"Mẹ ơi, con đồng tính!"

Tổng hợpThứ Ba, 03/09/2013 11:10:00 +07:00

Nếu như đồng tính không lây lan, thì tại sao người ta có cảm giác là số người đồng tính ngày càng trở nên nhiều hơn?

Tựa đề cuốn sách khiến người đọc tò mò chờ đợi những câu chuyện giật gân, gây sốc, éo le về cộng đồng thế giới thứ ba - LGBT. Phải chăng lại là một cuốn sách đề cập đến đề tài câu khách, mà người ta giở ngay trang trong để tìm cảnh yêu đương trần tục, cảnh đánh ghen, khắc họa những xa lánh, hiểu lầm của xã hội. Không! Đây là một trong những cuốn sách đầu tiên cung cấp kiến thức khoa học, từ góc nhìn của người trẻ và cách tiếp cận vấn đề. Dễ đọc, dễ tiếp thu, “Mẹ ơi con đồng tính là ấn phẩm cần trên tủ sách của bất cứ ai quan tâm và muốn tìm hiểu nghiêm túc các khái niệm đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới.

 

Trong cuốn sách mới ra mắt “Mẹ ơi, con đồng tính!” của Công ty sách Thái Hà, hai tác giả trẻ đã đặt ra nhiều câu hỏi hay và thường gặp khi người ta “soi” vào cộng đồng thường được cho là trái tự nhiên này. Nếu như đồng tính không lây lan, thì tại sao người ta có cảm giác là số người đồng tính ngày càng trở nên nhiều hơn? Đó là do quan niệm xã hội đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Trước đây, người đồng tính phải tìm mọi cách để che đậy, giấu giếm bản thân, thì đến ngày nay, xã hội cởi mở, con người ta mới có thể bộc lộ bản thân mình. Câu chuyện về đồng tính đã đi qua hàng ngàn, chục ngàn năm lịch sử loài người, từ thời của những câu chuyện thần thoại… 

Thần thoại đẹp về tình yêu đồng giới 
Một cuốn sách kiến thức lại mở đầu bằng một câu chuyện thần thoại: Câu chuyện bắt nguồn từ chàng Ganymede – con của Tros Đại đế - vua thành Troy. Chàng trai có diện mạo vô cùng khôi ngô, tuấn tú, có thể thu hút cả ánh nhìn của mọi vị thần trên đỉnh Olympus. Trong những bài thơ còn lưu truyền lại của thi sĩ Homer, Ganymede được xem là “cậu thiếu niên đẹp nhất cõi trần tục”, và chính vì vẻ đẹp ấy nên đến cả thần Zeus – chúa tể của các vị thần cũng phải chao đảo và rung động. Không kìm được lòng mình khi nhìn thấy vẻ đẹp thánh thiện và thuần khiết của Ganymede giữa đàn cừu trắng tinh khôi, Zeus biến thành một con đại bàng dũng mãnh, dùng móng vuốt cắp lấy chàng trai trẻ bắt cóc về thiên đường. Từ ấy, Zeus chỉ định chàng làm người hầu rượu cho mình. Sắc đẹp của chàng trai đã khiến các vị thần quanh Zeus đều cảm thấy tràn ngập hạnh phúc. 

 

Xã hội Hy Lạp cổ đại được cho là không có giới tính. Những người trẻ đẹp đồng nghĩa với việc “sẽ được săn đuổi, yêu thương” dù là nam hay nữ. Dĩ nhiên, mối quan hệ nam – nam cũng có những luật lệ riêng, thường chỉ giới hạn trong phạm vi “đàn ông trưởng thành với thiếu niên”. Việc Zeus ban cho Ganymede sự bất tử để cậu mãi mãi trong hình dạng thiếu niên có lẽ là cách tốt nhất để ngài có thể lưu giữ sự yêu thương của mình với chàng trai một cách hợp thức. 
Tuy nhiên, tình cảm này đã bị vợ cả của Zeus – nữ thần Hera ghen tuông và trút giận xuống đầu người dân vô tội thành Troy bằng việc gây ra nhiều thiên tai, dịch bệnh. Zeus quyết định hóa chàng trai thành chòm sao Bảo Bình – người giữ cốc, tránh sự ghen tức của Hera nhưng đồng thời vẫn giữ được chàng ở cạnh bên. Thế là, chàng Ganymede vẫn đứng đó, mỉm cười, rót rượu thánh và được bảo vệ đến tận ngày nay bởi đôi cánh dang rộng của chòm sao Đại Bàng. 
Đến Công nguyên, mối quan hệ tình cảm đồng giới bị cấm đoán nên truyền thuyết về mối tình giữa Zeus và Ganymede chỉ được nhắc đến thoáng qua hoặc lờ đi. Trong những bức tranh còn để lại, những họa sĩ nặng tư tưởng tôn giáo thường miêu tả cảnh Zeus bắt cóc Ganymede theo khuynh hướng bạo lực. Nhưng những người có hiểu biết rộng vẫn truyền nhau câu chuyện giữa Zeus và Ganymede như một câu chuyện tình nên thơ, lãng mạn. 

 

Từ quan niệm xa xưa của người Việt
Mở đầu cuốn sách bằng câu chuyện thần thoại này là một cách để nhóm biên soạn khẳng định với độc giả rằng, cuốn sách được viết dựa trên các tài liệu khoa học, lịch sử uy tín và đều bắt nguồn từ những câu chuyện người thật, việc thật đã và đang xảy ra xung quanh chúng ta. Câu chuyện cũng là một cách mở đầu mềm mại, thú vị chứ không khô khan, cứng nhắc như nhiều cuốn sách, tài liệu về đồng tính hiện có.
Tình yêu đồng giới, có lẽ nơi đâu cũng có, chỉ là người ta có kịp nhận ra nó hay không.
Kho tàng tiếng Việt vốn rất phong phú, người ta có thể nói một câu với hai, ba tầng ý nghĩa, tuy nhiên sự sáng tạo và cởi mở ấy vẫn chưa đủ để dùng trong các vấn đề xã hội hiện đại.
Chẳng hạn như khi nói về tình yêu, quan hệ lứa đôi, xã hội Việt Nam vẫn chỉ giới hạn trong hai từ: “phái nam” và “phái nữ”. Bên cạnh đó, truyền thống tư tưởng Phương Đông nói chung vẫn còn rất nặng nề về chuyện phòng the, tình dục. Nó gần như trở thành một đề tài cấm kị với nhiều người. 
Ngay cả trong những cuốn sách giáo khoa, người ta giải thích về tình dục, về giới tính vẫn còn rất chung chung, mặc dù đứng đắn nhưng khô khan, khó hiểu. Nếu có một thứ gì nói rõ ràng, cụ thể vào chi tiết thì luôn bị liệt vào hàng dâm thư, đi ngược với truyền thống đạo đức. Điều ấy không thể trách được vì quan niệm xã hội chưa đủ cởi mở.
Nói như vậy, để độc giả thấy rằng ngay cả với việc tình dục, giới tính của hai người khác giới vẫn còn là một đề tài vô cùng nhạy cảm, thì việc đi tuyên truyền, giải thích cho người ta hiểu về quan hệ của hai người cùng giới tính lại càng là điều ghê gớm đến thế nào. 

 

Ngày nay, chúng ta đọc báo, xem truyền hình hay xem một bộ phim ngoài rạp, sẽ bắt gặp những từ ngữ như “đồng tính”, “pêđê”, “bóng lộ” xuất hiện với tần suất dày đặc. Có những bộ phim, người ta xây dựng hình ảnh hai người đàn ông mạnh mẽ yêu thương nhau, quan hệ giới tính cùng nhau và đấu tranh cho tình yêu đó, người xem chỉ tay lên màn ảnh bảo rằng: “Pêđê kìa!” Có những bộ phim truyền hình giới thiệu hình ảnh một người đàn ông mặc trang phục phụ nữ, trang điểm lòe loẹt để đi lừa gạt, cướp bóc, khán giả cũng chỉ tay lên màn ảnh bảo “Pêđê kìa!”
Vậy đâu mới là hình ảnh thật sự của pêđê? Và thế nào thì “bị” gọi là pêđê?
Đa số người Việt Nam hiện tại chưa phân định được sự khác biệt đâu là người đồng tính luyến ái, người lưỡng tính luyến ái hay người chuyển giới. Chỉ thấy rằng đàn ông đi yêu đàn ông, đàn bà đi yêu đàn bà, nam mặc đồ như nữ, nữ mặc đồ như nam thì đều gọi chung đó là pêđê, đồng tính, là bóng, là bán nam bán nữ, lại cái, hi-fi…
Thậm chí, ngay cả các bạn đồng tính khi được hỏi, cũng không biết vì sao người ta gọi mình là gay, hay nguồn gốc chữ lesbian từ đâu xuất hiện.
Quan niệm xã hội được hình thành từ nhận thức của những con người sống ở xã hội đó. Trong tác phẩm Lão Hạc, nhà văn Nam Cao từng nói, “đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tình mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…” Người đồng tính trong xã hội hiện tại, vẫn bị cho là bệnh hoạn, biến thái cũng chính vì nguyên nhân đó, vì họ chưa được tìm hiểu, được cảm thông.
Cuốn sách ra đời với mong muốn, dù người đang cầm đọc có đồng tính hay không, thì họ vẫn thể hiện một sự quan tâm nhất định đến cuộc sống, tâm tư, tình cảm của những người đồng tính nói chung đang tồn tại trong xã hội mà chính họ đang sống. Cuốn sách có thể cung cấp cho người đọc những kiến thức cơ bản nhất, đơn giản nhất nhưng cũng đầy đủ nhất trong khả năng cho phép, để khi được hỏi, người đọc có thể trả lời rằng: “Tôi đã hiểu về những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới!” và khi có gặp, mỗi độc giả có thể chọn cho mình một cách đối xử đúng đắn nhất với họ.

 

Đến hành trình lịch sử của cộng đồng LGBT tại Việt Nam
Hiện nay, rất hiếm có ghi nhận về đề tài đồng tính luyến ái trong các thời kỳ lịch sử nước ta, nhưng qua hình thức văn học truyền khẩu, hiện tượng này vẫn được lan truyền như một câu chuyện kể của nhiều tầng lớp được ghi lại trong các tài liệu xưa cũ. 
Trong xã hội Pháp thuộc, khi cụm từ “pêđê” xuất hiện để chỉ người đồng tính, người dân Việt Nam càng cho rằng đây là một “căn bệnh” lai căng, ngoại nhập do người phương Tây mang đến, chứ bản chất người Việt Nam không có hiện tượng này. Nhưng thực tế lại không như những gì người ta suy nghĩ. 
Trong lịch sử, nổi bật nhất là các ghi chép về vua Khải Định tuy có tất cả 12 bà vợ nhưng bất lực và không thích gần đàn bà, chỉ thích đàn ông. Trong thời chiến tranh Việt Nam, tại Sài Gòn có 18 quán bar dành cho đồng tính nam, 3 quán bar dành cho đồng tính nữ, nhiều hộp đêm, café và dịch vụ xông hơi dành cho khách hàng đồng tính. 
Về luật pháp, tháng 4/1997, hãng thông tấn Reuters đã đưa tin về đám cưới đồng tính đầu tiên ở Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3/1998, hai người đồng tính đã làm đám cưới ở Vĩnh Long, nhưng giấy đăng ký kết hôn không được chính quyền chấp nhận. Sau đó, Quốc hội chính thức thông qua quy định cấm hôn nhân đồng tính vào tháng 6/1998. 
Năm 2002, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kêu gọi liệt kê đồng tính luyến ái vào các “tệ nạn xã hội” cần phải bài trừ như mại dâm, ma túy. 
10 năm sau, 2012, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam quan tâm đến việc có nên cho người đồng tính kết hôn hay không, đồng thời tổ chức nhiều buổi hội thảo, gặp gỡ các đại diện, chuyên gia để lấy ý kiến về việc này. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng cho những thay đổi theo chiều hướng tích cực tại Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính. 

 Tác giả Võ Chí Dũng

LGBT đi vào văn chương, điện ảnh
Nhật Bản xa xưa với tình yêu đồng tính trong quân đội, trong đội ngũ samurai, trong tu viện. Còn Nhật Bản hiện đại với các loại hình nghệ thuật mới như Anime hay Manga, hiện đang tập trung vào chuyện đồng tính nam được gọi bằng cái tên riêng biệt là yaoi hay Gei – comi (truyện tranh đồng tính) về các chủ đề lãng mạn. 
Trung Quốc với nhiều góc nhìn văn học về tình yêu đồng tính. Tác phẩm Thơ ca về đỉnh cao hoan lạc dưới thời nhà Đường là một ví dụ điển hình cho các tác phẩm viết về tình dục. Một khía cạnh đáng chú ý khác của văn học truyền thống Trung Quốc là sự nổi bật của tình bạn đồng giới. Điển hình như Bạch Cư Dị là một trong nhiều thi sĩ đã viết những bài thơ trữ tình, thơ mộng về tình bạn giữa các nam nhân, sẻ chia những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống. Ngay cả các hoàng đế trong triều đại nhà Hán cũng có một hoặc nhiều nam tình nhân. 
Xuân Diệu người được cho là ông hoàng của thơ tình Việt Nam, có bài Tình trai nói về mối tình đồng tính giữa hai nhà thơ người Pháp Rimbaud và Verlaine. Bài Biển mô tả tình cảm nồng nàn giữa hai hình tượng sóng biển và cát vàng cũng được cho là ngụ ý nói về tình cảm giấu kín giữa Xuân Diệu và nhà thơ Hoàng Cát. 
Nhà văn Bùi Anh Tấn với tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà” được xem là tác phẩm đầu tiên của Việt Nam viết về người đồng tính, đã nhận giải A cuộc thi viết tiểu thuyết và ký Vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên. Tác phẩm còn được dựng thành phim  nằm trong loạt phim truyền hình Cảnh sát hình sự. Anh còn có tác phẩm “Les – Vòng tay không đàn ông” hay tiểu thuyết lịch sử “Bí mật hậu cung” cũng mang đề tài đồng tính. 
Trong điện ảnh, còn có nhiều tác phẩm trong nước bắt đầu khai thác hình ảnh người đồng tính như “Cô gái xấu xí”, “Chơi vơi”, “Hotboy nổi loạn”, “Nàng men chàng bóng”… Tuy nhiên phần lớn phim khai thác nhân vật phụ là những người đồng tính nam có phần ẻo lả, giống đàn bà hoặc theo đuổi những người đàn ông khác một cách lộ liễu để gây cười, không phản ánh đúng thực tế của những người đồng tính khiến dư luận công kích. Bên cạnh đó, lại có những bộ phim như “Những nụ hôn rực rỡ” hay “Để mai tính” khai thác hình ảnh người đồng tính trẻ dám yêu, dám sống và dám hi sinh cho tình yêu của mình, là một góc nhìn rất tích cực trong con mắt của xã hội. 
Cuốn sách cũng đã điểm lại hành trình, sự nghiệp, những khó khăn và sự dũng cảm dám đi tìm chính mình của những người nổi tiếng trên thế giới như nhạc sĩ Tchaikovsky, thủ tướng Iceland Johanna Sigurdardotti, diễn viên Ellen DeGeneres, nam ca sĩ Ricky Martin, nữ ca sĩ Lady Gaga… Đó là câu chuyện rất có ý nghĩa đối với những người đang muốn hướng đến con người thật của chính mình. 

 Tác giả Ngọc Thạch

Các tác giả của cuốn sách nói gì?
PV: “Mẹ ơi, con đồng tính” là một sự tổng hợp các khái niệm về cộng đồng LGBT. Vì sao một cuốn sách kiến thức hết sức cơ bản lại cần thiết cho xã hội ở giai đoạn hiện tại? 
Nguyễn Ngọc Thạch: Nhiều năm trước, khi báo chí đưa tin về người đồng tính, chuyển giới tại Việt Nam, đều đưa những tin tức liên quan nhiều đến tệ nạn xã hội, cướp hiếp giết… Vài năm trở lại đây, khi dư luận rộng đường hơn với cộng đồng LGBT, những thông tin tích cực được cung cấp nhiều hơn, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều thông tin sai lệch, gây hoang mang cho người tiếp nhận. Hiện tại, mặc dù các hội nhóm, tổ chức LGBT tại Việt Nam có cung cấp các tài liệu liên quan đến vấn đề kiến thức, nhưng đa phần chỉ là tự biên soạn dùng để phát trong các sự kiện nhất định, trên kệ sách ở các nhà sách vẫn thiếu một cuốn sách kiến thức LGBT cơ bản nhất. Trong bối cảnh đó, Thạch và Dũng đã quyết định cùng biên soạn và giới thiệu đến độc giả tập sách “Mẹ ơi, con đồng tính!”, nhằm cung cấp đến độc giả những thông tin còn thiếu.

PV: Làm việc trong lĩnh vực marketing nhưng lại có nhiều cuốn sách đề cập đến các đề tài nóng như Đời Callboy, Chuyển giới…, nay là cuốn sách kiến thức “Mẹ ơi, con đồng tính”. Góc nhìn của một người đồng tính về cộng đồng mình sẽ khác góc nhìn của người ngoài cuộc ra sao? 
Nguyễn Ngọc Thạch: Mảng đề tài đồng tính, mại dâm, chuyển giới, tính đến nay vẫn còn chưa có nhiều người khai thác đến, hoặc có khai thác cũng không đi sâu đến được những góc khuất chân thật nhất. Các đề tài này, bỗng dưng trở thành những đề tài cấm kỵ, nhạy cảm của văn học Việt Nam. Tuy nhiên, trong thế giới của những điều cấm kỵ này, có những câu chuyện làm người ta phải trăn trở về số phận con người. Chính vì vậy, Thạch chọn mảng đề tài này để khai thác, với mục đích muốn gởi đến mọi người những câu chuyện chân thật nhất về một thế giới nhiều người chưa biết đến.
Dĩ nhiên khi viết về mảng đề tài đồng tính, người trong cuộc sẽ kể được câu chuyện thật hơn, đúng với tâm lý, tình cảm, những khao khát, nỗi đau của một người trong cộng đồng. Và chính nhờ sự chân thật đó, mới giúp độc giả dễ dàng tiếp cận được với những thứ mình viết lên.

PV: Trang web riêng của anh đã trở thành nơi chia sẻ tâm tư, bày tỏ ước mong về hạnh phúc của rất nhiều bạn đọc đồng tính, chuyển giới. Cảm giác của bạn ra sao khi đọc được những chia sẻ đó? 
Nguyễn Ngọc Thạch: Trước đây, có một chú gởi tới Thạch chia sẻ rất dài, về câu chuyện khi chú biết và chấp nhận xu hướng tính dục của con mình, cùng lời cảm ơn vì nhờ đọc sách mà hiểu hơn về đồng tính, về thế giới con trai mình đang sống. Đọc xong những dòng chia sẻ đó, Thạch đã chảy nước mắt, một phần vì xúc động, một phần vì không ngờ những gì mình viết lại làm được việc ý nghĩa như vậy. Đó là động lực lớn nhất để Thạch tiếp tục kể những câu chuyện số phận khác nhau về cộng đồng LGBT. 

PV: Lựa chọn nhiều chủ đề hot mà chắc chắn sẽ có nhiều người đọc trước hết vì tò mò, ở ngoài đời anh là người như thế nào? Có giống với một nhân vật nào trong tác phẩm của chính anh? 
Nguyễn Ngọc Thạch: Thạch là một người bình thường như bao nhiêu người khác, làm việc, trăn trở với rất nhiều điều trong cuộc sống mình phải đối mặt. Có khác chăng, Thạch nhiều chuyện hơn mọi người. Khi được nghe, được chứng kiến một hoàn cảnh nào đó, mình lại có thôi thúc sẽ viết nó thành một câu chuyện hoàn chỉnh, gởi đến độc giả. Có thể nói rằng, mỗi nhân vật trong tác phẩm đều mang một phần tính cách của Thạch trong đó.  

PV: Trong thời gian tới, Thạch có dự định tiếp tục gắn bó với những mảng đề tài nóng của xã hội không? 
Nguyễn Ngọc Thạch: Sau “Mẹ ơi, con đồng tính!” Thạch vừa cho ra mắt một tập tản văn, tên là “Chênh vênh hai lăm”, thể hiện một góc nhìn khác của người trẻ về cuộc sống hiện nay. Dự án sắp tới, Thạch sẽ thử sức mình ở vai trò biên kịch cho một số bộ phim, đồng thời hoàn thành bản thảo cho tập truyện ngắn ra mắt trong đầu năm sau. 

PV: Xin cảm ơn Ngọc Thạch rất nhiều. Mong sớm được đọc sáng tác mới của anh!

LGBT là gì?
- Đó là những chữ viết tắt từ: Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (song tính nam hoặc nữ), Transsexual/Transgender (hoán tính/chuyển giới).
- Biểu tượng của cộng đồng LGBT là lá cờ 7 màu của cầu vồng: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím (red, orange, yellow, green, blue, indigo, violet). Điều này muốn nói đến sự đa dạng và toàn diện của thế giới, cũng là khát vọng của con người. Trên thực tế, đôi lúc người ta sử dụng biểu tượng không có màu chàm, và màu lam được thay bằng màu xanh cyan.
- Ban đầu, thuật ngữ LGBT chỉ hướng đến 3 đối tượng là đồng tính, song tính, hoán tính, nhưng ngày nay người ta dùng LGBT để nói về cả những xu hướng tình dục ngoài dị tính.
- Thuật ngữ LGBT không phải là 1 từ chính thống trong pháp lý hay khoa học nhưng được nhóm người này chấp nhận rộng rãi, đặc biệt là những nước có sử dụng tiếng Anh.

Nguyễn Ngọc Thạch (bút danh khác: Jade), là tác giả trẻ được cộng đồng mạng quan tâm khi chọn những mảng đề tài gai góc, gây nhiều tranh cãi trong xã hội như đồng tính, mại dâm, chuyển giới. Mặc dù đang làm việc trong lĩnh vực marketing, viết lách chỉ như một cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng, nhưng với giọng văn trần thực, không hoa mỹ mà vẫn giàu cảm xúc, các tác phẩm của Thạch viết ra vẫn luôn được đông đảo độc giả đón nhận. 

Võ Chí Dũng -  Hiện đang là sinh viên Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh, là 1 trong 2 đại diện Việt Nam tham gia chương trình Asian Youth Exchang Program in Okinawa 2010 tại Nhật Bản; nhận học bổng Domestic British Council IELTS Scholarship 2011 của Hội Đồng Anh, hiện đang là chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu khoa học pháp lý cấp trường. 

Diệu Ngân
Bình luận
vtcnews.vn