Tản mạn chuyện cái Toilet

Tổng hợpThứ Sáu, 13/12/2013 09:38:00 +07:00

Nhà tôi nằm trên một con phố cũng được bắt đầu bằng chữ hàng, cách "rốn rùa" chỉ khoảng 300m tính theo đường chim bay.

Tôi vốn là dân phố cổ chính hiệu. Nhà tôi nằm trên một con phố cũng được bắt đầu bằng chữ hàng, cách "rốn rùa" chỉ khoảng 300m tính theo đường chim bay. Gia đình nhà tôi sống theo đúng mô hình chuẩn của "Tứ đại đồng đường". Già trẻ trai gái ngót 20 người, ăn có thể không chung một mâm nhưng chúng tôi nấu chung một bếp và ra vào chung một cái toillet.

Sáng sáng gia đình tôi cứ gọi là rồng rắn xếp hàng y như là đi mua phở mậu dịch vậy. Mà toilet trên phố cổ thì hầu như chả có cái nào có cửa giả cho ra hồn. Muốn vào thì cứ phải lịch sự "E hèm" một cái, nếu không thấy ai "E hèm" chào lại thì mới dám ung dung lẻn vào.

 

Sau này khi gia đình nhỏ của tôi được ông bà cho phép tách ra chuyển đến ở một căn nhà khác cũng của ông bà tậu được trên phố Yên Ninh thì may mắn là không phải cùng chung một chiến hào toilet với cả hơn chục người nữa mà được riêng một góc trời. Nhưng thời đó khó khăn lắm, nhà ai cũng phải nghĩ cách làm thêm, chăn nuôi để tăng gia. Vì vậy chỗ đi toilet nhà tôi đồng thời cũng là là chỗ nhốt mấy con lợn. Muốn leo lên bậc xí (hồi đó chỉ có xí xổm thôi) thì phải bước qua mấy con lợn mà đi. Nhưng dù sao cũng vẫn sướng vì sáng sáng không phải xếp hàng nữa. Tuy nhiên, vấn nạn "đổi thùng" thì vẫn không sao tránh khỏi.

"Ðổi thùng" là gì? Ai không sống ở Hà Nội thời đó chắc không thể biết được cái khái niệm rất chi là đậm đà bản sắc dân tộc này. Trừ phi có ai đó đã làm nghiên cứu về lịch sử công ty vệ sinh môi trường TP Hà Nội thì… không chấp!

Ðầu những năm 80 hệ thống toilet của Hà Nội chưa phải là tự hoại. Nên dưới mỗi một cái hố xí thì người ta thường đặt một cái thùng hứng những thứ con người thải ra. Công ty vệ sinh sẽ cho người đến từng nhà lấy thùng cũ, thay thùng mới mỗi ngày, giống như đổ rác vậy. Nhưng oái oăm là giờ các bác đi đổi thùng lại toàn trùng với giờ người ta dùng cơm tối. Nên là cứ nghe thấy từ đầu phố hai tiếng "Ðổi thùng đê" là các nhà đều ba chân bốn cẳng thu dọn mâm bát, lấy chỗ cho người nhà nước làm việc. Tôi khiếp lắm, đến bây giờ vẫn khiếp mỗi khi nghe hai từ "Ðổi thùng" và ký ức xộc về, đủ cả hương lẫn sắc…


. Thế rồi lớn lên, vì hoàn cảnh mà gia đình tôi phải bỏ phố về làng ở. Làng tôi ở hồi đó nằm ngay giữa Hanoi City thôi, cách Horison Hotel ngày nay độ vài trăm mét. Những năm cuối thập niên 80, làng tôi vẫn "làng lúa làng hoa lắm", cánh đồng cứ gọi là bát ngát chim bay. Làng tôi có một dãy toilet công cộng toạ lạc ngay trên bờ của dòng sông không tên, hình như là một nhánh của sông Tô Lịch. Nhưng người làng tôi chả mấy ai lai vãng. Hồi đó mốt của nhi đồng ấu lão chúng tôi là đi làm "quận công". Cứ gọi là gió thổi, giấy bay, thơ ca… ra đời . Những buổi "sinh hoạt tập thể" như thế nói chung là vui không bàn phím nào kể xiết. Từ những cuộc giao lưu đó mà khối cặp nam thanh nữ tú đã nên duyên chồng vợ.

 

Rồi tôi có dịp được ra nước ngoài. Ðiều đầu tiên đập vào mắt, bắt vào óc khiến tôi phải suy nghĩ về sự khác nhau của các nền văn hóa đó chính là câu chuyện về chiếc toilet. Tôi thực sự được khai sáng và mở mắt trong lĩnh vực "toilet học" khi đặt chân đến hai quốc gia, đó là Mỹ và Nhật. Ở Mỹ tôi được chứng kiến cả một nền văn minh toilet. Không biết họ "thiết kế" đất nước họ ra sao mà đi đâu, nhìn đâu cũng thấy toilet, bất kể giữa trung tâm phố thị hay heo hút giữa núi rừng. Như thể cứ lúc nào nghe cảm giác buồn… là thấy ngay toilet trước mặt. Họ giải thích thế này: Không vậy lỡ một người dân nào, bất chợt một lúc nào đó, ở đâu đó muốn vệ sinh mà tìm không kịp chỗ để cho họ đi, người ta sẽ kiện chính phủ ra tòa! Ði khắp các công viên, các khu "rest area" dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ… chỗ nào cũng có những toilet tạm, toilet di động cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào. Họ có kiến trúc sư chuyên thiết kế toilet. Dù vẫn còn vấn đề này nọ với toilet, nhưng trình độ toilet của họ đã lên đến mức độ cao trong giới thượng lưu. Phòng vệ sinh rộng mênh mông, có thể xem tivi, nghe nhạc, hoa khô trong giỏ tỏa mùi, hoa tươi trong lọ khoe sắc, giá sách trong tầm tay mời mọc. Bồn vệ sinh có nút ấn nút bấm, đo nhiệt độ cơ thể, phun nước theo kiểu mưa bụi mùa xuân hoặc xả nước như mưa rào mùa hạ, bàn chải mềm kỳ cọ và máy sấy sấy khô...

Nếu như bồn cầu được phát minh đầu tiên ở Mỹ thì lại được phát triển mạnh mẽ ở Nhật và toilet từ lâu đã trở thành một nét văn hóa quan trọng với người Nhật đến mức họ tổ chức hẳn một ngày lễ, gọi là "ngày toilet Nhật Bản" ấn định vào 10/11 hàng năm. Ðến Nhật bạn sẽ không khó khăn gì để có thể bắt gặp những phòng toilet sáng choang, hiện đại với những mẫu bồn cầu mới nhất. Nắp bồn cầu sẽ tự động bật nắp lên. Chức năng chính của bồn cầu là tự vệ sinh, nhưng bạn sẽ thấy rất nhiều nút bấm. Ðó là bởi còn rất nhiều chức năng khác nữa như chức năng khử mùi, hệ thống sấy khô, sưởi ấm chỗ ngồi và nhiều chức năng khác nữa. Mỗi chức năng lại có những nút điều chỉnh khác nhau để người sử dụng có thể điều chỉnh như mình mong muốn… Ở Nhật người ta sẽ dễ dàng gặp những bồn cầu này ở khắp mọi nơi, trong mọi gia đình.

Nhưng ở nước ngoài, không phải đất nước phát triển nào cũng có cảm giác về toilet thoải mái như khi đến Mỹ và Nhật. Tôi đã thực sự "thấm thía" điều này khi đến một số nước Châu Âu! Không những phải tốn tiền mà còn "gian nan" khi hữu sự, để tìm cho ra "nơi cần đến", ngay cả ở những thủ đô văn minh lẫy lừng lâu đời của thế giới!

Tôi nhớ có lần khi thăm thủ đô Paris, một người trong đoàn cần toilet, bác tài chạy xuôi, chạy ngược, vòng vòng mãi mà vẫn không tìm ra! Cuối cùng một sáng kiến được nêu ra: tới một nhà hàng nào đó vô mua bất kỳ món gì đó để được đi toilet! Ðó là nỗi khổ tâm lớn của các vị cao niên khi đi du lịch châu Âu, các vị phải nhắc nhau nhịn uống nước (điều này lại rất hại cho sức khỏe) để khỏi "khốn đốn" khi hữu sự!

Một lần khác ở Rome, hướng dẫn viên dẫn một bà đi mãi qua đường này, tới ngõ nọ mà vẫn không tìm ra "nơi phải đến", "bí" quá bèn hỏi:

- Bà có chịu tốn 10 Euro để vô restaurant kia mua thứ gì đó để được đi WC không?

- Nín hết nổi rồi, bây giờ không phải 10 Euro mà 20 Euro tôi cũng chịu luôn!

Có những WC có người ngồi thu tiền còn đỡ, có những nơi, họ thiết kế sẵn phải bỏ đúng số tiền (xu) quy định thì cổng mới mở cho vô. Khi đi du lịch đâu phải ai cũng có sẵn tiền xu (Euro) trong túi, có một bà "mắc" quá nhưng không đổi được tiền xu, nên phải mượn tứ tung trong đoàn, mỗi người thương tình móc hầu bao bỏ vô máy một ít, máy nuốt hết nhưng còn thiếu mấy xu, chưa đủ tiền, máy không mở cổng! Thật khốn đốn với máy móc vô tình!

 

Nói đến sự thoải mái mỗi khi cần "giải quyết nỗi buồn" khi trên đất Mỹ thì không thể không nhắc đến sự khó chịu trên chuyến Cruise Coastal của Ðức mà tôi vừa có dịp trải nghiệm. Ngày thứ hai lên tàu thì toilet trong phòng bị tắc, tôi gọi điện cho họ sửa mấy lần mà tình trạng vẫn không thay đổi, tôi phải xuống chỗ "Customer Service" để xếp hàng đi khiếu nại. Thật ngạc nhiên khi họ "tỉnh bơ" cho biết không phải chỉ riêng phòng tôi mà các phòng ở tầng 2,5,8 đều bị như vậy, họ đang sửa, khi nào xong họ sẽ thông báo. Tôi bèn hỏi:

- Trong khi chờ sửa, thì khách giải quyết vụ toilet ra sao?

- Ði kiếm mấy cái toilet công cộng mà xài

- Nhưng chúng ở đâu?

Sau một hồi thắc mắc tới lui, họ mới chịu lục sơ đồ ra để tìm và cho biết một cái ở lầu 9, một cái khác ở lầu 4. Nghĩa là khi hữu sự phải "ôm bụng" chạy vòng vòng mấy tầng lầu để đi tìm cái toilet công cộng và xếp hàng chờ tới phiên. Chắc là dân Ðức quen kiểu này rồi nên không thấy phiền?

Trở về phòng, tôi bực bội kể lại cho chị bạn cùng phòng nghe, chị là bác sĩ hưu trí ở Ðức. Sáng nay chị đã là nạn nhân "ôm bụng" chạy vòng vòng, may mà tình cờ tôi nhớ ra cái toilet công cộng ở lầu 9 cạnh bên nhà hàng, nên chỉ cho chị. Do đó tôi tưởng chị là "đồng minh" bèn nói:

- Hệ thống phục vụ trên tàu quá tệ! Ðã vậy xem ra họ còn thản nhiên cho đó là chuyện nhỏ, không hề có một lời xin lỗi khách hàng. Ở Mỹ thì họ đã xin lỗi ríu rít rồi…

Không ngờ chị phản ứng mạnh:

- Mệt quá, Mỹ cái gì cũng tốt, cũng ngon lành hết! Dân Mỹ được nuông chiều quá hóa hư! Bởi vậy trên thế giới, Mỹ đi đâu cũng bị ghét, bị khủng bố cho chết hết là đúng rồi! Lúc nào cũng đòi hỏi thứ này, thứ kia, còn đòi xin lỗi… "nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột"…

Chị mắng cho một hồi "tràng giang đại hải" mà vẫn chưa hả cơn giận. Tôi ngơ ngác vì bỗng dưng mình bị "giũa" một trận te tua. Thôi "một sự nhịn chín sự lành", nên tôi nín nhịn vì chị lớn hơn tôi nhiều, coi như mình nhịn "chị hai" trong nhà cho mọi chuyện êm xuôi tốt đẹp trong chuyến đi chơi!

Ở một số nước châu Á như Trung Quốc, khách du lịch phải luôn thủ sẵn giấy vệ sinh trong bóp, vì trong toilet không có giấy vệ sinh. Hiện tượng không có giấy trong các nhà vệ sinh công cộng ở Trung Quốc có vẻ khá phổ biến. Hỏi người hướng dẫn tour du lịch thì được giải thích: để bao nhiêu giấy mất trộm bấy nhiêu nên người ta hoặc là không cung cấp giấy hoặc là để đâu đó ở phòng ngoài, có nhân viên canh gác.

 

Tôi cứ bị ấn tượng mãi về một lần thăm Bắc Kinh (cách đây hơn 10 năm), đoàn du khách được một dàn các cô gái trẻ đẹp mặc xường xám đón chào tưng bừng ngay từ lối vào nhà hàng. Nhà hàng thiết kế rực rỡ sang trọng, đèn đuốc sáng choang như… cung đình. Sau bữa ăn khi cần đi WC, tôi ngạc nhiên khi bước vào thấy có một bàn trải khăn trắng bóc, trên bàn có một bình hoa tươi thật to, đẹp, và một cô gái xinh đẹp rực rỡ mặc xường xám ngồi đó chỉ để làm nhiệm vụ phát cho mỗi khách 1- 2 miếng giấy vệ sinh nhỏ. Ôi "cung đình" mà không có giấy vệ sinh! Hình thức trình diễn thì xôm tụ, nhưng nhu cầu căn bản thì không được đáp ứng.

Chuyện toilet quan trọng và mang tính toàn cầu đến mức thế giới cũng đã có Tổ chức nhà cầu quốc tế (World Toilet Organization). Thành lập năm 2001, World Toilet Organization là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu dành riêng cho việc cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường trên toàn thế giới. Tháng 7-2013, LHQ đã đồng ý chọn ngày 19-11 hàng năm làm ngày Toilet Thế giới sau khi tổ chức này thông qua nghị quyết "Sanitation for All" (tạm dịch: Vệ sinh cho tất cả mọi người) của Singapore. Sáng kiến nhận được sự ủng hộ của 120 quốc gia thành viên.

Và cũng sẽ không quá khi nói rằng: muốn biết cung cách, nề nếp sinh hoạt, tính cách, thẩm mỹ, văn hóa của một chủ nhân, hay thậm chí là của một dân tộc, một quốc gia, đừng nhìn vào phòng khách hay chỗ ngồi ăn, hãy nhìn vào cái toilet trong nhà họ. Phó Thủ tướng Malaysia N. Razak đã bức xúc đến mức phải kêu gọi một cuộc "cách mạng toilet" trên toàn quốc. Ông tuyên bố: sự sạch đẹp của "chốn riêng tư" này là thước đo cho sự văn minh của một quốc gia.

Phượng Vũ

Bình luận
vtcnews.vn