Tại sao các đại gia điện máy muốn bán dược phẩm?

Kinh tếChủ Nhật, 22/10/2017 11:13:00 +07:00

Kinh nghiệm phát triển chuỗi cửa hàng sẽ là lợi thế của các đại gia điện máy trong một thị trường phân phối dược phẩm còn phân mảnh.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di động (mã CK: MWG) vừa đăng thông báo tuyển dụng dược sĩ phụ trách chuyên môn tại TP HCM trên trang thông tin việc làm ngành y tế. Động thái này được xem là bước đi tiếp theo của một phần trong kế hoạch mua bán sáp nhập (M&A) trị giá 2.500 tỷ đồng đã được ban lãnh đạo công ty thông qua trong phiên họp thường niên diễn ra hồi đầu năm. Theo đó, Thế giới Di động dự kiến sẽ thử nghiệm chuỗi cửa hàng bán dược phẩm.

Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã CK: DGW) mới đây cũng bổ sung ngành nghề kinh doanh mới là chăm sóc sức khỏe, bên cạnh lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ hiện có. Công ty đã thực hiện phân phối sản phẩm đầu tiên là thực phẩm chức năng và dự kiến sẽ kinh doanh thêm dược phẩm, mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, thực phẩm bổ sung cho nam giới và trẻ em.

​Một đại gia khác trong ngành là FPT Retail cũng từng hé lộ việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ khác. Người đứng đầu đơn vị này từng cho biết dược phẩm có thể sẽ là một trong những lĩnh vực tiềm năng mà FPT Retail có thể nghĩ tới. 

1-5901-1508318841-3086-1508460515

 Thế Giới Di động vừa đăng thông báo tuyển dụng dược sĩ phụ trách chuyên môn tại TP HCM, bước đi tiếp theo cho việc tham gia vào lĩnh vực phân phối dược phẩm.

Trong một thị trường phân phối điện máy cạnh tranh ngày càng gay gắt và có dấu hiệu bão hòa, động thái này của các doanh nghiệp phân phối được các chuyên gia nhìn nhận là bước đi mới trong việc tìm kiếm động lực tăng trưởng. Với thị trường phân phối dược phẩm còn phân mảnh, kinh nghiệm phát triển chuỗi hệ thống sẽ là lợi thế quan trọng cho những doanh nghiệp này tấn công thị trường, dù tham vọng định hình lại thị trường sẽ còn nhiều thách thức.

Trong ba kênh phân phối dược phẩm chính hiện tại là bệnh viện, nhà thuốc và phòng mạch tư nhân thì nhà thuốc đơn lẻ vẫn chiếm ưu thế nhất với khoảng 70% lượng thuốc phân phối.

Dù vậy, theo đánh giá của một số chuyên gia, thị trường phân phối dược phẩm hiện còn rất sơ khai. Theo thống kê gần đây, quy mô thị trường nằm trong tay những hệ thống phân phối có thương hiệu chỉ chiếm chưa tới 5% thị phần toàn thị trường, chủ yếu phần còn lại nằm trong tay của nhóm nhà thuốc tư nhân. 

"Thị trường dược phẩm bây giờ tương tự như thị trường điện máy cách đây 10 năm, thiếu những thương hiệu có khả năng định vị lại thị trường", một chuyên gia trong ngành đánh giá.

Trên thị trường phân phối, những chuỗi bán lẻ dược phẩm đình đám như Phano Pharmacy, Pharmacity, Phúc An Khang, Sapharco, Vistar, hay Mỹ Châu vẫn chưa có đơn vị nào sở hữu tới 100 nhà thuốc. Trong khi đó, hầu hết những đơn vị này đều tập trung tại thị trường phía Nam và TP HCM, những thị trường còn lại gần như vẫn bỏ ngỏ.

Một phép toán so sánh đơn giản để thấy được sự chênh lệch giữa các chuỗi dược phẩm và điện máy hiện tại là Thế giới Di động đang vận hành 1.669 siêu thị tính tới cuối tháng 8/2017 với quy mô vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng, trong khi đơn vị đứng đầu thị trường bán lẻ dược phẩm là Phano Pharmacy hiện có vốn điều lệ 120 tỷ đồng với gần 70 nhà thuốc.

So với những đơn vị này, về mặt chuyên môn và kinh nghiệm trong thị trường, Thế giới Di động, FPT Retail, hay Digiworld gần như bắt đầu từ con số 0. Tuy nhiên, đây là những điều kiện có thể bù đắp được bẳng những nhân sự có kinh nghiệm tuyển dụng mới. Thay vào đó, những đại gia điện máy này lại có trong tay khả năng phát triển và kinh nghiệm quản lý hệ thống với quy mô lớn.

Một lý do khác để các đại gia điện máy nhòm ngó thị trường phân phối dược phẩm là tốc độ tăng trưởng cao đột biến của thị trường trong những năm gần đây, đi cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và gia tăng thu nhập bình quân đầu người.

Theo số liệu từ Business Monitor International (BMI) trong báo cáo về ngành dược và chăm sóc sức khỏe Việt Nam, quy mô thị trường ước tính đạt doanh số 4,7 tỷ USD năm 2016, tăng trưởng 13% so với năm trước đó và sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong 5 năm tiếp theo. Trong đó, doanh số bán lẻ dược phẩm chiếm một phần ba về giá trị, tương đương 1,56 tỷ USD.

IMS Health từng dự báo tích cực về tốc độ tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp dược Việt Nam, khi xếp Việt Nam đứng thứ hai trong nhóm các quốc gia mới nổi sau Argentina, cao hơn cả Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

Khác với các sản phẩm tiêu dùng thông thường có thể tìm đến qua nhiều kênh bán hàng khác nhau, người tiêu dùng với các sản phẩm dược có xu hướng tìm đến những kênh phân phối là nhà thuốc hay cơ sở y tế để mua hàng. Trong một thị trường còn chưa phát triển, đây là cơ hội cho những đơn vị có khả năng phát triển hệ thống.

Video: Siêu thị điện máy bốc cháy dữ dội, cả khu dân cư náo loạn

Tuy nhiên, dù có lợi thế về quản lý, nhưng việc tham gia một thị trường mới cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, cho dù đó là những công ty với quy mô lớn như Thế giới Di động, FPT Retail hay Digiworld. Miếng bánh hàng tỷ USD vẫn bỏ ngỏ không phải không có lý do.

Hầu hết chuỗi phân phối dược phẩm có thể nằm trong tầm ngắm của các đại gia điện máy hiện đều có quy mô khá nhỏ. Việc thâu tóm những đơn vị này có thể là bàn đạp để gia nhập thị trường, nhưng nếu muốn trở thành người đứng đầu và định hình lại thị trường, việc “đốt tiền” để mở rộng là điều không thể tránh khỏi. Một trong những thách thức là khả năng mở rộng quy mô trên thị trường bán lẻ dược phẩm sẽ rất khác so với thị trường phân phối điện máy. 

Hiện nay các đơn vị phân phối dược phẩm có quy mô đều tuân thủ quy chuẩn GPP (thực hành tốt nhà thuốc). Tiêu chuẩn này yêu cầu luôn có dược sĩ trong suốt giờ mở cửa, bảo quản thuốc đúng chuẩn về nhiệt độ, diện tích, nguồn gốc thuốc minh bạch hay việc bán thuốc phải tuân thủ theo đơn của bác sĩ... Điều này sẽ làm gia tăng chi phí vận hành và mở rộng thị trường, thay vì việc mở những siêu thị điện máy với yêu cầu về nhân sự và các quy định thấp hơn.

Bên cạnh đó, phân phối dược phẩm cũng được đánh giá là lĩnh vực nhạy cảm, chịu rủi ro về mặt chính sách. Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ về chính sách bảo quản thuốc hay dự trữ hàng tồn cũng có thể khiến các chuỗi phân phối phải đổ tiền để thay đổi toàn bộ hệ thống. Chi phí cho quá trình này sẽ càng khuếch đại với những chuỗi có quy mô lớn.

Việc định hình lại một thị trường còn rời rạc với nhiều mối liên kết ngoài luồng giữa bệnh viện và nhà thuốc, đặc biệt tại các thành phố lớn cũng sẽ tồn tại nhiều rủi ro tiềm tàng và những "người mới" được cảnh báo có thể phải đối mặt với những rủi ro không giống như thị trường điện máy.

(Nguồn: Vnexpress)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn