Tăng giá xăng: DN đầu mối làm giá, găm hàng?

Kinh tếThứ Năm, 16/08/2012 06:43:00 +07:00

(VTC News) – Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định, đợt tăng giá xăng ngày 13/8, có dấu hiệu các DN đầu mối găm hàng, chờ tăng giá.

(VTC News) – Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định, đợt tăng giá xăng ngày 13/8, có dấu hiệu các DN đầu mối găm hàng, chờ tăng giá.

Doanh nghiệp đầu mối lộng hành

Trong lần kiểm tra các đại lý, cửa hàng xăng dầu hai trước khi tăng giá xăng, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, qua hai ngày kiểm tra, xác minh tại một số cây xăng trên địa bàn ngoại thành Hà Nội cho thấy các bồn xăng đều cạn kiệt, kiểm tra tận nơi, lượng xăng còn lại rất ít, không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Đây là dấu hiệu khẳng định các DN đầu mối găm hàng, chờ tăng giá.

Theo Tuổi trẻ: Cây xăng ở số 2450 QL1A, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM của Xí nghiệp cơ khí ôtô miền Đông nghỉ bán với lý do hết xăng nhưng không treo bảng, khiến nhiều khách hàng chạy vào đổ xăng rồi lại ngậm ngùi chạy ra (ảnh chụp chiều 12-8) - Ảnh: Thuận Thắng 

Ông Lộc khẳng định rằng: “Việc cho phép DN tự quyết giá theo tần suất 10 ngày sẽ là kẻ hở để chính DN đầu mối lên kế hoạch gom hàng, chờ thời điểm tăng giá. Bản thân DN sẽ nắm được thời điểm và mức tăng, chủ động biết nguồn hàng nên họ rất dễ dàng thu gom.

Qua kiểm tra chúng tôi rất thông cảm với các đại lý, việc thiếu nguồn cung do DN đầu mối. Trong trường hợp này không có lý gì xử phạt các cửa hàng, đại lý.

Trách nhiệm xử lý các DN đầu mối sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương”.

Đợt tăng giá 1.100 đồng/lít xăng ngày 13/8 là lần tăng giá thứ hai trong tháng 8 và lần thứ 3 từ khi doanh nghiệp (DN) đầu mối được tự quyết định về giá. Trong hơn 10 ngày qua, giá xăng đã tăng 2.000 đồng/lít. Dư luận và chuyên gia cho rằng trong các lần điều chỉnh giá này chưa có sự cạnh tranh, tất cả đều phụ thuộc vào DN chi phối là Petrolimex và chuyện găm hàng chờ tăng giá nằm trong tầm tay DN. Trong khi đó, Bộ Tài chính lo về chính sách thuế, giá, Bộ Công Thương lo quản lý nguồn cung thì lại chưa có động thái gì?

Mặc dù mỗi lần có sự điều chỉnh giá, Bộ Tài chính đều có văn bản “nhắc nhở” các DN xăng dầu xem xét điều chỉnh giá phù hợp với quy định, mức giá và thời điểm do DN tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Thế nhưng, Trưởng phòng kinh doanh của DN đầu mối tại Hà Nội cho biết, qua ba đợt tăng giá theo tinh thần để DN tự quyết giá và thời điểm tăng, nhưng bản chất các DN đều “nhìn nhau” để ấn định một mức giá.

Trong đó, hầu hết các DN như Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, PV Oil, Saigon Petro,.. đều đợi “tín hiệu” của Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex). Bởi Petrolimex chiếm thị trường rộng lớn, các DN khác phải phụ thuộc vào mức giá họ đặt ra.

“Dù giao cho DN tự ấn định giá nhưng không có DN nào dám tăng cao hoặc thấp hơn so với Petrolimex. Tất cả đều chọn cách tăng cùng một mức giá”, vị này cho biết.

Giảm thuế cứu DN và người tiêu dùng

Dẫu biết giá xăng dầu thế giới tăng ảnh hưởng đến giá trong nước là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nói trao quyền tự quyết cho DN là không hợp lý trong bối cảnh đang tồn tại độc quyền kinh doanh xăng dầu.

Tại Hà Nội, nhiều cây xăng cũng đóng cửa bất thường trước khi xăng tăng giá 1 ngày (ảnh infonet) 
Hiện hay, Petrolimex chiếm hơn 60% thị phần cả nước, thậm chí một số nơi  DN này chiếm gần 100%.

“Với nguyên tắc quản lý giá thị trường, nếu mặt hàng thuộc tự do cạnh tranh, nhất định giá sẽ do thị trường quyết định. Nếu mặt hàng đó có độc quyền thì Nhà nước sẽ định giá sát với giá thị trường. Đây là cách điều hành đúng với Luật Giá.

Với xăng dầu, đã là độc quyền thì không thể để cho DN tự định giá được. Mấu chốt vấn đề trong lúc này, Bộ Tài chính nên tính đến phương ấn giảm thuế nhập khẩu”, TS Ngô Trí Long, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng trong hoàn cảnh DN sản xuất đang khó khăn, hàng hoá giảm sức mua, để chia sẻ khó khăn với DN và người dân, Bộ Tài chính nên điều phối bằng cách giảm thuế.

Theo tính toán của một DN xăng dầu đầu mối, mặt hàng xăng chịu đến 36% và dầu hơn 20% thuế phí. Trong đó, thuế nhập khẩu xăng là 12%, dầu 10%, thuế VAT 10%, phí bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít. Đối với xăng còn chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%.

DN này cho biết, nếu giảm thuế thì mức tăng giá sẽ ít hơn nhiều.

Tính đến ngày 15/8, cơ quan Quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện ở phía Bắc có một cửa hàng xăng dầu ở thị trấn Hòa Lạc (Hà Nội), 1 cửa hàng ở Hà Nam, 10 cửa hàng ở Vĩnh Phúc ngừng bán hàng với lý do doanh nghiệp đầu mối không cung ứng hàng.

Ở phía Nam, TP.HCM đã kiểm tra 2 cửa hàng tại quận 12 và quận Gò Vấp; tỉnh Bình Dương đã có 1 cửa hàng bị lập biên bản nhưng chưa xử lý; tỉnh Đồng Nai có 17 cửa hàng ngưng hoạt động hoặc ngừng hoạt động một phần. Nguyên nhân được cửa hàng đưa ra chủ yếu là do DN đầu mối không cung ứng hàng.

(Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương)


Hoàng Ngọc

Bình luận
vtcnews.vn