VTC10- Một nét Việt ở phương Nam

Tổng hợpThứ Hai, 01/10/2012 11:48:00 +07:00

Hai năm với rất nhiều thay đổi đã diễn ra và giờ đây sóng VTC10- Netviet đã ôm trọn hình hài tổ quốc.

Sẽ không bao giờ là “nét Việt” nếu như VTC10 chỉ có Bắc mà không có Nam. Có lẽ đó cũng là lý do mà 2 năm trước đây, đội ngũ VTC10 đã Nam tiến để gây dựng văn phòng tại TP.HCM. Hai năm với rất nhiều thay đổi đã diễn ra và giờ đây sóng VTC10- Netviet đã ôm trọn hình hài tổ quốc.

Hai năm và một cơ đồ

Trưởng đại diện VTC10 Phía Nam- Ông Nguyễn Trung Hùng chia sẻ, hiện kênh đang phụ trách khu vực từ Đà Nẵng trở vào
Nam. Đây là khu vực có khá đông Việt Kiều và là quê hương của nhiều người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài. Hơn nữa, TP. HCM còn là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, nơi diễn ra các hoạt động và sự kiện lớn trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội thuận lợi cho phóng viên của VTC10 có thể thoải mái khai thác nguồn đề tài phong phú, đa dạng.
 
Sau hai năm thành lập cơ quan thường trú NetViet tại phía Nam, hiện nay các phóng viên của kênh đã có văn phòng làm việc khang trang tại tầng 5, toà nhà VTC 132 Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM với tổng nhân sự vào khoảng 50 người. Trong đó, ¾ nhân sự là khối sản xuất, ngoài ra, kênh còn thiết lập được mạng lưới cộng tác viên (CTV) ở hầu khắp các tỉnh, thành phía
Nam.

Với đội CTV năng động, nhiệt tình ấy, thông tin thời sự và các sự kiện lớn nhỏ luôn được cập nhật một cách nhanh chóng và kịp thời. Nếu như trước đây, khó khăn lớn nhất của kênh là làm sao quản lý, theo dõi thông tin trên một khu vực địa lý khá rộng từ Đà Nẵng trở vào các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ thì bây giờ, sau hai năm, như một cái cây đang trưởng thành, đội ngũ phóng viên, CTV đã tỏa đi khắp mọi phương, như những rễ cây bám sâu vào lòng đất.

Giám đốc phụ trách sản xuất VTC10 phía Nam, ông Phạm Hải Hà chia sẻ, hiện nay, kênh đã sản xuất tới 9 đầu mũ chương trình. Trong đó, có 3 bản tin thời sự: Bản tin OPEN Vietnam, bản tin Việt Nam ngày nay và bản tin Tiếng Anh. Nội dung Chuyên đề có 6 chương trình: Tạp chí XNK, Người Việt bốn phương, Một ngày làm người Việt, Ấn tượng Việt Nam, Chơi chợ, Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững.

 
Chưa hết, hiện văn phòng TP.HCM còn đang triển khai sản xuất đồng thời hai bộ phim truyền hình dài tập là “Lời nguyền Saphia” và “Cù lao lúa” để phục vụ nhu cầu khán giả người Việt Nam ở nước ngoài. “Đây là một bước đột phá của VTC0 khi quyết định tự đầu tư sản xuất seri phim truyền hình”, ông Hải Hà đã nhấn mạnh như vậy.

Như vậy, hiện tổng thời lượng sản xuất trung bình bao gồm cả sản xuất phim của VTC10 phía Nam là 90 phút/ ngày, chiếm 30% thời lượng sản xuất của cả kênh Netviet. Trong năm 2013, chi nhánh phía Nam dự kiến sẽ tiếp tục sản xuất thêm nhiều chương trình mới như Game show trò chơi vận động có tên: “Mạo hiểm”; dự án tiểu phẩm hài: “Làng cười Việt”; Chương trình ca nhạc trực tiếp hàng tháng: “Kết nối ước mơ”; Chương trình truyền hình thực tế: “Món quà cuộc sống”; Chương trình Thời trang…

Theo kế hoạch dự kiến, năm 2013 chi nhánh phía Nam sẽ tăng thời lượng sản xuất từ 30 lên 50% tổng thời lượng của VTC10, tương đương với 180 phút/ ngày.

 
Thêm một tín hiệu vui nữa là chỉ sau hai năm thành lập thôi, chi nhánh hiện đã có mối quan hệ với gần 50 lãnh sự quán, tổ chức nước ngoài tại TP. HCM và UB người Việt Nam ở nước ngoài, phục vụ một lượng khán giả đông đảo là bà con kiều bào khu vực phía Nam.

Vui buồn ngày đầu Nam tiến

Đó là câu chuyện của hiện tại, còn hai năm trước đây khi đặt những viên gạch đầu tiên lên thành phố mang tên Bác, đội ngũ kênh VTC10 đã gặp phải không ít khó khăn. Tháng 11 năm 2010, văn phòng được thành lập khi ấy mới chỉ có bộ phận hành chính và kinh doanh bao gồm 4 người. Ngày 1/3/2011, nghĩa là vài tháng sau khối sản xuất chương trình mới chính thức được thành lập với 10 nhân sự bao gồm: BTV, KTV và quay phim đưa từ miền Bắc vào và phải ngồi nhờ trụ sở của VTC Online tại TP.HCM. Sáu tháng sau, 2/3 số nhân sự ấy đã được điều chuyển ra Bắc và thay vào đó là tuyển dụng toàn bộ nhân sự phía Nam.

Tuy chỉ làm việc trong vài tháng đầu tiên khi VTC10 tại miền Nam được thành lập nhưng tất cả những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, những phóng viên miền Bắc mới là những người đầu tiên nếm trải. Lần đầu Nam tiến công tác lâu như vậy với bộn bề công việc còn đang ngổn ngang, họ đã gặp phải không ít chuyện dở khóc dở cười. Lê Thắm, một cô BTV nhỏ nhắn, nhẹ nhàng cứ nhớ mãi cái ngày mới vào Sài Gòn sao mà ngô nghê thế. Đêm về mấy cô bạn rủ nhau lang thang ở Hồ Con Rùa tới 1 giờ sáng vã cả mồ hôi chỉ để xem cuộc sống Sài Gòn về đêm thế nào. Rồi mới vào Nam, chị em nào cũng háo hức đi mua sắm đủ thứ trong siêu thị đến nỗi dân ở đó họ thấy lạ nên hỏi “mới vô Nam lập nghiệp hả”.

 
Có lẽ trong số những người Nam tiến, Lê Thắm là người “lời” nhất vì nhờ chuyến công tác này mà Thắm đã gặp chồng của mình bây giờ và trở thành cô dâu Sài Gòn. Thắm kể: “Trong này cuộc sống rất tốt, người Nam thân thiện, ít kẹt xe, ít khói bụi, người Nam thì thân thiệt. Nhưng sướng nhất là làm bản tin vì tin tức nhiều vô kể. Tôi làm chương trình về Việt Kiều cũng đã lắm vì nhân vật vô cùng phong phú. Họ cũng nhiệt tình, làm việc thì rành mạch, khoa học nữa”. “Bây giờ lấy chồng Nam nên phải khen miền Nam tí”, Thắm dí dỏm cười.

Hoài Quyên thì “kém may mắn” hơn Thắm vì không những không “sắm” được chồng mà còn bị cướp điện thoại trong một vụ cướp vô cùng ly kỳ. Số là một lần, sau khi đi gặp một nhân vật Việt Kiều ở bar trở về lúc 12 giờ đêm, Trương Hiền, Lê Thắm, Hoài Quyên đang đi vào ngõ để về nhà trọ thì chết sững khi bị một kẻ lạ mặt nhảy ra dí dao vào cổ cướp điện thoại. Lần đầu tiên chân ướt chân ráo vào Nam gây dựng văn phòng, nhóm phóng viên toàn các cô gái chân yếu tay mềm đã được giang hồ Sài Gòn chào đón một phen “nồng nhiệt” như thế. Sau vụ bị cướp hú vía này, mọi người tự nhủ “cấm có dám ra đường lúc khuya nữa”.

Thắm nhớ lại, “hồi mới vào Sài Gòn bọn mình còn phải thay nhau ở nhà công vụ nấu ăn cho 10 người lận, ở với nhau như cái thời sinh viên ấy, hơi vất vả chút xíu nhưng vui. Được cái ở chỗ mình ở có nhiều người Bắc nên đi chợ Bắc, đồ ăn lại rẻ hơn Hà Nội. Thỉnh thoảng thèm thì rủ nhau đi tìm cả Sài Gòn mới được một hàng bún đậu mắm tôm, ăn cho đỡ nhớ Hà Nội. Nhưng thú nhất là ở đây bọn mình có cơ hội đi nhiều, đến những nơi mà các phóng viên phía Bắc ít có cơ hội đi như Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Bến Tre… Mỗi chuyến đi như vậy, không chỉ thêm niềm vui mà còn thêm trải nghiệm và vốn sống nữa”.

Hành trình nào cũng thế, bên cạnh những vinh quang cũng không ít những vất vả, khó khăn đòi hỏi phải lao tâm khổ tứ. Giờ đây, được làm việc trong một văn phòng đẹp đẽ, trang thiết bị máy móc đầy đủ, nhớ lại những kỷ niệm thủa đầu Nam tiến đối với lãnh đạo kênh và các BTV, phóng viên, quay phim như nhớ về một câu chuyện vui, đã qua nhưng sẽ còn mãi. Bởi nếu không nhờ có những khởi đầu đầy khó khăn ấy, thì chắc gì Netviet đã có những bước tiến vững vàng như hôm nay.

H.T

 

 

Bình luận
vtcnews.vn