Hà Nội tháng 10 - Trăm năm tướng Giáp

Tổng hợpThứ Sáu, 18/10/2013 09:09:00 +07:00

Hà Nội Mùa Thu hoa sữa nở trắng trời đưa tiễn Tướng Giáp về nơi an nghỉ vĩnh hằng tại quê nhà Quảng Bình...

      Gần nửa thế kỷ mới lại có một ngày mà sự ra đi của một con người gây xúc động mãnh liệt cho triệu triệu con tim Việt dù đã tiên đoán là ngày ấy không còn xa. Và liền trong hai ngày sau, tin ấy loang ra toàn cầu làm thổn thức nhiều triệu con tim ở ngoài lãnh thổ. Đó là sự ra đi của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp vào chiều muộn ngày thứ sáu mồng 4 tháng 10 tại Hà Nội. Sự ra đi của Người cuối cùng thuộc Thế hệ các Nhà Cách mạng lập quốc để lại nhiều thương tiếc lại đúng vào Mùa Thu Hà Nội hoa sữa nở trắng trời và hương hoa dâng ngập tràn đường phố.
      Mùa Thu Hà Nội là ngày Thủ đô được giải phóng mồng 10 tháng 10 cách nay 59 năm. Tôi đã xuống đường ở tuổi học trò cùng nhân dân đón bộ đội của Tướng Giáp về tiếp quản ở quãng đầu đường Hàng Đào xuyên sang Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục trong tiếng reo hò dậy đất trời. Cái câu “Chín năm làm một Điện Biên” vài năm sau tôi mới hiểu hết ý nghĩa.

 

      Tính từ ngày 22 tháng 12 năm 1944, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập nơi rừng sâu do Võ Nguyên Giáp chỉ huy khi ấy chỉ có 34 chiến sĩ chân đất, 2 khẩu súng thập, tức là tiểu liên, 17 súng trường giáp 5 giáp 3 cùng 150 viên đạn. Còn lại là súng kíp mã tấu giáo mác. Vậy mà đến ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954 với 5 sư đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam bao vây và tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ do 16.000 quân Pháp đồn trú có đầy đủ máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ, bắt sống 12.000 tù binh. Giữa hai thời điểm ấy chỉ là 9 năm 4 tháng 15 ngày. Từ rừng sâu Võ Nguyên Giáp đã trở thành vị tướng đầu tiên ở châu Á đánh bại về quân sự đối với quân đội của một cường quốc châu Âu một cách đầy thán phục.
      Đúng vào dịp Hà Nội kỷ niệm 59 năm ngày Giải phóng Thủ đô thì vị Đại tướng khả kính - một hiện tượng đặc biệt trong quân sử thế giới, từ giã chúng ta. Và nó cũng xẩy ra một hiện tượng hiếm trong nhiều năm qua hàng vạn người dân Hà Nội và các nơi khác đổ về Thủ đô ken kín dọc con phố Hoàng Diệu viếng tướng Giáp nơi ngôi nhà riêng đã vắng bóng ông.
      Võ Nguyên Giáp là một vị tướng châu Á được các sử gia và các nhà bình luận quân sự phương Tây nhắc tới nhiều nhất từ sau Thế chiến thứ 2. Ông làm thất bại tham vọng tại Đông Dương của hai thế lực quân sự hùng cường nhất thế giới là Pháp và Mỹ trong thời kỳ từ 1945 đến 1975. Ông được sự quý trọng của hai vị tướng tài ba trong quân đội Pháp và Mỹ - đối thủ của ông – đó là Raoul Salan, Đại tướng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương thời kỳ 1951 – 1953, và William Westmoreland – Đại tướng, người chỉ huy quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam (1968 – 1972).

 

      Ngoài điều quân khiển tướng, Võ Nguyên Giáp còn có tài nói và viết. Tập hồi ký 1946 – 1954 gồm 3 tập của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng. Hiện không rõ đã có bao nhiêu sách, báo và tài liệu quân sự viết về ông. Nhưng những nhà nghiên cứu khẳng định có ít nhất cũng trên 120 quyển nói về ông được dịch ra ở Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Nhật, Ả rập, được phổ biến rộng rãi trong các hiệu sách và thư viện, và do các học giả, nhà báo, nhà văn viết.
      Họ so sánh Võ Nguyên Giáp với những thiên tài quân sự nổi tiếng thế giới như Thomas Edward Lawrence được biết nhiều với cái tên Lawrence of Arabia – người chinh phục cả lục địa phía Đông châu Phi, hay Ernesto Che Guevara, nhà cách mạng cộng sản Trung Mỹ rất được giới trẻ thiên tả châu Âu ngưỡng mộ. Nhiều người còn ví thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp với Karl von Clausewitz, nhà chiến lược quân sự người Phổ đầu thế kỷ XIX. Thậm chí họ ví ông như một Napoléon Đỏ.
      Các sử gia và dư luận phương Tây nể trọng Võ Nguyên Giáp vì ông là vị tướng “không tốt nghiệp ở một trường võ bị nào, và không bắt đầu sự nghiệp quân sự bằng một chức vụ sĩ quan nào. Nhưng đã đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, và gây khó khăn cho quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam suốt thời kỳ từ 1964 đến 1972 - thời kỳ quân đội Hoa Kỳ có mặt đông đảo nhất.
      Trước khi lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra, người người xếp hàng dài hàng cây số dưới trời dẫu nắng hay mưa để vào viếng di ảnh ông đặt trong căn nhà số 30 nơi ông từng ở mặc dù đã vắng bóng ông. Người dân Hà Nội và các tỉnh xa, chực chờ đến lượt mình vào viếng. Nhiều người chờ lâu đã đứng bên dậu cây ô-rô đặt những bông hoa cúc vàng trên đó và cố kiễng rướn cao người vái vọng. 
      Tôi đi trong hàng người tới căn nhà nằm sâu trong sân cỏ xanh ươm râm mát những bóng cây hồng xiêm mà thảm cỏ dày khít những bó hoa cúc trắng và vàng tươi người ta lặng lẽ đặt xuống đó, lặng lẽ bước, kính cẩn viếng ông. Hai ngày đầu nhiều người bật khóc, nức nở, tức tưởi, như  “Sao Đại tướng nỡ rời xa nhân dân của ông thế”. Rồi những ngày sau đó trấn tĩnh, chỉ có những cặp mắt hoe đỏ, ngấn lệ, hình như nghĩ lại, rằng ông đã làm tròn xuất sắc trách nhiệm với dân với nước hãy để ông ra đi thanh thản gặp các vị cách mạng tiền bối, ở nơi đó có Hồ Chí Minh.

 

      Tôi cũng đã tới nơi đây vào một buổi chiều muộn trời xẩm tối mặc dù đã hết giờ viếng nhưng nhân dân vẫn xếp hàng đông. Những gương mặt thẫn thờ lưu luyến ông có dòng lệ chảy được soi tỏ qua ánh đèn đường và ánh nến thắp trên tay họ, những bước chân của những con người tim đang đau dặt dìu bước đi bước lại bên hàng dậu ô-rô ngoài khuôn viên, những bàn chân kiễng trên khung dậu sắt cố nhìn từ xa, những bàn tay vươn cao cố đưa một bông hoa cúc trắng cho người bên trong chuyển vào bàn thờ, và những đôi mắt dõi nhìn vào thinh không nơi căn nhà đã vắng bóng ông… 
      Tôi đã xem một phóng sự truyền hình về nỗi đau đớn tiếc thương của các thày thuốc ở Quân y viện 108 trong những ngày họ chăm sóc đặc biệt Tướng Giáp tại đây. Những động tác máy mềm mại, bắt từ những góc độ và ánh sáng gợi cảm nhất mô tả những hiện vật mà tướng Giáp đã dùng với lời bình tha thiết “vật còn đây mà người thì đã đi xa”, đến độ người xem không cầm được nước mắt.
      Tôi có ba lần làm phim về ông. Nói chính xác là đưa tin về ông trong hai lần hội thảo lịch sử và một lần ông đến khai mạc triển lãm tại Viện Bảo tàng Cách mạng. Những lần ấy đều được Sử học gia Dương Trung Quốc và Phó Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam Đào Phiếu – bạn tôi - gọi điện lưu ý có Đại tướng đến, với tư cách là Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Chỉ kịp bắt tay và chúc ông sức khỏe, cùng ghi đôi lời ông nói, nói thân tình và cởi mở. Ông lại còn cảm ơn và hẹn gặp lại. Chỉ chừng ấy kỷ niệm thôi cũng để lại ảnh hình ông trong tôi sâu đậm. Và bây giờ thì không thể gặp lại.
      Truyền thông trong nước dẫn lời các học giả nói về ông là “Người yêu nước vĩ đại – Nhân cách vĩ đại – Trí thức tầm cỡ - Tâm hồn nhân ái”. Và dùng những tính từ, tính ngữ thường chỉ dùng cho Chủ tịch Hồ chí Minh trước đây. Đối với các vĩ nhân thường có hai cuộc đời. Cuộc đời thứ nhất khi đang sống là cuộc đời của dấn thân quên mình cống hiến. Khi hai năm mươi là cuộc đời thứ hai. Cuộc đời mà người đời tụng ca nuối tiếc. Sự ra đi của các vĩ nhân lại tạo nên sự kết nối diệu kỳ của cả dân tộc, thậm chí cả nhân loại.
      Năm ngoái tôi có theo một cuộc hành trình của 280 cựu chiến binh về thăm chiến trường Điện Biên xưa. Và, rất đỗi ngạc nhiên khi trước ngực mỗi người đều mang tấm ảnh lớn Tướng Giáp. 

 

      Mường Thanh. Một người phụ nữ không còn trẻ bốc lên, chợt nảy ra một ý tưởng độc đáo tạo bối cảnh chụp ảnh. Chị chui từ dưới căn hầm của Tướng Christian De Castries lên, hai tay giơ cao trên đầu làm cử chỉ xin hàng, để chồng chị bấm máy. Quá đẹp. Hệt như bức ảnh ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954 chụp tướng Pháp De Castries chui từ hầm chỉ huy lên giơ tay quá đầu đầu hàng quân Việt Minh của tướng Giáp. Rồi mọi người tranh nhau bắt chước chụp ảnh theo cái cách của người phụ nữ không còn trẻ đó. Một kiểu ảnh mà hình tượng ấy đã đi vào lịch sử về cuộc chiến bại thảm hại của thực dân Pháp ở Việt Nam. Thực ra bức ảnh ấy được chụp lại từ đoạn phim 16 ly của nhà báo Các-men quay được tại thời điểm đó bằng chiếc máy Bel Howell. Ông bám suốt chiến dịch, đồng hành với nhà báo Thép Mới - vừa hướng dẫn vừa thông dịch cho Các-men, và Các-men đã để lại cho chúng ta những thước phim tư liệu quý để đời. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Lá cờ đỏ sao vàng trở lại tung bay trên Tháp cờ Trung tâm Thủ đô sau 9 năm 4 tháng 15 ngày trường kỳ kháng chiến. Võ Nguyên Giáp đã trở thành thần tượng và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, cũng còn là của nhiều dân tộc khác trên thế giới nhất là những dân tộc là nạn nhân của chế độ thuộc địa. Ông đánh bại 4 vị tướng Pháp mà trong đó có cả những người từng là Anh hùng trong trận Normandy thời Đệ nhị Thế chiến tại châu Âu. Hồ Chí Minh được xem là người tìm ra con đường giải thoát khỏi chế độ nô lệ thuộc địa, thì tướng Giáp được xem là vị tướng đánh bại chế độ thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Một tên tuổi xứng đáng để nhân loại nhắc tới.
      Sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp lừng lẫy năm châu khỏi cần tới chúng ta vinh danh xưng tụng. Chỉ cần khắc sâu một điều, ông thuộc thế hệ những người cách mạng Việt Nam xuất sắc nhất trong lịch sử để lại. Và hãy suy ngẫm, hiểu và học tập triết lý của người cầm quân còn tỏa sáng tới nay trên mọi lĩnh vực, đó là “Quân đội ta sinh ra từ nhân dân – Luôn tâm niệm giành được sự ủng hộ của nhân dân – Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân – Và dựa vào dân để chiến thắng!”. Và những ca từ trong bài hát sau đây đã chỉ rõ chân lý ấy:
 “Vì nhân dân quên mình /Vì nhân dân hy sinh /Anh em ơi vì nhân dân quên mình…”
      Hà Nội Mùa Thu hoa sữa nở trắng trời đưa tiễn Tướng Giáp về nơi an nghỉ vĩnh hằng tại quê nhà Quảng Bình. Và Hà Nội sẽ lưu lại tên ông bằng một con đường lớn mang tên Võ Nguyên Giáp.

     Hà Nội, đêm 10 tháng 10 - 2013 
Tùy bút của Khiếu Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn