Số hóa Truyền hình ở Việt nam

Tổng hợpThứ Tư, 23/03/2011 01:52:00 +07:00

"Truyền hình Số mặt đất mang lại những lợi ích gì?Hiệu quả kinh tế - xã hội của nó ra sao? Nếu việc triển khai truyền hình số mặt đất ở Việt Nam chậm...

Số hóa Truyền hình ở Việt nam: Đẩy nền công nghiệp nội dung truyền hình lên cao

"Truyền hình Số mặt đất mang lại những lợi ích gì?Hiệu quả kinh tế - xã hội của nó ra sao? Nếu việc triển khai truyền hình số mặt đất ở Việt Nam chậm so với lộ trình sẽ mang lại hậu quả như thế nào?" … đều là những vấn đề đang được đông đảo dư luận quan tâm. Phóng viên Tạp chí truyền hình Số đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Khương – Phó tổng giám đốc Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC về vấn đề này.

ông có thể cho biết hiện nay truyền hình kỹ thuật số mặt đất đã được ứng dụng và triển khai như thế nào trên thế giới?

Truyền hình số mặt đất đã được triển khai trên thế giới từ những năm 1998-1999. Ở châu Á, một số quốc gia đã thử nghiệm truyền hình số mặt đất vào cùng thời điểm, trong đó có Việt Nam.

 

Hiện nay truyền hình số mặt đất đã được triển khai ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia đã chấm dứt phát truyền hình mặt đất tương tự như Mỹ và đa số các quốc gia thuộc châu Âu…Và năm 2011 này sẽ chứng kiến một loạt quốc gia khác sẽ chấm dứt phát sóng Analog như Pháp, Nhật, Israel, Nam Phi…

Xin ông cho biết những lợi ích nổi bật của truyền hình kỹ thuật số mặt đất so với truyền hình analog?

Không chỉ riêng truyền hình mà nhiều lĩnh vực truyền thông khác đều cần phải được số hóa. Số hóa mang lại lợi ích to lớn cho cả nhà cung cấp dịch vụ (Đài truyền hình) lẫn khách hàng (người xem truyền hình). Đối với Đài truyền hình, việc sử dụng công nghệ phát sóng số sẽ mang lại hiệu quả về đầu tư ban đầu, chi phí vận hành khai thác do một máy phát số mặt đất có thể phát sóng đồng thời nhiều chương trình truyền hình. Chất lượng hình ảnh và âm thanh trung thực: khả năng khử nhiễu đường truyền, bóng ma,… Có khả năng phát sóng các chương trình truyền hình đa ngôn ngữ, âm thanh nổi và lập thể, phụ đề đa ngôn ngữ và các dữ liệu phụ trợ khác hoặc phát các kênh phát thanh số kèm theo kênh truyền hình. Đối với người xem truyền hình, ngoài việc được thưởng thức nhiều kênh truyền hình hơn với chất lượng hình ảnh âm thanh đồng đều và trung thực do không phải thu từ nhiều đài phát sóng khác nhau, còn được sử dụng những tiện ích hấp dẫn như truyền hình đa ngôn ngữ, đa phụ đề, các dịch vụ tương tác, dịch vụ thông tin, dữ liệu, trò chơi…, thậm chí có thể thu trên phương tiện di chuyển như xe ô tô, tàu hỏa suốt hành trình mà không bị gián đoạn. Đối với quốc gia, đặc biệt như ở VN với hàng trăm kênh truyền hình từ cấp trung ương tới địa phương thì việc phân bổ, sắp xếp tần số là rất khó khăn, tuy nhiên với truyền hình số ngoài việc giảm số lượng kênh tần số do một máy phát số có thể phát được tới 14-15 kênh truyền hình thì việc sử dụng các kỹ thuật đơn tần (cùng 1 tần số trong toàn mạng) hoặc kênh liền kề sẽ góp phần tiết kiệm quỹ tài nguyên tần số vô cùng khan hiếm này cho quốc gia, điều mà truyền hình Analog không thể giải quyết được.

Ông đánh giá như thế nào về những kết quả của việc triển khai truyền hình kỹ thuật số mặt đất ở Việt Nam? Thực trạng truyền hình kỹ thuật số mặt đất ở nước ta đã đạt được đến mức độ nào?

Ở Việt Nam, năm 1998-1999, VTC đã tiến hành nghiên cứu và phát sóng thử nghiệm truyền hình số mặt đất tại Hà Nội và các khu vực lân cận. Việc VTC phát sóng thử nghiệm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bắt đầu một thời kỳ mới trong lĩnh vực công nghệ sóng truyền hình mặt đất tại VN. Điểm đặc biệt mà VTC làm là cách triển khai phát sóng số từ việc chuyển đổi từ một máy phát hình tương tự chứ không phải là mua sắm một máy phát số, đồng thời VTC cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công các kỹ thuật đặc biệt như sử dụng hai kênh sóng liền kề, phát hai kênh sóng trên cùng một máy phát, ghép một máy phát số với một máy phát analog liền kề để dùng chung hệ thống cáp, anten…. Các giải pháp này đã đước áp dụng ngay sau này khi VTC mở rộng mạng phát sóng.

 

Năm 2003 Đài TH Bình Dương và VTC phối hợp triển khai hệ thống phát sóng truyền hình số tại đài TH Bình Dương, mở ra một thời kỳ mới: số hóa phát sóng đến đài truyền hình cấp tỉnh.

Hiện nay VTC đã triển khai mạng truyền hình số rộng khắp cả nước và đang trên giai đoạn mở rộng về các huyện, khu vực vùng núi vùng sâu xa, biên giới hải đảo nhằm nhanh chóng đưa truyền hình số mặt đất đến mọi người dân cả nước. Cùng với VTC và đài TH Bình Dương, đài TH TP.HCM cũng đã triển khai một máy phát số để phát sóng trong khu vực TP.HCM. Đến nay, mạng truyền hình số mặt đất của VTC được đánh giá có quy mô lớn trên thế giới và lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù quy mô triển khai còn chưa rộng rãi như truyền hình Analog nhưng có thể nhận thấy người xem rất hào hứng với công nghệ mới này, chỉ với chi phí rất thấp, người xem đã được thưởng thức tới gần ba mươi kênh truyền hình với chất lượng tốt, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thiên tai địa lý… như mưa bão, đứt cáp… mà các loại hình truyền hình khác đang gặp phải.

Nếu không triển khai truyền hình số mặt đất, chúng ta sẽ phải đối đầu với những khó khăn gì trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành truyền hình?

Có thể nói là truyền hình số nói chung và truyền hình số mặt đất nói riêng đã thể hiện sức mạnh và hiệu quả của nó. Việc chậm triển khai truyền hình số mặt đất ở Việt Nam sẽ gây nhiều hạn chế.

Ngoài những lợi ích sát thực của nhà Đài, của người dân như đã nói trên, việc không triển khai nhanh truyền hình số mặt đất sẽ không giải phóng được một nguồn tài nguyên quốc gia quý giá đó là tần số. Bài học kinh nghiệm của nước Mỹ cho thấy chi phí bỏ ra của quốc gia để hoàn chỉnh việc số hóa truyền hình nhỏ hơn nhiều lần khi họ thu lại dải tần số đã được giải phóng để triển khai các dịch vụ viễn thông băng rộng không dây.

Về phát triển nội dung truyền hình, việc phát triển hạ tầng số cũng là một nguyên nhân đẩy nền công nghiệp nội dung truyền hình lên một mức cao hơn, trước đây khi sử dụng hạ tầng analog, việc phát nhiều kênh truyền hình là rất khó khăn, tuy nhiên việc ra đời của hạ tầng số sẽ tạo điều kiện cho nhiều kênh truyền hình mới ra đời, dẫn đến một cuộc cạnh tranh giữa những kênh truyền hình về chất lượng và nội dung, và người được hưởng lợi trực tiếp chính là người xem truyền hình.

Về vấn đề công nghệ, việc chậm phát triển hạ tầng số sẽ ngăn cản việc triển khai các dịch vụ mới như truyền hình tương tác, dịch vụ gia tăng, truyền hình độ nét cao, truyền hình 3 chiều… Những công nghệ này với truyền hình analog là không thể hoặc rất khó để triển khai được.

Theo lộ trình của chính phủ Việt Nam, đến năm 2020 sẽ chuyển đổi hoàn toàn từ Truyền hình Analog sang Truyền hình số? Ông đánh giá như thế nào về tính hiện thực của lộ trình này?

Từ những thành công trên thực tế của truyền hình số nói chung và truyền hình số mặt đất nói riêng, ngày 16/2/2009, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 22/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình đến năm 2020 trong đó nêu rõ "năm 2020 về cơ bản chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự". Và ngày 19/7/2010 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định số 49/2010/QĐ-TTg phê duyệt truyền hình số mặt đất là một trong 46 công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển và các sản phẩm liên quan đến truyền hình số mặt đất thuộc 76 sản phẩm thuộc danh mục công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Với hai quyết đinh này, tôi nghĩ việc triển khai số hóa phát sóng truyền hình và lộ trình chấm dứt phát sóng truyền hình analog đã có những điều kiện thuận lợi: sự chỉ đạo của nhà nước và sự đồng tình của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng của người dân đối với công nghệ mới này.

Xin cảm ơn ông!

K.T

Bình luận
vtcnews.vn