Tâm sự 3 thanh niên mang án hiếp dâm trước phiên xử

Pháp luậtThứ Năm, 03/06/2010 01:51:00 +07:00

Ở làng quê nghèo cách đây 10 năm, cái án hiếp dâm quả là nặng nề. Bố mẹ tôi không dám ra đường, em gái phải bỏ học dở chừng vì xấu hổ. Đó là cái giá quá đắt...

"Chúng tôi đã trải qua nhiều tủi nhục, đắng cay, người thân chịu bao điều tiếng ác nghiệt. Mong phiên tòa này sớm trả lại danh dự", anh Lợi tâm sự về phiên giám đốc thẩm sẽ mở ngày mai (4/6).

Lợi, Kiên, Tình (từ trái qua phải) chia sẻ về những trăn trở trước giờ phán quyết. Ảnh: Anh Thư. 

4 tháng kể từ ngày được trả "tự do", 3 thanh niên mang án hiếp dâm, cướp tài sản: Nguyễn Đình Kiên (Lợi), Nguyễn Đình Kiên và Nguyễn Đình Tình, ở Hà Đông, Hà Nội đang hồi hộp chờ phán quyết của phiên giám đốc thẩm, mong được tuyên vô tội sau gần 10 năm ngồi tù và liên tục kêu oan.

"Ở làng quê nghèo cách đây 10 năm, cái án hiếp dâm quả là nặng nề. Bố mẹ tôi không dám ra đường, em gái phải bỏ học dở chừng vì xấu hổ. Đó là cái giá quá đắt mà họ đã phải gánh chịu”, Lợi buồn bã nói.

Khi đó, từ tố cáo của cô gái trong đêm khuya bị một nhóm thanh niên cướp tài sản và hãm hiếp, Tình, Kiên, Lợi bị xác định là thủ phạm và lần lượt bị bắt. Qua 2 phiên xét xử, tòa án tuyên phạt 3 người án tổng cộng 41 năm tù.

Bên chén trà nóng quây quần cùng hai người bạn cùng cảnh ngộ, Lợi nuối tiếc về tình yêu, sự nghiệp đã bị "lấy đi" trong những năm tháng ngồi tù. Lợi bảo, trước khi "tai họa giáng xuống", anh là chủ cửa hàng sửa chữa xe máy khá đông khách ở trong vùng. Anh cũng có tình yêu đẹp với cô gái cùng xã. Hai người chỉ chờ ngày được nên duyên vợ chồng. Nhưng "định mệnh" đã khiến cuộc đời anh lỡ dở. Người yêu Lợi sau 7 năm đằng đẵng chờ tin trong vô vọng, cuối cùng đành theo chồng xa xứ.

Ngồi bên cạnh, Kiên cũng không giấu được nỗi buồn trong ánh mắt. Trước khi bị bắt, Kiên đang trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự. 10 ngày nghỉ phép như những ngày oan nghiệt khiến cuộc đời như đóng sập trước mắt anh.

Suốt câu chuyện, Tình hầu như im lặng, đôi mắt anh vương vấn nỗi buồn. Suốt những đêm dài trong chốn lao tù, đã có lúc Tình muốn tìm đến cái chết. Nhưng chàng thanh niên này nhận ra rằng cần tiếp tục sống, kể cả chấp nhận hình phạt 14 năm tù để còn kêu oan.

"Nếu tôi nhận tội, tôi sẽ được giảm án. Nhưng tôi không thể nhận những gì mình không làm. Tôi thà ở tù để còn đi tìm công lý", Tình nói.

Tình, Kiên, Lợi và ân nhân là bà Phạm Thị Hồng (nữ lương y đã tham gia cùng họ trong hành trình kêu oan). Ảnh: Anh Thư 

Gần 10 năm trong tù, họ không nhớ đã gửi bao nhiều đơn thư kêu oan... Rồi niềm vui cũng đến khi một ngày bất ngờ 3 người mang án tù này nhận được kháng nghị của VKSND Tối cao đề nghị TAND Tối cao mở phiên giám đốc thẩm tuyên 3 thanh niên không phạm tội vì nhận thấy có nhiều lỗi vi phạm thủ tục tố tụng.

Trong giây phút ấy, Tình không nhảy cẫng lên reo hò để thể hiện niềm vui sướng như các bạn. "Tôi vẫn biết rằng, cuối cùng sẽ có ngày này. Nhưng chúng tôi đã phải chờ đợi dài quá...", Tình bỏ dở câu nói, đôi mắt ầng ậng nước.

Dù không biết phán quyết phiên giám đốc thẩm của TAND Tối cao ngày 4/6 sẽ như thế nào, nhưng họ đều tin oan ức nào rồi cũng có ngày được "giải".

Những ngày này, 3 thanh niên đang dần hòa nhập với cuộc sống đời thường. Họ cũng nhận được sự chia sẻ của nhiều người. Cuối tháng 5, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp thanh niên VN Nguyễn Mạnh Cường đã đến tận nhà thăm hỏi, động viên Tình, Lợi và Kiên. Ông hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tìm việc làm, giúp 3 người sớm hòa nhập và ổn định cuộc sống.

“Gần 10 năm bị cách ly xã hội, để hòa nhập trở lại đối với chúng tôi không phải là điều dễ dàng, nhất là đã ở lứa tuổi 30. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để tìm lại những gì đã lỡ dở trong nhiều năm qua”, Tình chia sẻ, ánh mắt anh ngập tràn hy vọng.

Luật sư Trương Anh Tú ( người bảo vệ miễn phí quyền và lợi ích hợp pháp cho 3 thanh niên) cho biết, nếu quyết định giám đốc thẩm tuyên 3 người không phạm tội, ông sẽ tiến hành các thủ tục yêu cầu bồi thường theo quy định tại Luật trách nhiệm Bồi thường của nhà nước.

Luật sư sẽ thay mặt người bị oan sai lập hồ sơ yêu cầu bồi thường, thương lượng, trao đổi với một hội đồng (được lập ra để giải quyết bồi thường) của TAND Tối cao về mức bồi thường, cơ chế bồi thường…

"Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ đề nghị xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại. Nếu việc thương lượng bồi thường thất bại thì có thể sẽ khởi kiện ra tòa", ông Tú cho hay.


Theo VnExpress

Bình luận
vtcnews.vn