"Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những khoảnh khắc bình dị"

Tổng hợpThứ Sáu, 18/10/2013 09:35:00 +07:00

Trong ống kính những khoảnh khắc bình dị đời thường của vị tướng huyền thoại cứ ào ạt xô về...

Lớp lớp những con sóng ký ức miên man của nhà báo, Đại tá Trần Hồng - người hiếm hoi được lưu giữ trong ống kính những khoảnh khắc bình dị đời thường của vị tướng huyền thoại cứ ào ạt xô về, trong thời khắc buồn thương khi cả dân tộc “nước mắt chảy chung” vì nỗi đau mất mát quá lớn.

1. Bạn bè, đồng nghiệp luôn có chung một câu hỏi. Rằng điều gì đã giúp tôi được vinh dự lưu giữ những khuôn hình vô giá, ghi lại những khoảnh khắc đời thường dung dị trong gần hai thập kỷ cuối đời của một vị tướng lỗi lạc, một nhân cách cao cả, một biểu tượng của dân tộc Việt Nam? Tại sao Đại tướng cho phép một phóng viên ảnh của báo Quân đội nhân dân được lui tới tư gia bất cứ lúc nào, tôi không dám đưa ra câu trả lời chắc chắn. Nhưng trên hết, tôi biết, giữa Đại tướng và tôi có một mối giao cảm đặc biệt, thật khó diễn tả bằng lời. 

 

Là một tay máy gắn bó cả đời với tờ báo lính, tôi đã có cơ hội diện kiến Đại tướng một đôi lần, từ khoảng cách khá xa. Nhưng phải tới Triển lãm ảnh chân dung – cuộc triển lãm đầu tay được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 23/12/1992, tôi mới có dịp được gặp gỡ ông, ở khoảng cách rất gần. Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, vị tướng già chọn thời điểm 17h30, khi khách khứa cùng các phương tiện truyền thông đã vắng bóng để tới xem. Sau khi ngắm nghía rất lâu những tấm hình chân dung, Đại tướng ấm áp hỏi tôi ưng ý với tác phẩm nào nhất. Nghe câu trả lời, rằng tôi thích tất cả vì đã dồn hết tâm huyết, trách nhiệm cho từng cú bấm máy, lần đầu được nhìn trực diện gương mặt vị chỉ huy tối cao, tôi bắt gặp nét rạng rỡ cùng đôi mắt rất sáng mà ông dành cho mình. Rồi ông ghi cảm tưởng, lời động viên nhưng cũng như giao nhiệm vụ cho cấp dưới: “Chúc Trần Hồng, người nghệ sĩ – chiến sĩ, có những tác phẩm lớn”. Đúng hai năm sau đó, 17h30 ngày 23/12/1995, ông lại một lần nữa dành cho tôi niềm vinh dự tương tự, khi tới thăm Triển lãm Chân dung Mẹ. Bốn cuộc trưng bày tác phẩm về Đại tướng của tôi sau đó, ông đều không có mặt. Có lẽ, sâu thẳm trong con người vĩ đại ấy luôn ngại ngần khi thấy ai đó ngợi ca cá nhân mình. 
Rồi tôi mạo muội tới tư gia của Đại tướng, mạo muội đề nghị được chụp hình ông vào một ngày năm 1994. Ông không nhớ tôi, đương nhiên. Nhưng mối giao cảm và sự đồng điệu trong tâm hồn giữa hai người lính, giữa vị chỉ huy và cấp dưới, giữa hai con người cùng sinh ra trên dải đất miền Trung và nói cùng âm sắc trọ trẹ mà tôi nhận ra từ lần đầu gặp gỡ đã khiến ông chọn Trần Hồng – tôi nghĩ vậy. Nhờ thế, gần hai thập kỷ qua, tôi được ông coi như con cháu trong nhà. Được tạo mọi cơ hội ghi lại những khoảnh khắc đời thường nhất, khi vị Tổng Tư lệnh rời bộ quân phục oai nghiêm để trở thành một CON NGƯỜI bình dị nhất.
 
 

2. Tròn 19 năm chụp hình Đại tướng, gia tài vô giá mà tôi sở hữu chính là hàng nghìn tấm ảnh đời thường của vị tướng từng làm nên một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm xưa. Tôi hay nói đùa, rằng “đó là âm mưu số một” khi tiếp cận nhân vật vĩ đại này. Bản thân Đại tướng luôn muốn hiện diện trong những tấm hình, thước phim với phong cách nhà binh chỉnh tề, chuẩn mực. Phần lớn những bức ảnh mà tôi thích nhất đều nhờ “chụp trộm”. Nếu biết trước, chắc chắn ông sẽ không bao giờ cho phép tôi bấm máy.  Ví như tấm hình ông giơ tay quệt nước mắt khi gặp lại những đồng đội năm xưa, ảnh ông cầm chai La Vie uống nước khi trở lại lán trại Mường Phăng vào thời điểm nửa thế kỷ chiến thắng Điện Biên Phủ, hay những bức ảnh ông vừa ngậm tăm vừa ghi chép vào sổ tay trên chuyến tàu về thăm quê hương Quảng Bình… 
Lần đầu chụp ông trong cuộc sống đời thường đã để lại trong tôi ấn tượng không thể quên. Một bữa cơm đạm bạc, trên chiếc mâm nhôm có cái đĩa đựng hai quả trứng luộc. Đại tướng và phu nhân cứ nhường nhau không ai chịu gắp trước, hình ảnh trái trứng cứ lăn qua lăn lại khiến mắt tôi nhòe đi vì xúc động. Ngày ấy, đất nước còn khó khăn nhưng không đến mức phải để một vị tướng ăn uống kham khổ đến thế. Tôi nghĩ, ông đã tự chọn cho mình cách sinh hoạt ấy, mức sống ấy, như một sự chia sẻ, đồng cảm với số đông dân chúng khốn khó quanh mình. Vả lại, đã gắn bó với Đại tướng nhiều năm, tôi biết ông chỉ thích những gì dân dã nhất. Nhưng tôi vẫn thấy bất ngờ, tại sao một con người đồ sộ mà có thể sống cuộc đời bình dị đến thế. Sự gần gũi, giản dị trong ông đúng là không có giới hạn. 

 

Tuy chụp rất nhiều nhưng tôi rất hiếm khi tặng hình cho Đại tướng. Bởi tự tin ở đâu không biết chứ khi đứng trước vị chỉ huy tối cao, tôi luôn thấy mình quá nhỏ bé, luôn cảm thấy tự ti. Hình như chỉ có ba lần, tôi mang hình tới cho ông bà xem. Để rồi sau đó, khi ông bà vừa ngắm nghía vừa sôi nổi tranh luận với nhau, “tấm này đẹp”, “đâu, tấm kia mới đẹp”, tôi lại tranh thủ cầm máy và có những tấm hình rất ưng ý. Phu nhân Đại tướng, thỉnh thoảng khen tôi “rất khôn”. Tôi cười, “con thỉnh thoảng tạo tình huống để dễ bề chụp ông thật tự nhiên thôi mà”. Ảnh của Đại tướng, tôi tặng cho con gái ông – bà Võ Hồng Anh rất nhiều. Bà đã đôi lần nói với tôi: “ba em rất thích ảnh của anh, đặc biệt là ảnh đen trắng. Ông bảo, ảnh đen trắng nói được rất nhiều, nó giản dị, không màu mè, không bị cái gì che khuất”. 
Sau lần tổ chức triển lãm ảnh Đại tướng ở Quảng Bình, tôi mang toàn bộ hình tới cho ông xem. Có lẽ những khoảnh khắc mà ống kính của tôi chớp được đã khiến ông xúc động. Sau mấy tiếng đồng hồ nhìn ngắm những bức ảnh, ông ngồi vào đàn, bàn tay nhăn nheo lướt nhẹ trên dãy phím đen trắng. Lần ấy, tôi chụp tới ba cuốn phim, cả đen trắng và màu. Và đó cũng là tác phẩm duy nhất của tôi mà ông chọn treo trong nhà, ở vị trí rất đẹp trong phòng khách. Tôi hạnh phúc vô cùng về điều đó.   

 

3. Là một người làm báo, tôi hiểu rất rõ, mỗi khoảnh khắc bấm máy, mỗi khuôn hình Đại tướng có cơ may lưu giữ trong ống kính đều vô cùng quý giá. Vậy mà có nhiều thời điểm, máu nghề nghiệp nổi lên ghê gớm mà tôi không thể nào chụp nổi. Nhớ năm 2009, Đại tướng dường như suy sụp sau sự ra đi của người con gái yêu Võ Hồng Anh. Nhiều hôm, tôi đã lang thang theo sau và ngắm nhìn ông mấy tiếng đồng hồ trong khu vườn nhà 30 Hoàng Diệu. Vậy mà chứng kiến nỗi đau buồn dường như quá sức chịu đựng của người cha, tôi nghẹn lòng không thể giơ máy ảnh lên, dù chỉ để có một tấm hình lưu giữ làm tư liệu. 

 

Rồi những tháng ngày dài ông phải nằm điều trị tại Viện Quân y 108, tôi đã vào thăm nhiều lần. Cầm bàn tay gầy guộc của ông, nhìn vào đôi mắt trìu mến của ông, biết sẽ có ngày phải xa ông mà tôi cũng không thể tác nghiệp, dù chiếc máy ảnh luôn bên mình. Tôi biết, trong trái tim mỗi con dân đất Việt, Đại tướng luôn ngự trị với hình ảnh rạng ngời của một bậc trí dũng song toàn. Hình ảnh ông yếu đau, bệnh tật là điều không ai muốn thấy. Những ngày tháng buồn đau khi lá cờ rủ trong Quốc tang khiến lòng người nhức nhối, đã có nhiều người xin tôi một tấm hình làm ảnh thờ Đại tướng. Nhưng tôi đành phải chối từ, bởi hình ảnh mà họ muốn lưu giữ là một vị Tổng tư lệnh uy dũng, quắc thước trong bộ quân phục oai phong, chỉnh tề. Tôi không được bên ông, vào những thời khắc ấy. 
Những hình ảnh mà tôi có chỉ có thể vẽ nên một góc bình dị nhất, gần gũi nhất nhưng cũng có sức lay động trái tim nhất về ông. Một ĐẠI TƯỚNG CỦA NHÂN DÂN – ngắn gọn mà không thể đầy đủ hơn. Tôi luôn nâng niu, trân trọng từng khoảnh khắc bấm máy vô giá đó. 


Hồ Cúc Phương - (ghi theo lời kể của nhà báo Trần Hồng)
Ảnh: Trần Hồng  

Bình luận
vtcnews.vn