Tại sao lại cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp?

Đời sốngThứ Tư, 18/01/2017 12:22:00 +07:00

Chuyên gia văn hóa giải thích tại sao lại phải cúng Táo quân vào đúng ngày 23 tháng Chạp.

Theo nghiên cứu của ông Trường Thịnh - nguyên cán bộ Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, xuất phát từ quan niệm dân gian của ta “trần sao âm vậy” nên dân ta thường làm lễ cúng tổ tiên, ông bà và thần bếp vào ngày 23 tháng Chạp trước ngày giao thừa để sau khi báo cáo, thần bếp sẽ trở về tiếp tục cai quản công việc gia đình trong năm mới.

bai-cung-khan-tet-ong-tao-23-thang-chap-theo-co-truyen-viet-nam1

Cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là phong tục truyền thống của người Việt. 

Theo ông Thịnh phân tích, ngày Âm lịch là theo Mặt trăng, ngày Dương lịch là theo Mặt trời. Mặt trời, Trái đất, Mặt trăng là 3 hành tinh có ảnh hưởng trực tiếp đến con người cũng như thời tiết. Trái đất quay quanh Mặt trời theo chiều ngược với chiều quay của kim đồng hồ, 1 vòng khép kín là hơn 365 ngày. Lấy đó làm lịch Dương – lịch theo Mặt trời.

Ba hành tinh Mặt trời – Mặt trăng – Trái đất có thời điểm sẽ ở trên một đường trục. Thời điểm đó trong ngày được tính từ giờ Tý đến giờ Hợi. Chệch thời điểm đó không phải là ngày đó nữa mà là ngày khác. Hơn nữa, hiện nay khoa học kỹ thuật cũng xác định được: Quỹ đạo và chu kỳ của Mặt trăng và Quả đất mà dự đoán chính xác về Nhật thực và Nguyệt thực.

Lịch âm tính theo sự chuyển động của Trái đất và Mặt trăng. Đó là ngày mà Trái đất và Mặt trăng ở quỹ đạo vô hình, lặp đi lặp lại… từ cổ xưa đến nay, không hề thay đổi. Từ xưa đến nay con người đã theo quy luật của “Quỹ đạo vô hình” này mà dự đoán được Nhật thực, Nguyệt thực, sao Chổi khi nào, ở đâu thì “thấy nó”…

Đến ngày mồng Một, hôm Rằm, ngày Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Bảy “xá tội vong nhân”, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo “chầu Trời”… đến ngày giỗ của người chết… Tháng sau – tháng trước, năm trước – năm sau… đến ngày đó thì Trái đất – Mặt trăng lặp lại.

Ngày 23 tháng Chạp theo cổ nhân là ngày “mở cổng trời” tức là thời điểm 3 hành tinh: Mặt trời – Mặt trăng – Trái đất ở trên một quỹ đạo nào đó. Vậy câu hỏi đặt ra là chệch ngày đó thì cổng Trời có mở không. Ông Công, ông Táo nhà nào lên chệch ngày, thì cổng trời đóng, chưa mở.

Vậy có vào được không? Không vào được thì sao tâu được với Ngọc Hoàng…? Điều này cũng tương tự như ở dương thế, giống như UBND phường chỉ cấp chứng nhận vào thứ 2, mà chủ nhật đã đến phường thì có được việc hay không? Vì vậy, theo ông Thịnh, nên cúng đúng ngày tại nhà mình là tốt nhất.

tha-ca-chep-tien-ong-cong-ong-tao-khong-the-tha-bua11454173138

Phóng sinh cá chép để ông Táo có phương tiện cưỡi về trời. 

Trong lễ cúng ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép. Trong truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, sau khi làm lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả, ngụ ý “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.

Sự tích Táo Quân

Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau: 

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. 

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. 

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. 

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. 

Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc: 

- Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân 

- Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần 

- Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

Video: Quang Thắng khoe giọng hát hậu trường Táo quân 2017

N.V (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn