Tập tục ăn thịt người ở châu Âu

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 18/10/2011 02:49:00 +07:00

Thuở xa xưa, tại vùng đất bây giờ là châu Âu, từng tồn tại một tập tục đáng sợ: người ăn thịt người.

Thuở xa xưa, tại vùng đất bây giờ là châu Âu, từng tồn tại một tập tục đáng sợ: người ăn thịt người. Ngày nay, ở Tây Ban Nha, Pháp, Đức... các nhà khảo cổ thường xuyên tìm thấy những mảnh xương người bị gặm hoặc bị chặt, đập bằng các công cụ đồ đá. Vì sao có hiện tượng này?

Trẻ em và phụ nữ là những món ngon?

Những mẩu xương người bị gặm lại được tìm thấy ở châu Âu, lần này là ở Tây Ban Nha. Một nhóm nhà khảo cổ do giáo sư Jose Castro từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về lịch sử tiến hóa nhân loại Tây Ban Nha đứng đầu đã tìm thấy những bằng chứng thuyết phục về tập tục ăn thịt người trong một hang động ở phía bắc nước này.
Tranh mô tả cảnh ăn thịt người thời xưa ở châu Âu. 

Các hiện vật có niên đại khoảng 800.000 năm, thuộc những người đầu tiên định cư trên lục địa này. Trên những mảnh xương này có nhiều dấu vết chặt, chém (có thể bằng rìu đá) và vết gặm bằng răng người. Có thể đoán chắc rằng những người này không phải là nạn nhân của thú dữ, mà bị người khác ăn thịt.

Trong hang động có tên gọi Gran Dolina, các nhà khảo cổ đã tìm thấy xương 11 của đứa trẻ từ 6 đến 16 tuổi, với những dấu hiệu đặc trưng cho thấy chúng bị ăn thịt. Chúng nằm lẫn với xương của một số loài động vật - hươu và dê hoang. Theo các nhà khoa học, điều đó cho thấy người châu Âu thời tiền sử đã không phân biệt nguồn thức ăn - thịt nào cũng là thịt; thịt đồng loại thì cũng thế thôi! Có một điểm đáng chú ý là sau khi gặm xương, họ ném chúng vào một góc hang. Trong góc hang còn có rất nhiều hộp sọ người, có thể đã bị đập vỡ trước khi bị ném vào đó. Theo phán đoán của giáo sư Castro, rất có thể những kẻ ăn thịt người đã đập vỡ hộp sọ để ăn não. Như vậy, người nguyên thủy, theo bản năng đã biết não là một món ăn bổ dưỡng nhất, vì thế, trước khi ăn thịt đồng loại, họ dùng rìu đá tách đầu ra khỏi thân rồi đập vỡ hộp sọ để ăn não. Các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều dấu vết của hành vi này.

Do đói hay do thù nghịch?

Theo các nhà khảo cổ Pháp, những thói quen của người châu Âu cổ xưa đã không thay đổi suốt gần một triệu năm. Năm ngoái, ở gần làng Herksheym phía Tây Nam nước Đức, họ đã phát hiện được hơn 500 bộ xương người mới bị gặm cách đây khoảng 7.000 năm. Người xưa rất thích ăn thịt phụ nữ và trẻ em.

Thói quen không thay đổi, nhưng “kỹ thuật chế biến” thì có nhiều thay đổi. Từ buổi ban đầu ăn thịt sống, dần dà về sau, người ta bắt đầu biết nướng. Có nhiều dấu vết đặc trưng cho thấy: nhiều thi thể bị nướng nguyên vẹn.
 

Khai quật tại hang động Gran Dolina. 

Những cuộc khai quật tại Đức được tiến hành suốt 5 năm nay. Các nhà khoa học tin rằng 500 chỉ là con số rất nhỏ so với số người bị ăn thịt trên thực tế qua bao thế kỷ nay. Tập tục ăn thịt đồng loại ở châu Âu từng phát triển mạnh mẽ và không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Nếu thêm vào kết quả khai quật của giáo sư Castro, bức tranh thời tiền sử thật là đáng sợ: con người sống chỉ để ăn thịt lẫn nhau!

Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng những dấu vết trên xương có thể không liên quan đến thói quen hay tập tục ăn thịt người. Biết đâu người xưa chỉ lóc thịt ra khỏi xương theo một nghi lễ nhất định nào đó trước khi chôn cất. Nhưng lập luận này cũng rất khó tin. Trong các cuộc tranh luận khoa học về vấn đề này, phần lớn ý kiến đều nghiêng về hướng cho rằng người châu Âu cổ xưa là những kẻ ăn thịt người. Giáo sư Castro cũng nghĩ như vậy sau khi chứng kiến đống xương người và xương động vật nằm lẫn lộn trong hang động Gran Dolina. Theo ông, ở đây chẳng có dấu hiệu nào chứng tỏ đó là nghi lễ, chỉ có một sự thực là người ăn thịt người. Có thể do đói!

Để “bảo vệ thanh danh” cho tổ tiên xa xưa của mình, người đứng đầu cuộc khai quật tại Đức, tiến sĩ Bruno Boulestin tại Đại học Bordeaux của Pháp, đưa ra giả thuyết rằng người châu Âu cổ xưa ăn thịt người không phải do họ dã man, tàn ác mà chỉ đơn giản là do đói. Nhưng những người hoài nghi không đồng ý, vì cho rằng chẳng có lý gì nạn đói lại kéo dài thê thảm đến thế ở châu Âu. Bằng chứng là các hiện vật xương người bị gặm được tìm thấy có niên đại kéo dài suốt nhiều thế kỷ, thiên niên kỷ. Những bằng chứng đầu tiên về hiện tượng người ăn thịt người được tìm thấy vào năm 1980 tại một trong những hang động ở Pháp. Các nạn nhân sống cách đây 6.000 năm. Nghĩa là, họ bị ăn thịt sau các nạn nhân ở Đức cả nghìn năm.

Giáo sư Castro cũng không đồng ý. Theo các dữ liệu của ông, gần các hang động mà người châu Âu cổ xưa từng tổ chức những bữa tiệc thịt người, 800.000 năm trước đây có rất nhiều động vật hoang dã - cả lúc đó và cả về sau - như vậy chẳng có lý do gì để người ta đói đến mức phải ăn thịt lẫn nhau. Nhưng ông cũng đưa ra giả thuyết rằng người xưa đã ăn thịt những tù binh bắt được trong cuộc chiến với các bộ lạc khác, hoặc ăn xác kẻ thù cho khỏi “phí của giời”. Cũng có thể họ săn lùng những “con mồi” ở hậu phương quân địch - phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bắt nhất. Có lẽ thời ấy, việc ăn thịt kẻ thù hoặc vợ con kẻ thù được coi là hành động đúng đắn, nên lương tâm không hề bị cắn rứt.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra: việc ăn thịt người trở thành điều cấm kỵ từ bao giờ và như thế nào? Từ bao giờ những người bình thường bắt đầu cảm thấy ghê rợn đối với món thịt người? Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Những phương thuốc... thịt người

Ngay cả Paracelsus, một trong những thầy thuốc nổi tiếng nhất thời trung cổ, cũng thường khuyên chữa bệnh bằng... thịt người. Cho đến cuối thế kỷ 18, các thầy thuốc châu Âu vẫn thường sử dụng thịt người và các chế phẩm từ xác chết để làm thuốc chữa bệnh.

Sau đây là một trong những công thức bào chế thuốc của dược sư người Đức Johann Schroeder ở thế kỷ 17: “Thịt người nên cắt thành miếng nhỏ, thêm một chút nhựa thơm và lô hội, ngâm vài ngày trong rượu vang, sau đó vớt ra, hong phơi ở nơi khô ráo”. Hiện chưa rõ thuốc này dùng chữa bệnh gì.
 

Hiện vật thu được tại hang động Gran Dolina. 

Chuyên gia về lịch sử y học Richard Sugg tại Đại học Durham (Anh) cho biết, trong các thế kỷ từ 16-18, những loại “thuốc” có thành phần thịt người được các thầy thuốc châu Âu sử dụng thường xuyên như các loại thảo mộc, rễ và vỏ cây. Các bộ phận của xác chết và máu là những yếu tố cần thiết trong mỗi hiệu thuốc.

Sử dụng thuốc làm từ thịt hoặc máu người có một lịch sử khá lâu dài. Người La Mã cổ đại sử dụng máu của các đấu sĩ như một phương thuốc chữa bệnh động kinh. Thời Phục hưng, người tàn tật rất tích cực sử dụng bột của các xác ướp Ai Cập. Bột xác ướp tán nhuyễn được coi là “tiên đơn linh dược”, chữa bách bệnh. Cụ thể, bột hộp sọ xác ướp có tác dụng cầm máu rất nhanh (điều này đã được minh xác). Mỡ khô của xác ướp được dùng chữa viêm khớp, thấp khớp (chưa có bằng chứng lâm sàng). Còn có quan niệm cho rằng nếu ăn được thịt của người chết trẻ do bị tai nạn hoặc thương tích thì có thể hưởng nốt phần đời còn lại mà họ chưa kịp hưởng.

Ba thế kỷ trước đây, ở châu Âu, xương thịt tử tội và xác chết của người nghèo, thậm chí người phung, thường được dùng để làm thuốc. Người ủng hộ tích cực nhất biện pháp điều trị này chính là thầy thuốc Paracelsus nổi tiếng.

Ngày nay, tại một số nơi ở Tây Tạng, người ta vẫn thường uống trà với sữa, thêm vào tách một chút mỡ của người thân đã chết, nhưng không phải để trị bệnh mà chỉ là dấu hiệu của sự tôn trọng, tưởng nhớ. Năm 1492, khi Đức Giáo hoàng Innocent VIII bị bệnh và sắp chết, các thầy thuốc của ông đã trích máu của ba chàng trai trai khỏe mạnh và cho ông uống. Kết quả, ba chàng trai chết vì mất máu. Giáo hoàng cũng chết. Theo nhận định của các nhà khoa học thì đó là cũng là một hình thức ăn thịt đồng loại.

Ở châu Âu, các loại thuốc từ thịt người đã bị các thầy thuốc loại bỏ từ cuối thế kỷ 18. Nhưng một trong những toa thuốc của nhà truyền giáo người Anh John Keof (qua đời năm 1754) vẫn còn được lưu giữ trong văn khố quốc gia: “Người bị chứng hoa mắt chóng mặt nên ăn tim người, mỗi lần một miếng nhỏ vào buổi sáng, lúc bụng đói”. Thật là một toa thuốc khủng khiếp!

Theo Thế giới mới

Bình luận
vtcnews.vn