VĂN NHƯ CƯƠNG – “CHỞ BAO NHIÊU ĐẠO, THUYỀN KHÔNG KHẲM…”

Tổng hợpThứ Sáu, 06/08/2010 08:00:00 +07:00

ng nói “thời gian này, tớ đang theo vụ “thằng” Lý Tống xịt hơi cay anh chàng Đàm Vĩnh Hưng. Tớ thì tớ nghĩ là thế này… nhưng mà cũng có người lại bảo thế này…”.

Một buổi sáng như bao buổi sáng, người thầy giáo già dậy sớm xem hết chương trình Thời sự rồi ngồi vào bàn mở mail, trả lời thư từ, lướt qua tin tức trên báo mạng và blog. Ông nói “thời gian này, tớ đang theo vụ “thằng” Lý Tống xịt hơi cay anh chàng Đàm Vĩnh Hưng. Tớ thì tớ nghĩ là thế này… nhưng mà cũng có người lại bảo thế này…”.


 
 

Vừa mới kịp mở lời “Thưa giáo sư…”, tôi đã bị chặn lại “Ấy, tớ xin đính chính sự hiểu lầm của nhiều người, chức danh của tớ là Phó giáo sư chứ không phải Giáo sư, tớ hơn hẳn các giáo sư một chữ Phó cơ mà…”. Nói rồi Văn Như Cương cười khà khà, rung rinh chòm râu bạc trắng như cước.

 

“Một cuộc đời hai nửa vấn vương…”

 

Vẻ ngoài của ông có cùng mẫu số chung của các nhà giáo dạy Toán: nghiêm cẩn, chỉnh chu, mực thước. Nhưng tiếp xúc với ông mới thấy, bên trong là một tâm hồn phong phú, hài hước và… ngông ngông, gàn gàn của một cụ đồ xứ Nghệ.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An nắng cháy gió Lào, cái nơi mà đàn ông đa phần sống bằng nghề “gõ đầu trẻ” còn phụ nữ chỉ quanh năm dệt vải thì việc ông đến với nghề giáo như một lẽ tất nhiên, thường tình. Ngoài ông cụ thân sinh là hương sư, bốn trong sáu anh chị em của ông đều nối bước cha đứng trên bục giảng, chưa kể con dâu, con rể đa phần cũng cùng nghề. Ba cô công chúa của ông hiện giờ cũng đã là cô giáo. Đến cháu ngoại hiện cũng đã có đứa đang là sinh viên sư phạm.

 

Ngay từ ngày còn đi học, ông đã học khá cả hai môn Văn và Toán. Bằng chứng là những bài luận ông viết, khi còn học cấp 2, cấp 3 luôn được thầy giáo khen ngợi. Khi thi vào đại học, bố ông đưa ra hai phương án: hoặc sư phạm, hoặc một ngành kĩ thuật. Ông đã chọn nghề giáo. Lúc chọn bộ môn giảng dạy, ông lại phải đứng trước toán và văn - hai niềm thích thú bằng nhau và kết quả học tập tương đương. Cũng đắn đo, cũng mặc cả rồi cuối cùng chọn Toán, bởi đơn giản, nghiên cứu toán học vẫn có thể đọc văn chương, thơ phú. Nhưng đã lãng đãng theo “nàng thơ” thì đừng hòng tiếp thu tốt những con số.

Ông rất thích thể thơ Đường luật, bởi niêm luật, quy tắc gieo vần của nó chặt chẽ như... toán học. Và tuy bị trói buộc trong một khuôn khổ cứng nhắc nhưng những ngôn từ, ý thơ vẫn bật lên, giàu sức bay bổng. Ông cũng thích làm các câu đối, bởi nó có hai vế đối nhau chan chát. Ông bảo trong toán học, cái đó gọi là “song ánh”, trên 7 chữ, dưới 7 chữ, trên nói lái thì dưới nói lái, trên chơi chữ thì dưới cũng phải chơi chữ, luôn ảo tồn quan hệ đối xứng. Câu đối tiễn năm Chuột đón năm Trâu của ông được giới văn nghệ đánh giá rất cao:

 

Năm Chuột đi, cháy nhà vẫn không ra mặt chuột

Tết Trâu đến, gảy đàn liệu có lọt tai trâu

 

Ông cũng có một bài thơ được sinh viên dân Toán rất yêu thích:

 

Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn

Mong rằng Toán học bớt khô khan

Em ơi,trong Toán nhiều công thức

Đẹp cũng như hoa lại chẳng tàn

 

Ông cho rằng không chỉ văn học mà toán học cũng cần trau chuốt cho ngôn ngữ sinh động, nhất là khi giảng bài, để những con số khô khan được mềm mại hóa và dễ tiếp thu. Ví như, thay cho một bài toán chi chít từ “Do đó” và dấu “=>”, có thể thay thế bằng cách dùng các từ khác cùng nghĩa như “Cho nên”, “Từ đó”, “Như vậy”… Rồi ông lấy ví dụ khác: định nghĩa đường tròn là một tập hợp những điểm cách điểm cố định một khoảng không đổi, nếu thầy giáo nhắc lại như thế theo sách giáo khoa thì rất thụ động và kém sáng tạo. Bài giảng của Văn Như Cương sẽ là: “Buộc một con chó vào một cái cọc, căng cái dây ra và cho nó chạy xung quanh thì sẽ thành một đường tròn, vì khoảng cách từ nó tới cái cọc không thay đổi. Vậy đường tròn là gồm tập hợp những điểm cách đều một điểm cố định”. Chỉ với cách nói hóm hỉnh đó, bài giảng của ông sinh động và lý thú hơn rất nhiều.

 

Văn Như Cương, Toán cũng Như Cương

Một cuộc đời hai nửa vấn vương

 

Một người bạn của ông đã từng tặng hai câu thơ hóm hỉnh ấy. Thơ của Văn Như Cương, đếm sơ sơ cũng đã đủ in một tập. Biết vậy thôi chứ ông cũng chẳng có ý định in ấn, phát hành. Đó là một thế giới khác, của riêng ông, để những lúc tâm hồn nghệ sĩ thoát xác khỏi con người toán học lại có chỗ mà đi ra đi vào.

 

“Toán học cũng xuất phát từ thực tế rồi trừu tượng hóa. Người ta nói 2 + 2 = 4, nhưng không nói 2 cái gì cộng 2 cái gì. Bé bé thì nghĩ là 2 cái kẹo, lớn hơn một chút nghĩ 2 cái cây mà lớn hẳn thì nghĩ 2 đô la, 2 euro… như thế là trừu tượng hóa. Trong văn học, nói đến Chí Phèo, cũng không phải là một anh chàng cụ thể ở đâu cả mà là sự tổng hợp một loại người, hình tượng văn học”- Văn Như Cương diễn giải mối quan hệ giữa văn chương và toán học.

 

Ông cũng đặc biệt thích Hình học vì nó tư duy hình ảnh, giống như văn chương, thi phú. Nằm ngật ngưỡng vắt chân trên giường, lim dim đôi mắt cũng có thể mường tượng ra những vuông góc, những giao điểm, những định luật.

 

 

Đã qua rồi thời “lợn nuôi Văn Như Cương”

Năm 1971, sau khi học ở Liên Xô về, mang tiếng là phó tiến sĩ nhưng lương chẳng đủ ăn, ông liền cùng vợ quây mảnh sân nhà làm chuồng nuôi lợn. Giai thoại Văn Như Cương nuôi lợn là có thật nhưng ông chối không phải nuôi ở tầng 4 mà là… tầng 1. Rồi ông bảo không có chuyện hàng ngày ông đi lấy nước gạo như một số báo đã viết mà chỉ đi… vớt bèo. Bí quyết nuôi lợn của Văn Như Cương cũng rất độc đáo. Sẵn có hộp sữa bột được cho theo tiêu chuẩn, mỗi bận cho lợn ăn, ông lại hòa thêm một chén sữa hoặc có khi thêm chén nước mắm cho đậm đà. Thế nên, lợn nhà Văn Như Cương lớn nhanh như thổi. Mỗi tháng, trừ các loại chi phí rau cám, chú lợn của ông cũng đem lại cho chủ 70 đồng, bằng đúng lương giảng viên của chủ. Ông hay nói đùa “không phải Văn Như Cương nuôi lợn mà là lợn nuôi Văn Như Cương”. Bạn bè đến chơi, có người cám cảnh, nhưng ông chỉ cười, nhà có hai phó tiến sĩ đấy, một tôi, một lợn. Nhưng rồi lợn cũng chỉ nuôi được 2 - 3 lứa là phó tiến sĩ hết tiền mua thức ăn, đành phải bán sớm. Lại có người đến chơi hỏi sao ông cho nó “bảo vệ” sớm thế, lần này ông cười, vẫn rất hài hước “hết đề tài (rau cám) nên tôi cho nó “bảo vệ” sớm chứ sao!”

Sau này, người ta đồn Văn Như Cương có khu sinh thái trên Sơn Tây to lắm, đẹp lắm. Ông bảo, chỉ vì đi thoát ly gia đình mấy chục năm chuyên ở nhà tập thể,  mà không có một tấc đất cắm dùi, nên thấy người ta mua đất cùng đánh liều mua luôn một vạt. Gần chục nghìn mét đất, ông bỏ công xây tường bao, xây nhà nghỉ, xây cổng trước cổng sau bằng chất liệu đá ong đẹp như một lâu đài. Một hàng cây mơ cao bốn mét đến mùa nở hoa tưng bừng. Một vườn cam, một vườn bưởi, một vườn vải, một vườn khế… mấy năm rồi kết trái… Những hàng quế tỏa hương thơm cay nhè nhẹ… Đang chìm ngập trong giấc mơ vườn tược thì được tin vạt đất này đã nằm trong qui hoạch Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Ông nói vui: “Nhà nước đã trả tiền cho mình rồi, nhưng chưa lấy đất nên lúc nào cũng như đang trong thời chiến, sẵn sàng di cư”. Ngẫm lại, ông than là mình không có số điền địa, hễ dính vào đất cát là thất bại. Trước, có một mảnh đất nữa ở Nhổn, ông mua được giá rẻ nhưng mãi không làm được sổ đỏ nên đành bán đi không có lãi. Bây giờ, người ta chạy được sổ đỏ nghe đâu mảnh đất ấy bán được gấp 10 lần giá mua lại của ông. Đến nay, nhà nước cho đất để xây trường và có cho hiệu trưởng một mảnh con con nhưng cũng phải lận đận hơn 6 năm trời mới làm xong thủ tục giấy tờ và bắt đầu xây.

 

Nặng nợ một… chòm râu

Văn Như Cương, từ lâu đã gắn với hình ảnh một ông giáo già với chòm râu quắc thước. Bạn bè thích thú trêu đùa: giả sử cắt đi bộ râu ấy, coi như không còn Văn Như Cương nữa. Để giữ gìn được “hàng hiếm” đó, ông cũng đã phải trải qua bao buổi lao đao. Riêng khoản xếp hàng mua dao cạo râu đã đủ mệt rồi. Người ta tiêu chuẩn mỗi người một lưỡi banh xe lam, nhưng riêng ông đòi mua hẳn một hộp mười lưỡi. Nhân viên bán hàng lại tưởng ông là hạng “phe dao lam” nên không chịu bán. Bực mình, Văn Như Cương vạch hết bộ râu ra và bảo “Nhìn tôi thế này giống dân phe lắm à, từng này râu thì chị nghĩ bao nhiêu lưỡi cho đủ”. Bà con, dân tình phía sau cũng nhiệt tình ủng hộ, đồng thanh hô “Bán cho ông ấy một hộp đi, đứng lâu quá!”. Ấy thế mà cũng không đủ, ông còn phải sắm thêm cái mài dao để tận dụng được nhiều lần.

 

Tính ra, ông nuôi râu từ năm 32 tuổi. Thời gian sang Nga học, thấy người Nga, ai cũng để râu như Lê Nin, họ lại chê đàn ông Việt Nam không có râu nên quyết định để râu… cho oách. Về nước, ông đi dạy, lẽ dĩ nhiên là râu vẫn... dài. Lãnh đạo góp ý, đề nghị ông phải làm gương cho sinh viên, bởi ông để được, có nghĩa là sinh viên của ông cũng được phép.

Máu gàn “đồ Nghệ” nổi lên, ông tuyên bố càng nhiều người yêu cầu gọt râu, ông càng để. Rồi ông thấy mình không đươc tăng lương, dù đã tới kỳ. Bạn đồng lứa với ông, người chỉ dạy phổ thông, người không có học vị PTS vẫn được tăng đều. Thắc mắc, ông được trả lời: “Tại bộ râu”!(?)

 

Lần khác, đề toán của ông được chọn vào đề thi chính thức trong kì thi quốc tế tại Hungari. Cũng năm ấy, một học sinh Việt Nam đã giành điểm tuyệt đối ở đề này. Đài truyền hình ngày đó tổ chức một cuộc giao lưu trong đó mời học sinh đoạt giải và thầy Văn Như Cương. Nội dung không có vấn đề gì, nhưng sau này ông mới được biết, vị đạo diễn đã bị phê bình khá nặng vì cho một ông nhiều râu lên sóng truyền hình quốc gia.

 

Biết thân biết phận, từ sau đó, xuất hiện ở nơi nào là ông lại tránh mấy máy quay phim của Đài. Nhưng mỗi thời mỗi khác, giờ có lẽ người ta lại thấy bộ râu của ông đẹp, nên dù đã cố tình trốn, quay phim vẫn vác máy tới tận nơi, thu hình cho bằng được. Cách đây chục năm, râu của ông bắt đầu bạc. Trong khi, trớ trêu thay, mái tóc trên đầu vẫn đen nhánh. Người nọ người kia thắc mắc, Văn Như Cương đùa:"Đầu tôi làm việc ít, trong khi mồm hoạt động nhiều, râu lão hoá nhanh hơn tóc là chuyện đương nhiên".

 

Trời sinh trời dưỡng, bao nhiêu năm trời Văn Như Cương chả phải chăm bẵm, tỉa tót gì cho bộ râu mà nó vẫn đẹp và góp phần tạo nên thương hiệu “Văn Như Cương”. Ông cười, bảo: “Nếu không cắt đi thì có lẽ tớ cũng được đi thi kỷ lục Guiness bộ râu dài nhất Việt Nam rồi đấy”. Thi thoảng quên để ý, râu dài chấm rốn, lại phải túm cả cụm, lấy kéo cắt xoẹt một phát. Tóc cũng không khác gì, dài dài ra cỡ nắm được thành “đuôi gà” là ông lại tự xử lý, thế nên ông nhiều râu nhiều tóc thế nhưng chẳng bao giờ tốn tiền đi thợ hớt. Bộ râu tạo nên điểm hấp dẫn của Văn Như Cương, nhất là với các cháu nhỏ. Không kể quen hay lạ, cứ thấy ông Cương là trẻ con xúm lại chỉ để… vuốt râu. Thậm chí học sinh trong trường, thi thoảng cũng lại gần thầy vuốt vuốt, trầm trồ ngắm nghía bộ râu của thầy như một kỳ tích.

 

 

“Sự nghiệp trồng người vẫn cố theo…”

Bàn về thế hệ trẻ hôm nay, Văn Như Cương nói: “Những người già thường khắt khe với thế hệ trẻ nhưng họ quên mất thời trẻ họ đã như thế nào. Tôi thời cấp 3 ngày xưa thua xa các em học sinh cấp 3 bây giờ về mọi phương diện, về kiến thức, về tiếp nhận và xử lý thông tin. Thời đại ngày nay mà bắt các em ngồi ở nhà học suốt ngày thì không được, phải để các em tiếp xúc, giao lưu, đi ra ngoài xã hội để thu nhận cuộc sống. Cá tính của các em cần được tôn trọng. Ngày xưa, tuổi trẻ chỉ mong học tốt, ra trường kiếm được một cái nghề, nôm na cuối cùng cũng là đi làm thuê cho nhà nước hoặc doanh nghiệp. Ngày nay khác, họ tự lập, ban đầu chưa có cơ hội thì chấp nhận làm thuê nhưng ý chí của họ thì luôn muốn làm chủ chất xám của mình. Một học sinh của tôi, đi học giao thông năm thứ 4 mà đã mở một công ty nhỏ có 6,7 người làm việc về lĩnh vực các phần mềm vi tính, vừa mới đây lại mở thêm được chi nhánh ở bên Mỹ. Khát vọng của họ đáng để chúng ta suy nghĩ và học hỏi”. Có lẽ vì thế mà logo trước cổng trường Lương Thế Vinh của ông chỉ treo bốn chữ đơn giản “Có chí thì nên”.

“Một mình một cõi”, bao năm nay trường THPTDL Lương Thế Vinh mà ông làm hiệu trưởng luôn thực hiện ba không: không họp hành; không bầu bán; không khen thưởng. Với ông, chất lượng giáo dục mới là niềm quan tâm hàng đầu. Hiện tại, ông đang bận rộn với công việc xây dựng trụ sở mới của trường và ông hóm hỉnh bảo rằng nhiệm vụ lớn nhất và quan trọng nhất của mình là đi vay tiền.

Về cải cách giáo dục, đã có nhiều ý kiến khuyên  nên phá đi làm lại nhưng Văn Như Cương không ủng hộ cách đổi mới theo kiểu phá bỏ cái cũ. Cũng giống như hồi xưa người ta nô nức mua cám con cò về nuôi gà công nghiệp cho nó lớn nhanh như thổi. Nhưng rồi bây giờ người ta lại đi tìm gà ri, gà tre, nuôi theo kiểu Việt Nam...

Bảy mươi tư tuổi, dù đã nghỉ hưu lâu rồi, nhưng ông vẫn đứng lớp và vẫn đảm nhận công việc của một hiệu trưởng như một niềm nuối tiếc cái nghề mình đã gắn bó bao nhiêu năm:

 

Ta phải về thôi, tuổi xế chiều

Dẫu còn dan díu chút tình yêu

Bài ca sư phạm không đành bỏ

Sự nghiệp trồng người vẫn cố theo…

 

Cứ đến mùa tuyển sinh, có gọi để nhờ Hiệu trưởng can thiệp thì cũng chỉ nghe thấy tiếng ò e í ò e í...!? Tìm đến nhà thì thấy cửa đóng im ỉm. Hỏi thì luôn nhận được câu trả lời: "Thầy Cương đi công tác nước ngoài!". Văn Như Cương thú nhận, khoảng thời gian đó ông thường phải tắt điện thoại "trốn" lên Tam Đảo hay ra Đồ Sơn viết sách. Suốt cả  đời tận tụy với nghề “đưa đò”, nếu ví giáo dục Việt Nam là một con thuyền thì Văn Như Cương là một người lái đò cần mẫn “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”.

 

Hết tuổi chơi thể thao, chưa đến tuổi tập thể dục…

Vừa tham gia công tác quản lý, viết sách, giảng bài ở các trường đại học, đi tỉnh xa tập huấn cho giáo viên, Văn Như Cương luôn dành thời gian để viết báo, làm thơ. Khi không có toán học và văn chương, Văn Như Cương thích thú tìm đến bạn bè. Ông chơi nhiều với giới nghệ sĩ. Lên mạng search ảnh của ông sẽ thấy không ít tấm ông chụp chung với giới nhà văn, nhà thơ, toe toét bên bàn nhậu.

Khả năng uống rượu của Văn Như Cương vào hạng “siêu”, nghe đâu chỉ thua mỗi Trịnh Công Sơn, Văn Cao và Hoàng Trung Thông. “Rượu vào thơ ra”, nhưng cũng chỉ dám uống lúc vui vẻ, hội ngộ bạn bè. Về khoản sức khỏe, Văn Như Cương không dấu niềm tự hào vì “chưa phải đi bệnh viện bao giờ, trừ một lần bắt buộc phải mổ ruột thừa”. Có một “gã” hay phiền hà nhất là bệnh cao huyết áp, nhưng được cái mỗi lần nó “leo lên” thì chỉ cần uống một vại bia là lại “tụt xuống”.

Văn Như Cương nhớ lại cái hồi trai trẻ - một anh chàng “xì - po” chính hiệu: hết bóng rổ đến bóng đá, bóng chuyền. Ông từng là đội trưởng đội bóng chuyền của Sư phạm Vinh. Giờ đã bước sang tuổi U80 nhưng ông vẫn tự hào là “đã hết tuổi chơi thể thao nhưng chưa đến lúc tập thể dục”.

Tôi cũng chỉ dám làm phiền ông dăm câu ba điều đầu giờ sáng, rồi lại phải trả Văn Như Cương lại cho nhà trường, cho công việc và cho cái ô tô lù lù ngoài cổng trường, đang chờ để đưa vị giáo già… đi học. Số là đợt này, ông đang phải tham gia khóa đào tạo Hiệu trưởng do Bộ GD&ĐT liên kết với Singapo…

 

Nhà giáo Văn Như Cương

 

Sinh năm 1937, tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Năm 1954, học khoa Toán, ĐHSP Hà Nội.

Năm 1971, bảo vệ luận án PTS toán học tại Viện Toán học, Viện hàn lâm khoa học Liên Xô(cũ). Về nước,ông là Chủ nhiệm bộ môn hình học,trường ĐHSPHN ròi trường ĐHSP Vinh.

Năm 1989, ông mở trường dân lập đầu tiên ở Việt Nam mang tên Lương Thế Vinh.

Ông từng chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo chương trình phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học.

Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam.           

Ông là một Tiến sĩ toán học, được phong học hàm phó giáo sư.

Bình luận
vtcnews.vn