Tài năng Việt chẳng lẽ lại tầm thường như Got Talent?

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 28/12/2011 06:06:00 +07:00

(VTC News) – Got Talent là phiên bản truyền hình thực tế được cho là hấp dẫn nhất thế giới hiện nay, nhưng khi nó đến Việt Nam đã gây thất vọng tràn trề.

(VTC News) – Got Talent là phiên bản truyền hình thực tế được cho là hấp dẫn nhất thế giới hiện nay, nhất là sau khi phát hiện ra Susan Boyle. Nhưng khi nó đến Việt Nam từ hai tập đầu phát sóng đã gây thất vọng tràn trề với những tài năng “có hạn”, và nói không quá thì chẳng xứng đáng để tìm kiếm. Tại phiên bản Việt không hay hay tại tài năng Việt chỉ tầm thường đến thế?

Got Talent là một format truyền hình do Simon Cowel sáng tạo. Được sản xuất ở Anh đầu tiên với dẫn chương trình là Paul O’Grady nhưng phiên bản đầu tiên của Got Talent lại ra mắt và lên sóng tại Mỹ với tên gọi American’s Got Talent vào tháng 6/2006.

Ngay sau khi phát sóng American’s Got Talent trở thành chương trình truyền hình giải trí số 1 của đài NBC. Với sức hút của một chương trình truyền hình thực tế, format Got Talent được bán chạy một cách đáng ngạc nhiên tại hơn 50 quốc gia, được phát sóng toàn cầu và trở thành một trong những format truyền hình được sản xuất nhiều nhất trên thế giới.

Không khó tìm những trò "mãi võ bán thuốc" này ở ngoài đường. Liệu đây có phải là tài năng đáng để đi tìm của Vietnam's Got Talent? 

Năm 2009, phiên bản Got Talent tại Anh đã tạo nên một “hiện tượng” Susan Boyle trên toàn cầu – một quý cô đã qua tuổi ngũ tuần, không được một vẻ ngoài ưa nhìn, nhưng lại mang một giọng hát trời phú của một thiên tài âm nhạc.

Không chỉ nổi tiếng dựa vào hiện tượng Susan Boyle, Got Talent ở những phiên bản khác cũng có những tài năng xuất chúng, so với tiêu chí tìm kiếm của cuộc thi, như: Anna Graceman (phiên bản Mỹ), Ronan Parke trong Á quân và David Knight – (phiên bản Anh năm 2011), “Susan Boyle” của Hàn Quốc Choi Sung Bon (phiên bản Hàn năm 2011),… Và cũng chính vì tìm kiếm được những tài năng “bất ngờ” mà phiên bản Got Talent ở mỗi nước đều thành công.

Nhưng ở phiên bản Việt liệu có thể thu hút được người xem với những tài năng đang được phát lộ qua hai tập đầu phát trên sóng truyền hình? Câu trả lời có lẽ phần nhiều là… rất khó thuyết phục. Bởi những tài năng được “chỉ tên điểm mặt” (vào vòng tiếp theo) của vòng loại phía sân khấu Bắc đã gây thất vọng cho những người theo dõi chương trình thực tế hấp dẫn này.

Ở vòng loại sân khấu miền Bắc, Vietnam’s Got Talent đã cố gắng lựa chọn trình chiếu những màn trình diễn với nhiều màu sắc khác nhau, từ ca hát, diễn kịch, trình diễn võ thuật, chơi nhạc cụ… nhưng do thực tế những tài năng được lọt qua vòng sơ loại quá tầm thường nên những tiết mục họ mang đến vòng loại sân khấu khiến người xem khó có đủ kiên nhẫn để theo dõi hết chương trình.

Với phần hát khá phô và phần nhảy cũng ở mức tạm chấp nhận, khó có thể nói Hoàng Anh là một tài năng. 

Dễ dàng nhận thấy, cái hay, cái hấp dẫn ở Got Talent trong các phiên bản là ở một chương trình thực tế, người ta được xem tất cả những tài năng ở mọi lĩnh vực từ: ca hát, nhảy múa, võ thuật, xiếc, cho đến những trò quái gở lạ kỳ, rùng rợn.

Và cũng theo hướng đó, Vietnam’ Got Talent đã chọn lựa vào vòng loại sân khấu đủ những màu sắc trên. Tiếc là màu sắc thì nhiều nhưng sự hấp dẫn trong các tiết mục mà các thí sinh đem lại lại khiến người xem ngao ngán vì chúng chẳng hơn gì mấy tiết mục tạp kỹ trong các hội chợ ở những vùng nông thôn hay ngoại ô.

Điển hình cho sự “tầm thường” về tài năng của Vietnam’s Got Talent là màn múa võ trên nền nhạc Nobody của thí sinh Nguyễn Văn Thịnh (hiện đang là công an), hay tiết mục mang nặng màu sắc “mĩ võ bán thuốc” của thí sinh Lê Nhật Anh, tiết mục chơi nhạc cụ của dàn nhạc làng Then, kĩ năng tâng bóng của Nông Văn Thịnh, màn múa Ai Cập của Lê Vũ Thuỳ Dương.

Hay cả màn được cho là hấp dẫn nhất đêm thi (hôm 25/12) của Nguyễn Hoàng Anh 8 tuổi (hát Chú ếch con với vũ đạo Michael Jackson). Chỉ xin nói ở tiết mục nổi bật nhất đêm thi của Hoàng Anh, với cùng độ tuổi thì Hoàng Anh quá kém so với các thí sinh nhỏ tuổi trong các phiên bản khác như: Anna Graceman (phiên bản Mỹ), Ronan Parke trong Á quân và David Knight – (phiên bản Anh năm 2011).

Ở tiết mục của Hoàng Anh, người xem chỉ thấy thoả mãn và vui vẻ trong chốc lát về sự nhỉ nhảnh và tự nhiên của cậu bé chứ khó ai dám nói việc nhảy và nhất là phần hát vô cùng phô của cậu là tài năng đáng phải chú ý.

Câu chuyện về số phận của Vũ Khánh Vân khiến người ta dễ trân trọng tài năng của cô hơn. Nhưng thí sinh này không có được một giọng hát khiến người nghe phải sửng sốt kiểu Susan Boyle 

Một
 tiết mục cũng được cho là hay nhất đêm thi với phần kết hợp giữa hát và thổi kèn harmonica của Phạm Hải Đăng cũng chỉ là “so bó đũa chọn cột cờ”. Bởi hát và thổi nhạc như thế, không thiếu ngoài đường. Thậm chí những gánh hát rong còn thuyết phục người nghe hơn với độ ngọt của giọng hát và sự nhuần nhuyễn của giai điệu kèn.

Điểm qua những phần trình diễn xuất sắc trên đã thấy chúng chẳng đáng được “xếp vào loại tài năng” chứ đừng nói là các tiết mục qua vòng loại khác để có mặt trong vòng thi sân khấu hôm 25/12 như: Nguyễn Trường Trang (Popping kết hợp kịch câm), Trương Văn Hoàng (hát ca khúc Đi học), Bùi Trọng Dư (hát và đánh guitar),… chủ yếu được đưa vào để chọc cười khán giả bằng những “tài năng kinh khủng” và nưhng màn đối đáp qua lại với BGK khá “tưng tửng” và ngô nghê.

Không dám phán trước, vì sợ Vietnam’ Got Talent còn “găm tài năng” trong những tập tiếp theo để tạo thu hút, nhưng nếu chỉ dựa vào những tài năng được điểm mặt qua trên sóng truyền hình ở hai tập đã lên sóng, rất nhiều người sẽ phải thốt lên “tài năng cỡ ấy có đáng để tìm kiếm” hay thậm chí là câu than trời “tài năng Việt chẳng lẽ lại tầm thường đến thế thôi sao?”.

Chu Ngũ Nương

Bình luận
vtcnews.vn