LuaLaConcert: Sự pha trộn lập dị nhưng đầy sáng tạo

Tổng hợpThứ Hai, 27/05/2013 02:38:00 +07:00

Ra mắt khán giả Hà Nội vào tháng 11/2011, chương trình hòa nhạc Luala Concert đã trở thành một sự kiện âm nhạc...

   Bốn mùa xuống phố

Năm nay là năm thứ 3 của Luala Concert và là mùa diễn thứ 4 Luala Concert xuống phố. Ra mắt khán giả Hà Nội vào tháng 11/2011, chương trình hòa nhạc Luala Concert đã trở thành một sự kiện âm nhạc – văn hóa nhằm giới thiệu đến công chúng những dòng nhạc còn ít được biết tới tại Việt Nam. Biểu diễn miễn phí ngay trên phố Lý Thái Tổ (Hà Nội), những mùa trước, Luala Concert đã thu hút hàng trăm lượt khán giả mỗi buổi, thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi. Cùng với đó, mỗi mùa là một sự “dấn thân” thể nghiệm mới của Luala. Nếu như những mùa trước là những bước đi chập chững, thuần âm nhạc giao hưởng đến với khán giả, thì mùa Xuân - Hè năm nay, Luala còn mạnh dạn đem cả nhạc truyền thống xuống phố.

 

Ðến với Luala Concert, không còn khoảng cách, không còn giai cấp, chỉ có những người yêu nhạc. Ai cũng có thể đến thưởng thức, không cần vé mua, vé mời, hay ăn mặc đẹp. Có ghế ngồi ghế, không có ghế thì ngồi bệt trên hè phố. Không cần điều hòa, không cần quạt gió, thế mà vẫn đông người xem lạ thường. Trình diễn ngoài phố, thỉnh thoảng lại có âm thanh lạ vang lên, nhưng không gian của Luala vẫn được bao bọc bởi những khán giả cực kì nghiêm túc, cho dù trong đó có người qua đường chỉ ghé lại một chút, có người đứng lại lâu vì thích, người chỉ nhìn vì tò mò… nhưng tất cả đều im lặng cho dàn giao hưởng Luala chơi. Chính khán giả đã góp phần tạo nên một nhà hát nhỏ ngay bên vỉa hè của phố phường tấp nập. Tưởng rằng âm thanh pha tạp của đường phố sẽ phá hỏng những buổi hòa nhạc, tuy nhiên, chính sự tương tác giữa âm thanh cuộc sống với âm nhạc hàn lâm đã mang lại một sức sống khác cho Luala Concert.

Không chỉ người Việt Nam mà khách du lịch cũng dừng chân để nghe nhạc, chụp hình. Bằng việc biểu diễn trong khung cảnh ngoài trời như thế, Luala Concert đã góp phần tạo ra một tuyến phố văn minh. Bất cứ ai đi trên con phố Lý Thái Tổ cũng có thể nghe nhạc cổ điển, một cách tự nhiên nhưng không kém phần sang trọng. Không phải chỉ là một show ngắn ngủi, Luala Concert hướng đến tiêu chí đem âm nhạc giao hưởng đến cho đông đảo quần chúng, để người người, nhà nhà có thể thưởng thức thứ âm nhạc thượng lưu này. 

Với những thử nghiệm, ngẫu hứng đầy tính sáng tạo và nhiệt huyết của nghệ sĩ trẻ cộng hưởng với sự lịch lãm, khắt khe từ các nghệ sỹ gạo cội đã tạo nên những tác phẩm âm nhạc đặc sắc và thực sự chiếm được cảm tình của công chúng Hà Nội trong những mùa Luala Concert.

Lê Cát Trọng Lý

   Cái bắt tay ngọt ngào giữa cổ điển và hiện đại

Trở lại trong mùa Hè 2013, chương trình Luala đã đem đến cho khán giả của âm nhạc đường phố những thực đơn đặc biệt khi âm nhạc truyền thống được kết hợp với các loại hình âm nhạc hiện đại như nhạc thể nghiệm, jazz, nhạc điện tử, piano hay du ca.

Còn gì thú vị hơn khi jazz Việt Nam lần đầu kết hợp với hát văn; Âm nhạc điện tử bắt tay với cổ truyền; Giao hưởng hòa mình với cải lương hay sự xuất hiện của giọng hát du ca Lê Cát Trọng Lý giữa phố phường tấp nập; Những tác phẩm tuyệt vời của dàn nhạc dân tộc mới đến từ gánh xiếc Làng tôi và những thử nghiệm táo bạo của nghệ sĩ Phó An My bên cây đàn piano… Mùa Luala Concert Xuân Hè 2013 đã diễn ra trong 6 buổi, kéo dài suốt 3 tuần lễ từ 20/4 – 12/5, mang đến cho khán giả thủ đô những trải nghiệm thực sự ngẫu hứng và đầy mới mẻ trong âm nhạc.

Có một thực tế, nhạc cổ điển xưa nay vẫn kén khán giả và dường như vẫn còn là “món lạ” đối với khán giả Việt. Ða phần dòng nhạc này chỉ xuất hiện trên những sân khấu lớn, phục vụ một số ít đối tượng khán giả nhất định. Ðể “tiêu hóa” được thể loại âm nhạc này cũng không hề đơn giản, đòi hỏi một quá trình thẩm thấu lâu dài. Vì thế mà để đưa âm nhạc Hàn Lâm ra khỏi chiếc “lồng kính” vô hình đến gần với công chúng đã là một sự thử thách lớn.

Nghệ sỹ Xuân Huy

Nếu như Thu - Ðông dành cho nhạc cổ điển thì Xuân - Hè là sân chơi dành cho sự thể nghiệm. Và đúng như hoạch định, mùa Xuân - Hè 2013, LuaLa đã có những thể nghiệm táo bạo, thể hiện bước chuyển mình đáng ghi nhận của một chương trình nghệ thuật “đường phố” dân dã và mộc mạc.

Trong buổi diễn khai mạc, khán giả đã có dịp gặp lại Phù Sa Band với sự kết hợp đầy ngẫu hứng giữa Jazz với cải lương và hát văn. Người nghe lần lượt được thưởng thức các tác phẩm “Giã Biệt", "Thú Chơi", "Lý Bốn Phương", "Úm Ba la xì bùa" qua phần trình diễn của NSUT Ðào Văn Trung trên nền nhạc jazz mang đậm tinh thần Việt.

Tiếp tục đem đến cho người nghe những thể nghiệm âm nhạc mới, trong buổi diễn thứ hai, nghệ sỹ Trí Minh đã kết hợp âm nhạc điện tử với các chất liệu dân gian trong một chủ đề đầy tính sáng tạo “Âm nhạc điện tử - một cái bắt tay với cổ truyền. Là một trong những nghệ sỹ nhạc điện tử đầu tiên của Việt Nam, Trí Minh được coi là một nghệ sỹ âm thanh có khả năng phối hợp các thể loại nhạc điện tử với âm nhạc và ngôn ngữ truyền thống của Việt Nam trong những màn trình diễn rất hiện đại. Sự kết hợp của Trí Minh với NSND Xuân Hoạch, NSUT Trà My, Quang Minh, Phó An My, Ðức Minh, Khương Cường, Hà Ðình Huy và Lê Minh Chiều đã mang lại cho khán giả những giây phút thực sự thăng hoa với âm nhạc.

Lê Cát Trọng Lý là điểm nhấn của buổi biểu diễn tuần thứ 3. Nữ nhạc sỹ - ca sỹ đầy cá tính được ví như "Con chim nhỏ hát bên bờ hồ xanh" đã lần đầu “du ca” trên đường phố Hà Nội cùng với nghệ sĩ kèn môi Ðức Minh, các nghệ sĩ Xuân Trường, Ngô Hồng Quân. Trên vỉa hè bên đường phố nhộn nhịp, các nghệ sỹ đã giới thiệu các tác phẩm du ca mang âm sắc bản địa đầy mới mẻ và độc đáo, thu hút đông đảo công chúng yêu nhạc dừng chân lắng nghe.

NSƯT Lê Xuân Quý

Trong chương trình hòa nhạc thứ 4, NS Phó An My táo bạo với piano thử nghiệm với những tác phẩm của Ðặng Tuệ Nguyên được sáng tác theo phong cách đặc biệt. Ðồng hành cùng hai nghệ sĩ là NSND Thanh Hoài, cùng các nghệ sĩ nhạc dân tộc Lê Xuân Quý, Nguyễn Ngọc Khánh, Như Thắng, Trần Luận và Nguyễn Văn Quý mang lại cho công chúng những “món ăn” lạ nhưng hấp dẫn.

Những tác phẩm, nhạc phẩm trong chương trình thứ 5 của Luala Concert đến từ dàn nhạc - xiếc "Làng Tôi". Ðây là một chương trình xiếc mới, nhằm tái hiện cuộc sống nông thôn Việt Nam qua các tiết mục nhào lộn, biểu diễn vũ điệu xiếc, và ngôn ngữ âm nhạc. Vì thế, phần âm nhạc cũng mang âm hưởng làng quê, tuy mộc mạc nhưng đầy sâu lắng, trữ tình, cũng không kém phần sôi nổi, hào hứng. Với những làn điệu chầu văn, chèo cổ, then, xẩm và cả ca khúc mới, “Làng tôi” đã đưa khán giả trở về một không gian làng quê điển hình, vừa mới lạ vừa đỗi thân quen.

Trong khi đó, dàn dây của nghệ sĩ Xuân Huy đã mang lại cho những người yêu chương trình một sự ngạc nhiên khi kết hợp với NSƯT Ðào Văn Trung để tạo ra những biến thể mới cho nhạc cổ điển và cải lương trong ngày bế mạc. Những giai điệu du dương, lúc rộn ràng, lúc bay bổng, réo rắt, thiết tha vẫn còn đọng mãi trong lòng người yêu nhạc sau buổi hòa nhạc đặc biệt của dàn dây Luala. Tại đây, công chúng lại được đắm mình trong những nhạc phẩm cổ điển và bán cổ điển quen thuộc và yêu thích như: Serenade, Blue Danule, Minueto, Tango… Ðồng thời được gặp lại và giao lưu với các nhạc sĩ mà họ yêu mến qua 4 mùa diễn như NSƯT Cello Trần Thị Mơ, các nghệ sĩ violon: Xuân Huy, Nguyễn Khắc Thành, Nguyễn Công Thắng…

Dàn nhạc Luala

Khác với địa điểm và không gian quen thuộc mà Luala Concert vẫn trình diễn trước đó là ở góc phố Lý Thái Tổ, trong buổi diễn cuối cùng này, những âm hưởng ngọt ngào của dàn nhạc Luala được vang lên trong một không gian hoàn toàn mới - Công viên mùa Hạ của Khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên).

Kết hợp nhạc phương Tây vào nhạc dân tộc, nhưng các nghệ sỹ của Luala Concert vẫn chủ trương giữ đúng hồn cốt ở giai điệu, tiết tấu của nhạc cổ truyền. Ðúng như nghệ sỹ Nguyễn Nhất Lý, người đảm nhận vai trò chỉ đạo nghệ thuật và âm thanh cho các buổi diễn của Luala Concert Xuân Hè 2013 chia sẻ: "Tham vọng của Luala là muốn tạo một sân chơi cho sự phát triển của không chỉ nhạc giao hưởng mà còn có âm nhạc truyền thống, nhằm góp phần bảo tồn "kho báu" nhạc truyền thống của dân tộc. Khán giả mà Luala Concert hướng tới thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, có cả du khách nước ngoài nên chúng tôi có cải biên để giới thiệu cho họ sự tinh túy của nhạc truyền thống”.

Giữa tiết trời nắng nóng, oi bức đầu hè, những giọt mồ hôi chảy òa trên trán, trên mặt, làm ướt cả tấm áo trên lưng các nghệ sĩ, nhưng họ vẫn say sưa biểu diễn. Bởi họ có niềm vui là được cống hiến và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho khán giả. Và khán giả cũng đáp lại một cách nhiệt thành. Họ chăm chú thưởng thức, đồng cảm cùng những tác phẩm âm nhạc và tặng các nghệ sĩ những tràng vỗ tay vang ròn. 

Nhạc sĩ violon Thu Hương chia sẻ rằng mặc dù trời nóng nhưng chị rất vui và thích thú được biểu diễn. Nhờ Luala, những buổi diễn như thế này sẽ đưa thể loại âm nhạc bác học vốn như cô công chúa trong cung cấm đến gần hơn với người dân, giúp nâng cao sự hiểu biết loại nhạc này. Chị cũng mong muốn dàn nhạc dây sẽ có cơ hội trình diễn ở ngoài trời nhiều hơn nữa.

 

Còn anh Việt Ðức, một cư dân sống trong khu phố cổ chia sẻ: “Lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe những bản nhạc cổ điển hay như vậy. Mà lại được nghe miễn phí, tại nơi mình ở. Các nghệ sĩ đã cống hiến hết mình cho công chúng. Chúng tôi hy vọng hoạt động này sẽ diễn ra thường xuyên và ngày càng mang đến cho khán giả những tác phẩm đặc sắc”.

“Thú thực, đây là lần đầu tiên chúng em được tiếp cận với các nghệ sĩ chèo, tuồng, cải lương… và các nhạc cụ cồng, chiêng… ở một cự ly gần như thế. Ðược trực tiếp xem các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc truyền thống ngay trên phố quả thực hay hơn nhiều so với xem trên tivi. Em cũng không ngờ chúng em có thể đứng xem một cách say mê giữa trời nắng như thế”- Ngọc Mai (SV ÐH Công Ðoàn) cười chia sẻ.

… Có người ví von sự kết hợp giữa âm nhạc cổ truyền với âm nhạc hiện đại của Luala Concert Xuân Hè 2013 chẳng khác nào lấy “mắm tôm” mà trộn với “rượu vang”. Tưởng rằng đó sẽ là một món tạp pí lù khó nuốt nhưng thực tế, sự pha trộn một cách lập dị nhưng đầy sáng tạo này đã trở thành món thưởng thức khá đặc biệt và thú vị, được nhiều người đón nhận nồng nhiệt.

Y Bình


Bình luận
vtcnews.vn