"Tài năng" và "lòng trắc ẩn"

Tổng hợpThứ Ba, 20/11/2012 08:24:00 +07:00

Hàng nghìn nam thanh nữ tú ôm mộng nổi tiếng, đến với những cuộc thi tìm kiếm những tài năng tiềm ẩn chưa có điều kiện phát lộ này còn có khá nhiều người khuyết

Những chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng thế giới cùng dán mác “tìm kiếm tài năng” đang theo nhau đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam. Nhảy múa, ca hát, trình diễn thời trang, nấu ăn…, đâu có thi thố thì ở đó có vòng trong vòng ngoài những thí sinh đợi chờ thử sức.

Và không chỉ thu hút hàng nghìn nam thanh nữ tú ôm mộng nổi tiếng, đến với những cuộc thi tìm kiếm những tài năng tiềm ẩn chưa có điều kiện phát lộ này còn có khá nhiều người khuyết tật.

Họ, bằng khao khát vượt lên chính mình, bằng ước mơ hoà nhập bình đẳng với cộng đồng đã thổi những làn gió mát lành, đã đem lại bao mảng màu đa sắc, sống động và cũng vô cùng hồi hộp, hấp dẫn cho những show truyền hình đình đám. Khán giả, ban giám khảo và cả giới truyền thông đã dành cho họ bao lời ngợi khen, bao giọt nước mắt kèm theo sự ưu ái lẫn lòng trắc ẩn.
 
Nhưng liệu đó có phải là những điều mà các thí sinh có số phận không may mắn ấy thực sự chờ đợi?
 

Chúng tôi đều là người bình thường

“Đừng khi nào nghĩ rằng chúng ta là người khuyết tật nên cần được ưu tiên hay hưởng những ngoại lệ riêng nhé. Chúng ta đều là những người bình thường. Và những cuộc thi sinh ra là để dành cho tất cả”. Quản trị viên của diễn đàn pwd.vn dành riêng cho người khuyết tật đã nhắn nhủ các thành viên như thế, khi cơn cuồng phong “hậu Sơn Lâm” với những luồng dư luận trái chiều đang càn quét trong hậu trường Vietnam Idol 2010….

Truyền hình thực tế, dạng chương trình tìm kiếm tài năng đang tỏ rõ ngôi vị thống trị màn ảnh nhỏ, khi chiếm sóng toàn bộ “khung giờ kim cương” (từ 20h đến 23h) mấy ngày nghỉ cuối tuần. Thần tượng âm nhạc (Vietnam Idol) án ngữ kênh VTV3 mỗi tối thứ sáu.  Thử thách cùng bước nhảy (So you think you can dance) đều đặn trên HTV tối thứ bảy. Người mẫu Việt Nam 2012 (Vietnam’s Next Top Model) Giọng hát Việt 2012 (The Voice) ôm trọn tối chủ nhật.

Song hành với những hành trình “đãi cát tìm vàng” ấy, khán giả đã có điều kiện gặp gỡ rất nhiều ngôi sao đang chờ loé sáng, trong đó không hiếm những thí sinh khuyết tật. Vượt lên sự trớ trêu của số phận, họ đến với cuộc thi với mong muốn thoả mãn tình yêu và lòng đam mê với bộ môn nghệ thuật mình ưa thích.

 
Vì thế, sau Sơn Lâm của Vietnam Idol 2010, công chúng đã vỡ oà trong tình yêu và lòng cảm phục những Phương Anh “xương thuỷ tinh” của Tài năng Việt Nam 2011 (Vietnam’s Got Talent), “cậu bé chạy thận” Hoa Đức Công vẫn đam mê “thử thách cùng bước nhảy”,  “cô gái ngồi xe lăn” Phạm Thị Phương Dung cùng “chàng trai khiếm thị” Hà Văn Đông trong Giọng hát Việt 2012, giọng ca chuyển giới Hương Giang của Vietnam Idol 2012… Vượt lên và chiến thắng mặc cảm, họ dũng cảm ghi danh dự thi và toả sáng trên sàn diễn bằng nội lực của chính mình. Và dù sớm bị loại hay có cơ hội đi sâu vào những vòng trong, họ luôn mang lại cho khán giả những cung bậc cảm xúc đa chiều, thú vị.

Chúng tôi không cần sự thương hại

Sự góp mặt của Sơn Lâm – một người khuyết tật bé nhỏ (nhưng đã khiến cộng đồng phải nghiêng mình kính phục vì nghị lực sống, học tập, làm việc và cố gắng đóng góp cho xã hội) trong chương trình Thần tượng Việt Nam 2010 đã khiến nhiều khán giả rơi lệ. Nữ giám khảo Siu Black -  như bản tính đôn hậu và nồng nhiệt vốn có – còn rời ghế nóng để ôm hôn và động viên thí sinh đặc biệt này, khi anh phải dừng cuộc chơi. Rất tiếc, lời chia sẻ thật lòng của chị, trong đó có nhắc tới cụm từ “người khuyết tật” đã thổi bùng trong trái tim vô cùng nhạy cảm của Sơn Lâm nỗi giận dữ, cay đắng vì “bị kỳ thị”.

Tất cả đã được anh tỏ bày trên mạng, và cộng đồng ảo bắt đầu dậy sóng, ngả nghiêng. Mới đầu, họ chọn đứng về người yếu thế hơn và “ném đá” chị Siu. Rằng tại sao một ca sĩ nổi tiếng và cũng có hình thể chưa đẹp như “Hoạ mi núi rừng” lại có thể phát biểu phản cảm và thể hiện thái độ coi thường người khác như thế. Rồi khi Siu “nói lại cho rõ”, họ lại ngả về phía chị.

Tâm lý cư dân mạng thường bị quan điểm số đông chi phối nên dễ chạy theo những diễn biến bề nổi của hai nhân vật chính. Xảy ra câu chuyện lùm xùm đáng tiếc ấy, cả hai đều phải chịu thiệt thòi. Khi hình ảnh vốn dĩ rất đẹp của họ, sau những va đập, đã sứt mẻ ít nhiều. Nhưng cũng có những công dân mạng lo xa hơn và điều này hoàn toàn có cơ sở: “Chị Siu lỡ miệng một câu nhưng có thể giết chết một cơ hội, một niềm hi vọng của cả một đời người – thậm chí của nhiều người khác có hoàn cảnh giống Sơn Lâm.

 
Thử hỏi sau vụ này, còn có người khuyết tật nào dám bước qua rào cản số phận để thử thách trong một cuộc thi như thế”. Có bạn sợ rằng, “liệu cộng đồng người khuyết tật có cảm thấy tổn thương và vì thế ngại hoà nhập hơn không?”

Sự việc sau đó lắng lại, mọi chuyện rồi cũng qua. Nhưng cả nữ giám khảo lẫn công chúng đều rút ra một bài học đắt giá, “lòng trắc ẩn, nếu đặt không đúng chỗ cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi”.

Số đầu tiên của Thử thách cùng bước nhảy lên sóng ngày 15/9/2012. Thí sinh Hoa Đức Công đã thu phục được cả bốn vị giám khảo bằng bài nhảy vui nhộn, bằng gương mặt và nụ cười cháy rực niềm đam mê. Biên đạo múa Tuyết Minh, sau phần nhận xét cá nhân có tò mò hỏi Công về những cục u chi chít trên hai cánh tay em. Công hứa, “em sẽ nói lý do, sau khi BGK đưa ra kết quả”.

Và chỉ tới khi vui mừng nhận tấm vé vượt qua vòng loại, Công nói giản dị: “em bị suy thận độ IV, hiện phải lọc máu ba lần mỗi tuần, những khối u ngày một lớn là kết quả của quá trình chạy thận bao năm nay”. Thấy đôi mắt nữ giám khảo loáng nước, Công nhấn mạnh, “em muốn có được tấm vé nhờ khả năng chứ không phải nhờ lòng thương xót”.

Chàng trai khiếm thị Hà Văn Đông đã làm bùng nổ khán phòng Giọng hát Việt, khi thể hiện Tâm hồn của đá đậm chất rock máu lửa. Không huấn luyện viên nào nhìn thấy anh, đó là nét đặc biệt làm nên hấp dẫn của vòng Giấu mặt. Cả hai vị giám khảo nam đã nhanh chóng bấm nút chọn Đông. Trần Lập, sau khi xoay ghế và nhìn thấy thí sinh đã không ngần ngại chạy ra nhấn nút thay cho cả hai nữ HLV còn lại – Thu Minh và Hà Hồ. Hành động “ăn gian” bột phát này của thành viên Bức tường đã được khán giả đánh giá cao, bởi nó giúp Hà Văn Đông củng cố thêm sự tự tin khi đi tiếp.

Ở vòng Đối đầu, anh được xếp song ca cùng Văn Thắng. Nhưng ngay trước giờ biểu diễn, Đông đã thẳng thắn đề nghị đối thủ Văn Thắng: “Em rất quý anh, chúng ta đã coi nhau như anh em. Nhưng em mong anh hãy nhìn em như một đối thủ bình thưởng và thi đấu thật sự công bằng. Được như thế, em mới vui”. Đông phải dừng bước, dù ca khúc Người đàn bà hoá đá được cả hai thể hiện tuyệt vời. Một quyết định khó khăn cho Trần Lập, nhưng anh đã chọn sự công bằng. Và điều đó đã khiến Đông hài lòng, bởi như lời tâm sự với Văn Thắng, anh không muốn chiến thắng nhờ lòng thương hại.  

Hãy chỉ nhìn vào tài năng mà chúng tôi có

Dù sở hữu giọng hát đẹp, mượt mà nhưng Phạm Thị Phương Dung phải dừng cuộc chơi ngay từ vòng Giấu mặt, khi không một HLV nào ấn nút chọn cô. Khán giả có thể nhận thấy ánh mắt tiếc nuối cùng những chia sẻ đồng cảm từ bốn vị giám khảo, khi quay lại và nhận ra thí sinh xinh đẹp đang phải ngồi xe lăn. Với Phương Anh “xương thuỷ tinh”, giọng hát trong veo cùng nụ cười tươi rói của cô bé đã thu phục tất cả. Em tiến thắng tới vòng chung kết Vietnam’s Got Talent là kết quả hoàn toàn xứng đáng.

Còn trường hợp Hương Giang, việc công khai mình là thí sinh chuyển giới không hề tặng thêm cho cô bất cứ phần trăm cơ hội nào đi sâu vào vòng trong Vietnam Idol, nếu không sở hữu một chất giọng đầy nội lực như thế. Trong cả ba trường hợp kể trên, các thành viên giám khảo đã chọn cách ứng xử chuẩn xác, khi không để trái tim can thiệp và làm thay đổi quyết định của cái đầu. Bởi nếu họ làm ngược lại, sự tổn thương tâm lý mà chương trình mang lại cho những thí sinh kém may mắn ấy là không thể đo đếm được.

Báo giới Việt mới đây đã vô cùng hoan hỉ, khi một cô gái khiếm thị gốc Việt tại Mỹ đã đăng quang “vua đầu bếp” trong chương trình nổi tiếng Mastẻ Chef 2012. Christine Hà, cô gái 33 tuổi đã bật khóc vì hạnh phúc, khi nhận giải thưởng (250.000 USD cùng một hợp đồng viết sách dạy nấu ăn) và nâng cao chiếc cúp danh giá bằng một thực đơn thuần Việt.

Điều đáng nói là để đi đến vinh quang, Hà phải vượt qua hơn 100 thí sinh bình thường khác và hoàn toàn không được hưởng bất kỳ một ưu ái ngoại lệ (như có người phụ bếp hay trợ giúp bên ngoài). Xem lại clip ghi hình vòng thi đầu tiên của cô trên youtube, ta sẽ thấy ứng xử của ba vị giám khảo rất thẳng thắn, công bằng nhưng cũng đầy tính nhân văn. Nhìn thấy cô gái bé nhỏ với cây gậy dò đường bước vào, cả ba đều “wow”, tỏ ý ngạc nhiên tột độ. Và đây là những câu nói mà họ dành cho thí sinh đặc biệt, cả khi cô đang nấu nướng lẫn khi món ăn đã hoàn thành và được đặt trước mặt BGK.

Sau câu hỏi: “Bạn có nghĩ hạn chế của bản thân sẽ trở thành một lợi thế, khi tham gia một cuộc thi tài nấu ăn?”, họ khẳng định luôn: “Bạn nên biết, bạn sẽ được đánh giá y như những thí sinh khác. Ai cũng có những câu chuyện của riêng mình và những khó khăn phải vượt qua, nhưng chúng tôi chỉ đánh giá dựa trên món ăn mà bạn thể hiện”. Nhưng sau khi đồng ý để cô đi tiếp vào vòng trong, Joe – vị giám khảo khó tính nhất đã cười, “gạt bỏ những khó khăn của bạn sang một bên, với tôi, đây là món ngon nhất mà tôi từng nếm trong cuộc thi này”. Những đánh giá khởi đầu công bằng nhưng cũng đầy khích lệ đó đã giúp Christine có thêm sức mạnh để đi đến vòng thi cuối, để giành chiến thắng đối thủ có vóc dáng to lớn Josh Marks mà cô chỉ đứng tới ngang ngực.

Khi bài múa Hand in hand của cặp đôi nghệ sĩ Trung Quốc khuyết tật, Trach Hiếu Vỹ mất chân, Mã Lệ thì thiếu tay được đăng tải trên youtube, cộng đồng mạng đã thực sự rúng động. Không một ai, sau khi thưởng thức màn biểu diễn tuyệt vời này có thể không rơi lệ. Giá trị nhân văn, tình yêu cuộc sống của những con người không may phải chịu khiếm khuyết đã có sức lay động cực mạnh và đi thẳng vào trái tim của tất cả khán giả, không phân biệt biên giới lẫn màu da.

Câu chuyện xúc động về họ đã được rất nhiều trang báo đăng tải. Và bài thi của họ đã đạt giải Bạc, trong cuộc thi múa chuyên nghiệp được tổ chức vào năm 2007 với 7000 thí sinh tham gia. Cũng bài múa ấy đã trở thành hiện tượng của China’s got talent 2010. Giải Bạc ấy cực kỳ xứng đáng và thật sự thuyết phục, khi BGK bị bức thông điệp đẹp đẽ ấy thu phục hoàn toàn mà quên đi thực tế, họ là nghệ sĩ khuyết tật. Bởi chỉ có tài năng đích thực mới xứng đáng được tôn vinh, mọi thí sinh đều bình đẳng trên sân chơi nghệ thuật.

Một người khuyết tật vẽ tranh, làm thơ, ca hát, nhảy múa… là điều rất đáng khích lệ. Nhưng nếu những tác phẩm ấy không đạt chất lượng thì cũng phải nhìn nhận cho công bằng. Những khó khăn , rào cản trên chặng hành trình vượt khó dễ khiến công chúng xúc động, cảm phục và từ đó, dễ có cái nhìn thiên lệch, ưu ái quá đà cho những cá nhân nỗ lực vượt lên số phận. Nhưng để đánh giá công tâm thì không thể (không nên và cũng không được phép) chỉ dựa vào duy nhất sự cảm thông hay lòng trắc ẩn. Người khuyết tật luôn dư thừa tự trọng, họ sẽ buồn, sẽ vô cùng tổn thương nếu biết mình được vinh danh chỉ duy nhất vì sự xót xa và lòng thương cảm.

Cơn sốt nhập tịch và soán ngôi của các reality – show kiếm tìm tài năng ngoại nhập chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Và tất nhiên, sẽ còn có rất nhiều thí sinh khuyết tật ghi danh tham dự. Hãy để họ bước đi, và chiến thắng một cách thuyết phục bằng chính tài năng mà họ sở hữu. Ứng xử nhân văn của BGK, khán giả sẽ giúp câu chuyện “hậu Sơn Lâm” không bao giờ còn tái diễn, chắc chắn thế. 

PV

Bình luận
vtcnews.vn