Tai nạn thương tâm với trẻ em ngày Tết: Bố mẹ cần lưu ý

Sức khỏeThứ Tư, 10/02/2016 07:40:00 +07:00

thời gian này những tai nạn đáng tiếc rất dễ xảy ra với trẻ em như ngã, dị vật đường thở, điện giật, phỏng, ngạt nước…

(VTC News) - Ngày Tết, trong khi người lớn bận rộn các công việc dọn dẹp, chuẩn bị cho Tết thì trẻ em tha hồ chơi đùa, nghịch ngợm... do vậy, những tai nạn đáng tiếc rất dễ xảy ra.
 
Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, các bậc cha mẹ phải luôn nhắc nhở và để ý đến con cái. Dưới đây là một số tai nạn thường gặp ở trẻ em vào dịp Tết.

Dị vật đường thở
 
Trẻ em thường hay đùa nghịch, thậm chí khi đang ngậm những vật nhỏ trong miệng lúc chơi hoặc trong khi đang ăn; hoặc trẻ đang nằm ngửa mà vẫn ngậm, cắn đồ vật nào đó; trẻ đang ngồi hoặc đứng dưới thấp mà ngước cổ lên và há miệng ra hay nói chuyện trong khi đang có vật ngậm trong miệng…
 
Phụ huynh cực kỳ nên chú ý tránh dị vật ở trẻ em 

Phòng tránh: Đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, cha mẹ nên chọn đồ chơi đủ to để trẻ không thể ngậm gọn trong miệng hoặc những đồ chơi không thể tháo ra hay rớt ra những chi tiết nhỏ, đặc biệt là các loại tiền xu hay được dùng lì xì cho trẻ nhỏ trong dịp tết; Không để trẻ đùa nghịch khi đang có thức ăn, kẹo bánh… hoặc đang ngậm vật gì đó trong miệng; Không đút trẻ ăn, không ép trẻ bú, uống nước, uống thuốc khi trẻ đang khóc; Tuyệt đối không cho trẻ ăn, uống, cầm những đồ vật nhỏ khi đang nằm.

Hóc hạt

Sặc, hóc các loại hạt. Các loại hạt dưa, bí, mãng cầu hoặc đồ chơi kích cỡ nhỏ… là dị vật đường thở thường gặp ở trẻ em vào dịp Tết. Các trường hợp này rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Triệu chứng ban đầu của trẻ hóc các dị vật nói trên thường là ho sặc, tím tái, giãy giụa, nghẹt thở thoáng qua và sau đó bắt đầu khó thở, khò khè, ho.

 Nên để ý khi cho trẻ ăn các loại trái cây
Trong tình huống này, trước khi đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất, phụ huynh nên vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành (mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp để đẩy dị vật ra ngoài) ở 3 tư thế đứng, ngồi hoặc nằm nếu bệnh nhân đã lớn.

Ngoài ra, để phòng ngừa tai nạn, phụ huynh phải hết sức cẩn trọng khi cho trẻ ăn các loại trái cây, đặc biệt dạy trẻ không ngậm đồ chơi.

Hóc xương
 
Cha mẹ bận nên sự cẩn thận khi chăm sóc trẻ ít hơn, làm tăng nguy cơ bất cẩn khi lọc sạch xương trong thức ăn cho trẻ.

Ngoài ra cần lưu ý các bà mẹ có thói quen hầm xương lợn để nấu cháo: trong khúc xương thường có dính những mảnh xương vụn, những mảnh xương này sẽ rơi ra khỏi khúc xương lớn khi nấu chín, trong lúc vội vàng có thể bà mẹ chỉ vớt khúc xương lớn ra mà quên mất việc lọc những mảnh xương nhỏ này.
 
Bỏng

Ngày Tết, các gia đình thường tất bật đun nấu, bưng nước hay thức ăn nóng chuẩn bị cho mâm cỗ. Trẻ chạy chơi gần bếp nên dễ vấp trúng vật dụng đựng nước hoặc thức ăn nóng để dưới đất.

Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị phỏng do gia đình đốt vàng mã quá nhiều, trong khi trẻ mải chơi nên sờ tay, chân vào dụng cụ đựng vàng mã bằng nhôm, inox hay ngã vào nơi đốt. 
 
 Giữ trẻ xa khu vực nấu bếp
Phòng ngừa: Bỏng không chỉ đau đớn và nguy hiểm mà còn để lại hậu quả lâu dài trên chức năng, thẩm mỹ và tâm lý. Hãy luôn tự nhắc mình thận trong tối đa: giữ trẻ xa khu vực nấu bếp; tránh để bình thủy nước nóng, thức ăn nước uống nóng ở mép bàn; nên chuẩn bị đủ lượng nước nóng khi tắm bé…
 
Giật điện
 
Nhà có trẻ con thì ổ cắm điện thường được đặt trên cao hoặc che chắn kỹ, nhưng trong ngày cuối năm, do phải kéo lại tủ, kê lại bàn, dọn dẹp nhà cửa, … nên những ổ cắm điện này bỗng trở nên lộ thiên và là đối tượng khám phá của trẻ con.

Các dây dây điện sờn tróc vỏ bọc, các dụng cụ điện dù không ở tình trạng đang sử dụng nhưng lại không ngắt điện, các thiết bị điện đang sửa chữa, thay mới… đều tiềm ẩn nguy cơ cho trẻ con.

Đã có trường hợp khi thay bóng đèn bàn thờ Ông Thần Tài - Ông Địa (đặt dưới đất) mà không ngắt điện,trong lúc chưa kịp lắp bóng đèn mới vào thì một cháu bé còn ở tuổi tập đi đã tò mò bốc vào chuôi đèn nên bị điện giật.
 
 
Phòng ngừa: Ngắt điện tất cả những dụng cụ không sử dụng; dán băng keo hoặc dùng nắp đậy các lỗ cắm điện, thay các dây điện cũ, đặc biệt lưu ý các chỗ dây điện bị gấp khúc là nơi dễ bị sờn tróc vỏ bọc, cách ly trẻ khỏi khu vực đang sửa chữa, thay dây điện…
 
Ngạt nước
 
Nhiều trẻ lớn có thể rủ nhau đi tắm ao hồ, tắm sông… có những tình huống trẻ bị ngạt nước ngay trong chính căn nhà phố của mình. Trẻ dưới 2 – 3 tuổi thường rất thích nghịch nước.

Những cái thùng, xô đặt ở sàn nước, trong phòng tắm, nước tưới cây, thau nước tắm bé, bồn tắm… đều có thể là mối hiểm họa trong nhà đối với bé, bởi vì khi bé chúi đầu vào những thùng, xô này thì dù chỉ ít nước thôi cũng đủ làm bé ngạt. Có khi chỉ một sơ suất nhỏ, ví dụ như đang tắm bé thì có điện thoại bàn reo, nồi cháo đang nấu sôi trào ra bếp, có chuông cửa…
 
Phòng ngừa: không để trẻ một mình khi đang tắm cho trẻ, dù bạn nghĩ rằng mình chỉ vắng mặt 1 phút thôi.

Hãy bế trẻ theo nếu bạn cần nghe điện thoại, có chuông gọi cửa…; hạn chế chứa nước trong các loại thùng, xô… cao ngang tầm trẻ, nếu phải chứa nước thì cần đậy kỹ hoặc có biện pháp hạn chế trẻ đến gần; các thau nước sau khi sử dụng không nên chứa nước, cửa phòng tắm nên có chốt cài bên ngoài để trẻ nhỏ không tự vào phòng tắm được…
 
 
Ngoài ra, gãy xương, chấn thương phần mềm, chấn thương đầu, chó cắn, ong đốt… đều là những tai nạn đã từng xảy ra khi người lớn bất cẩn vì bận rộn hay vì nhiều lý do nào đó. Do vậy, các bậc cha mẹ luôn nhắc nhở và quan tâm đến trẻ, nhất là trong những ngày sắp Tết.

Ngoài những tai nạn dễ xảy ra ở trẻ em, trong dịp Tết, mọi người cần lưu ý đến một số chứng bệnh thường gặp sau:

Tiêu chảy

Nguyên nhân gây bệnh có thể là dùng thức ăn kém vệ sinh hay ôi thiu, nhưng cũng có thể do không quen thức ăn hoặc ăn cùng một lúc những món kỵ nhau.

Đối với trường hợp này, bạn không cần vội uống thuốc ngay, chỉ cần thức ăn bị phân hủy hết là bệnh sẽ khỏi. Nhưng nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài 24 giờ thì cần nghĩ đến ngộ độc thực phẩm và giải quyết theo hướng này.

Cảm lạnh

Chúng ta vẫn cho rằng thủ phạm của căn bệnh này là tiết trời ẩm và không khí lạnh. Nhưng thực tế là virus gây cảm chỉ sống trong môi trường khô và mát. Chính vì chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh nên y học cũng chưa tìm được phương thuốc hữu hiệu để điều trị cảm lạnh.

Cho đến nay, người ta chỉ mới tìm được biện pháp phòng bệnh, giảm bớt các triệu chứng điển hình của nó như ho, sổ mũi, đau họng mà thôi. Khi bị cảm lạnh, bạn còn có các triệu chứng sốt, đau nhức mình mẩy.

Khi chứng cảm lạnh kéo dài quá một tuần thì buộc phải đi khám ở bệnh viện vì có thể bạn đã bị cúm, hoặc bệnh cảm lạnh đã ở giai đoạn nặng, nếu không chữa trị sớm sẽ dẫn đến viêm phổi, phế quản, viêm xoang...

 
Cách phòng bệnh là mặc ấm khi trời lạnh, không dùng chung khăn mặt và bàn chải đánh răng với người khác, che miệng khi ho và hắt hơi (để tránh lây bệnh cho người khác nếu có), rửa sạch tay trước khi xoa lên mặt, tốt nhất là hạn chế việc xoa tay lên mắt, mũi.

Nếu không may bị cảm lạnh, bạn nên dùng nước đường nóng có vài lát gừng nướng chín, bổ sung vitamin C và ăn cháo gà nóng để nâng cao sức khỏe. Nếu mình mẩy đau nhức và sốt thì nên dùng thêm các thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường.

Hùng Phú (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn