Ông lão khắc bút bên Hồ Gươm

Tổng hợpThứ Tư, 06/10/2010 08:00:00 +07:00

Sau mỗi động tác, con rồng lại dần hiện ra rõ nét hơn: đầu, thân, đuôi… rồi đến những đám mây mềm mại cuộn bên thân rồng uốn lượn.

Sau mỗi động tác, con rồng lại dần hiện ra rõ nét hơn: đầu, thân, đuôi… rồi đến những đám mây mềm mại cuộn bên thân rồng uốn lượn. Bàn tay ông Quý khắc trên vỏ hộp phấn cứng của tôi tựa như người họa sĩ cầm cây bút lông phác màu lên những tấm toan mềm. Nhẹ nhàng và bay bổng… Cạnh bên ông, hộp đồ nghề nhỏ như hộp đựng bút của học sinh, trong đó có mấy thứ đồ tự chế đơn giản: mấy cây bút lưỡi thép nhỏ mài nhọn cong cong, một chiếc giẻ lau, một cây bút chì và vài viên phấn màu xanh, đỏ, vàng…

 

 

Ông Quý làm nghề “khắc bút” bên gốc đa mấy trăm tuổi gần đền Bà Kiệu đã 50 năm nay. Nhìn bóng ông cần mẫn, tỉ mỉ khắc từng nét chữ lên những chiếc bút máy, những bức tranh sơn mài… dưới bóng đa rậm rạp, râm mát người ta có cảm giác không gian lắng đọng, thời gian không trôi. Tựa như hình ảnh xưa cũ nào đó lạc giữa phố phường đông đúc, nhộn nhịp. Ông Quý trầm ngâm kể: “Tôi nghe ông bà truyền miệng cây đa này có từ thế kỉ VII cùng với việc xây dựng đền Bà Kiệu. Chỗ đứng của cây đa bây giờ từng là một cây gạo lớn để các quan lớn thời bấy giờ buộc ngựa vào mỗi lần đi lễ. Rồi một con chim lạ mang về thả một hạt đa dưới gốc cây. Hạt đa ấy nảy mầm, lớn dần, bọc quanh rồi nuốt chửng cả cây gạo. Giờ người ta vẫn thấy một hõm sâu trong lòng cây đa, ấy chính là vết tích để lại của gốc gạo bị chết. Bên cái thân cây đa xù xì, thô ráp này, 50 năm qua tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu những thay đổi, chuyển mình của Hà Nội. Thậm chí cả những thay đổi, thăng trầm trong chính cái nghề khắc bút của tôi….”

Những năm 60 của thế kỉ trước, khắc bút được xem là nghề thời thượng, bởi chiến tranh, loạn lạc người ta cần một món đồ, một dấu tích tặng nhau hay giữ lại. “Thời ấy, trước khi ra chiến trường, những anh bộ đội trẻ thường mua bút để khắc cái chữ kỉ niệm, đề tên, quê quán, ngày tháng nhập ngũ… Khi chiến tranh kết thúc, người ta đi tìm đồng đội. Nhiều ngôi mộ mọi thứ đã trở về với cát bụi, chỉ còn lại chiếc bút vẫn ghi dấu người nằm dưới lòng đất lạnh là ai…”, ông Quý đăm chiêu nhớ lại.

 

Thời gian đầu, mọi người thường mang bút lên Hàng Bông, Hàng Gai để khắc chữ. Ở đó có những máy khắc bút chuyên dụng, chỉ 2 phút là lấy ngay. Nhưng máy khắc bút chỉ khắc được chữ in, mà nét cũng không thanh mảnh, không bay lượn… Ông Quý đã tự mày mò mài mấy lưỡi thép nhỏ, lấy cây bút chì, chiếc giẻ lau cùng vài viên phấn màu, rồi ôm hộp đồ nghề ra gốc đa kiên nhẫn học và làm nghề khắc bút. Hồi ấy ông Quý vừa tròn 26 tuổi. Thời gian đầu ông cũng khắc chuệch choạc, nét thẳng, nét liêu xiêu… nhưng vốn viết chữ đẹp lại có chút hoa tay nên chỉ ít lâu sau ông đã khắc được những nét chữ bay bổng, mềm mại. Không những thế nhờ có năng khiếu vẽ cùng trí tưởng tượng phong phú, đa dạng nên ngoài khắc chữ, ông còn khắc được những hình ảnh sinh động khác như: cầu Thê Húc, tháp Rùa, Rồng vàng… Chẳng mấy chốc, khách đến nhờ ông khắc bút đông nườm nượp, xếp hàng dài… Tiền ông kiếm được từ nghề cũng đủ để gia đình ông ngày ấy sinh hoạt dư dả, rủng rỉnh. Rồi người ta thi nhau làm nghề khắc bút theo ông. Những chiếc máy khắc bút chuyên dụng trên Hàng Bông, Hàng Gai cũng dần bị xếp xó bởi chẳng ai khắc máy nữa. Đó là thời “hoàng kim” của nghề khắc bút cũng là thời “hoàng kim” của ông Quý…

 Bao nhiêu lần xa gia đình đi nhập ngũ, tham gia kháng chiến, nhưng khi về đến Hà Nội ông Quý lại chung thủy với nghề cũ, lại quấn quýt bên gốc đa già xù xì, trầm mặc như người bạn già lâu năm thân thiết. Vật đổi sao dời, người ta dần bỏ nghề vì chẳng kiếm được là bao, chỉ riêng ông vẫn theo đuổi, vẫn cần mẫn khắc những nét chữ bay bổng, mềm mại dưới những tán lá, những hốc bọng khổng lồ của gốc đa… Đến đền Bà Kiệu vào bất cứ ngày nào trong tuần, từ 7h30 sáng tới 18h chiều người ta đều có thể bắt gặp hình ảnh một ông lão tóc bạc phơ trầm tư bên chiếc hộp dụng cụ nhỏ. “Có lẽ nghề khắc bút sắp trồi vào dĩ vãng rồi cô ạ. Người ta đã quá quen với những món quà lưu niệm bóng bẩy. Chẳng mấy người còn nhớ, còn thích khắc bút kỉ niệm nữa”, ông Quý nhìn xa xăm.

Dù khách hàng ngày càng thưa vắng, nhưng không phải ông Quý không có khách. Thay vì những anh bộ đội chuẩn bị nhập ngũ như ngày xưa, giờ khách hàng của ông là những người cựu chiến binh. Họ mua tranh sơn mài, mua bút nhờ ông khắc để tặng đồng đội, để mừng thọ nhau… Giới trẻ thì ít hơn, chỉ thi thoảng có những cô cậu sắp đi du học hoặc gửi quà tặng cho người bạn ở xa mới mua chiếc bật lửa hay vật dụng nào đó tới nhờ ông khắc chữ. Có những ngày cao điểm như: mùng 8/3, ngày lễ tình nhân, ngày khai giảng… ông làm không hết việc. Nhưng bù lại cũng có đôi khi ông Quý ngồi thong dong cả ngày bên ấm trà xanh, dăm ba câu chuyện với người bạn già gác cổng đền Bà Kiệu.

 

Thu nhập từ tiền khắc bút của ông Quý cũng chẳng đáng là bao. Chữ đơn giản ông lấy 5000, phức tạp hơn một chút ông lấy 10.000. Còn những chữ, những hình khó, phức tạp… giá dao động từ 15.000 đến 50.000. Tổng thu nhập một tháng khoảng từ 800 nghìn tới một triệu đồng, chỉ đủ tiền để ông Quý trà thuốc và tập thể hình. Dù con cái đã thành đạt và chu cấp cho ông một cuộc sống đầy đủ, nhưng ông vẫn theo đuổi nghề, bởi với ông đó là một thú vui, một cách trải nghiệm cuộc sống và ngắm nhìn dòng đời xuôi ngược từng ngày trôi qua…  Và hơn thế nữa, khắc bút cũng là nét đẹp trong văn hóa Hà Nội một thời…

Mỗi sản phẩm làm ra với ông Quý đều là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Ông bảo khắc bút cũng cần có năng khiếu nghệ thuật, có trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, khéo tay, bay bổng và cũng phải kiên trì: “Khắc những nét mềm mại trên bề mặt cứng không phải dễ, cũng phải tập kì công lắm. 50 năm làm nghề tôi vẫn chưa thấy hài lòng, đến giờ vẫn phải vừa làm vừa tập thêm. Khắc chữ trên vật phẩm quen, giờ viết chữ trên giấy lại thấy xấu cứ như gà bới vậy cô ạ”, ông lão cười hóm hỉnh, những nếp nhăn trên đôi mắt đã 76 năm nhìn đời xô lại với nhau thoáng chút xa xôi. Khách hàng vắng hơn ông cũng có chút buồn, nhưng còn buồn hơn vì ông chưa tìm được cho mình một người nối nghiệp. Chẳng ai muốn theo cái nghề thu nhập ít ỏi này cả.

Cách đây 5 năm, có một người theo học đức cha ở nhà thờ đến nhờ ông dạy khắc chữ. Ông đồng ý dạy và người ấy viết cũng rất đẹp. Nhưng họ chỉ muốn học để có thể khắc được chữ lên những vật phẩm đem tặng cho khách nước ngoài chứ không có ý định theo nghề. “Thời gian đầu học xong, ông ấy cũng thường xuyên qua lại đây lắm. Nhưng hai năm rồi ông ấy cũng không còn quay lại nữa…”, ông Quý nhớ lại.

Nhìn bóng ông Quý trầm ngâm bên gốc đa già tôi cứ liên tưởng tới hình ảnh ông đồ già trong bài thơ của Vũ Đình Liên. Cũng một thời vàng son bán chữ đắt khách, rồi cũng một thời khách qua lại thưa thớt, mực đọng trong nghiên sầu… Nhưng dù sao, mấy năm gần đây, hoạt động thư pháp ở Việt Nam đã bắt đầu sôi động trở lại, ông đồ già năm xưa đã có thể mỉm cười. Còn nghề khắc bút của ông Quý, liệu có bao giờ đông đúc trở lại???

Mạnh Tiến

Bình luận
vtcnews.vn