Tại sao Nhật Bản?

Tổng hợpThứ Hai, 26/03/2012 03:18:00 +07:00

Tiếp xúc với những con người cụ thể như thế, tôi hiểu thêm một chút tại sao Nhật bản có thể vươn dậy đĩnh đạc và thần kỳ.

Vì lý do công việc, tôi có thêm cơ hội tiếp xúc với nhiều người Nhật đến từ những miền khác nhau trên đất nước Nhật bản. Họ không biết nhau, công việc khác nhau, tuổi tác khác nhau nhưng có chung một đặc điểm là: nỗ lực vươn lên đúng nghĩa. Tiếp xúc với những con người cụ thể như thế, tôi hiểu thêm một chút tại sao Nhật bản có thể vươn dậy đĩnh đạc và thần kỳ.

 

 

Bác sỹ Nha khoa Mastumoto:

Ông có lịch làm việc không ngơi nghỉ. Mỗi ngày ông làm việc ở Văn phòng nha khoa từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối. Sau bữa ăn tối, nghỉ ngơi đôi chút, ông đọc các tin tức, tài liệu về nha khoa thế giới và của Nhật, soạn các bài giảng cho các sinh viên nha khoa, các bài báo cáo chuyên môn. Ông thường đi ngủ vào tầm 1 giờ sáng. Từ thứ Hai đến thứ 5, ông làm việc ở Văn phòng nha khoa của chính mình ở Tỉnh Shizuoka (cách Tokyo chừng 200km). Thứ 6 ông đến làm việc ở khoa Răng-Hàm-Mặt ở một bệnh viện tại Tokyo hoặc đi thăm, khám bệnh ở các văn phòng nha sỹ đồng nghiệp. Thứ 7 và Chủ Nhật ông đi nói chuyện về chuyện môn, giảng bài ở đây đó trên khắp Nhật Bản, hoặc tham gia các buổi họp, thảo luận về chuyên môn của Hiệp hội nha khoa, đi gặp gỡ trao đổi với các đồng nghiệp ở Nhật. Hàng năm, ông tham gia các hội thảo chuyên môn quốc tế ở nước ngoài để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn và mở rộng quan hệ với đồng nghiệp quốc tế. Bận rộn vậy, nhưng ông vẫn dành thời gian từ 8 giờ đến 8:45 trước giờ làm việc để học tiếng Anh nhằm tiến tới có thể giao tiếp với đồng nghiệp ngoại quốc, tự mình viết báo cáo bằng tiếng Anh. Không ai yêu cầu ông làm việc đó cả, chỉ tự ông nhận thức là ông cần trang bị tiếng Anh thì ông tự mình tìm cách thu xếp để học thôi, và cũng không lạm dụng vai trò người chủ của mình để học trong giờ làm việc mà muốn học thì tới văn phòng sớm hơn để học trước giờ làm việc.

Có lần không nén nổi kinh ngạc trước tinh thần làm việc chăm chỉ như vậy tôi hỏi ông: “Tôi xin lỗi bác sỹ, nhưng trong cuộc sống của ông, điều gì là quan trọng nhất?”, ông trả lời: “Công việc, tôi yêu công việc của mình”, tôi vẫn băn khoăn: “Nhưng, tôi không hiểu tại sao ông có đủ sức lực để làm ngần ấy việc?”, ông trả lời: “Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, tôi tập thể dục 30 phút”. Với những gì tận mắt tôi chứng kiến thì ông luôn cập nhật những thông tin mới nhất về nha khoa trên thế giới, tìm cách áp dụng vào Nhật bản sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của người Nhật. Ông và các đồng nghiệp luôn trao đổi cho nhau những kinh nghiệm chuyên môn, làm sao cho tốt hơn, hay hơn. Hiệp hội Nha Sỹ hoạt động thực sự như vậy, chứ không phải chỉ lập nên cho vui về hình thức. Trong hiệp hội đó người ta chia thành nhóm, có các trưởng nhóm và thành viên, thường xuyên hội họp với nhau để cùng giải quyết những vấn đề chuyên môn.Thỉnh thoảng khi có vấn đề chuyên môn gấp gáp, ông và các đồng nghiệp trong vùng có thể tổ chức tọa đàm ở ngay văn phòng của ông hay của họ. Ông bà Bác sỹ không có con, vợ ông ở tuổi 50 đang ráo riết ôn thi vào đại học năm nay. Họ sẽ chuyển tới Tokyo sống trong thời gian bà bác sỹ theo học đại học và bác sỹ Matsumoto mỗi ngày phải di chuyển xa hơn tới nơi làm việc (trước đây ông chỉ cần 20 phút từ nhà tới văn phòng giờ đây ông phải đi mất chừng một tiếng rưỡi). Dù vất vả vậy nhưng ông vẫn duy trì việc học tiếng Anh chuyên cần cho dù đôi khi vào lớp mà vẫn buồn ngủ, mắt nhắm mắt mở. Mục tiêu của ông năm nay là có thể tự mình viết được báo bằng tiếng Anh.

 

 

Bác sỹ Tim mạch Honda:

Bác sỹ trẻ ra trường được 6 năm, anh làm việc tại một bệnh viên đa khoa địa phương. Anh đã có bài đăng trên tạp chí Tim mạch nổi tiếng thế giới. Để viết bài báo đó, anh mất hai năm vì bài viết là những kinh nghiệm thực tế cũng cần thời gian để đánh giá và nêu lên những vấn đề chuyên môn, vừa chuẩn bị bằng tiếng Anh và việc duyệt bài của Tạp chí đó rất nghiêm ngặt (hình như tỉ lệ 15% số bài được chấp nhận mà thôi). Hai năm nay anh lại viết tiếp bài báo khác, anh dự tính tháng 5 tới sẽ hoàn thành và gửi đến tạp chí đó. Những bài báo là những kinh nghiệm, ý tưởng của anh chia sẻ với các đồng nghiệp thế giới. Anh muốn học thêm tiếng Anh để có thể tự mình tiếp cận tốt hơn những thông tin mới mẻ về chuyên môn và giao tiếp thoải mái với đồng nghiệp nước ngoài trong những hội thảo khoa học tổ chức ở trong hay ngoài nước. Thời gian bận rộn của một bác sỹ có thể cho phép anh học từ 23 giờ khuya! Vào những ngày học, anh yêu cầu người yêu không gọi điện thoại để anh được tập trung học hành. Là một bác sỹ, anh cũng quan tâm đến hệ thống y tế ở các nước khác, có lần tôi kể là ở Việt Nam có tình trạng 3 hay 4 bệnh nhân nằm cùng một giường bệnh, đôi mắt bác sỹ trợn tròn: “Sao lại có thể như thế, Chính phủ của cô đã không đúng rồi, một đất nước mạnh mẽ phải là một đất nước chăm lo sức khỏe thật tốt cho người dân, bởi vì sức khỏe của người dân là nền tảng cho việc xây dựng và phát triển đất nước, không có những người dân khỏe mạnh thì không có một đất nước khỏe mạnh!”.

 

 

Ông Sasaki:

Là trưởng phòng chuyên môn trong một công ty đa quốc gia, dù công việc hàng ngày không liên quan đến người nước ngoài, nhưng thỉnh thoảng ông có các cuộc họp hay các email trao đổi với các đồng nghiệp ở nước ngoài. Ông quyết định học tiếng Anh để có thể tự giao dịch. Là một ông bố ba con bận rộn, nhưng vẫn cố dành thời gian để học từ 21:30 vào một ngày nào đó trong tuần và thứ Bảy sau khi đã cố dành thời gian tham gia các hoạt động gia đình vì ngày thường ông trở về nhà rất muộn, lắm khi còn mang việc về nhà làm, không có thời gian chơi với con. Ông Sasaki là một người đàn ông “thế hệ mới”: buổi sáng trước khi đi làm còn cố gắng chia sẻ việc nhà với vợ, đi làm bằng xe đạp để tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, buổi tối đi làm về muộn nhưng vẫn cố thu xếp học tiếng Anh ít nhất một buổi vào giữa tuần, bởi vậy đôi khi đạp xe từ công ty về nhà, không kịp ăn uống là ngồi vào bàn học luôn. Năm ngoái ông đã thi kỳ thi bổ nhiệm trưởng phòng, ông đã đạt kết quả tốt và trở thành trưởng phòng. Chức vụ mới có nghĩa là thêm bao nhiêu công việc, nhưng vẫn không bỏ việc học thêm ngoại ngữ.

 

 

Cô kỹ sư Ishiyama:

Là một người làm việc trong công ty lớn về dược phẩm, công việc của cô không đòi hỏi phải giao tiếp nhiều với người nước ngoài, nhưng cô muốn học tiếng Anh để có thể đọc cái tài liệu chuyên ngành quốc tế mới nhất nhằm bổ sung cho kiến thức của mình, làm việc tốt hơn, và cô muốn trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh với các đồng nghiệp trên thế giới. Không có nhiều thời gian rỗi, cô chỉ có thể học sau 20 giờ vào ngày cuối tuần hoặc sau 23:30 tối của một ngày nào đó trong tuần. Vào những ngày đó, cô vội vã trở về nhà sau giờ làm việc, không kịp ăn tối và bắt đầu bài học với giáo viên ở cách xa nửa vòng trái đất, chịu khó sửa từng tí một lỗi phát âm, ngữ pháp.

 

 

Anh Uchida:

Làm việc trong một công ty đa quốc gia ở miền Đông Nhật bản, anh viết tiếng Anh rất tốt vì hay phải giao dịch qua thư điện tử với bạn hàng nước ngoài, nhưng nghe và nói rất kém, bởi vậy đôi khi anh không thể hiểu được đối tác và đối tác không thể hiểu anh qua các giao dịch trên điện thoại. Cũng như những nhân viên công ty bận rộn khác, anh phải thu xếp học vào sáng sớm (7 giờ sáng) trước khi đi làm việc, hoặc thật muộn sau giờ làm việc. Để có thể cải thiện mang tính đột phá vốn tiếng Anh của mình, anh quyết định dành kỳ nghỉ 3 tuần năm ngoái để tham gia một khóa học tiếng Anh ở nước ngoài. Người Nhật làm việc chuyên cần, không mấy khi được nghỉ dài ngày như vậy, nhưng thay cho đi chơi, thư giãn anh đã chọn việc học. Công ty tôi thu xếp cho anh tham gia khóa học đặc biệt: anh đến ở tại nhà một giáo viên người bản xứ ở Anh, anh phải nói tiếng Anh suốt cả thời gian ở đó và được hướng dẫn tham gia vào một xã hội nói tiếng Anh toàn phần. Sau khóa học, anh tự mình chu du một vài nước châu Âu khác và khi trở về tôi đã ngạc nhiên quá đỗi vì anh trở nên tự tin và nói rất nhiều, nói tốt tiếng Anh. Anh phấn khởi: Bạn à, đợt rồi tôi đi công tác Indonesia, tôi nói chuyện bằng tiếng Anh với đối tác, chúng tôi hiểu nhau dễ dàng hơn”. Thỉnh thoảng tôi lại có dịp nói chuyện với anh, nhìn thấy sự tự tin, bình tĩnh “bắn” tiếng Anh như máy. Tôi nghĩ những nỗ lực của anh đã được đền đáp. Anh rất vui vì giờ đây khi nói chuyện điện thoại, họp qua mạng với đối tác nước ngoài, hiếm khi có sự hiểu nhầm hay cảm giác lo lắng nữa, công việc dường như tốt hơn. Dẫu vậy thì anh vẫn tiếp tục kiên trì học vì vẫn chưa hài lòng với chính mình.

Có nhiều người Nhật như họ, âm thầm tự tìm cách thích hợp để  bồi đắp kiến thức cho mình để hiểu biết hơn, để làm việc tốt hơn. Tôi nghĩ đất nước khan hiếm tài nguyên, vươn dậy sau đống tro tàn đổ nát của chiến tranh rồi mới đây là động đất, sóng thần khủng khiếp là nhờ những nỗ lực của từng cá nhân vậy. Họ học chỉ vì tự bản thân mình muốn học hỏi thêm, muốn cải thiện năng lực bản thân – tôi nghĩ đó là sự tự trọng và kiêu hãnh của mỗi cá nhân. Đôi khi nhìn những cặp mắt ngái ngủ, khuôn mặt mệt mỏi của họ khi vào lớp, mà chạnh lòng nghĩ về một thực trạng ở nước mình: vì trục lợi, vì nhu cầu tiến thân nhanh chóng mà một số người ở nước ta lợi dụng bệnh chuộng bằng cấp và sự dễ dãi trong quản lý để “nháo nhào” mua bằng cấp, khai man lý lịch, nhờ người học thuê, sao chép luận án…vv và vv… Thiết nghĩ hình ảnh những người Nhật cần cù liên tưởng đến sự khai mở, dựng xây từng chút một nhưng chắc chắn và hình ảnh những kẻ phởn phơ không học mà muốn có bằng vì danh lợi nhanh chóng như là sự tàn lụi, sự phá hủy những giá trị đạo đức và nhân cách không chỉ với cá nhân họ mà còn là một thứ dịch bệnh làm suy yếu xã hội.

Xin cảm ơn những người Nhật đẹp đẽ đó vì thực tế chính họ mới là người dạy cho chúng ta những bài học về nghị lực sống, nỗ lực vươn lên. Chính họ đã truyền cho tôi niềm tin và sức mạnh mỗi khi va vấp trên những nẻo đường đời.


Hà Linh


Bình luận
vtcnews.vn