Tài sản hơn 1 tỷ USD, tại sao ông Trịnh Văn Quyết không được Forbes vinh danh?

Kinh tếThứ Hai, 02/01/2017 14:34:00 +07:00

Trên sàn chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC - đang sở hữu khối tài sản lên tới hơn 33.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD) nhưng lại chưa có tên trong danh sách cập nhật các tỷ phú USD của Forbes.

Từ một luật sư ông Trịnh Văn Quyết rẽ ngang sang kinh doanh và đã “vẽ” nên câu chuyện hiếm thấy trong giới đầu tư bất động sản.

Với số vốn ban đầu chỉ khoảng 18 tỷ đồng, Tập đoàn FLC của ông Quyết hiện nay đã là “đại gia” với doanh thu vài ngàn tỷ đồng cùng lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2015 là 902,8 triệu đồng, năm 2014 là 355,8 triệu đồng…).

a2_ALDQ

  Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC Group vẫn chưa có tên trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.

Sự phát triển thần kỳ của Flc Group và gần đây là Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (ROS) đã khiến tổng tài sản của ông Trịnh Văn Quyết nở ra nhanh chóng.

Với 114,1 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại FLC (17,9%) ông Quyết có tài sản tương ứng 593,8 tỷ đồng; với 289,5 triệu cổ phần tại ROS (67,34%), ông Quyết có tài sản ước tính 33.212,4 tỷ đồng. Tính chung, tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết vào khoảng 33.806,2 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).

Tuy nhiên, cập nhật tại thời điểm ngày 2/1/2017, danh sách những tỷ phú USD Việt Nam của Forbes mới chỉ có duy nhất ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vin Group. Cụ thể, theo Forbes, ông Vượng đang đứng ở vị trí thứ 1.011 trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới với khối tài sản trị giá 1,8 tỉ USD.

Tại sao có tài sản ước tính tới 1,5 tỷ USD song ông Trịnh Văn Quyết lại chưa được Forbes vinh danh?

Trả lời Thanh Niên Online ngày 1/1, ông Đinh Thế Hiển- chuyên gia tài chính và đầu tư thuộc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng nguyên nhân do tại Việt Nam, công thức tính “người giàu” mới đơn thuần và máy móc là lấy vốn hóa nhân với giá cổ phiếu thành tiền, nhưng tổ chức nước ngoài thì đào xới số liệu trong một thời gian dài và dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau: từ tính thanh khoản của cổ phiếu, lịch sử thanh khoản của cổ phiếu, tính ổn định và bền vững của doanh nghiệp, nợ nần của doanh nghiệp…

“Giá của một cổ phiếu cao là một chuyện, mà việc chuyển cổ phiếu đó ra thành tiền là một chuyện khác. Có thể bán nhanh chóng khi cần hay không là tiêu chí hàng đầu đối với một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán”, Tiến sĩ Hiển nói với Thanh Niên Online.

Vì vậy, theo ông Đinh Thế Hiển với những cổ phiếu mới “chân ướt chân ráo” lên sàn, thì có thể các tổ chức nước ngoài vẫn chỉ đang quan sát.

Pham_Nhat_Vuong

Danh sách tỷ phú USD của Forbes hiện tại mới có một người Việt Nam được xướng tên là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vin Group. 

Trong suốt thời gian qua, con đường phát triển quá nhanh chóng của Tập đoàn FLC đã khiến nhiều người đặt câu hỏi. Những người trong cuộc, ông Trịnh Văn Quyết thì lại cho đó là bình thường.

Trong lần hiếm hoi xuất hiện trước báo giới, ông Quyết nói với Forbes Việt Nam: “Chúng tôi nghĩ mình không là gì ghê gớm cả, nhưng phải biết cách tồn tại và khi cơ hội đến, phải biết chớp lấy, ngay cả khi thị trường còn đang khó khăn, để vươn lên”.

Ông Quyết giải thích thành công của mình nhờ vào biết chọn đúng thời điểm đầu tư, tận dụng cơ hội mua các bất động sản thua lỗ phải bán giá thấp.

“Năm 2012, sau khi đầu tư, nhanh chóng thi công, hoàn thiện công trình FLC The Landmark Tower, nhìn thấy thị trường khó khăn, tôi quyết định dừng, không đầu tư, khởi công thêm một dự án nào nữa, chuyển qua kinh doanh, đầu tư các mảng khác, làm thủ tục, âm thầm tích lũy các dự án khác vào quỹ đất của mình, với giá hợp lý để chờ thời cơ khởi công khi thị trường có dấu hiệu phục hồi,” ông Quyết nói.

Những ngày cuối 2016, thị trường chứng khoán nóng lên với câu chuyện ai là người giàu nhất? Với động thái mua thêm 10 triệu cổ phiếu ROS của ông Trịnh Văn Quyết, ngôi vị “giàu nhất Việt Nam” bất ngờ trở thành cuộc đua của hai ông chủ Tập đoàn FLC và Vin Group.

Ngoài sức nóng đến từ cuộc đua giành ngôi vị số 1, top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam 2016 cũng chào đón nhiều gương mặt mới, như ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch NOvaland, ông Đỗ Hữu Hạ - Chủ tịch Hoàng Huy (HHS)…

Năm qua, nhiều cái tên vốn đã xuất hiện quen thuộc trên bảng xếp hạng tỷ phú sàn chứng khoán Việt cũng bất ngờ bị “bỏ lại phía sau”. Trong đó, đáng kể nhất là ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, Bà Nguyễn Hoàng Yến – Thành viên Tập đoàn Masan…

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn