Lý Sơn bi tráng những ngôi mộ chiêu hồn

Tổng hợpThứ Năm, 11/04/2013 04:03:00 +07:00

Chắc ai trong chúng ta chẳng đã có một đôi lần nghe Mộ gió, cảm nhận nỗi khắc khoải, đớn đau ẩn chứa sau từng ca từ, khúc thức âm nhạc...

“Ðại dương kia xa nghìn trùng/ Bão táp đưa người đi, không bao giờ trở lại/ Sóng kêu gào khóc thương vì nỗi xót xa/ Biển hoang sóng vỗ sao lạnh lùng quá/ Chỉ còn đó những ngôi mộ gió không người/Nỗi xót xa cho người đã khuất…” Chắc ai trong chúng ta chẳng đã có một đôi lần nghe Mộ gió, cảm nhận nỗi khắc khoải, đớn đau ẩn chứa sau từng ca từ, khúc thức âm nhạc mà ca sĩ Viết Thanh cùng nhóm nhạc rock Unlimited muốn chuyển tải. Tôi không được biết xuất xứ ra đời của ca khúc, nhưng tôi biết chính xác nơi mà những “ngôi mộ gió không người” đã trở thành nỗi day dứt, ám ảnh khôn nguôi trong trái tim mỗi người dân đất Việt, đảo Lý Sơn. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau…

Từ những nấm mộ “hùng binh” năm xưa

Ðến với Lý Sơn, ta hiểu thêm mỗi tấc đất trên hòn đảo thiêng đều thấm đẫm hào khí cha ông. Và những nấm mộ khiêm nhường ẩn mình trong cát nơi phên dậu tiền tiêu đã trở thành chứng nhân cho lớp lớp tiền nhân bao đời quyết tử cho đất nước trường tồn.

Cát trắng đến nhức mắt, cát chở che những ngôi mộ chỉ có những hình nhân đất sét được “chiêu hồn nạp táng”. Cát ôm ấp linh hồn những “hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” năm xưa. Cát dịu dàng như đất mẹ, giấu trong lòng hồn phách những ngư dân kiên trung một lòng “vươn khơi bám biển” hôm nay, nguyện biến mỗi con tàu thành “cột mốc sống trên biển” khẳng định chủ quyền đất nước với hai quần đảo thân yêu.

Âm Linh Tự, nơi tổ chức Lễ Khao lề thế lính hàng năm.

Hòn đảo nhỏ, chỉ rộng cỡ xấp xỉ 10km2 nhưng sở hữu trong mình bạt ngàn những ngôi mộ chiêu hồn. Những nấm mộ nhỏ, thấp lè tè nằm trơ trọi. Phía đầu mộ, bao giờ cũng hướng về phía đất liền, được đánh dấu bằng một tấm bia nhỏ màu đen. Ngôi mộ có quy mô hoành tráng, đàng hoàng nhất – mà tôi được nhìn thấy – có lẽ là nơi linh hồn cụ Phạm Hữu Nhật (Tên huý là Phạm Văn Triều - Chánh đội trưởng Thuỷ quân suất đội thời vua Minh Mạng, người đã đem binh thuyền đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên các đảo thuộc “bãi cát vàng” Hoàng Sa) an nghỉ, ngay phía trước Âm Linh Tự.

Trong chuyến đi biển cuối cùng  vào năm 1854, cụ đã vĩnh viễn gửi thân vào sóng nước. Mộ chiêu hồn của vị Thuỷ quân Suất đội kiêu hùng năm xưa ban đầu đặt tại đỉnh núi Chóp Vung, với tấm bia ghi “Cao Bình quận Phạm Hữu Nhật thần hồn chi linh mộ”. Sau này, con cháu dòng họ Phạm Văn đã đưa cụ về đây, trong quần thể Âm Linh Tự đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Trường hợp Cai đội Phạm Quang Ảnh vẫn còn là một bí ẩn lịch sử, khi ngôi mộ của cụ được coi là một khu mộ tập thể của cả đoàn hải binh ra đi không về, hiện nằm trên gò đất lớn của gia tộc Phạm Quang. Chính sử đã nhắc tên vị cai đội này “tháng Giêng năm Ất Hợi (1815), sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét, đo đạc thuỷ trình” (Trích Ðại Nam thực lục chính biên). Các cụ cao niên kể rằng, trước đây, đó là nhiều ngôi mộ riêng biệt, có ghi danh phận từng người.

Nhưng rồi dòng thời gian đã đùn đẩy các gò cát thành một nấm chung. Cùng sát cánh bên nhau suốt dọc hải trình, giờ hồn phách họ đã được tụ cùng một nơi, trên dãy mộ dài hơn chục mét. Dân Lý Sơn bảo, đây là ngôi mộ chiêu hồn đầu tiên của hòn đảo này. Tên của hai vị hùng binh Quang Ảnh và Hữu Nhật cũng đã được đặt cho hai hòn đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa, nơi họ đã chọn “vong thân vị quốc”.

Từ năm 1836, triều đình nhà Nguyễn đã lập ra một đội dân binh gọi là Ðội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Nhiệm vụ hàng năm dong thuyền ra khơi, đo đạc thuỷ trình, sửa cột mốc chủ quyền, thu thuế thuyền bè qua lại và đánh bắt sản vật trong sáu tháng biển lặng. Theo ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ đời thứ tư của cụ Phạm Hữu Nhật: “Ghe bầu kềnh càng không chống chọi nổi với sóng lớn, nếu ra khơi có thể bị đánh vỡ tan. Dân binh phải đi bằng ghe câu, tuy nhỏ hơn nhưng lách sóng được.

Chèo khoảng ba ngày, ba đêm thì đến quần đảo Hoàng Sa nếu biển lặng và thuận gió. Sáu tháng trên biển phải đối phó với trăm ngàn nguy hiểm, có thể mất mạng bất kỳ lúc nào. Thế nên trên mỗi thuyền câu đều trang bị sẵn nẹp tre và dây buộc, để phòng nếu có chết giữa biển thì nẹp xác rồi thả xuống nước, hy vọng xác trôi về quê nhà”. “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/ Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”. Những chiếc nẹp tre, tấm vải gai, bó dây buộc xác cùng mô hình chiếc thuyền câu nhỏ bé năm xưa hiện đều được tái hiện, lưu giữ tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa.

Mộ cụ Phạm Quang Ảnh

Cũng chính ông Tuyền khẳng định: “Báo chí dùng từ mộ gió để chỉ những ngôi mộ chiêu hồn là sai hoàn toàn. Trên đảo có mộ gió, nhưng đó  là những nấm đất chờ, khi một trong hai vợ chồng nằm xuống. Họ sẽ lại được bên nhau, khi cả hai cùng rời bỏ cõi đời, trần sao âm vậy”.

Ông Tuyền cung cấp một chi tiết lạ, “không hiểu luồng lạch, dòng chảy ra sao nhưng các cụ tôi kể, nếu thả xác ngư dân xuống biển thì xác suất khá lớn sẽ trôi về đảo Lý Sơn”. Thế nhưng, con số khá lớn “mộ không người” ở Lý Sơn cho thấy một tỉ lệ rất nhỏ những người xấu số có thể trở về gửi thân xác nơi mảnh đất quê hương.

Ngoài những người chỉ huy nổi tiếng kể trên, đảo còn lập mộ chiêu hồn cho nhiều vị khác như Phạm Quang Tám, Võ Văn Phú, Võ Văn Khiết, Võ Văn Hùng, Phạm Văn Nguyên, Ðặng Văn Siểm, Phạm Văn Sênh, Phạm Văn Biện… Chính những ngư dân “bỏ lưới cầm gươm “ bình dị đó đã làm nên truyền thống hào hùng đảo Lý Sơn – sân sau của “Bản quốc hải cương, Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”. 

Đến tâm sự của người chuyên nặn hình nhân duy nhất ở lý sơn

Tôi lò mò trong màn mưa bão trắng trời tìm tới nhà cụ Võ Văn Toại (thôn Tây, xã An Vĩnh), người trọn đời gắn liền với cái nghiệp “nặn hình nhân” trên đảo. Lúc tôi tới, cụ đi vắng, chỉ có anh con trai trưởng Võ Văn Nhành, sinh năm 1969, ở nhà. Vóc dáng thấp đậm, chắc khoẻ, nước da nâu bóng mặn mòi nắng gió vùng biển, anh Nhành đồng ý chia sẻ tất cả với phóng viên, bởi “tôi đọc thấy khá nhiều chi tiết không chính xác trong các bài viết về Lý Sơn từ trước tới giờ. Rất mong chị ghi chép và truyền đạt lại chính xác”.

Nếu tính theo phả hệ, anh Nhành là đời thứ tư trong một gia đình sở hữu cái nghề vô cùng đặc biệt này. Cụ tổ của anh chính là người đã “chiêu hồn nhập táng” cho ngôi mộ đầu tiên – Cai đội Phạm Quang Ảnh. Bố anh, cụ Toại, đã “rửa tay gác kiếm” vì tuổi xấp xỉ bát thập, sau hơn ba thập kỷ lên núi Giếng Tiền đào vẹt cả một vạt lớn đất sét về nặn hình nhân. Anh bảo, “thời ba tôi còn làm thầy pháp, trên đảo cũng có vài ba người làm nghề này. Tiếc là sau khi họ nghỉ, con cháu chẳng còn ai theo nghiệp”.

 Mô hình thuyền câu, vải gai, nẹp tre bó xác của các hùng binh năm xưa tại Nhà trưng bày hải đội Hoàng Sa.

Tò mò vặn vẹo lý do, anh cười hiền lành: “Theo nghề thầy pháp không đơn giản, dễ dàng  đâu nhé. Muốn làm cũng phải có cái duyên. Bố có ba người con trai cả thảy nhưng chỉ truyền nghề được cho mỗi mình tôi. Cái duyên thể hiện ở ba yếu tố: Sắc – Oai – Tướng. Tôi may mắn có được chữ “sắc”, chẳng tài giỏi gì đâu nhưng được đấng bề trên chỉ dẫn nên làm được thôi”.

Mộ chiêu hồn không dành riêng cho những ngư dân xấu số, ai cứ mất xác là phải thực hiện nghi lễ này. “Nhưng ở Lý Sơn, 70% mộ là của những người đi biển không về”. Hỏi số lượng hình nhân nhiều nhất mà anh Nhành đã phải nặn, anh buồn bã: “Ðó là giữa năm 2011, khi tàu cá QNg  – 66192TS do thuyền trưởng Lê Minh Tân điều khiển cùng năm thuyền viên (Hồ Văn Lâm, Nguyễn Hoàng, Trần Văn Lành, Trương Văn Tiến và Nguyễn Ðảng) đã mất tích trên biển sáu tháng trời.

Thật đau xót, để hoàn tất sáu ngôi mộ ấy, tôi phải làm liên tục ba ngày trời. Thời bố tôi, lần phải làm lễ tới chín ngôi mộ cho toàn bộ ngư dân trong cùng một gia đình anh Lê Văn Cương cách đây hơn 30 năm là khủng khiếp nhất. Chỉ hai người sống sót, trên con tàu cá có 11 người.  Ngược lại lịch sử, lần làm mộ tập thể cho cụ Phạm Quang Ánh chắc cũng để lại trong tâm trí cụ tổ nhà tôi những ấn tượng không thể nào quên”.

Hỏi, sau hơn hai chục năm làm thầy pháp, anh đã phải thực hiện nghi lễ vô cùng đau xót này bao nhiêu lần? Anh Nhành nhẩm tính, chắc cũng khoảng 150 người. “Nghề này làm ơn thì được người ta tri ân thôi. Dân biển vốn nghèo, họ lo ăn, lo tiền làm mộ đã méo mặt nên tôi không đòi hỏi bao giờ. Người có thì thù lao chút tiền cho thầy, lần nhiều nhất cũng chỉ hai triệu đồng. Người nghèo quá chỉ cảm ơn một câu cũng xong”.  Hỏi, có thể cho xem một số tấm hình, anh Nhành lắc đầu quầy quậy: “Không có đâu, nghi lễ linh thiêng, đâu có chụp hình được.

Tôi nhớ lần làm mộ cho cả tàu anh Tân, một anh quay phim của VTV3 cũng xin phép ghi hình. Bạn có thể không tin, nhưng chiếc máy quay ba chân vững như kiềng đột nhiên đổ chổng kềnh, kiểm tra lại thì trong máy chẳng có hình ảnh nào lưu lại cả. Tôi phải làm phép, cầu xin mãi, vong linh những ngư dân xấu số ấy mới đồng ý. Và sau đó, mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ. Chuyện tâm linh, có những điều thật khó giải thích.

Ví như người đã mất luôn hiện về báo mộng cho tôi, khi một bộ phận nào đó trên cơ thể hình nhân bị khô nứt. Họ kêu đau ngón trỏ trái, đau ống chân phải. Tôi phải đào lên, trét đất sét lại cho hết nứt rồi chôn xuống mới xong”. Tôi thực sự tò mò, “tỉ lệ những lần báo mộng ấy chính xác tới đâu, thưa anh”. Anh Nhành trả lời như đinh đóng cột, “100% luôn, không trật lần nào”.

Cạn nước mắt cùng những ngôi mộ chiêu hồn

Linh vị của những hùng binh Hoàng Sa trong Nhà trưng bày   

Phải trải qua rất nhiều công đoạn để hoàn tất một ngôi mộ chiêu hồn, thứ giúp an ủi cả người sống lẫn người đã khuất. Núi Giếng Tiền có một vạt đất sét rộng cỡ 100m2, thứ đất dẻo quánh và “chết” đến mức không có một loại cây nào mọc lên nổi. Ðất lấy về trộn chung với bông gòn cho đỡ nứt rồi được cho vào giã trong chiếc cối đá khá to. Hai thanh niên trai tráng sẽ đảm trách việc này, chày nện vào đất đều tay, liên tục cho tới khi dẻo quánh lại.

Thầy pháp, đầu đội mũ, quần áo chuyên dụng bắt đầu làm lễ. Hai tay giấu trong áo, thầy bắt quyết, đọc thần chú trước hai ban bầy biện những đồ lễ thông thường như xôi gà, tiền vàng, rượu nước… Ban chính thờ thần linh treo tấm phướn ghi mấy câu thần chú cùng năm đạo bùa xanh – đỏ - tím – vàng – trắng. Ban phụ để bài vị của người đã mất cùng hình nhân thế mạng bằng giấy. Trên bài vị có ghi phục vị (Vi), Dong (vong) kèm danh chủ linh vị.

Sau đó, anh Nhành bắt tay vào công việc nặn hình nhân, thường có chiều dài tối đa cỡ 90cm. Xương sống, xương sườn, xương chân tay (bao gồm đủ các chi, đốt) được tạo hình bằng gỗ cây dâu (phải là cây dâu mồ côi, lấy đoạn lá nhỏ). Trứng gà (để sống) làm dạ dày. Tim phổi được tạo hình bằng cây sầu đâu, đốt thành than rồi đặt vào tượng đất sét. Chỉ thêu màu vàng tạo hình gân, ruột. Việc khai khiếu (hai tai, hai đầu vú, mũi, rốn, hậu môn, bộ phận sinh dục) được thực hiện rất tỉ mỉ, riêng bộ phận cuối sau khi làm xong phải che đậy lại để tránh vong linh khi nhập về sẽ xấu hổ.

 Ông Võ Văn Nhành (thôn Tây, xã An Vĩnh) - Hậu duệ đời thứ tư của một gia đình nhiều đời làm nghề nặn hình nhân cho những ngôi mộ chiêu hồn trên đảo Lý Sơn

Anh Nhành cũng giải thích cặn kẽ lý do chọn cây dâu: “Ngoài công dụng trừ tà ma, cây dâu còn mang ý nghĩa truyền tử lưu tôn bởi dâu được trồng cho tằm ăn, tằm ăn dâu mới nhả ra tơ rồi đổi kiếp tới bốn lần. Chỉ cây dâu mồ côi (mọc riêng lẻ một mình) mới được chọn. Lấy dâu làm hình nhân cũng nhằm chuyển tải ước mong người đã khuất được chuyển kiếp, để không bao giờ còn phải sống đời bấp bênh, chết kiếp tuyệt tích nữa”.

Ðến Lý Sơn, bạn sẽ không nhìn thấy một con tằm nhưng dường như bờ dậu nào cũng có một cây dâu mồ côi. Hình ảnh ấy sẽ khiến bạn thấy lòng đắng ngắt. Như những câu thơ buồn thê thiết của nhà thơ Văn Công Hùng: “Chiều Lý Sơn những đôi mắt thở dài/ Trập trùng nhớ trập trùng nhoai ra biển/ Từng mảng xám biển ù ù mây xếp/ Níu hồn vào những đốt dâu xanh”. 

Sau khi gương mặt được người nhà công nhận là tương đối giống rồi, hình nhân sẽ được đặt vào chiếc tiểu sành. Một người “nhẹ vía” sẽ cầm “cành phan” (nhánh ổi dài cỡ 25cm) làm lễ triệu hồn về. Nhánh ổi này phải có đủ chín lá (với người nữ, tam hồn cửu phách) và bảy lá (với người nam, tam hồn thất phách). Anh Nhành cho biết, “cả đảo giờ chỉ có 2-3 người cầm phan được mà thôi”. Hỏi, căn cứ vào đâu để biết hồn đã nhập, anh Nhành bảo, người cầm phan sẽ có cảm giác ấy, chạy từ vai xuống tới cánh tay. Nghe mà thấy rờn rợn.

Mọi nghi lễ hoàn tất, tiểu được đem chôn. Ngày làm mộ được quy định sẽ là ngày giỗ. Với những người vợ, những đứa con, chồng và cha họ đã trở về từ lòng biển sâu, hiện diện và luôn dõi theo, che chở gia đình thân yêu suốt những tháng năm còn lại.    

Không ở đâu, những ngôi mộ cho ta cái cảm giác trái ngược: vừa bi tráng, hào hùng vừa thấm đẫm nỗi xót xa đến thế. Những nấm mộ chiêu hồn, nhỏ nhoi trong ánh chiều tà vàng vọt của Lý Sơn. Vĩnh viễn thuộc về, như một “đặc sản” đắng đót, của riêng hòn đảo Lý Sơn. 

Hồ Cúc Phương - Ảnh: Hoàng Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn