'Tao với mày cùng chết' - Bí quyết tự chữa ung thư lạ lùng của một giáo viên

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 21/05/2015 06:26:00 +07:00

Ông chữa bằng việc ăn uống cực kỳ kham khổ, kết hợp với rèn luyện, mục đích là không cung cấp đủ chất cho các tế bào ung thư trong cơ thể, thậm chí nhiều lúc ô

(VTC News) – Ông chữa ung thư bằng việc ăn uống cực kỳ kham khổ, mục đích là không cung cấp đủ chất cho các tế bào ung thư.

Kỳ 5: Bí quyết sinh tồn của bệnh nhân ung thư phổi chờ chết

“Có nhiều người khi biết mình mắc bệnh ung thư thường tỏ ra bi quan hoặc chạy khắp nơi tìm thầy tìm thuốc, rất tốn kém. Tôi nghĩ họ có thể tự điều trị, kéo dài sự sống bằng phương pháp thực dưỡng thay vì ôm phiền muộn chờ chết”, đó là những lời tâm sự của ông Vũ Văn Đãng (Khu 8, thị trấn Thanh Thủy, Phú Thọ), khi biết chúng tôi đang thực hiện loạt phóng sự về những bệnh nhân ung thư đã bị bệnh viện trả về nhưng vẫn thoát án tử.

Ông chia sẻ, thời điểm 10 năm trước, khi điều trị ung thư phổi, ông sa sút tinh thần thảm hại. Các bệnh nhân cùng phòng rủ nhau “về thế giới bên kia” sạch sẽ. Có người trụ được 1 tháng, người 2,3 tháng, không ai trụ nổi quá 1 năm.

Cứ vài hôm lại nghe tin “bạn cùng phòng” qua đời khiến ông chán nản chả thiết tha gì ăn uống, cứ nằm dài trên giường bệnh chờ tử thần đón đi. Nhưng cũng từ đó, ông phát hiện ra cách điều trị ung thư bằng phương pháp thực dưỡng. Suốt 10 năm trời ròng rã kiên trì áp dụng, phương pháp đó đã giúp ông tồn tại cho đến giờ. Thông qua báo điện tử VTC News, ông Đãng muốn nhiều người biết đến cách chữa bệnh này.

Trước mắt tôi là một người đàn ông gầy tong teo tưởng như chỉ còn da bọc xương, nhưng khá nhanh nhẹn. Ông Đãng năm nay 73 tuổi, cao chừng 1,6m, nhưng chỉ nặng 39kg, răng hàm trên rụng gần hết do hậu quả của những lần xạ trị ở Bệnh viện K Hà Nội.

Ông Vũ Văn Đãng 

Trao đổi về phương pháp chữa ung thư đã giúp ông kéo dài sự sống, ông Đãng khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Tế bào ung thư là một dạng tế bào phàm ăn, chúng thường xuyên bị “đói” dinh dưỡng. Việc hạn chế những thức ăn nuôi dưỡng tế bào ung thư như đường, các chế phẩm từ sữa, chất béo, chúng sẽ yếu đi rất nhiều, và hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ dần dần tiêu diệt hết các tế bào ung thư".

Điều đó có nghĩa, ông Đãng chữa ung thư bằng việc ăn uống cực kỳ kham khổ, kết hợp với rèn luyện, mục đích là không cung cấp đủ chất cho các tế bào ung thư. Thậm chí, nhiều lúc ông còn nhịn đói, theo kiểu vẫn nói vui: “tao với mày cùng chết”.

Ông Đãng nhớ lại quá trình mắc bệnh: Thời điểm mùa đông năm 2005, cứ mỗi sáng thức dậy ông lại bị ho. Lúc đầu ông vẫn nghĩ là do buổi tối ngủ bị lạnh, nhưng chỉ trong vòng 1 tháng, những cơn ho ngày càng nặng hơn, hơi thở ngày càng khó khăn, những cơn đau ngực bắt đầu xuất hiện với mức độ ngày càng tăng dần. 

Nghĩ mình có tuổi rồi, hô hấp kém, nhất là việc ông làm giáo viên cấp 2 nên thường xuyên nói nhiều, suốt ngày hít phải bụi phấn, lại thêm nghiện thuốc lào nặng nữa, mới có triệu trứng như vậy, nên ông chủ quan không thèm đi khám.

Là người siêng năng, sau giờ dạy trên trường, ông Đãng làm thêm đủ mọi việc từ trồng rau, cắt cỏ cho bò ăn… để góp phần cải thiện thêm kinh tế gia đình. Một chiều, khi gánh nước, mới xách 2 cái xô lên thì cơ thể như mất hết sức lực, ông Đãng lăn đùng ngất xỉu bên miệng giếng.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy hai vai đau nhức, tê buốt không nhấc nổi, ông Đãng ra bệnh viện huyện khám thì được dự đoán là đau dây thần kinh, mọi người khuyên cắt thuốc nam uống. Tuy nhiên, uống suốt 3 tháng mà cơn đau không khỏi, thậm chí còn nặng thêm, cơ thể ông ngày một héo mòn, queo quắt.

Ông Đãng bảo, phương pháp thực dưỡng ngay tại nhà đã giúp ông chống chọi với căn bệnh ung thư suốt 10 năm ròng 

Ông Đãng tiếp tục tìm đến một bác sĩ có tiếng về châm cứu, nhưng khi khám xong, bác sĩ bảo bệnh không phải do thần kinh, mà có khả năng là ung thư, đồng thời khuyên ông nên về Hà Nội chụp cắt lớp nhằm phát hiện ra nguyên nhân và điều trị sớm.

“Suốt 1 ngày chạy qua chạy lại nhiều phòng xét nghiệm ở viện K, tôi nhận được tin xấu nhất xảy đến với mình là đã bị ung thư phổi giai đoạn 3, trong phổi có 1 khối u to tướng. Lúc đó cảm giác cứ như trời sập”, ông Đãng bồi hồi khi nhớ lại quãng thời gian 10 năm trước.

Các bác sĩ viện K bảo nếu mổ thì ông Đãng sẽ chết ngay, nên cách tốt nhất là cứ ở lại viện, sau đó sẽ tiến hành xạ trị. Hai tháng sau, thì xạ trị, nhưng được vài lần thì các bác sĩ bảo không ăn thua. Có người còn nói nếu truyền tiếp hóa chất vào thì ông “đi” ngay, nên tốt nhất là cứ về nhà xem có cách nào kéo dài được sự sống ngày nào hay ngày ấy.

Những ngày ở viện K, phòng có đến hơn ba chục bệnh nhân, toàn bệnh nặng. Trong đó, ông Đãng chơi thân nhất với 1 người đàn ông tên Cơ ở Quảng Ninh, cũng bị ung thư phổi giai đoạn 3. Mọi người đều xin số điện thoại của nhau để thường xuyên trao đổi, thăm hỏi động viên nhau. Ngày ông Đãng ra viện, ông Cơ cũng bị bệnh viện trả về địa phương.

Ông Đãng vẫn giữ danh sách những người cùng phòng xạ trị 10 năm trước. Hiện tại mỗi ông còn sống sót 

Bác sĩ phát cho người nhà 10 liều moóc-phin giảm đau, bảo cứ dùng hết thì lại ra lấy tiếp, mà đau quá thì lại đưa ông xuống viện điều trị. Những ngày nằm một chỗ, cứ thỉnh thoảng ông lại nhận được tin buồn, lúc thì ông H. ở Mộc Châu mất, lúc thì bà T. ở Phú Thọ ra đi khiến tinh thần ông Đãng ngày càng suy sụp.

“Được hơn 1 tháng, thuốc giảm đau hết sạch, người nhà thuê xe định đưa tôi lên Hà Nội, thì Cơ gọi điện. Qua điện thoại, Cơ buồn rầu bảo ông ta thậm chí còn đau trở lại trước tôi cả tuần, nhưng không xuống viện nữa, tốn kém chi phí. Có lẽ, số phận của hai anh em tôi đã hết”, ông Đãng nhớ lại.

Đúng 1 tuần sau thì vợ ông Cơ gọi điện lên báo tin chồng mình đã mất. Ông Đãng tuyệt vọng, nghĩ mình cũng chuẩn bị như vậy. 3 ngày liền ông không ăn không uống, mặc cho con cháu hết lời động viên.

Tuy nhiên, sau mấy ngày không ăn không uống, đến lúc bụng sôi lên sùng sục vì đói, thì những cơn đau trong người không còn phát tác mạnh mẽ như trước nữa, tâm trí cũng tỉnh táo hơn. Ông Đãng bỗng nhiên ngồi dậy được và nhận ra mình vẫn còn sống.

Còn tiếp…


Hải Minh
Bình luận
vtcnews.vn