Nguyễn Thế Sơn: Sự thật đằng sau nhà mặt phố

Tổng hợpThứ Ba, 03/09/2013 10:45:00 +07:00

Theo quan điểm của anh, dù là hội họa hay nhiếp ảnh cũng chỉ là phương tiện để làm nghệ thuật mà nghệ thuật nằm trong ý niệm...

   Gọi Nguyễn Thế Sơn là họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, nghệ sĩ đương đại hay nhà nghiên cứu… cũng đều được, không quan trọng vì việc nào anh cũng làm cả, thậm chí làm cùng một lúc khi thực hiện các dự án nghệ thuật, trong đó có Nhà mặt phố. Theo quan điểm của anh, dù là hội họa hay nhiếp ảnh cũng chỉ là phương tiện để làm nghệ thuật mà nghệ thuật nằm trong ý niệm mà tác phẩm muốn truyền đạt tới con người.

 

    Phía sau Nhà mặt phố
   Nguyễn Thế Sơn (1978) sinh ra và lớn lên trong một gia đình Hà Nội gốc. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2002. Năm 2008, anh tiếp tục học Cao học tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc). Trở về Việt Nam năm 2010 với phương pháp và tư duy nghệ thuật chịu ảnh hưởng của giáo dục nghệ thuật Bắc Kinh, anh giới thiệu tới công chúng Việt Nam nhiều triển lãm, dự án riêng và chung như: Nhà mặt phố, Đường về còn xa lắm, Trên cao, Tầm cao mới… Anh chọn nhiếp ảnh như một trong những phương tiện để biểu đạt các vấn đề bất cập của xã hội trong quá trình đô thị hóa xô bồ, ào ạt. Theo quan điểm của anh, dù là nhiếp ảnh, hội họa, nghệ thuật trình diễn, hay sắp đặt… cũng chỉ là phương tiện. Mục tiêu cuối cùng của nghệ thuật là chạm đến cuộc sống, đến số phận con người.
   Hầu hết các tác phẩm của anh đều lấy cảm hứng từ những tư liệu sống động đang diễn ra trong cuộc sống. Anh chia sẻ: “tôi muốn nghệ thuật của mình đi sát mặt đất. Muốn vậy phải quan sát thật kỹ, nhặt nhạnh những thứ dễ bị bỏ qua nhất để làm chất liệu cho các sáng tác của mình. Có những thứ tưởng như xấu xí nhưng tôi thấy tất cả vẻ đẹp của đời sống lẫn vào đó, mọi sự vật hiện tượng đều có lý do để tồn tại. Hiểu để thông cảm cho nó cũng có nghĩa là ta đang học lấy nghệ thuật để hiểu con người”.
Một trong những triển lãm ấn tượng nhất của Nguyễn Thế Sơn là “Nhà mặt phố”. Dự án này khảo sát sự biến đổi giá trị, công năng của nhà mặt phố, thông qua đó nghiên cứu những giá trị xã hội đang áp đặt lên nó. 

 

   Triển lãm là những tấm ảnh chụp lại các biển quảng cáo khổ lớn che hết mặt tiền của các ngôi nhà được làm nổi dưới dạng “phù điêu ảnh”. Các tác phẩm được đặt cạnh nhau trong phòng triển lãm lớn trông như một con phố thu nhỏ với những ngôi nhà nhấp nhô, đua chen để xô ra ngoài giống như chúng được nhấc từ đường phố vào phòng vậy. Tác giả dùng phương pháp chụp kiến trúc để chụp lại những mặt tiền này ở nhiều con phố khác nhau, rất nhiều trong số ấy, bây giờ đã đóng cửa hoặc thay biển mới hay sang tên chủ khác, không còn nữa.
   Từ đâu tác giả có ý tưởng về dự án này, Nguyễn Thế Sơn giải thích rằng, anh là người phố cổ gốc, đã chứng kiến sự thay đổi kiến trúc, và không gian của những ngôi nhà cổ Hà Nội trong những năm đổi mới. Thời kỳ năm 1986 được coi là thời kỳ bùng nổ xây dựng, kiến trúc nhà ống lên ngôi, những không gian trước đây rất rộng, có sân nay đã bị chia cắt nhỏ, có khi những cái ngõ chỉ rộng áng chừng 1m cũng được tận dụng để xây dựng thành nhà siêu mỏng. Năm 2006 từ sau khi Việt nam gia nhập WTO, công nghệ máy in khổ lớn của Trung Quốc và các vật liệu làm quảng cáo mới đua nhau tràn vào Việt Nam, những biển quảng cáo được thiết kế theo tiêu chí “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” xuất hiện chóng mặt ở đô thị. Khi kinh tế mở cửa, mặt tiền biến thành tiền mặt, người ta sẵn sàng hy sinh những thứ không ra tiền. Những biển quảng cáo khổ lớn chiếm dụng toàn bộ hình ảnh mặt tiền, bịt hầu như toàn bộ ban công cửa sổ - những đôi mắt của ngôi nhà.

 

   Sau khi từ Trung Quốc trở về, tác giả nhìn thấy sự thay đổi mà theo anh, nếu cứ ở xứ này mãi thì trong tầm nhìn cơ học, khó có thể thấy được. Anh tâm sự: “tôi muốn giải mã sự thật phía sau những mặt tiền. Liệu bộ mặt Việt Nam có vốn như thế không? Với tôi, Hà Nội đã chết từ năm 1954 rồi. Trong lời kể của bố tôi, Hà Nội xưa khác lắm, không xô bồ như bây giờ. Chính vì thế, tôi muốn đi tìm để nhìn thấy giá trị nhân văn của một thành phố, con người trong thành phố ấy đã biến dạng, đã tha hóa thế nào như một tư liệu lịch sử. Tôi cố gắng kích thích sự giải mã của người xem, tôi tạo ra một không gian nghệ thuật để mọi người có điều kiện nhìn lại cuộc sống của chính mình, quan niệm của mình, có thể không phải cho mình ngay lúc này mà cho thế hệ sau”
   Cách làm của Nguyễn Thế Sơn khá độc đáo. Anh dùng chính công nghệ làm biển quảng cáo: in và cắt laze trên phố Nguyễn Thái Học để biến những hình ảnh trên mặt phẳng thành phù điêu ảnh. Và dùng chính bàn tay những người công nhân ấy để làm nghệ thuật. Sau đó, các tác phẩm lại được trưng bày tại viện Goethe nằm trên con phố Nguyễn Thái Học. “Tôi làm cái việc là đưa những biển quảng cáo ấy trở lại với con phố này nhưng trở về theo con đường khác: con đường nghệ thuật”, Nguyễn Thế Sơn hóm hỉnh.

 

   Với phần đông công chúng hiện nay, nghệ thuật đương đại còn rất mới mẻ và thách thức thói quen xem- nghe- thưởng thức của họ. Nguyễn Thế Sơn thì cho rằng, nhiếp ảnh là thứ phản ánh hiện thực một cách chân thực, và anh cũng không bắt ai phải hiểu cái gì ghê gớm. Thậm chí trẻ con có thể hiểu đây là đồ chơi của chúng. Nghệ thuật đương đại coi tác phẩm như một dạng văn bản mở. Ở độ tuổi nào đó, người ta chỉ có thể đọc được cái vỏ ngoài thôi nhưng khi từng trải, đủ chiêm nghiệm nhiều hơn sẽ đọc được cái lõi của thông điệp. 

   Nhà mặt phố và nhiếp ảnh ý niệm
   Nguyễn Thế Sơn giải thích, từ sau thế chiến lần thứ 2, sự hoài nghi của thế giới, của xã hội và con người đổ hết vào nghệ thuật. Nghệ thuật thể hiện sự nghi hoặc, mông lung, nhiều hiện tượng chồng chất lên nhau đòi hỏi người xem phải có sự giải mã. Muốn vậy, trước hết người nghệ sĩ phải đóng vai trò như một nhà nghiên cứu tâm lý, nghiên cứu xã hội học. Nhà mặt phố là kết quả nghiên cứu trong một thời gian dài đi, hỏi, ghi chép, lục lại lịch sử và đối chiếu của Nguyễn Thế Sơn. Anh chia sẻ: “diện mạo của xã hội Việt Nam đương đại chẳng giống nơi nào mà tôi đã từng đi qua, ngồn ngộn mà vô cùng trống rỗng. Mọi thứ đều được che đậy, tô vẽ bởi rất nhiều lớp vỏ bọc”.

 

   Tốt nghiệp Thạc sĩ tại Bắc Kinh, Nguyễn Thế Sơn chịu nhiều ảnh hưởng từ phương pháp lẫn cách tư duy nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ trên thế giới. Một trong số ấy là bà Hilla Becher - một nghệ sĩ nhiếp ảnh ý niệm người Đức. Bà là người dùng nhiếp ảnh như một phương tiện để nghiên cứu khảo sát cùng một hiện tượng ở nhiều trạng thái khác nhau. Các tác phẩm tiêu biểu của bà là những tấm hình ghi lại di sản của một quá khứ công nghiệp. Nửa thế kỷ trôi qua nhưng phương pháp của bà vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều và quan trọng tới những thế hệ nhà nhiếp ảnh tư liệu, trong đó có Sơn. Các tác phẩm của anh trong đó có Nhà mặt phố, thực tế cũng là sự ghi lại lịch sử mặt tiền của đô thị, rất có thể sau 10 năm nó không còn. Giống như ngày xưa,người ta nhìn phố Phái thấy bình thường, nhưng bây giờ phố đã biến đổi chóng mặt đến nỗi xem tranh người ta khó lòng nhận ra nữa.
   Không giống với hầu hết các tác phẩm nhiếp ảnh hiện thực của Việt Nam, Nhà mặt phố là tác phẩm nhiếp ảnh khái niệm (hay ý niệm) ảnh hưởng từ Hilla Becher, cho phép một tác phẩm có từ hai lớp nghĩa trở lên. Nó đấy mà không phải là nó. Nghệ thuật khái niệm không cho phép người ta đọc được ý nghĩa của nó từ bề mặt vỏ mà buộc người ta phải đọc tiếp ở lớp sau. Để tạo ra một hình ảnh, một biểu tượng nhiều lớp, nhiều nghĩa, thì người nghệ sĩ phải vận dụng  mọi tư duy và thủ pháp để đưa được nhiều tầng nghĩa vào tác phẩm đó. Chính điều này sẽ khiến tác phẩm được hoàn thiện bởi nhiều cách đọc tác phẩm của người xem.

 

   Nghệ thuật đương đại Việt Nam hiện tại đang giống thời điểm Trung Quốc trước năm 90. Khi ấy, phong trào phản tư tạo thành những làn sóng mạnh mẽ. “Nghệ thuật luôn là sự tìm tòi cái mới và là hành trình kiếm tìm sự tự do biểu đạt về tư tưởng. Muốn vậy, phải có cách nhìn, cách tư duy để phản biện những giá trị cũ. Đó không phải là sự vứt bỏ mà là sự nối tiếp. Thái độ phản tư không phải là quay lưng lại với lịch sử mà là để nhìn lại quá khứ, lịch sử bằng con mắt văn minh và có trách nhiệm hơn”, Nguyễn Thế Sơn chia sẻ. 
   Trong khi đó, Nghệ thuật ý niệm (Conceptual Art) bắt đầu nổ ra từ những năm đầu thế kỷ XX ở phương Tây khi người ta hoài nghi, mất niềm tin vào hiện thực. Nó là nghệ thuật “can thiệp” vào đồ vật, hiện tượng có sẵn để nó ko còn mang khái niệm đó nữa. Ở thời kỳ đó, trong khi tượng phải đẹp, tranh, ảnh nhìn phải hiểu được ngay thì Marcel Duchamp đã làm tác phẩm “Cái bồn tiểu”( Đài phun nước) kinh điển gây chấn động nghệ thuật Châu Âu. Ông muốn phản biện, làm một cuộc lật đổ, lấy một cái có sẵn và quan niệm đó cũng là tác phẩm được tạo tác bằng tay. Tác phẩm “Cái bồn tiểu” gây xôn xao cả thời kỳ ấy và người ta tìm cách giải mã nó cả trăm năm trước. 
   Việc thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật đa nghĩa với người phương Tây là rất bình thường thì đối với người Việt Nam quả là một thách thức không nhỏ. Và vì thế, những người nghệ sĩ đương đại trong các lĩnh vực như Nhiếp ảnh, hội họa, trình diễn, sắp đặt, âm nhạc là những người đang nỗ lực làm thay đổi thái độ, nhận thức của công chúng làm thay đổi thói quen của họ. Đó là một hành trình còn khó khăn và rất dài. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh ở Việt Nam, Nguyễn Thế Sơn là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi chọn nhiếp ảnh làm phương tiện. Anh nói: “Gốc của tôi là dân nghệ thuật tạo hình, đối với tôi, chụp cũng như vẽ, như làm điêu khắc, tôi chỉ dùng nhiếp ảnh làm ngôn ngữ tạo hình. Tôi dùng con mắt của người ngoài cuộc để nhìn sự vật, hiện tượng với thái độ nhận thức của người từ trong cuộc để làm ra nó. Tiêu chí chung của nghệ thuật đương đại ngày nay là suy nghĩ toàn cầu, phương pháp tư duy có một tiêu chuẩn khá đồng nhất, khác nhau ở chỗ chúng ta có câu chuyện địa phương của mình. Nhà mặt phố với những mặt tiền lô xô là câu chuyện của Việt Nam, không ở nơi nào khác mà chúng ta cần giải mã”.
   Nguyễn Thế Sơn cũng cho biết tháng 10/2013, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà sưu tầm tranh Trần Hậu Tuấn - người đang sở hữu rất nhiều bức tranh phố Phái sẽ làm một triển lãm có tên “Từ phố Phái đến Nhà mặt phố” làm thành một bảo tàng phố. Ở đó, một bên phố Phái, một bên nhà mặt phố của Nguyễn Thế Sơn sẽ tạo nên một sự so sánh để thấy quá trình biến đổi phố đã diễn ra như thế nào. 
   Sau Nhà mặt phố, Nguyễn Thế Sơn đang tiếp tục theo đuổi các dự án khác như “ Nhà Tây biến hình”, cắt lớp lịch sử những ngôi biệt thự cũ trong 100 năm hay dự án “Tôi đi tìm ngôi nhà chung” cắt lớp lịch sử hơn 70 ngôi đình tổ nghề trong khu 36 phố cổ Hà nội - những mỏ neo để cộng đồng bám vào để cân bằng giá trị đạo đức và niềm tin trong suốt 300 năm qua. Chia sẻ vì sao diện mạo của thành phố lại có sức thu hút với anh đến vậy, Nguyễn Thế Sơn mỉm cười nói: “Đơn giản vì đây là nhà của tôi và tôi cho rằng, giải mã những giá trị thật bị che phủ sau các lớp vỏ bọc của những giá trị ngụy tạo, phù phiếm bấy lâu nay là con đường cũng như trách nhiệm của những người làm nghệ thuật”.

Hà Trang
Bình luận
vtcnews.vn