Tập đoàn TKV không bỏ tiền cho đường vận chuyển bauxite

Thời sựThứ Bảy, 17/12/2011 04:57:00 +07:00

(VTC News) - “Dự án khôi phục sửa chữa Quốc lộ 20 và cải tạo Tỉnh lộ 725 (Lâm Đồng) đã được Chính phủ đồng ý sử dụng vốn ngân sách", Thứ trưởng Viên cho biết.

(VTC News) - “Dự án khôi phục sửa chữa Quốc lộ 20 và cải tạo Tỉnh lộ 725 (Lâm Đồng) đã được Chính phủ đồng ý sử dụng vốn ngân sách, vì đây là công trình hạ tầng giao thông không chỉ đặc biệt quan trọng phục vụ vận chuyển sản phẩm cho tổ hợp bauxite Nhân Cơ mà còn phục vụ giao thông khu vực”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Tấn Viên cho biết như vậy vào chiều 16/12.

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Dự án khôi phục và cải tạo Quốc lộ 20 (QL20) nối tỉnh Đồng Nai - Lâm Đồng sẽ được thực hiện theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – chuyển giao (BT) bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tuy nhiên để cân đối nguồn vốn từ ngân sách, dự án này sẽ được tách thành hai dự án thành phần.

Dự kiến Dự án thành phần I sẽ được khởi công vào ngày 23/12 tới đây, với tổng mức đầu tư hơn 4.466 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2011 đến năm 2014; Dự án thành phần II có tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư khi nào có đủ điều kiện.

QL20 đã xuống cấp nghiêm trọng, đây là con đường huyết mạch vận chuyển bauxite, theo lộ trình từ Nhà máy alumin Tân Rai đến Bảo Lộc (Lâm Đồng) rồi theo QL20 về ngã ba Dầu Giây, tiếp đó đi theo tỉnh lộ 769 và quốc lộ 51 xuống cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Ảnh: TTO.

Gần đây, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới sự xuống cấp của QL20, đặc biệt là vấn đề vận chuyển bauxite trên tuyến đường này khi chưa có cảng Kê Gà (Bình Thuận).

Trước đó, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam từng đề đạt Tập đoàn Thanh Khoáng sản Việt Nam (TKV) góp vốn cho dự án, vì đây là tuyến đường huyết mạch phục vụ chủ yếu việc vận chuyển sản phẩm cho nhà máy bauxite Nhân Cơ. Nhưng nay công trình lại sử dụng vốn ngân sách.

Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Trưởng Tấn Viên nói: “Tuyến vận chuyển bauxite với đường chuyên dùng thì TKV phải làm, còn QL20 đang sử dụng phục vụ giao thông chung, nên nâng cấp không chỉ vận chuyển bauxite còn phục vụ nhu cầu dân sinh”.

“Tuyến QL20 cần nâng cấp từ lâu rồi nhưng nguồn vốn ngân sách chưa cân đối được, đến nay Thủ tướng đã quyết định dùng ngân sách nâng cấp như quốc lộ bình thường. TKV chỉ bố trí vốn giúp hai tỉnh bảo trì hai tuyến đường tỉnh. Giải quyết vấn đề trên cơ sở tổng thể. QL20 dùng ngân sách vì lý do như thế”, Thứ trưởng Viên giải thích thêm.

Cũng theo Thứ trưởng Viên, trong bối cảnh đầu tư QL20 và đường tỉnh thì bình thường Nhà nước đầu tư, nếu có bauxite mà yêu cầu TKV đầu tư hết thì giá thành bauxite không chịu nổi và giảm hiệu quả dự án khai thác bauxite, nên việc đầu tư từ ngân sách đảm bảo cả lợi ích dự án khai thác bauxite và cả kinh tế xã hội các địa phương liên quan.

Nói về năng lực vận tải của tuyến đường sau khi cải tảo, sửa chữa, Thứ trưởng Viên khẳng định, Dự án cũ được lập tính độ cứng mặt đường và đã nâng lên độ cứng cao hơn. Khi một công trình đã nâng cấp và thiết kế theo tiêu chuẩn như 1600kg/cm2 thì xe nào cũng đi được.

“Nếu xe đươc sản xuất từ nhà máy được cấp phép và không chở quá tải trọng xe thì tuyến đường này sẽ đảm bảo xe đi lại bình thường. Vì nhà sản xuất bao giờ cũng thiết kế xe có tải trọng phù hợp với tải trọng cầu đường. Có cái khó là cầu yếu chưa được nâng cấp, vừa rồi đã có hướng dẫn cắm biển cầu đường mới”, Thứ trưởng Viên cho biết thêm.

Tuyến QL20 hiện nay là tuyến huyết mạch nối TP.HCM với TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), qua hơn 30 năm khai thác nay tuyến đường bị hư hỏng nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực.

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn hiện nay nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp, chưa thể bố trí ngay để triển khai đầu tư thực hiện dự án nên phải huy động nguồn vốn theo hình thức BT để đầu tư Dự án thành phần I, với tổng chiều dài 123km, từ ngã ba Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) tới nút giao Tỉnh lộ 725 (Thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng).

Đây là một trong các đoạn tuyến đường bộphục vụ vận chuyển phát triển ngành công nghiệp nhôm của tổ hợp bauxite Nhân Cơ, trong giai đoạn chưa xây dựng xong cảng Kê Gà (Bình Thuận).

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn