Tâm lý NTD bất ổn khiến hàng hóa “sốt ảo” cuối năm?

Kinh tếThứ Hai, 20/12/2010 01:11:00 +07:00

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tâm lý người tiêu dùng vẫn là yếu tố gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trên thị trường.

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, tâm lý người tiêu dùng vẫn là yếu tố gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trên thị trường. Khi tâm lý NTD bất ổn, thì  dù sản xuất đủ nguồn hàng nhưng nhiều sản phẩm vẫn lên cơn “sốt ảo”. Người bán vì vậy cũng tìm được vô số lý do tăng giá bán.

Dầu ăn là mặt hàng tăng giá mạnh trong thời gian gần đây (ảnh minh họa) 
Đúng như dự báo của các chuyên gia, những ngày cuối năm này, giá cả nhiều loại hàng hóa tiếp tục tăng, trong đó tác động nhiều nhất đến người tiêu dùng là nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Mặt hàng có mức tăng giá đáng kể nhất là dầu ăn. Hai nhãn hiệu nổi tiếng       Neptune và Simply vừa điều chỉnh tăng giá lần nữa, thêm hơn 1.000 đồng/chai 1 lít, giá bán lẻ trên thị trường ở mức 39.000-40.000 đồng/chai 1 lít. Thực tế cho thấy, tại siêu thị BigC Thăng Long, khu vực trưng bày mặt hàng dầu ăn nhiều lúc bị trống hàng. Khách hàng khó tìm được chai dầu ăn loại nhỏ mà thường phải mua can 5 lít. Dầu ăn Meizan và Tường An cũng tăng thêm từ 2.000-5.000 đồng/chai 1 lít. Một chuyên gia kinh tế cho biết, 90% nguyên liệu để sản xuất dầu ăn trong nước các doanh nghiệp phải nhập khẩu.

Đây có thể là lý do khiến dầu ăn dẫn đầu về tăng giá trong thời gian qua bởi tác động của việc tăng giá nguồn nguyên liệu nhập khẩu trên thế giới, đồng thời do tỷ giá VND/USD tăng mạnh khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng.


Các mặt hàng khác như: đỗ xanh loại ngon tăng thêm 4.000-5.000 đồng/kg, lên mức 50.000 đồng/kg so với trước đó. Ở một số siêu thị, gạo nếp cái hoa vàng ngon giá 28.000 đồng/kg, dầu ăn Simply được bán với giá 41.500 đồng/chai 1 lít; đỗ xanh bóc vỏ cũng được bán với giá trung bình 57.000-58.000 đồng/kg.

 Tại buổi làm việc với Sở Công Thương Hà Nội, đại diện các siêu thị đã cam kết không tăng giá bán một số mặt hàng là lương thực, thực phẩm đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng này cao hơn so với giá tại thị trường tự do bởi đã bao gồm thuế và xuất xứ, chất lượng hàng hóa đảm bảo hơn.

Thời điểm hiện tại, giá một số thực phẩm tại các chợ dân sinh lại có mức giá bán tương đương với mức giá hồi đầu tháng 12 (tăng cao hơn so với tháng 11). Thịt lợn ba chỉ có giá 59.000 đồng/kg, thịt chân giò giá từ 68.000-70.000 đồng/kg, sườn lợn cũng được bán với mức giá tương tự; gà ta 85.000 đồng/kg làm sạch; trứng gà ta 25.000 đồng/10 quả. Với mặt hàng đường trắng, giá bán trên thị trường phổ biến ở mức 19.000-22.000 đồng/kg. Riêng tại siêu thị Co.op mart Hà Nội giá bán là 18.000 đồng/kg, thấp hơn mức giá trên thị trường. Bên cạnh các mặt hàng trên, giá rau xanh và hoa quả cũng tăng so với trước đây.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh tác động của tình hình kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, cầu tăng, giá vàng và USD biến động mạnh thì lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng làm tăng giá đầu vào của các doanh nghiệp. Do vậy, giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng cũng nhích lên.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, tâm lý người tiêu dùng vẫn là yếu tố gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trên thị trường. Cụ thể như với mặt hàng dầu ăn, khi thấy bà nội trợ này “tay xách nách mang” can lớn can bé dầu ăn về tích trữ, sợ tăng giá, người nội trợ khác sẽ làm theo như vậy. Vậy nên dù sản xuất đủ nguồn hàng nhưng nhiều sản phẩm vẫn lên cơn “sốt ảo”. Người bán vì vậy cũng tìm được vô số lý do tăng giá bán.

Theo ông Phú, việc cần làm lúc này là quản lý thị trường thật tốt, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng. Các chuyên gia về thị trường cũng nhận định, từ giờ đến cuối năm, giá cả một số mặt hàng vẫn trên đà tăng nhưng không có tăng đột biến. Bởi vậy, nếu các biện pháp kiềm chế tăng giá của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương được thực hiện quyết liệt, giá cả hàng hóa sẽ dần ổn định.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô trong dịp cuối năm, Hà Nội đã chuẩn bị khoảng 4.500 tấn/tháng thủy, hải sản tươi và đông lạnh; 3,1 triệu lít dầu ăn/tháng và khoảng 3.000 tấn đường/tháng. Một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm và bánh kẹo, nước giải khát… cũng được chuẩn bị để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn từ 20-22% so với các tháng khác trong năm. Nguồn cung hàng hóa đảm bảo để không xảy ra tình trạng “cháy hàng”, “sốt giá”.


Theo An ninh thủ đô

Bình luận
vtcnews.vn