Thiên Long Việt Đồ và tình yêu đất Việt

Tổng hợpThứ Năm, 04/11/2010 10:05:00 +07:00

Người con xứ Quảng tâm sự: “Đó có lẽ sẽ là tác phẩm cuối cùng của tôi”…

Từng được ghi danh vào sách Kỷ lục Việt Nam với hai tác phẩm thư pháp “Bách tâm đồ” và “Bách nhẫn đồ”, nhưng với bộ sưu tập 1000 con rồng gắn liền với văn hóa Việt Nam trong tác phẩm “Thiên long Việt đồ”, ước mơ lập kỉ lục mới với… chính bản thân mình của nghệ nhân dân gian Nguyễn Ngọc Minh mới thành hiện thực. Người con xứ Quảng tâm sự: “Đó có lẽ sẽ là tác phẩm cuối cùng của tôi”…. Cảm nhận về “Thiên long Việt đồ”, sử gia Dương Trung Quốc chỉ vắn tắt trong bốn từ: “Kính nể, tuyệt vời”…

 Tác phẩm Thiên Long Việt Đồ

  Rồng thiêng vẽ Hồn Việt

“Thiên long Việt đồ” là tấm bản đồ Việt Nam hai mặt cao 6m, rộng 3m, được ghép từ 1000 con rồng có tư thế, hình dáng và kích thước khác nhau. Đỉnh đầu rồng là Hà Giang – điểm cực Bắc của Tổ quốc, đuôi rồng hướng về phía đất mũi Cà Mau. Tấm bản đồ vừa thể hiện giá trị xã hội rộng lớn, vừa thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc. Một mặt bản đồ là hình dáng con rồng trong tư thế bay lên, nói lên giấc mơ xưa của Lý Thái Tổ cách đây 1000 năm khi Người mơ thấy rồng vàng và quyết định dời đô từ Đại La về Thăng Long. Mặt bên kia là bản đồ Việt Nam trước năm 1943 – lúc đất nước chưa bị chia cắt ra làm đôi. Mỗi tỉnh, thành phố, huyện, thị, quần đảo, đảo… đều được thể hiện bằng hình ảnh một con rồng tạo thành một chiếc vẩy rồng trong bức tranh tổng thể.  Nghệ nhân Ngọc Minh chia sẻ: “Đó thực sự là một nghìn tác phẩm tinh xảo. Các nghệ nhân đã phải làm việc tỉ mỉ suốt 5 đến 7 ngày mới có thể hoàn thiện được một  con rồng nhỏ”. Con rồng cuối cùng, con rồng thứ 1000 với kích thước lớn nhất, được làm bằng chất liệu vàng 9999 và được ráp đúng vào vị trí Thủ đô Hà Nội – trái tim thân yêu của cả nước, được coi là linh hồn của cả tấm bản đồ.

Theo tác giả của Thiên long Việt đồ mỗi kích thước của Kim Long (con rồng thứ 1000) đều là một con số tượng trưng có ý nghĩa: Trọng lượng của Kim Long  nặng 18 lượng được lấy theo lịch sử của 18 đời vua Hùng; Kim Long có chiều cao 0.21m tượng trưng cho thế kỉ 21. Bề ngang của Kim Long dài 0,326m tương ứng với chiều dài bờ biển Việt Nam theo tỉ lệ 1:1 000 000. Trên thân rồng có tất cả 860 vảy rồng tượng trưng cho 86 triệu dân của Việt Nam hiện nay. Chín đuôi rồng thể hiện hình ảnh chín cánh của dòng sông Cửu Long phía Nam tổ quốc. Ngoài ra, 28 răng rồng cũng được lấy theo con số Nhị thập bát tú, tương ứng với 28 vì sao sáng trên bầu trời Đông – Tây – Nam – Bắc.

Nghệ nhân dân gian xứ Quảng Ngọc Minh

“Thiên long Việt Đồ” cũng hội tụ trong mình đầy đủ những hàm tố về mặt tự nhiên theo quan niệm của người phương Đông: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hai miếng kính chịu lực là hành Thủy. Tấm vải nhung đen là hành Thổ, tượng trưng cho đất, bản đồ Việt Nam được gắn và hình thành trên nền đất đó. 999 con mộc long là hành Mộc. Kim Long chất liệu vàng thật là hành Kim. Và bốn chữ “Thiên long Việt đồ” được hóa rồng viết bằng sơn màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa.

Nghệ nhân dân gian xứ Quảng chia sẻ: “Từ ngàn đời nay người dân Việt luôn tự hào mình là con Rồng cháu Tiên. Chính vì thế dùng hình ảnh Rồng vàng để vẽ nên Hồn Việt thiêng dâng tặng đất tổ chính là một tâm nguyện, một giấc mơ lớn nhất trong đời nghệ nhân của tôi”…

 Ba năm ròng “chạm khắc” tình yêu

Kim Long - Linh hồn của Thiên Long Việt Đồ

Để có một công trình kiến trúc chạm trổ và điêu khắc hoàn thiện khiến sử gia Dương Trung Quốc phải thốt lên: “Kính nể, tuyệt vời…” như ngày hôm nay, suốt ba năm qua, căn phòng nhỏ của doanh nghiệp vàng Ngọc Minh hầu như không lúc nào dừng vang vọng tiếng đục, tiếng đẽo. Cùng với 16 nghệ nhân kim hoàn và chạm trổ trên khắp cả nước, nghệ nhân dân gian xứ Quảng đã tỉ mỉ chạm khắc công phu từng con rồng nhỏ với đủ hình dáng, tư thế khác nhau.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghề kim hoàn đã ba đời nay, tuy nhiên Ngọc Minh lại ẩn chưa trong lòng một tình yêu lớn cho những di vật văn hóa lịch sử dân tộc. Chính vì lẽ đó, người con xứ Quảng đã tham gia và trở thành nhân viên bảo tồn mẫn cán tại Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc tỉnh Quảng Nam.

10 năm trước, anh Minh đã có ý tưởng về làm một sản phẩm thiêng liêng, có ý nghĩa dành tặng đất tổ. Hồi đó anh đã sưu tập được 100 mẫu rồng nhưng vẫn chưa định hình được mình sẽ thực hiện ra một tác phẩm như thế nào. Phải đến năm 2007, khi cuộc vận động cả nước hướng đến 1000 năm Thăng Long được khởi xướng anh mới chính thức có cơ hội được hiện thực hóa giấc mơ của mình. “Tôi nhớ đến tích vua Lý Thái Tổ đã có một giấc mơ rồng vàng bay lên và quyết định dời đô về Thăng Long. Kết hợp với những tư liệu mình đã có được trong tay nên đã nhanh chóng hình thành ý tưởng về “Thiên long Việt đồ”. Đó sẽ là một tác phẩm thể hiện sự tinh xảo của người thợ kim hoàn Việt trước bạn bè thế giới và cũng thể hiện tấm lòng của những người con dân Việt với mảnh đất tổ thiêng liêng”, anh Minh nhớ lại.

Nhưng để có được tác phẩm độc nhất vô nhị được ghép từ một nghìn dáng rồng đó, tác giả của Thiên long Việt đồ đã phải trải qua biết bao khó khăn, bao nhiêu đêm mất ngủ, bao nhiêu lần quên ăn. Khi bắt đầu nêu ý tưởng, anh Minh gần như không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào, kể cả các nhà đầu tư. Nhiều người nói anh “giỡn chơi”, anh “điên rồ”, anh làm “tốn tiền của nhà nước”… Anh chỉ một mực giải thích: đó là tấm lòng của anh với đất Việt, là tấm lòng của người dân đàng trong hướng tới vùng đất hồn thiêng sông núi… Và ôm hết sự “điên rồ” đó vào người, anh bắt tay vào thực hiện giấc mơ của mình.

Dọc theo khắp chiều dài đất nước, bằng tâm nguyệt tha thiết của mình, anh Minh đã tập hợp được 12 thợ kim hoàn, 4 thợ chạm trổ giỏi từ khắp các nơi: Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hội An… về cùng làm với anh trong xưởng chế tác của doanh nghiệp vàng Ngọc Minh.

Khâu hoàn tất sản phẩm

Khó khăn lớn nhất chính là việc sưu tập các mẫu rồng có tạo hình không giống nhau. 1000 con rồng là 1000 mẫu hình khác nhau không trùng lặp, từ kích thước, bề ngang cho tới dáng dấp. “Rồng là linh vật gắn liền với văn hóa người Việt. Rồng ẩn hiện trong hội họa, kiến trúc, trong văn thơ, điển tích… của người Việt rất nhiều. Tuy nhiên, để có 1000 mẫu rồng khác nhau lại không đơn giản chút nào. Những họa sĩ giỏi hiện nay có mời về họ cũng chỉ vẽ được 3 đến 5 mẫu rồng là hết ý tưởng. Vì thế chúng tôi phải mất nhiều tháng ròng, đi lang thang khắp nơi trên cả nước để truy tìm và sao chép các hình dáng rồng”, nghệ nhân dân gian xứ Quảng chia sẻ.

Tra tìm trên internet, thư tịch cổ, trên mái chùa, đình, lăng mộ… cứ ở đâu có người báo có hình ảnh rồng lạ là anh Minh lại tìm đến dù nửa đêm hay giữa trưa nắng gắt. Nhiều khi cũng nản nhưng chính tâm huyết đã níu kéo anh Minh và nhóm của mình tiếp tục kì công, cần mẫn đi tìm những mẫu rồng. Suốt 3 năm ròng tìm kiếm, nhóm của anh mới có thể tìm đủ 1000 dáng rồng ưng ý.

Sưu tầm mẫu rồng đã vất vả, chạm khắc 1000 con rồng theo mẫu cũng không hề đơn giản chút nào. Đắn đo mãi, nhóm của anh mới quyết định chọn gỗ mứt – một loại gỗ hoang dã miền núi để làm chất liệu. Dù gỗ mứt chống được lão hóa, mối mọt và bền bỉ, nhưng những chi tiết nhỏ, tinh xảo vẫn khiến cho những tác phẩm của anh Minh bị gãy vụn trong quá trình làm nguội hoàn thiện. “Chúng tôi phải làm 1200 con rồng rồi mới biên tập lại để còn 1000 con vì gãy hỏng nhiều lắm”, anh Minh thổ lộ.

Chưa kể để tạo những vảy rồng nhỏ, các nghệ nhân phải dùng mũi khoan loại 1 ly rưỡi, nhỏ như sợi tóc, chỉ cần sơ ý là bị gãy. Giá một mũi khoan như thế khoảng 5 nghìn đồng, nhưng sau khi hoàn thành 1000 con rồng thì phải lấy thúng, lấy rổ mới có thể đựng hết được các mũi khoan gãy. Tính ra cũng mất đến ba bốn chục triệu. Tính từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện tấm bản đồ, anh Minh đã phải bỏ tiền túi ra khoảng 1 tỉ đồng tiền đầu tư. Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất với anh. “Điều khiến tôi hài lòng nhất là đã thực hiện được giấc mơ của mình. Đó không chỉ là tấm lòng của người con đất Quảng dành tặng cho tổ quốc mà còn là niềm tự hào về sự tài hoa, cần cù lao động, ý chí quyết tâm của những người thợ mộc, thợ kim hoàn đất Việt trước bạn bè thế giới”, nghệ nhân tâm sự.

Mạnh Tiến - Ảnh: Hồ Quang

Bình luận
vtcnews.vn