Tách nhà tạm giam, tạm giữ ra khỏi cơ quan điều tra: Để giảm bức cung, nhục hình

Thời sựChủ Nhật, 24/05/2015 11:22:00 +07:00

Ủy ban Tư pháp (UBTP) đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự

Trình bày Báo cáo Thẩm tra Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam trong phiên họp của Quốc hội chiều ngày 23/5, Ủy ban Tư pháp (UBTP) đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp quản lý.

Theo UBTP, tình trạng bức cung, nhục hình gây bức xúc trong dư luận nhân dân thời gian qua chủ yếu xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Mặc dù việc bức cung, dùng nhục hình không phải do người quản lý tạm giữ, tạm giam gây ra, nhưng các vụ việc đó lại xảy ra trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) có nguyên nhân không nhỏ từ việc bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra. Ảnh: TP
Vì thế, để tăng cường công tác chống bức cung, nhục hình, UBTP đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định ngay trong dự án Luật về việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung, các hình thức giám sát, kiểm tra việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam; việc trích xuất bị can, bị cáo, người bị tạm giữ để lấy lời khai.

Đồng thời quy định rõ việc kiểm tra sức khỏe người bị tạm giữ, tạm giam trước và sau trích xuất; trách nhiệm của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam khi có bức cung, nhục hình...

Đề cập về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, các quy định trong dự thảo luật chưa được đề cập rõ.

Do đó cần xác định rõ hơn về mô hình hệ thống các cơ quan quản lý Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Trong đó, mô hình bảo đảm tính minh bạch, khách quan, độc lập về mặt tổ chức, quản lý cán bộ với cơ quan điều tra, tránh tình trạng điều tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam.

“UBTP đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống do Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại giam hiện nay", ông Hiện nhấn mạnh.

Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền khởi kiện

Về quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đối với các vi phạm của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam, tại Tờ trình Chính phủ khẳng định, đề nghị bổ sung quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là hợp lý để bảo đảm tốt hơn lợi ích hợp pháp của họ trong điều kiện họ đang bị tạm giữ, tạm giam, khó có thể tự mình thực hiện được quyền khiếu nại khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Tuy nhiên, theo tờ trình này, do Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định: “Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật”.

Do vậy, trước mắt Chính phủ đề nghị chưa bổ sung quy định về quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và việc giải quyết khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam.

Tại báo cáo Thẩm tra, UBTP cho rằng, trong quá trình thảo luận cũng có ý kiến cho biết, hiện nay, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, vấn đề dân chủ và bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao thì việc giải quyết khiếu nại thông qua cơ chế phán quyết Tòa án là cần thiết.

Theo đó, trường hợp Viện kiểm sát nhân dân đã giải quyết mà người bị tạm giữ, tạm giam vẫn có khiếu nại thì phải được Tòa án là cơ quan thực hiện quyền xét xử. Vì thế cần nghiên cứu quy định trong dự thảo Luật quyền khởi kiện của người bị tạm giữ, tạm giam đối với các quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam.

Nguồn: Văn Kiên(Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn