Tăng thêm giờ làm: “Không thuyết phục!”

Thời sựThứ Năm, 15/12/2011 12:25:00 +07:00

(VTC News) – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ quy định giờ làm thêm như hiện hành bởi nếu chạy theo giờ làm sẽ không bảo đảm sức khỏe.

(VTC News) – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị giữ quy định của Bộ luật hiện hành (không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm) bởi nếu chạy theo giờ làm thì sẽ không bảo đảm được điều kiện sức khỏe, tái tạo năng lượng cho người lao động.


   

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý 

Tại buổi làm việc về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng nay (15/12), Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, về thời giờ làm thêm trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất, giữ nguyên như quy định của Bộ luật hiện hành: làm thêm giờ nhưng không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm.

Loại ý kiến thứ hai lại đồng ý như dự thảo Bộ luật: tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng.

Bà Mai nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban thống nhất với loại ý kiến thứ nhất vì quy định này phù hợp với điều kiện và thể chất của người lao động Việt Nam hiện nay, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho nhiều người lao động.

“Việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động được nâng lên thì giá trị sản phẩm tăng lên, khi thời giờ làm việc giảm xuống sẽ bảo đảm sức khỏe và đời sống của người lao động” – bà Mai nói.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm để điều chỉnh giảm bớt tiền lương trong thực tế, giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, tạo cơ hội cho người sử dụng lao động khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Kinh nghiệm thực tiễn của một số nước cho thấy năng suất lao động của thời gian làm thêm giờ thường giảm sút và dễ gây ra tai nạn lao động.

Trong 10 năm tới, với mục tiêu phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hiện đại, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ cần phải tiếp tục được quan tâm đầy đủ hơn, trong đó ưu tiên hàng đầu là vấn đề tăng năng suất  lao động, năng suất tổng hợp của nền kinh tế.

Thảo luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị giữ quy định của Bộ luật hiện hành, tăng thêm giờ là không thuyết phục. Nếu không tăng cứ lo các nhà đầu tư chạy thêm nước khác hay do nhu cầu của người lao động, nhưng nếu chạy theo giờ làm thì sẽ không bảo đảm được điều kiện sức khỏe, tái tạo năng lượng cho người lao động.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thì cho rằng, nên tiếp thu theo hướng xuất phát từ nhu cầu người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, 2 phương án một giữ như hiện hành, hai là nâng tối đa từ 200 giờ lên 360 giờ/năm nhưng kèm theo các quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng với một số lĩnh vực đặc biệt.

Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban TVQH cũng tập trung thảo luận về thời gian nghỉ thai sản, theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị tất cả đối tượng thai sản cho nghỉ 6 tháng, nếu ai muốn đi làm trước thì tùy điều kiện người ta. Vì con bú 6 tháng đầu hoàn toàn bằng sữa mẹ là tốt thì nên tạo điều kiện tối đa cho người mẹ nuôi con bằng sữa mình.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thì đồng ý cơ bản nghỉ thai sản 6 tháng nhưng “băn khoăn là chị em làm việc trong môi trường độc hại, khuyết tật cũng như lao động bình thường thì có công bằng không?!”.

Về tuổi nghỉ hưu, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, Thường trực Ủy ban thống nhất trong điều kiện hiện nay giữ quy định chung về tuổi nghỉ hưu như hiện hành (nam là 60, nữ là 55).

Ngoài ra, bổ sung quy định nguyên tắc, tiêu chí đối với nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý để tùy theo điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn, Chính phủ có cơ sở hướng dẫn và bảo đảm thống nhất với quy định của Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức và Luật bảo hiểm xã hội.

Đối với một số trường hợp đặc biệt khác cần làm rõ là trường hợp nào, nếu không rõ thì không nên quy định trong Bộ luật.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn