Tác giả Nhật Linh – làn gió mới cho văn chương đương đại Việt Nam

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 12/08/2016 17:57:00 +07:00

Là một tác giả trẻ vừa ra mắt tác phẩm văn học thứ ba do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, là một người trẻ sớm thành công ở lĩnh vực tư vấn truyền thông, điều hành sản xuất xuất bản, tác giả trẻ Nhật Linh là người có sức ảnh hưởng lớn tới đông đảo độc giả trẻ văn chương đương đại Việt Nam.

- Chào Nhật Linh, trước hết cho tôi chúc mừng bạn vừa ra mắt thành công tác phẩm mới sau thời gian dài nghỉ ngơi. Bạn đã từng có một số phát ngôn nổi bật khi trả lời phỏng vấn báo chí, như “Không nằm trên giường để viết chuyện ngoài đường”, hoặc là một số quan điểm nghệ thuật ấn tượng khác, lần này chúng ta có thể cùng mổ xẻ về khái niệm “văn chương muối xổi” mà bạn đã từng nhắc không?

Thật ra thì khái niệm đó chỉ là hình ảnh so sánh thôi, điều này xuất phát từ lý do, tôi là đứa con của miền Trung, không quen ăn với loại cà muối xổi theo kiểu Bắc, tôi thích cà muối chín vừa đủ trắng thơm, có vị chua ngọt cùng hành muối, có đỏ cay đậm của ớt ngâm, khi cắn nghe tiếng vỡ giòn, ăn với bát cơm nóng canh rau muống luộc giữa trời hè oi bức thật sự rất ngon, rất “đã đời”.

1AAA

 

- Hình như câu trả lời của bạn đang khiếnchúng ta bị lạc hướng chủ đề?

Tôi nghĩ không hẳn. Tôi chỉ đang tiếp tục so sánh thôi. Đối với tôi, văn chương thực sự thì cần phải có sự ngâm ủ chín đủ. Văn chương cần được ngâm dầm thấm đẫm giữa cuộc sống đủ đầy mùi vị này để có thể lên men. Nếu người viết là một kẻ vụng về tay nghề, sẽ chỉ có một chum cà hỏng.

Tôi nghĩ rằng những người yêu thích “văn chương muối xổi” và tấm tắc khen hay, có thể là vì họ chưa được có cơ hội nếm thử văn chương đích thực mà thôi – văn chương từ những tác giả có tố chất, có trải đời và hiểu nghề. Bởi vì hiểu nghề, họ sẽ có tự trọng để không bao giờ viết ra những thứ văn vở dễ dãi, chỉ để phút chốc câu like.

- Thứ văn chương thuần tuý nghệ thuật không pha tạp xu hướng thị trường, theo bạn có thể tồn tại được ở môi trường Việt Nam hiện đại không?

Tại sao lại không? Quyền năng của nghệ thuật thì sẽ đào thải những gì không phải là nghệ thuật, hoặc cố gắng bắt chước. Đương nhiên, cái gì còn lại thì sẽ tồn tại. Khán giả, độc giả thì ngày càng tỉnh táo để phân biệt và loại bỏ những giá trị nhạt nhẽo được bọc một lớp mỏng đường.

Họ sẽ chọn lựa cổ vũ cho cái đắng, nhưng mà chất và thật. Ngoài ra, người nghệ sỹ chân chính sẽ có khả năng chinh phục và định hướng đám đông chứ không phải đứt hơi để chạy theo những bát nháo lộn xộn.

- Quyển sách mới xuất bản của bạn là một trong những tác phẩm văn học hiếm hoi do tác giả Việt viết về Nhật Bản, bạn có sợ sự kì vọng quá lớn từ độc giả?

Kỳ vọng càng lớn thì càng áp lực, nhưng kỳ vọng càng lớn cũng là càng cần nỗ lực. Tôi cần cả hai để hoàn thiện hơn cho các tác phẩm sắp tới.

1BBBBBBBB

 

- Cũng xinh đẹp, sắc sảo và có cá tính, làng văn đã có một hoa hậu 7X DiLi, có khi nào bạn nghĩ bạn sẽ trở thành đoá hoa mới trên văn đàn?

Tôi thật không dám nghĩ đến chuyện viển vông đó. Phận hậu bối, chỉ mong được những thế hệ gạo cội đi trước dẫn đường, chỉ lối. Tôi chỉ hy vọng nhận được sự ghi nhận, tôn trọng từ những người cùng làm nghề, sự mến thương thấu hiểu của độc giả, thế đã là quá mãn nguyện, không tham vọng gì hơn.

Danh tiếng, hào quang là thứ, nếu không thực sự thuộc về, không thể ảo mộng được. Tác phẩm không sống trên giấy mà là sống trong trí nhớ công chúng, nếu mệnh bạc, cũng không cố cứu lấy được. Nghệ sỹ, tài năng chưa đủ, còn cần duyên nghề.

- Là một 9X đa năng, hoạt động trong khá nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, từng đảm nhiệm nhiều vị trí chức vụ cao, thu nhập hấp dẫn, đi nước ngoài liên tục, vì đam mê nên cố đâm đầu vào vách đá nghệ thuật khó nhằn, nặng tâm, rốt cuộc, tôi nên gọi bạn là nhà văn, hay là nhà sản xuất sách, hay là cô giáo dạy văn, hay là người làm marketing...? Đích cuối của bạn là gì?

Tôi thích được gọi là Nhật Linh. Tôi sinh ra chỉ để làm hoặc là nghệ sỹ, hai là kẻ điên. Mà tôi thích lao động sáng tạo hơn là nhặt lá đá ống bơ (cười), tôi nhận ra con đường của tôi muốn đi từ năm 9 tuổi, từ đó vẫn nhẫn nại theo đuổi đam mê, nhiều khi khó quá cũng muốn bỏ, hoặc nản quá thì nghĩ đến chuyện từ, nhưng rồi cứ đi, cứ đi, chả nhẽ không hôm nay không đi xa hơn được hôm qua?

Có lần tôi đã trả lời rằng “viết là quá trình làm phim ở trên giấy”, một ngày nào đó trong tương lai, hy vọng rằng có thể từ làm phim trên giấy chuyển sang làm phim trên màn ảnh rộng. Giờ tôi chỉ thích gọi bằng tên riêng, sau này có lẽ cũng vậy. Có thể có những người trùng tên, nhưng tôi tin mình chỉ là duy nhất.

- Cảm ơn Nhật Linh về cuộc trò chuyện, chúc bạn thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp của mình!

PV
Bình luận
vtcnews.vn