôi biết rõ điều đó quá ấy chứ. Cũng làm báo nên tôi quá hiểu truyền thông là như thế nào.

 
Biết rồi sao anh còn làm, anh cố tình thách thức dư luận?

Mong muốn làm đến tận cùng đã chiến thắng mọi đắn đo, lo sợ. Nói thế chứ tôi cũng băn khoăn, cũng ngại chứ. Tôi cũng là con người bình thường có phải bị điên đâu mà không ngại.

 Cái gì đã xui khiến anh?

Khi một người nghệ sĩ làm tác phẩm thì thường là tác phẩm ấy lôi kéo người ta, cuốn hút người ta nhiều hơn tất cả những yếu tố khác. Tôi cũng vậy thôi. Khi làm thì muốn làm đến tận cùng cho hết độ.

Tôi thấy việc mình làm là đúng và chỉ biết hy vọng những người hiểu biết, những người trong giới đánh giá tác phẩm của mình khách quan.

Khi nói về một số nghệ sĩ “ngông”, cái sự khác người của họ bộc lộ ngay từ vẻ ngoài cho đến cách nói năng, hành xử. Anh thì mang lại cảm giác khác, rất nhẹ nhàng, từ tốn. Phải chăng, cái ngông của một con người đôi khi không phải là bề nổi, là cái bộc lộ ra ngoài mà nằm sâu ở bên trong?

Bạn thấy tôi ngông không? Đố biết đấy (cười).

Thật ra, tôi làm nghệ thuật, tức là làm công việc sáng tạo, trong niềm vui thì có sự nghiêm túc của công việc. Việc đánh giá thuộc về công chúng. Còn trong đời sống thì mỗi người mỗi vẻ. Tôi cũng có lúc ăn mặc, đầu tóc, xe cộ khác với số đông (mà sao lại phải giống?). Nhiều bạn văn nghệ của tôi cũng thế.

Vấn đề là sự sáng tạo của anh gây “choáng”

Bản chất của sáng tạo là làm ra cái mới, là thay đổi. Ai sáng tạo thì cũng thế mà thôi. Sợ nhất là chẳng có gì sáng tạo bên trong mà chỉ có cái vỏ “chất nghệ” bên ngoài.

Nói như anh, cứ phải ngông mới là sáng tạo hay đó là do cá tính bẩm sinh? Sự thành công nhất định trong nghề nghiệp hay do sự tán tụng của số đông?

Vấn đề này lớn quá. Có lẽ phải làm một hội thảo dành cho các nhà tâm lý học, xã hội học và nhiều nhà khác. Điều gây đau đầu khi tổ chức hội thảo này ở chỗ có nên chọn các nhà (chuyên môn) ngông hay không?

Làm nhà báo thì có lẽ không nên và không thể ngông. Giả sử như không làm báo nữa, không biết anh còn có thể ngông hơn những gì anh đã từng thể hiện không?

Tôi cố gắng sống đúng như con người tôi. Với công việc tôi làm có trách nhiệm, hướng tới sự chuyên nghiệp. Vậy thôi.

 
Anh nghĩ sao khi chương trình Táo Quân trên truyền hình đưa vào những chi tiết gây cười chính là màn trình diễn của giới nghệ sĩ đương đại các anh. Phải chăng nó là một thông điệp nào đấy từ số đông công chúng dành cho loại hình nghệ thuật này và dành cho anh?

Tôi thấy vui thôi.        

Vui ư? Thế còn những thiệt thòi khi là một trong những người tiên phong và cũng nếm đủ mùi búa rìu dư luận?

Thiệt thòi á, cái khái niệm ấy cao sang quá. Bởi vì khi tôi làm, tôi cảm thấy vui. Mình thấy vui nghĩa là mình đã có những thu lại riêng cho mình rồi. Tóm lại, cứ làm thôi, hơi đâu mà nghĩ cho đau đầu.

Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị!

 

MỘT SỐ TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC CỦA LÊ ANH HOÀI

 + “Tôi là cột điện”, trình diễn (performance art), Hà Nội, 6/2008:

Tác phẩm nằm trong dự án “Ra đường” do Ngô Lực khởi xướng. Tuy nhiên, đây là tác phẩm độc lập về ý tưởng, không phụ thuộc về tài chính hay bất cứ điều kiện gì.

+ “Tiến lên”, sắp đặt (installation art), 25 Studio, Hà Nội, tháng 7-2009.

Tác phẩm sắp đặt với những mũi tên bằng chất liệu sắt rỉ trong khắp khán phòng, và một miếng sắt cỡ 1m x 2m (cùng chất liệu sắt rỉ) treo trên tường.

+ Đồng Cu: Lê Anh Hoài cùng thực hiện với hai nghệ sỹ Lê Nguyên Mạnh và Nguyễn Hồng Phương. Đây là một tác phẩm tổng hợp giữa trình diễn (performance art), sắp đặt (installation art), vẽ trên cơ thể (body painting), trên nền chủ đạo là âm nhạc pha trộn giữa hát văn, nhạc vũ trường (dance DJ), nhạc bán cổ điển (semi classic)... (Hà nội, tháng 9/2009).

+ Wc.doc: Triển lãm sắp đặt Restart diễn ra tối 5/10/2010 tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại tại đường Đê La Thành.

Hà Trang
Bình luận
vtcnews.vn