TSKH Đoàn Hương: "Không có giàu- nghèo, chỉ có ý chí”

Tổng hợpThứ Năm, 16/08/2012 02:03:00 +07:00

Năm nay, số lượng Thủ khoa tại các tỉnh lẻ, vùng nông thôn, gia đình nghèo khó lại tiếp tục chiếm tỉ lệ cao. Và như mọi năm, dư luận lại được dịp xôn xao...

Các trường đại học đã thông báo kết quả thi. Năm nay, số lượng Thủ khoa tại các tỉnh lẻ, vùng nông thôn, gia đình nghèo khó lại tiếp tục chiếm tỉ lệ cao. Và như mọi năm, dư luận lại được dịp xôn xao bàn tán. Để góp thêm cho câu chuyện về học sinh giàu - học sinh nghèo, chúng tôi đã có buổi trao đổi với TSKH Đoàn Hương- Giảng viên khoa Báo chí - trường ĐH KHXH&NV- ĐH QGHN.

“Đừng cho con biết hũ tiền của nhà bạn”

Những ngày này, trên các trang báo, chúng ta vẫn thấy dày đặc những cụm từ như “Bố mẹ thủ khoa là nông dân”, “Thủ khoa nhiều giấy khen hơn quần áo”, “Chân đất thủ khoa”... Thực trạng này nói lên điều gì, thưa bà?

Thực ra, việc “chân đất nghèo khổ đỗ Trạng nguyên” đã là một hiện tượng bình thường trong xã hội Việt
Nam từ xưa đến nay. Nó xuất phát từ truyền thống hiếu học của dân tộc. Trước đây, nhiều vị Trạng nguyên hay Tiến sĩ của chúng ta cũng xuất thân từ tầng lớp bình dân, thậm chí rất nghèo khổ.


Nhưng một nghịch lý dường như đang có nguy cơ trở thành sự thật trong xã hội chúng ta: Con nhà nghèo lại học giỏi còn con nhà giàu thì lười học và học dốt. Đương nhiên không phải tất cả, song hiếm hoi lắm mới thấy một Thủ khoa hay Á khoa là con nhà giàu khá giả. Đặc biệt ở những vùng không được đầu tư nhiều tiền của cho việc học thì kết quả lại sản sinh ra khá nhiều nhân tài?

Xã hội Việt
Nam trong cơ chế thị trường hôm nay, người ta vẫn lấy vật chất để bù vào tinh thần và trí tuệ. Nhiều bố mẹ ở thành phố lo chạy điểm, chạy thầy cô cho con mà không biết rằng đứa trẻ cũng như một cái cây. Ngoài sự chăm sóc, hỗ trợ còn phải tự lớn lên.

Vì sao con nhà nghèo thường học giỏi? Vì họ hiếu học, hiếu thảo. Các em hiểu được giá trị của sức lao động, của đồng tiền, mồ hôi nước mắt cha mẹ. Càng thương cha mẹ các em càng cố gắng học hơn. Tôi đã dạy rất nhiều trẻ em thành phố, hầu hết các em chỉ ham chơi và không có mục tiêu trong cuộc sống, theo đuổi những thứ viển vông, không có thực. Ngay trong môn Văn của kỳ thi Đại học vừa qua, nếu như các em học sinh ở nông thôn chỉ xem đấy là một đề thi bình thường để trả bài thì học sinh ở thành phố sẵn lòng thi trượt để bảo vệ một thần tượng ất ơ nào đó bên Tây bên Tàu.

Theo bà, nguồn lực xã hội có đang bị đặt nhầm chỗ không? Khi mà nhiều học trò nghèo thông minh, có chí lại ít được đầu tư để phát triển, trong khi những “cậu ấm”, “cô chiêu” lười biếng và vô cảm lại được “dát vàng” để du học?

Thực ra, nền giáo dục của nước ta hiện nay tuy chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn là môi trường tốt để học đại học. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng như nhiều trường đại học trong nước cũng đã có những suất học bổng, sẵn lòng tạo điều kiện cho các em học sinh giỏi đi du học. Vì thế các em học sinh nghèo có năng lực, muốn đi du học thì hãy tự tin bởi cơ hội luôn mở rộng cửa với các em.


Vậy liệu việc du học có cần thiết nữa không khi mà như bà nói, chất lượng giáo dục trong nước cũng đã đủ tốt. Ngay như các em học sinh ở nông thôn, dẫu học trường làng, trường huyện nhưng vẫn “thủ khoa ầm ầm”?

Ở nước ngoài, những trường đại học danh tiếng thì môi trường học tập rất tốt nhưng học sinh Việt
Nam rất ít khi thi vào nổi, dù có tiền. Còn một loại trường nữa thì không khác những trường tư thục của nước mình. Nhiều sinh viên Việt Nam không đủ khả năng thi đỗ đại học trong nước thì bố mẹ cho xuất ngoại để “dán nhãn”. Những phụ huynh này tin rằng cái mác “học ở nước ngoài” có thể làm nên một con người mà quên rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Tôi nghĩ, bố mẹ nếu nghiêm túc nghĩ đến tương lai con cái thì hãy cân nhắc kỹ. Đi du học là tốt, nếu bằng thực lực của mình và có mục tiêu rõ ràng. Nên học đại học trong nước và ra nước ngoài học thêm các bằng tiếp theo, đó là kinh nghiệm của tôi.

Ngày trước tôi cũng băn khoăn lắm, vì tôi nghĩ rằng học ở trong nước tôi vẫn có thể hoàn thành luận án Tiến sĩ. Nhưng GS.Đặng Thai Mai đã nói với tôi rằng: Cháu ra nước ngoài không chỉ học để lấy bằng cấp mà cái quan trọng là học được cách tư duy, tầm nhìn lớn hơn. Và quả nhiên, sau khi đi học về thì tôi thấy cách nhìn nhận của mình có khác hơn rất nhiều.


Nếu nhìn nhận từ những kết quả sau mỗi mùa thi Đại học, người thành phố có nên xem lại cách đầu tư cho con trong việc học hành? Liệu có phải họ không biết dạy con?

Thực ra cha mẹ nào cũng thương con, cũng muốn con giỏi giang, thành đạt nên không tiếc đầu tư cho con. Nhưng không phải ai cũng đi đúng hướng.

Ở nước ngoài, tôi đã gặp rất nhiều con cái của tầng lớp thượng lưu nhưng vẫn ăn mặc giản dị, sống bình thường, bởi bố mẹ họ chỉ tài trợ cho họ như tất cả sinh viên ở trường đại học. Một giáo sư người Úc nổi tiếng trong trường ĐH Khoa học Hoàng gia Úc nhưng con gái vẫn đi bán bánh ở cửa hàng ăn nhanh.

Họ luyện cho con mình lao động từ sớm. Bởi chỉ có lao động mới hình thành và hoàn thiện được nhân cách của con người.

Tôi nghĩ phụ huynh nước ta nên học theo bài học này. Đừng để con cái biết được hũ tiền của nhà mình. Đừng khoán tiền cho con học nữa mà hãy nói để con hiểu rằng con đang học bằng chính mồ hôi, nước mắt của cha mẹ.

Nỗ lực nào cũng đáng ghi nhận

Sau mỗi mùa thi, những thủ khoa là con nhà nghèo luôn được nhắc đến, được tôn vinh như những điển hình “vượt khó học giỏi” song lại ít khi báo chí, truyền thông nhắc đến những tấm gương “vượt giàu học giỏi” ở thành phố. Theo bà, điều này có phải hơi bất công?

Việc báo chí nhắc đến các thủ khoa nông thôn là chuyện bình thường, vì các em là những tấm gương sáng. Chúng ta tôn vinh các em là vì nghị lực và ý chí vượt khó chứ không phải tôn vinh cái nghèo của các em. Học sinh ở nông thôn, nhiều nhà, ăn còn chẳng có nói chi đến đầu tư vật chất cho việc học. Tôi đã đi đến những tỉnh vùng sâu vùng xa nên tôi biết, nhiều em thông minh lắm nhưng gia đình không đủ điều kiện cho các em đi học đến nơi đến chốn. Vì thế, việc các em đỗ đại học thôi là đã đáng quý rồi. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, tùy theo hoàn cảnh nhưng các em học sinh nghèo đỗ đại học cũng đã xứng đáng là tấm gương để học sinh thành phố noi theo rồi.

Học sinh nhà giàu hãy nhận thức rằng: khi đã no đủ về cơm ăn áo mặc, được tạo mọi điều kiện học hành tử tế thì nghĩa vụ của các em là phải học giỏi. Tại sao báo chí không ca tụng các em học sinh thành phố đỗ thủ khoa? Vì đó là điều đương nhiên. Nếu đặt lên bàn cân so với các bạn học sinh nghèo ở nông thôn, thì đó là nghĩa vụ của các em học sinh thành phố. Nếu không học được thì hãy lấy điều đó làm xấu hổ.

 

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng con nhà giàu mà học giỏi còn khó hơn nhiều con nhà nghèo học giỏi?

Tôi không đồng tình quan điểm này. Khó ở đâu? Giống như hai người cùng đi trên một con đường. Anh nhà giàu được trang bị ba lô với đầy đủ thức ăn, nước uống. Còn anh nhà nghèo chỉ đi tay không. Xuất phát điểm, ai thuận lợi hơn ai thì đã rõ.

Còn nếu nói về cám dỗ thì tôi nghĩ nông thôn hay thành thị đều như nhau. Bây giờ ở nông thôn cũng có internet, cũng có game, cũng có lô đề, cờ bạc, hút chích, cũng đầy tệ nạn như chúng ta vẫn thấy hàng ngày trên mặt báo... và các em ở nông thôn cũng phải “chiến đấu” với cám dỗ không thua kém các em ở thành phố.

Nhưng khi ở nông thôn, ngay từ bé cha mẹ đã dạy con: phải học để thoát ly. Chính vì thế, các em luôn xem việc học là con đường một chiều và phải thi đỗ đại học bằng mọi giá để thoát nghèo. Đó là động lực mà học sinh thành phố không thể có được. Liệu có phải vì thế mà con đường của họ sẽ khó đi hơn?

Không ai thành công mà không nhờ có động lực. Học sinh thành phố đỗ thủ khoa không phải vì các em vừa ngồi chơi vừa học, mà các em cũng phải học tập thật sự thì mới mong thi đỗ, chứ chưa nói đến đỗ thủ khoa. Nếu như học sinh nghèo học để thoát ly, thì học sinh thành phố học để đạt học bổng đi du học, học để có cơ hội tôi luyện trong môi trường lớn hơn, hướng đến những mục tiêu cao hơn.


Biết là như vậy nhưng cám dỗ vật chất quá khắc nghiệt, nó tạo cho con người sức ỳ, thui chột ý chí phấn đấu và việc học sinh nhà giàu vượt qua nó để học giỏi cho thấy nỗ lực của họ, bản lĩnh của họ còn đáng khâm phục hơn rất nhiều?

Không thể nói vì tôi giàu nên tôi không có ý chí và đương nhiên là sẽ học dốt. Cũng như không thể nói vì một người nào đó không cụt tay nên họ sẽ không viết bằng chân được.

Bất cứ sự nỗ lực nào cũng đáng được ghi nhận. Không có con nhà giàu hay nhà nghèo, chỉ có con người với ý chí và nghị lực, thì chắc chắn sẽ thành công!

Thủ khoa chưa phải là tất cả!

Nhìn nhận kết quả sau mỗi mùa thi với những tấm gương vượt khó học giỏi, thì vai trò của người thầy, vai trò của những lò luyện thi, những trường chuyên lớp chọn... có thực sự cần thiết cho  phụ huynh và học sinh ở thành phố?

Tôi nghĩ cái gì có cầu thì sẽ có cung. Ngay cả rất nhiều sinh viên của tôi ngoài giờ học vẫn nhận gia sư thêm cho học sinh ôn thi đại học. Đó là một điều tốt. Vấn đề mà phụ huynh và học sinh cần xác định là mục tiêu mình đang hướng. Đỗ đại học? Đỗ thủ khoa? Hay học để săn học bổng du học?... Mỗi mục tiêu lại có một hướng giải quyết khác nhau.

Nghĩa là muốn thủ khoa thì chỉ nên đầu tư, tập trung học 3 môn thi đại học?

Tôi chưa bao giờ tán thành phương án học lệch 3 môn. Bởi một đứa trẻ lớn lên và ra ngoài đời không chỉ với 3 môn đó. Tôi ủng hộ các phụ huynh ở nông thôn hay thành phố nếu có điều kiện hãy cho con em học đều tất cả các môn, đặc biệt là ngoại ngữ.

Ở thành phố có nhiều mô hình giáo dục tốt, giúp trẻ em phát triển toàn diện. Ngay từ nhỏ, ngoài học văn hóa ở trường, các em còn được học đàn, học hát, học múa, thậm chí tham gia các câu lạc bộ làm báo, làm thơ nhí. Khi tham gia những hoạt động này, các em sẽ được rèn luyện bản lĩnh, sự tự tin, tính tập thể rất cao. Chính những ngày tháng này cũng góp phần quan trọng định hướng cuộc đời, đam mê, sở trường cho các em sau này. 


Như thế có nghĩa học sinh nghèo ở nông thôn dẫu có học giỏi hay thủ khoa cũng vẫn “lép vế” so với học sinh thành phố?

Chắc chắn về kỹ năng sống sẽ “lép vế” hơn. Từ nông thôn rơi vào môi trường thành thị rất dễ bị “ngợp”, nếu không có bản lĩnh vượt qua cám dỗ thì những tài năng cũng sẽ phôi phai đi. Điều đó giải thích tại sao nhiều thủ khoa sau khi vào trường đại học thì dần rơi rớt, học kém hẳn. Đây không phải vấn đề vì nghèo, bởi khi đã vào trường bao giờ chúng tôi cũng cố gắng tạo điều kiện cho những thủ khoa, có thể cấp học bổng ngay hoặc trong quá trình học miễn giảm học phí, thậm chí nhà trường đảm bảo để các ngân hàng cho vay...

Là một giảng viên đại học, cũng là một người từng bước qua những năm tháng tuổi trẻ đầy trải nghiệm, bà có điều gì dặn dò các tân sinh viên trong mùa thi năm nay, đặc biệt là các bạn thủ khoa?

Chúng ta không chọn được nơi mình sinh ra. Cho nên những em học sinh được nuôi dưỡng trong môi trường tốt hơn thì nên biết trân trọng và cố gắng phát huy những tiềm năng, nội lực của mình. Còn những em lớn lên từ nông thôn cũng đừng tự ti, môi trường thành thị nhiều cám dỗ nhưng cũng chính là nơi tốt nhất để các em có thể trau dồi học tập và bồi đắp, hoàn thiện hơn những kỹ năng sống của mình.

Riêng các bạn thủ khoa, tôi muốn gửi lời chúc mừng và khen tặng các em. Các em đã làm được một bước đầu tuyệt vời. Nhưng hãy nhớ, thủ khoa chưa phải là tất cả. Con đường phía trước của các em vẫn còn dài lắm, cuộc hành trình còn rất khốc liệt với nhiều thử thách để vượt qua. Các em sẽ phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn hôm nay và đừng để đánh mất chính mình!

Xin cám ơn tiến sĩ!

Thanh Hương thực hiện



Bình luận
vtcnews.vn