Ta thức, nó ngủ. Ta chậm, nó nhanh. Kiểu gì cũng chết!

Tổng hợpThứ Hai, 27/05/2013 01:59:00 +07:00

Tài xế Việt Nam lại cũng không ít người đến đi xe máy trên phố mà vẫn như đi trên đồng không...

   Đầu hè, chị giúp việc xin phép cho đi chơi Ðà Lạt vài ngày cùng đại gia đình. Chị rủ theo bà ngoại tôi, coi như một món quà cho bà cụ. Bác cả tôi đồng ý rồi, nhưng khi hỏi về giờ xe chạy, bác từ chối phắt. Lý do là xe khởi hành lúc 8h tối, coi như đi xuyên đêm.

“Chỉ ngủ trên xe thôi mà, mở mắt ra là tới,”, chị giúp việc bảo như thế.

“Chị biết ngủ, thế tài xế không biết ngủ à?” bác tôi cắc cớ hỏi lại.

Tài xế cũng là người, ban đêm thì phải buồn ngủ hơn ban ngày, dù đã dùng cà phê, thuốc lá, trà, và thậm chí có khi cả “hàng đá” cho tỉnh táo.

Chưa kể là ban ngày, vào buổi chiều, lúc nắng đã dịu, tài xế còn làm vài ve với bạn trước khi lên đường. Buổi tối không buồn ngủ thì cũng lạ.

 

Nhưng tài xế xe đường dài ở Việt Nam không những ngủ gật, ngủ thật trong lúc lái, mà còn có thể vừa lái vừa như trong mơ, vì chơi thuốc, vì mắt dán vào điện thoại để nhắn tin, vì một tay lái, một tay cầm điện thoại cười rúc rích với người yêu trên máy.

Tài xế Việt Nam lại cũng không ít người đến đi xe máy trên phố mà vẫn như đi trên đồng không, có người vốn là những cậu trai bỏ học nửa chừng, được người quen xin bố mẹ cho ra thành phố làm tài xế, khi đi đường thấy đứa nào ngứa mắt thì chỉ muốn nghiền nát cho rồi.

Với những tài xế như thế, đường có rộng đến mấy, vẫn có thể dội tai nạn xuống bất ngờ cho người khác, dù người đó có đang đạp xe chầm chậm ven đường, hay thậm chí đang ngồi trong nhà, xem T.V!

Nữa là, đường Việt Nam lại quá hẹp.

Tôi vừa mới có một chuyến đi Quảng Ngãi về, bằng xe máy. Trên đường đi, vùn vụt phóng qua như điên như dại là những chiếc xe du lịch nho nhỏ của các hãng xe tư nhân. Tôi chở đằng sau lưng bà chị đã lớn tuổi. Cả quãng đường dài, cứ chốc chốc chị lại ngoái ra sau, bảo tôi phải đi nép vào, chậm lại, hoặc thậm chí dừng hẳn lại, và y như rằng, ít giây sau là một chiếc xe tải hoặc xe container dềnh dàng đi trên đường, bên cạnh là một chiếc xe con lấn đường, phóng vụt qua, sát sàn sạt xe máy của chúng tôi, dù hai chị em đã đứng trên… vệ cỏ.

Nhưng có vệ cỏ là còn may, nhiều đoạn đường chúng tôi qua, mép đường là những thanh rào bằng sắt, to như tà vẹt đường tàu. Giả sử chiếc xe du lịch kia có ép vào thì chúng tôi cũng đành chịu chết, không thể nào bỏ xe nhảy xuống ruộng để tháo thân.

 

“Không bao giờ, không bao giờ đi xuyên Việt kiểu này nữa,” chị tôi bảo. “Hoặc trước khi đi thì phải viết di chúc sẵn cho con.”

Ðường bé, đường xấu thì phải đợi có kinh phí nhà nước mới thay đổi được. Trong khi ấy, việc tài xế phóng nhanh, lấn đường, liệu có cách nào thay đổi được không? Liệu có thể lắp camera trên các cột điện ở những quãng đường ít có công an đứng không? Ðể tài xế biết rằng lúc nào xe mình cũng bị quan sát, chỉ cần một nhân viên kiểm tra đột xuất một đoạn phim rồi phạt nguội thật nặng nếu xe vi phạm, liệu việc chạy ẩu có giảm không?

Lái xe mà ẩu thường là lái xe chở hàng của công ty, của hãng xe dù. Tôi đã từng đi xe của hãng xe lớn Phương Trang, xe chạy rất điều độ, an toàn, tác phong tài xế rất đàng hoàng, nghiêm chỉnh. Trong khi đó, các hãng xe dù thì tài xế tuổi nào cũng phóng như trai mới lớn về gặp người yêu. Lái phụ ngồi đầu xe mà gác cẳng chân đúng là bẩn như chân dê lên cửa sổ, ve vẩy trước mặt khách… Tôi cũng nghe nói do trên xe của các hãng lớn có camera (không biết có đúng không?) cho nên xe không dám đón khách giữa đường, tài xế không có chuyện ngủ gật, nhắn tin khi đang lái; vì ở văn phòng công ty, rất có thể vài người đang nhòm vào màn hình, thấy mình thế thì cũng không tiện. Vậy với những hãng nhỏ, chỉ có vài xe, không có camera, làm sao quản được tài xế đây? Hay bắt chủ hãng xe phải thế chấp sổ đỏ, tài sản? Ðể nếu tài xế có gây tai nạn chết người thì tài sản ấy phải đem ra đền, có thế mới chịu quản tài xế cho chặt, chứ không thể có tình trạng một năm chủ nhà xe “bao” bác tài một, hai mạng như mọi người vẫn nói.

Quản con người quả thực là nan giải. Cho nên ngày nào đọc báo cũng thấy nói về tai nạn, nhưng chẳng thấy một giải pháp nào được đưa ra. Ðọc tin tức mãi riết rồi trầm cảm, vì cứ như một người suốt ngày than sao mà lắm ruồi thế, nhưng lại không thể tìm ra được thuốc diệt ruồi.

Nun

Bình luận
vtcnews.vn