“Tăng viện phí vì đầu vào quá cao”

Thời sựThứ Sáu, 03/09/2010 06:31:00 +07:00

(VTC News) – “Vấn đề chính hiện nay là đầu vào nó trượt giá quá cao. Khi đầu vào cao mà đầu ra lại thấp thì các bệnh viện không có tiền..."

(VTC News) – “Vấn đề chính hiện nay là đầu vào nó trượt giá quá cao. Khi đầu vào cao mà đầu ra lại thấp thì các bệnh viện không có tiền. Các bệnh viện của chúng tôi cũng khó khăn nhưng còn tạm xoay sở được vì còn có khối dịch vụ hoạt động theo điều chỉnh giá mới. Còn ở tuyến huyện thì rất khổ…”, , bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng phòng kế toán Bệnh viện Việt Đức cho biết.

Câu chuyện tăng viện phí do Bộ Y tế đề xuất dù chưa chính thức được thông qua, nhưng trước những phản ứng của dư luận, Bộ này tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa lại. Tuy nhiên, đa phần các bệnh viện đều nhận định rằng việc tăng viện phí là cần thiết và đúng với tình hình thực tế hiện nay. Được sự ủy quyền của lãnh đạo, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng phòng kế toán Bệnh viện Việt Đức đã có cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh vấn đề tăng viện phí.

 

- Xin bà cho biết quan điểm của Bệnh viện Việt Đức về đề án điều chỉnh giá viện phí của Bộ Y tế?

 

Theo quan điểm của tôi, chủ trương điều chỉnh giá viện phí là điều nên làm, mặc dù đã là hơi muộn.

 

Thứ nhất, Nghị định 95, Thông tư 14 ra đời từ năm 1995, đến bây giờ đã trải qua 15 năm. Trong đó, về tốc độ lạm phát, trượt giá là điều ai cũng biết.

 

Thứ hai, trong điều chỉnh giá viện phí lần này phần lớn là tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện, nhưng đặc trưng nhất là các bệnh viện tuyến dưới, chứ với bệnh viện lớn như Việt Đức thì nó chỉ có một mảng là khám bệnh, mảng ngày giường bệnh và một số thủ thuật chứ còn hầu hết tất các kỹ thuật, xét nghiệm thì ở các bệnh viện tuyến trên đều áp dụng những kỹ thuật mới hiện đại. Chính vì vậy đề án này giúp nhiều cho các bệnh viện tuyến dưới hơn.

 

Ví dụ, chất lượng giường bệnh bây giờ cũng khác hẳn chứ không như trước đây. Có nhiều dịch vụ vẫn gọi tên như vậy nhưng chất lượng khác rất nhiều, kỹ thuật khác, phương pháp khác và giá cả cũng khác. Có nhiều dịch vụ vẫn phải để nguyên tên, nhưng theo quan điểm của tôi một số dịch vụ cần được thay đổi tên gọi khác vì nếu để tên gọi cũ, người dân hay là giới báo chí đều thắc mắc vì nghe khiếp quá, khi mà giá của dịch vụ ấy tăng lên có thể là đến 70 lần.

 

Trong khám chữa bệnh, theo con số của Bệnh viện Việt Đức thì chiếm đến 68% tổng chi phí là tiền thuốc và vật tư. Nếu có tăng viện phí thì con số 68% này vẫn giữ nguyên. Vấn đề là cách giải thích của nhà chức trách giúp người dân hiểu đúng vấn đề. Theo con số của chúng tôi, tỉ lệ khám bệnh chỉ chiếm 1% trong tổng viện phí. Tỉ lệ giường bệnh chiếm 6%. Cái 1% và 6% này là cái được điều chỉnh lên chứ không phải điều chỉnh tất cả. Tiền xét nghiệm, chiếu chụp… chiếm 7% và tiền phẫu thuật, thủ thuật chiếm 18%.

 

Vậy, nhóm điều chỉnh nằm trong tỉ lệ viện phí không phải là nhiều. Vì vậy, người dân cần hiểu rằng viện phí tăng 5 lần không có nghĩa là họ phải chi trả thêm gấp 5 lần, so với trước khi điều chỉnh cho một đợt khám bệnh chữa trị.

 

Quan điểm của bệnh viện chúng tôi là điều trị cho bệnh nhân hiệu quả,  và với chi phí phù hợp nhất, tiết kiệm cho bệnh nhân nhất.


 Câu chuyện tăng viện phí sẽ còn là câu chuyện dài...Ảnh:TS

 

- Xin bà cho biết Bệnh viện Việt Đức có đóng góp gì vào bản dự thảo điều chỉnh giá viện phí của Bộ Y tế?

 

Chúng tôi có xây dựng một số giá thủ thuật. Thực chất Bộ Y tế không tự xây dựng được mà phải qua các tuyến. Chẳng hạn mảng thủ thuật họ chuyển cho bệnh viện Việt Đức, vì chúng tôi chuyên về ngoại khoa. Còn về mảng ngày giường bệnh hay khám bệnh người ta chuyển cho bệnh viện Bạch Mai hoặc một vài đơn vị nữa…

 

- Việc Bộ Y tế đưa ra dự thảo điều chỉnh giá viện phí là căn cứ vào đâu, thưa bà?

 

Vấn đề chính hiện nay là đầu vào nó trượt giá quá cao. Khi đầu vào cao mà đầu ra lại thấp thì các bệnh viện không có tiền. Các bệnh viện của chúng tôi cũng khó khăn nhưng còn tạm xoay sở được vì còn có khối dịch vụ hoạt động theo điều chỉnh giá mới. Còn ở tuyến huyện thì rất khổ.

 

- Vừa qua lãnh đạo Bộ Y tế nói rằng, đề án tăng viện phí còn đang được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhưng thực chất việc khám chữa bệnh của các bệnh viện cũng đã vượt khung rồi chứ không phải là đến bây giờ mới điều chỉnh, ý kiến của bà như thế nào về việc trên?

 

Nhận định này có cái đúng và có cái không đúng. Ví dụ: ở bệnh viện chúng tôi, nếu khám đúng tuyến có bảo hiểm thì chúng tôi vẫn thu 3.000 đồng. Nhưng nếu như trái tuyến thì chúng tôi thu 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng. Thứ hai, là vấn đề giường bệnh thì không có chuyện vượt khung. Còn các dịch vụ khác thì cũng không có chuyện vượt khung, ngoại trừ khi người ta không có dịch vụ đó hoặc chuyển sang làm bằng một phương pháp mới có giá khác.

 

Tại bệnh viện chúng tôi giường bệnh vẫn thu giá 8.000 đồng, 10.000 đồng hay 12.000 đồng, nhưng toàn bộ giường đều được nằm trong phòng có điều hòa, chúng tôi thu thêm bệnh nhân tiền ngoài gọi là chi phí trả cho tiền giường điều hòa, tiền thu thêm là do chất lượng thay đổi, dịch vụ được nâng cấp chứ không phải giữ nguyên xi như trước. Như vậy tức là cũng có một số dịch vụ người ta không chịu đựng được nên buộc phải “phá rào”, điều đó không có nghĩa là tất cả và không phải là phổ biến.

 

- Thưa bà, tại Bệnh viện Việt  Đức có quỹ nào để giúp đỡ hỗ trợ cho những trường hợp bệnh nhân nghèo, gặp khó khăn không?

 

Chúng tôi có quỹ mà bệnh viện quy định cho Hội cựu chiến binh đứng ra, rồi có những hòm từ thiện. Đối với những trường hợp quá khó khăn chúng tôi có thể hỗ trợ từ 1 đến 2 triệu, rồi cho người ta phiếu cơm, cho người ta sữa. Chúng tôi cũng có một số quỹ khác như ở bên Bộ LĐ-TB&XH cho những người mổ hai lần. Ngoài ra với những bệnh nhân quá khó khăn không có tiền chi trả, chúng tôi cũng phải tự vận động để hỗ trợ.

 

- Hiện nay các dịch vụ y tế chất lượng cao vẫn còn rất xa vời đối với người dân như những người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nếu dự án tăng viện phí được thông qua thì người nghèo càng khó tiếp cận hơn, ý kiến của bà như thế nào về nhận định trên?

 

Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên phân tách hai loại nhóm dịch vụ. Chẳng hạn cùng một bệnh có hai phương pháp chữa. Có thể là mổ mở và cũng có thể là sử dụng những phương pháp kỹ thuật cao. Nếu bệnh nhân không có tiền để áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng kỹ thuật cao thì vẫn có thể áp dụng phương pháp mổ mở, phương pháp dành cho đại đa số nhân dân được tiếp cận. Nếu bệnh nhân có khả năng tài chính thì việc họ chọn những phương pháp chữa bệnh tiên tiến cũng là điều dễ hiểu. Chẳng nhẽ mình có thể mà lại để họ sang tận nước ngoài chữa bệnh hay sao?

 

- Dù có tăng giá viện phí như thế nào thì những chính sách được đưa ra cũng có những điểm để hỗ trợ người nghèo và cận nghèo, bà có đồng ý với quan điểm này?

 

Tôi rất đồng ý với quan điểm ấy. Nhưng như vậy nhà nước phải cho các bệnh viện một cơ chế giá để những người có khả năng chi trả người ta tự chi trả, nhà nước không phải bù đắp cho khoản đó để dành bớt kinh phí ra cho người nghèo và cận nghèo.

 

Nhà nước không nên bao cấp tràn lan nữa. Nếu chính sách thu một phần viện phí cứ để giá thấp, xong nhà nước lại bù đắp thì đấy là bao cấp tràn lan. Nếu đưa dần vào giá viện phí để những người có khả năng chi trả tự chi trả thì nhà nước hoàn toàn có thể giảm ngân sách cho các bệnh viện, dồn vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế… Tôi rất ủng hộ điều này!

 

- Xin cám ơn bà về cuộc trao đổi này!

 

Kiên Cường

Bình luận
vtcnews.vn