Mạng xã hội - Vị cứu tinh trong khủng hoảng tại Nhật

Tổng hợpThứ Tư, 23/03/2011 04:53:00 +07:00

Internet, hay nói chính xác hơn là mạng xã hội đã chứng minh được vai trò to lớn trong việc kết nối cộng đồng và huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là...

Chiều 11/3, trận động đất 8.9 độ richte kéo theo sóng thần 23m đổ bộ lên khu vực Tây Nam Nhật Bản, san phẳng cả một vùng dân cư rộng lớn, hơn 18.000 người thiệt mạng, hàng ngàn người khác mất tích, giao thông ngừng trệ, hệ thống điện bị phá hủy, mạng điện thoại tắc nghẽn, triệu triệu ánh mắt nhớn nhác kiếm tìm nhau… Chỉ riêng một thứ còn sót lại – Internet; và nhờ nó, người ta đã tìm lại được sức mạnh tinh thần để vượt qua thảm cảnh.

Internet, hay nói chính xác hơn là mạng xã hội đã chứng minh được vai trò to lớn trong việc kết nối cộng đồng và huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là trong những cơn khủng hoảng, nguy nan. Một cách điển hình, trong trận động đất-sóng thần vừa qua tại Nhật Bản,việc truy cập mạng xã hội đã trở thành một xu hướng, một phản xạ đầu tiên và rộng khắp của người dân Nhật Bản, cũng như của các quốc gia khác trên thế giới.

 

Truy cập mạng xã hội – Phản ứng tự nhiên trong lúc nguy cấp

Một khoảng thời gian ngắn trước khi trận động đất xảy ra trên diện rộng, Ủy ban Khảo sát Địa lý của Mỹ đã phát hiện số lượng người truy cập Twitter từ Nhật Bản tăng lên một cách bất thường như thể có một căn bệnh truyền nhiễm kỳ lạ. Hai mươi phút sau, lệnh cảnh báo động đất từ các nhà khoa học mới được chính thức phát đi. Bảy mươi lăm phút sau cơn thịnh nộ của tự nhiên, những tưởng các tài khoản từ Nhật Bản trên Twitter sẽ không còn đăng nhập trở lại, ấy thế mà điều bất ngờ nhất đã xảy ra – tin tức chia sẻ được đẩy lên mạng từ Tokyo đã đạt tới tốc độ kỷ lục 1.200 tweet/phút, 15% tổng số người truy cập Twitter là từ Nhật Bản hoặc vì những vấn đề liên quan tới Nhật Bản, gấp 300 lần so với ngày thường và 1,5 lần so với trận động đất ở Haiti tháng 1 năm 2010.

Và điều này cho thấy những gì?

Người dân Nhật đã thông báo cho nhau qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội ngay khi họ thấy điều gì bất thường hoặc cảm nhận được những rung động nhỏ nhất từ các đồ vật xung quanh. Vì thế, chắc chắn rằng nhiều người dân Nhật đã biết về trận động đất trước cả khi lệnh cảnh báo từ các nhà khoa học được chính thức phát ra.

 

Tuy nhiên, điều đáng nói là kể cả khi sắp có thảm họa lớn xảy ra, phản ứng đầu tiên của họ không phải là tìm một chỗ đất an toàn hơn hay thu lượm của cải mà lại là chạy đến chiếc điện thoại hay laptop để thông báo cho nhau. Cũng như ngay sau tai biến ấy, họ lại nhanh chóng tìm đến những phương tiện này để xác minh sự an toàn của người khác cũng như để thông báo về sự an toàn của mình. Internet, cụ thể hơn là mạng xã hội, phải chăng đã có mặt trong ADN của con người từ lâu, khiến việc sử dụng các công cụ này trở thành một phản ứng tự nhiên trong nguy khó hay chính chúng ta đã cung cấp cho công dân toàn cầu một công cụ quyền năng nhằm biểu đạt nhu cầu rất đỗi con người – đó là thông báo cho đồng loại về những hiểm nguy?

Mạng xã hội – Công cụ quyền năng

Ngay khi mặt đất còn đang rung chuyển, rất nhiều người dân Nhật Bản vẫn còn đủ bình tĩnh để quay phim và đẩy lên các trang mạng xã hội nhằm chia sẻ cho cả thế giới. Chỉ trong vòng vài tiếng kể từ khi cơn địa chấn khủng khiếp ấy bắt đầu hoành hành, hơn 9.000 video liên quan đến động đất và hơn 7.000 video liên quan tới sóng thần tại đây đã được đẩy lên Youtube. Nhiều video trong số đó còn quay được cả những cảnh rung lắc ban đầu cho đến cảnh tàn phá tan hoang.

 

Ngay cả những hãng truyền hình, những tờ báo danh tiếng nhất như CNN hay BBC đều khai thác lại những thước phim, những bức ảnh và thông tin chia sẻ của người dân trên mạng lưới này. Chính phủ các nước cũng ưu tiên hàng đầu việc sử dụng mạng xã hội để thông tin đến người dân. Đơn cử như Cục đo lường của Nhật Bản, Bộ Quốc phòng của Mỹ… đã cập nhật tin tức về thiên nhiên, môi trường cũng như các biện pháp cứu trợ lên Facebook, Twitter, MySpace, Mixi… bên cạnh websites riêng của họ. (Tại Nhật, trong số 100 triệu người sử dụng Internet thì Facebook có 2 triệu thành viên, Twitter có 10 triệu, còn Mixi là mạng xã hội lớn nhất tại đây với số thành viên vượt mức 20 triệu người.) Như vậy, có thể nói rằng mạng xã hội đã trở thành phương tiện truyền thông nhanh nhất, xác thực nhất đối với tất cả những người quan tâm trên thế giới.

Ngoài khả năng đưa tin thần tốc, mạng xã hội còn đóng một vai trò vô cùng to lớn trong việc tạo nên sức mạnh cả về tinh thần và vật chất thông qua việc kết nối những người mất tích và kết nối các tổ chức nhân đạo.

 

Chỉ 1 tiếng ngay sau khi thảm họa xảy ra, Google đã mở lại trang Person Finder (trang web Tìm kiếm người thân từng được sử dụng trong trận động đất Christchurch tại New Zealand), cho phép người sử dụng đăng tin nơi ở, tình trạng, và liên lạc của mình cũng như tìm kiếm người thân bị mất tích. 158.700 người đã đăng tin trên trang web trong buổi chiều hôm ấy. Không những thế, người dân Nhật còn có thể tìm các chỉ dẫn về giao thông và nơi trú ẩn thông qua công cụ bản đồ vệ tinh Google Map. Đối với người dân Nhật Bản và cả với những người có thân nhân trong vùng ảnh hưởng, điều tồi tệ nhất có lẽ là bị chia cắt về địa lý và bị mù thông tin. Cảm giác mong ngóng người thân trong vô vọng hẳn sẽ khiến người ta héo mòn nhanh hơn cả sự khốn khó về mặt vật chất.

Không chỉ đem lại sức mạnh tinh thần to lớn cho những người đang trong khủng hoảng, mạng xã hội còn là phương tiện huy động các nguồn cứu trợ nhanh nhất, nhiều nhất, và có tổ chức nhất. Nếu như truyền hình và báo chí chỉ có thể kêu gọi từ thiện một cách cục bộ thì mạng xã hội kết nối tất cả những cá nhân và các tổ chức từ thiện trên khắp thế giới lại với nhau một cách dễ dàng và đồng thời chỉ bằng một dãy số hay một dòng code. Các cá nhân có thể đóng góp 10 USD tức thì chỉ bằng 1 cái click, trong khi các tổ chức từ thiện có thể tương tác với nhau ngay trên các trang mạng này nhằm tổ chức các công tác cứu trợ một cách hiệu quả nhất. (Năm 2009, Twitter đã phối hợp với một nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và huy động được 21 triệu USD trong vòng một tháng thông qua các khoản ủng hộ 10 USD.)

 

Dù đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội được người dân trên toàn cầu lựa chọn làm công cụ thông tin liên lạc trong thảm hoạ; tuy nhiên, qua trận động đất-sóng thần vừa qua tại Nhật, người ta lại càng ý thức rõ hơn về sức ảnh hưởng ngày một to lớn của mạng xã hội đối với người dân trên toàn thế giới. Nó không còn là một công cụ tách rời với cuộc sống mà đã đại diện cho nhu cầu của con người và đi vào tiềm thức, trở thành phản ứng tự nhiên của con người trong những hoàn cảnh nguy khó.

Hồng Đào

Bình luận
vtcnews.vn