Ta cho ta cuộc sống tốt đẹp hơn

Tổng hợpThứ Hai, 26/03/2012 12:58:00 +07:00

Vệ tinh Vinasat 2 cùng vệ tinh Vinasat 1 hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia theo hướng hiện đại, nâng cao độ tin cậy...

    Một tin vui. Dự kiến trung tuần tháng 5 tới, vệ tinh viễn thông thứ hai của Việt Nam Vinasat 2 sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Ariane 5 (Pháp) từ bãi phóng Ku-ru (Guy-a-na thuộc Pháp). Sau khi thành công lên quỹ đạo, vệ tinh Vinasat 2 cùng vệ tinh Vinasat 1 hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia theo hướng hiện đại, nâng cao độ tin cậy an toàn cho mạng lưới viễn thông, thúc đẩy và phát triển các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại và các dịch vụ chuyên dùng khác. Không thể không vui. Bởi sự kiện này thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống truyền dẫn viễn thông. Phát triển hệ thống vệ tinh viễn thông là một trong những định hướng phát triển hạ tầng thông tin được xác lập tại Nghị quyết 13 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Như vậy là cùng với cáp quang, vi ba, vệ tinh là một trong những phương thức truyền dẫn của hạ tầng viễn thông có nhiều ưu điểm phù hợp một nước có địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi, biển đảo như Việt Nam.

             
Nhớ lại, trong một khóa tu nghiệp truyền hình nước ngoài vào năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước, giảng viên khi giảng về truyền dẫn phát sóng, ông nói rằng, sóng truyền hình là loại sóng cực ngắn truyền đi ngang thẳng từ cột phát sóng. Cứ 25 hoặc 30 dặm là sóng chạm bề cong của vỏ trái đất. Muốn sóng truyền tiếp được, người ta phải trồng một tháp ăng-ten nhận và phát tiếp. Trong đất liền việc trồng các tháp ấy là có thể mặc dù trong điều kiện núi cao hiểm trở. Nhưng ở ngoài biển khơi sâu xa bờ thì sao? Không thể dựng tháp. Người ta phải dùng giải pháp vệ tinh. Và chiếc vệ tinh viễn thông đầu tiên ra đời có tên là “Echo” (Tiếng vang). Cái từ ngữ vệ tinh với ta hồi ấy còn xa lạ. Cáp quang cũng thế. Vi ba thì đã có. Tháp nhận và phát tiếp cũng đã có một đài Hoa Sen ở Kiện Khê tỉnh Hà Nam do Liên Xô giúp xây dựng. Học để hiểu biết thì cứ học. Bây giờ nghĩ lại mới thấy ta đã nhớn lên biết chừng nào.

     Năm 2008 vệ tinh đầu tiên của nước ta Vinasat 1 được phóng lên quỹ đạo. Trong 3 năm qua vệ tinh này hoạt động ổn định, phủ sóng rộng lớn tới các vùng sâu vùng xa, vùng biên giới và biển đảo của đất nước, nhờ đó người dân những nơi ấy có thể tiếp cận được nhiều dịch vụ viễn thông hiện đại. Mà trước đó các đảo xa bờ hầu như không có tín hiệu viễn thông, truyền hình. Nhờ có vệ tinh Vinasat 1, người dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có thể đàm thoại vào đất liền bằng điện thoại di động, xem truyền hình chất lượng cao. Vậy là thực tế hoạt động của vệ tinh Vinasat 1 đã cho thấy hiệu quả của việc sử dụng phương thức truyền dẫn này. Ngành “Bưu Điện” trước đây, gồm Bưu chính – Điện chính, thì nay đã là ngành “Bưu chính – Viễn thông”. Đó không chỉ là từ ngữ, mà mang ý nghĩa hình thái của từ ngữ.

 

 Trước một năm năm Việt Nam phóng vệ tinh Vinasat 1, một chàng trai bạn của con trai tôi học cùng Bách Khoa khoa điện tử viễn thông đến chào, khoe đi Hoa Kỳ theo đoàn cán bộ kỹ thuật VNPT sang đó làm việc với hãng Lockheed Martin chuẩn bị cho dự án phóng vệ tinh Vinasat 1. Tôi hơi sửng sốt. Cái điều mà cuối thập niên 80 thế kỷ trước còn xa với hiện thực nước ta, thì năm 2008 đã nhìn thấy sờ thấy. Chàng trai này xuất thân từ một vùng duyên hải Nam Định mà học rất giỏi. Tôi chúc mừng cháu. Hỏi sâu thì cậu ta giấu nói không hết sự thật. Đã là chuyện bí mật thì chẳng nên hỏi thêm nữa. Nó là chuyện động trời khi ấy. Giờ, điều này không còn nghiêm trọng. Là chuyện bình thường. Có thể công khai cho bàn dân thiên hạ cùng mừng, cùng vui. Bởi nó là tất yếu trong thời kỳ hiện đại.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trần Đức Lai, thì trước khi phóng vệ tinh Vinasat 1 lên quỹ đạo, Việt Nam đã bắt tay ngay vào việc tìm kiếm vị trí quỹ đạo cho vệ tinh thứ hai, và đăng ký sơ bộ với Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU). Và sau khi phóng thành công Vinasat 1, Cục Tần số vô tuyến điện Bộ Thông tin – Truyền thông cũng đã đăng ký vị trí quỹ đạo 131,8 độ Đông cho vệ tinh thứ hai. Việc có thêm vệ tinh trên quỹ đạo là khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong không gian, thể hiện vị thế lớn mạnh của quốc gia, của ngành thông tin – truyền thông trong hội nhập quốc tế.

 Năm ngoái làm việc với lãnh đạo Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC tôi mới biết con đường đưa tín hiệu truyền hình kỹ thuật số (digital) mặt đất đầu tiên ở Việt Nam lên sóng vào đầu năm 2001, chỉ chậm hơn nước triển khai đầu tiên trên thế giới là nước Anh có 3 năm, là nhờ nhóm tác giả gồm 9 kỹ sư Công ty VTC mà nay là Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC. So sánh với một trong bảy nước công nghiệp phát triển là nước Anh, là để nói tới cái khác biệt khi họ “mở đường từ đôi chân trần”. Nghĩa là họ tận dụng hệ thống các thiết bị tương tự (analog) sẵn có, cải tiến để triển khai xây dựng hạ tầng mạng truyền hình kỹ thuật số mặt đất khi mà điều kiện tài chính còn chưa cho phép “nâng đời”, kể cả thiết bị đầu cuối trong hàng triệu gia đình trong cả nước. Nhờ việc triển khai thành công mạng phát sóng truyền hình số diện rộng của VTC, cũng như tác động tốt của nó tới người xem truyền hình, mà Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh – truyền hình đến năm 2020 là “số hóa”. Có thể coi đó là một văn kiện làm tiền đề cho Nghị quyết 13 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại cũng vào năm 2020, trong đó có phát triển hệ thống vệ tinh viễn thông, một trong những định hướng phát triển hạ tầng thông tin được xác định rõ.

 

      Thì ra lộ trình số hóa truyền thông viễn thông đã chủ động có từ rất sớm. Giữa tháng 5 năm 2010 Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam đã ký hợp đồng triển khai dự án vệ tinh Vinasat 2 có dung lượng, khối lượng và công suất lớn hơn vệ tinh Vinasat 1 căn cứ vào luận chứng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, và nghiên cứu thăm dò nhu cầu thị trường cũng như sự cần thiết tăng cường thêm các phương thức truyền dẫn dự phòng bảo đảm độ tin cậy và an toàn mạng lưới trong hệ thống mạng viễn thông.

      Vinasat 2 có khối lượng nặng 3 tấn, có 24 bộ phát đáp băng tần Ku. Theo Ban Quản lý các dự án công trình viễn thông, thì nhu cầu của khách hàng và khả năng đăng ký tần số, vệ tinh Vinasat 2 chỉ có các bộ phát đáp băng tần Ku. Đến nay vệ tinh Vinasat 1 có 12 bộ phát đáp băng tần Ku đều đã được sử dụng hết. Còn băng tần C chỉ còn vài bộ để dự phòng trong trường hợp có sự cố mạng lưới và khách hàng có nhu cầu sử dụng thêm. Vậy là khoảng 90% dung lượng vệ tinh Vinasat 1 đã được khai thác, mà phần lớn là cho dịch vụ truyền hình, quảng bá. Và đó là lý do cần có thêm một Vinasat 2.

      Vệ tinh Vinasat 2 vẫn do Lockheed Martin (Hoa Kỳ) sản xuất, sử dụng công nghệ khung A2100A, một trong những công nghệ vệ tinh tiên tiến hiện nay. Vùng phủ sóng của vệ tinh này là khu vực Đông Dương và một số nước lân cận. Lần phóng này tiếp tục chọn sử dụng dịch vụ phóng của ArianeSpace (Pháp) với tên lửa Ariane 5 tại bãi phóng Ku-ru (Guy-a-na thuộc Pháp). Vinasat 2 sẽ được phóng cùng vệ tinh JCSAT 13 của Nhật Bản.

      Vệ tinh Vinasat 2 lúc này đang ở bước hoàn thiện cuối cùng. Dự kiến ngày 27 tháng 3 Vinasat 2 sẽ được nhà sản xuất vận chuyển ra bãi phóng. Sau đó tiếp tục được đo thử lại trong vòng một tháng, hoàn tất các khâu kiểm tra, tổ hợp vào tên lửa phóng. Khoảng trung tuần tháng 5 thực hiện phóng vệ tinh Vinasat 2 lên quỹ đạo. Khi lên quỹ đạo, vệ tinh Vinasat 2 sẽ được đo thử và kiểm tra tình trạng kỹ thuật và bàn giao đưa vào khai thác. Trung tâm điều hành vệ tinh Quế Dương (thành phố Hà Nội) và Bình Dương (tỉnh Bình Dương) tiếp tục điều khiển. Đây cũng là trung tâm đang điều khiển hoạt động của vệ tinh Vinasat 1. Vinasat 1 và Vinasat 2  đều là những vệ tinh mới, có các chỉ tiêu kỹ thuật tốt, cả hai cùng hoạt động, mở ra một thị trường đầy tiềm năng và mới mẻ trong lĩnh vực dịch vụ thông tin vệ tinh ở nước ta và khu vực.

 

      Tin vui này đã thúc đẩy tôi cố gắng thay đổi công nghệ truyền hình ngay trong căn nhà yêu dấu của mình từ kỹ thuật Analog sang kỹ thuật Digital. Tại sao không nhỉ, chỉ truyền hình vệ tinh mới đem lại chất lượng hình ảnh HD có độ nét cao mà Đài Truyền hình VTC – Đài đi đầu mở ra truyền hình kỹ thuật số cho Việt Nam cách nay 10 năm đang phát trên 72 kênh và còn hơn thế nữa. Thú thực ở thời điểm này, giá các thiết bị truyền hình giảm sâu, chỉ còn hơn 50% giá cũ cách nay 3 năm. Mà công nghệ thì hiện đại, full HD, màn hình led, truy cập được internet, và còn có khả năng xem phim 3D, xem và sao chép. Người ta gọi là Multi Media. Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói với giới văn nghệ rằng: “Khi đói người ta cần cơm. Khi đã đủ cơm rồi người ta cần sách”. Có nghĩa là lúc này tôi sắm ti-vi công nghệ cao là đúng lúc cần nâng cao chất lượng cuộc sống. Và gọi điện đặt hàng VTC.

      Một cái hẹn. Chủ nhật tuần rồi, kỹ thuật viên của Công ty dịch vụ Truyền hình thuộc Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC vác đến nhà tôi một cái chảo thu sóng to hơn chiếc lồng bàn, và một chiếc đầu thu HD05 mà anh ta nói là model mới nhất của VTC. Trên sân thượng nhà, anh ta khoan đặt và đưa chảo hướng về hướng Đông – Nam. Hỏi, “Sao nhà bên kia phố bạn tôi chảo lại quay hướng Tây – Nam”. Anh ta cười: “Chảo này hướng tới vệ tinh Vinasat 1. Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam mà”. Tôi bật cười tiếp tục hỏi. Sau đây là câu chuyện giữa hai chúng tôi trên sân thượng dưới bầu trời trong veo.

 

      - Thế sao cái chảo nhà bên kia phố lại quay hướng Tây - Nam?

      - Vì nó hướng tới vệ tinh Asiasat 5, vệ tinh ta đi thuê. Họ đặt trước bác lâu rồi. Có sự cố kỹ thuật, phải đổi chuyển.

      - Sự cố gì?

      - Công nhân cỡ cháu sao biết được bác!

      - Ra thế. Sẽ giải quyết cái chảo hướng Tây – Nam đó ra sao?

      - Công ty cháu đang dồn tổng lực lượng để xoay lại hết cho khách hàng. Về hướng Đông – Nam. Hướng Vinasat1

      - Hàng chục ngàn nhà làm sao xuể cho khách không “đứt” sóng?

      - Thế mới phải huy động tổng lực. Khách hàng chia sẻ khó khăn cho thì quý. Bằng không, tức giận mắng, Công ty phải chấp nhận…cười trừ và xin lỗi. Tuy nhiên Công ty có thông báo hướng dẫn trên đài để khách có thể tự điều chỉnh. Tốt nhất vẫn là báo cho Tổng đài hỗ trợ 18001530 để nhà cung cấp dịch vụ cử nhân viên đến tận nhà điều chỉnh miễn phí. Họ chuyên nghiệp. Bác nhỉ!

      Thì còn cách nào hơn.

      Ngay tối hôm lắp đặt truyền hình vệ tinh, người bạn có chiếc chảo quay hướng Tây – Nam ở nhà bên kia phố sang nhà tôi. Có lẽ sáng nay anh tăm tia được trên sân thượng chúng tôi đang đặt chảo. Thấy trên ti-vi màn hình led nhà tôi đang phát chương trình “Đẹp cùng bạn” HD nét sâu đến từng chi tiết. Như sờ mó được. Ngỡ tưởng anh chúc mừng. Nào ngờ anh cật vấn rằng bên anh mất tín hiệu mà sao tôi có. Anh tưởng tôi làm truyền hình thì cái gì cũng biết. Tôi cười phá vội pha chè Long Tỉnh mời, chờ anh nguôi sẽ giải thích. Vừa lúc, “Đẹp cùng bạn” chào hết, trên màn hình có thông báo của nhà đài về thay đổi vệ tinh. Và xin quý khách hàng vui lòng nghe hướng dẫn. May quá. Tôi đưa anh số máy điện thoại của tổng đài hỗ trợ. Đưa luôn cả điện thoại cầm tay, giục “Gọi đi. Sớm ngày nào hay ngày ấy”.

      Gọi. Bên kia hứa. Anh đã nguôi. Vợ tôi hóng chuyện:

      - Bên bác hưởng thụ truyền hình công nghệ cao trước nhà em vài năm rồi. “Đứt” sóng ít ngày hy sinh đi. Xem cáp!

      Tôi bấm vợ:

      - Rõ thật…Đang xem HD hình ảnh lung linh. Bỗng “đứt” sóng ai chả bực. Nhưng cũng nên chia sẻ với nhà cung cấp dịch vụ. Tình huống bất khả kháng mà. Anh nhỉ?

      Tôi thông báo với anh tin vui Vinasat 2 sắp được phóng. Có thể chúng ta sẽ phải quay đổi hướng chảo một lần nữa để xem truyền hình 3-4-5D. Đùa anh thế, chứ bây giờ là vệ tinh của ta rồi sẽ không có chuyện bị động.

      Hai ngày sau anh phôn cho tôi báo đã có tín hiệu.

      Tôi lên tầng thượng tia sang tầng thượng bên anh. Cái chảo đã xoay về hướng Đông – Nam.


     Ghi chép của Khiếu Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn