NSƯT Hồng Liên – Đã thôi vấn vương, đã thôi đợi chờ…

Tổng hợpThứ Tư, 24/11/2010 03:36:00 +07:00

Sau bao sóng gió, đổ vỡ cuộc sống riêng, giờ đây, trong câu chuyện của Hồng Liên chỉ có âm nhạc, đứa con trai và hai chú chó fox.

NSƯT Hồng Liên – Đã thôi vấn vương, đã thôi đợi chờ…

Sau bao sóng gió, đổ vỡ cuộc sống riêng, giờ đây, trong câu chuyện của Hồng Liên chỉ có âm nhạc, đứa con trai và hai chú chó fox,… Tuyệt đối không có bóng dáng của đàn ông.

 

 

Tựa lưng câu hát

Giọng hát của Hồng Liên không lộng lẫy, không kỹ thuật sang trọng như nghệ sỹ Lê Dung hay Thu Hiền… Nhưng lại khiến người ta đã nghe một lần là nhớ. Một giọng hát thanh thoát, mộc mạc, nhẹ nhàng... Không được đào tạo bài bản nhưng chị học hỏi từ những thế hệ đi trước. Với chất giọng mượt mà và sâu lắng, chị thể hiện rất thành công các ca khúc mang âm hưởng dân ca và ca khúc truyền thống cách mạng.

Hồng Liên cũng đã đạt một số giải thưởng tại các Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và được mời đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài tiếng hát, người ta còn nhớ đến chị với giọng ngâm thơ tràn đầy cảm xúc trầm ấm. Tết tết, trên các chương trình truyền hình, đài tiếng nói lại vang lên lời thơ trong trẻo của chị chào đón mùa xuân về.

Sau 30 năm, chị vẫn đắm đuối với những vần thơ và miệt mài với các ca khúc, bởi với chị, thơ và nhạc chính là chỗ dựa tinh thần quan trọng, giúp chị có đủ niềm tin, lạc quan, yêu sống. Album thứ hai của Hồng Liên mang tên “Đi tìm”. Người ta băn khoăn không biết chị đang tìm gì. Hỏi, thì nhận được một nụ cười : “Đi tìm, có khi là tìm về một quá khứ, một tình yêu, cũng có khi là một nỗi buồn... tùy sự suy tưởng của khán giả. Mình cũng suy nghĩ nhiều về tiêu đề album nhưng cuối cùng vẫn thích cái tên này”.

Trong khi các ca sĩ trẻ hiện nay ra đĩa nhiều như nấm sau mưa, thì mong ước ấp ủ bao năm của Hồng Liên là thực hiện được một DVD. Và cuối cùng thì chị cũng sắp thực hiện được điều đó. Một DVD chọn lọc những bài hát đã có từ 2 CD trước của chị là “Hương Quê” và “Đi tìm”. Chị cũng thu thêm một số bài hát nữa về quân đội, về những miền quê chan hòa trong tình yêu. Cố mãi, cuối cùng chị cũng nhẹ lòng vì đã làm được một sản phẩm nghệ thuật như một lời tri ân với khán giả và lưu giữ những kỉ niệm một thời quân ngũ, một thời hát ca. Hiện tại, Hồng Liên vẫn đang hoàn tất phần hậu kì cho album để ra mắt khán giả trong thời gian sắp tới.

 Một đứa con trai và hai chú cún

 
Căn gác nhỏ nằm nghiêng nghiêng trên tầng 4 khu tập thể Thành Công, không quá to cũng không quá bé, nhưng lại thênh thang so với cuộc đời chị. Mở cửa đón tôi là một Hồng Liên giản dị không son phấn, trên đầu vẫn quấn lô để buổi chiều đi ghi hình đọc thơ cho đài Truyền hình Hà Nội. Hai con chó cảnh đanh đá lao ra cắn sủa nhặng xị khiến tôi giật mình. Hồng Liên dịu dàng bế chúng lên nựng nựng: “Con ngoan, khách của mẹ đấy!”

Hồng Liên bảo, đứa con trai đang đi du học ở Trung Quốc và hai con chó fox này là gia tài lớn nhất mà chị đang có. Con trai chị đang theo học chuyên ngành kinh tế, 3 năm nữa mới hoàn thành khóa học. Vậy là, sau bao nhiêu năm vật lộn với nghiệp “xướng ca”, nếm đủ đắng cay, được mất ở đời, giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ, chỉ có hai chú cún bầu bạn với Hồng Liên

Sếp và Phó là tên hai con chó fox của chị. Sếp theo chị đến nay đã được 10 năm. Còn Phó là món quà mừng tuổi của một người bạn cũng đã bên chị hơn nửa năm nay. Cứ đi đâu về là chị lại trò chuyện, chơi với chúng. Có ai đứng ngoài cửa chắc phải tưởng Hồng Liên đang có khách. Hai con cún hiền lành líu ríu nhảy vào lòng chị như những đứa trẻ nhõng nhẽo sà vào lòng mẹ, hếch mõm chờ đợi vuốt ve, yêu thương. Thấy con Sếp được “mẹ” bế, con Phó đứng dưới gầm gừ, đi giật lùi, ra chiều hờn giỗi. “Mẹ” lại phải vẫy tay: “Lên đây con! Nhanh nào! Mẹ thương!”… Trông Hồng Liên lúc này không khác gì bà mẹ đang bìu ríu với hai đứa con mọn. Chị âu yếm day day đôi tai của Sếp: “Chúng nó khôn lắm, thương mẹ lắm. Nhiều hôm bận, quên cho nó ăn nhưng nó vẫn quấn, vẫn trung thành với mình. Con người khó được như thế lắm”.

Rồi chị trầm ngâm kể, ngày trước, khi nghe thầy bói phán không tốt về cung bè bạn, chị cứ bác mãi không tin, giờ càng ngẫm lại càng thấy đúng. Chị nhận mình là người dễ gần nhưng khó thân. Khó thân không phải vì chị không hết lòng, không cởi mở, chân thành. Ai từng trò chuyện, tiếp xúc với Hồng Liên sẽ thấy người đàn bà ấy rất hồn nhiên, nhân hậu. Vậy mà không hiểu sao, chị chẳng thể tìm được một người bạn nào tri kỷ. Tôi nghĩ, có lẽ bởi chị sống quá bản năng. Sự hồn nhiên của chị đôi khi khiến người ta… khó chịu. Chị thích làm những gì mang lại niềm vui cho mình, dù chỉ nho nhỏ. Ở tuổi này rồi, chị vẫn thích chơi… búp bê và có một cô nàng búp bê cực to ở trong phòng ngủ. Phát hiện ra chỗ nào có phong cảnh đẹp, chị lại rủ rê mọi người đi chụp ảnh. Máy tính chị cũng có hàng lô hàng lốc những bức ảnh tự chụp bằng điện thoại (mà giới trẻ bây giờ vẫn hay gọi là “tự sướng”). Khi thì ôm đứa cháu, khi thì bế con Phó, con Sếp, khi thì vừa làm tóc xong để chuẩn bị đi diễn… tấm nào cũng thấy chị cười rạng rỡ, như trẻ con. Chị cũng là một người chăm chỉ lên mạng, giao lưu, kết bạn, chia sẻ cảm xúc qua trang cá nhân Facebook của mình... Hồng Liên bảo: “Người ta cứ nói mạng là ảo nhưng đôi khi mình thấy còn chân thành và tình cảm hơn cuộc sống thực”. Thế đấy, chừng đó thôi cũng đủ hiểu vì sao người ta- những người luôn cố gò mình vào những khuôn phép, chuẩn mực của tuổi tác- cảm thấy không ưa chị, và vì sao với người đàn bà ấy, tuổi già dường như vẫn còn lấn cấn đâu đó ngoài cửa sổ. 

Lúc còn chiến tranh, Hồng Liên đi hát để phục vụ chiến sỹ và nhân dân. Thời bình, chị hát cho những người yêu và hiểu tiếng hát của chị. Lắm lúc không có công việc, chị  lại nghêu ngao hát một mình, hát để khỏa lấp sự lặng yên, trống vắng trong ngôi nhà. Người ta, lúc buồn thường hát những câu hát thật vui để xua tan nỗi muộn phiền trong lòng còn chị lúc buồn nhất lại tự hát cho mình nghe những khúc hát buồn. Chị bảo, lúc đó cảm giác như được trút vơi gánh nặng trong lòng.

Sống lẻ bóng, người ta sẽ tìm đến những nơi vui vẻ, là nghệ sĩ lại càng cần cái nơi vui vẻ ấy hơn, nhưng Hồng Liên lại khác. Về đến nhà là khó ai kéo chị đi đâu được nữa. Bước chân vào cửa, việc đầu tiên theo thói quen của chị là phải bật ti vi lên để thấy căn nhà đỡ lạnh, trong nhà có tiếng nói từ ti vi cũng ấm áp hơn một chút. Rồi chị lại chép miệng: «Mình đi xem tử vi, người ta bảo mình sẽ sống đến 88 tuổi và có cái nhà to lắm. Trời ơi, sống lâu như thế, lại một mình trong cái nhà to thì cũng để làm gì? Cuộc đời vui ít, buồn nhiều, sống dài chỉ thêm khổ”. Ai bảo chị mang phận “hồng nhan”, mà hồng nhan lại có thanh có sắc, có sự thắm thiết trong mỗi câu hát điệu hò.

 

 Như con chim sẻ sợ cành cong

Hạnh phúc với một người đàn bà, như một lẽ thường mà ai cũng muốn, là có một bờ vai để sẻ chia và luôn bên cạnh mình. Nhưng đã bao năm rồi, sau lần đổ vỡ tình cảm với người chồng cũ, Hồng Liên vẫn lặng lẽ nhìn những mùa thu đi, “Ban ngày thảnh thơi với nắng, đêm về nước mắt chảy tuôn”. Đã bước qua tuổi 50 nhưng chị vẫn còn trẻ và mặn mà lắm. Thầm nghĩ vẻ đẹp đó chắc hẳn khiến không ít người phải si mê. Chị cũng thú nhận là cách đây mấy năm cũng có một vài người ngỏ lời muốn được san sẻ phần đời còn lại cùng chị, nhưng bản năng của đàn bà, của một người từng đổ vỡ luôn khiến Hồng Liên co mình lại trước những lời yêu thương. Chị như con chim sẻ đã sợ cành cong.

Sau khi chia tay với chồng cũ, đã có thời gian Hồng Liên hồn nhiên đón nhận tình cảm mới của một người đàn ông thứ hai với hy vọng sẽ được chở che, được hạnh phúc. Nhưng chỉ sau một thời gian sống chung, chị ngỡ ngàng, đau đớn nhận ra con người đó thật bạc bẽo, thô bạo, vũ phu. Thất vọng, sụp đổ niềm tin, chị đã vứt tất cả để bỏ chạy. Và vết thương đó cứ đeo đẳng chị mãi đến tận bây giờ. Khao khát một mái ấm gia đình, nhưng sau tất cả, những gì để lại cho chị là một mớ gia vị lẫn lộn của cảm xúc, mà cái nào cũng đắng cay. Đàn ông giờ đây, đã không còn nằm trong niềm khao khát của chị nữa.

Thấy Hồng Liên cởi mở, tôi cũng mạnh dạn hỏi đùa “Cuộc sống giờ cũng hiện đại rồi, sao chị không cặp bồ cho vui?”, chị bật cười: “Thôi thôi! Quá cái tuổi ấy rồi! Cái số mình cô quạnh thì phải chịu. Giờ chỉ muốn sống cho con! Nó là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của mình!”. Nói rồi cười. Nụ cười buồn tênh. Càng cười mắt càng buồn hơn. Có những khoảng trống trong lòng những người tan vỡ mà tất cả mọi cẩm nang sống và yêu không bao giờ chạm tới được. Chỉ có chính họ, tự tựa vào nỗi buồn ấy mà lần hồi bước tiếp về phía ánh sáng.

Hồng Liên vừa bị ngã xe, chỉ đau chân và xây xát nhẹ thôi nhưng cũng đủ khiến chị giật mình biết quý trọng sức khỏe. Thỉnh thoảng hắt hơi, sổ mũi thôi cũng là cả vấn đề, khi mà chỉ một mình cô đơn trong căn nhà nhỏ. Chị bảo: “Lắm lúc mệt mỏi cũng muốn buông xuôi rồi, nhưng nghĩ con còn nhỏ, còn đi học, lại phải cố…”. “Cá chuối đắm đuối vì con”, một thân một mình nhưng Hồng Liên vẫn tất tả ngược xuôi nhận các show diễn để lo tiền gửi sang cho con ăn học.

Đã quen rồi, cuộc sống đơn thân. Đã bao nhiêu năm vẫn sống tốt, dù chỉ một mình. Nhưng tránh sao nổi những phút chạnh lòng. Nhất là những hôm ốm đau, trở trời. Chị cười buồn, kể: “Có lần, lóc cóc đến thăm đứa bạn bị ốm thì thấy chồng nó đang ngồi đánh gió cho vợ. Cũng thèm lắm chứ”.

Nhà bố mẹ, anh em đều ở xa, lại ít bạn bè, nên việc gì chị cũng phải tự lo. Có lần, bị ngộ độc thức ăn, đau bụng quằn quại, lại đang lúc 2h sáng nên chẳng tiện gọi cho ai, chị lại lê lết một mình từ tầng 4 xuống tầng 1 gọi taxi đến bệnh viện truyền nước, trưa hôm sau lại tự mò về nhà.

Ngẫm lại cuộc đời đã qua, Hồng Liên nghiệm ra cái gì cũng có giá của nó, mình được cái này thì mất cái kia. Trăng có tròn có khuyết, cuộc đời có được có mất, trời đất vốn không tròn vẹn, chuyện con người có hạnh phúc, có khổ đau âu cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống. Cái tuổi Đinh Dậu của chị vốn đã mang vận lận đận tình duyên, nên giờ đây, chị chỉ biết chấp nhận. Chính tiếng hát đã giúp chị đứng dậy được sau những đổ vỡ, mất mát, dựng lại được vườn cây tâm hồn sau những bão giông trầm luân. Cũng tiếng hát ấy khiến chị luôn vững lòng, vững niềm tin, giữ được ngọn lửa yêu người, yêu đời, yêu cuộc sống.

Biết vậy, nhưng vẫn thầm mong cho bàn tay ấy thôi không còn lạnh giá.

 

  Sinh năm 1957, quê gốc Nam Định

   Năm 1978: nhập ngũ vào Cục quân lương Đoàn Tổng cục hậu cần, tham gia vào đoàn văn công đi biểu diễn ở các chiến trường.

   Năm 1979: Giải A Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc với bài Nắng (Thanh Phúc)

  Năm 1983 đến nay, gắn bó với Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam

  Năm 1985: Huy chương Đồng trong Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp ở Đà Nẵng với bài Hương lúa quê nhà (Phan Huyền Ngọc)

   Năm 1990: Huy chương Bạc Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp tại Hà Nội với bài Tổ quốc tứ bình (Lương Nguyên)

   Năm 2001: được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú

   Năm 2003: ra album đầu tay mang tên “Hương quê”

   Năm 2007: ra album thứ hai mang tên “Đi tìm” kỷ niệm 30 năm đi hát

   Những ca khúc thành công: Sợi nhớ sợi thương, Đóng nhanh lúa tốt, Hoa cau vườn trầu, Hương lúa quê nhà, làng quan họ quê tôi, tiếng chày trên sóc bom bo…

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn