Tiêu hủy 20.000 viên thuốc điều trị ung thư: 'Thủ tục hành chính quá dài'

Sức khỏeThứ Tư, 24/05/2017 12:09:00 +07:00

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phân tích nhiều nguyên nhân dẫn tới việc gần 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM hết hạn buộc phải tiêu hủy, gây lãng phí gần 14 tỷ đồng.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 24/5, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, hôm qua Ủy ban đã yêu cầu Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM và các cơ quan chức năng báo cáo vụ việc liên quan đến việc gần 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM hết hạn buộc phải tiêu hủy, gây lãng phí gần 14 tỷ đồng.

Hinh anh Tieu huy 20.000 vien thuoc dieu tri ung thu: Quan chuc QH noi 'ro rang co lang phi'

 Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đánh giá, nguyên nhân chủ quan đầu tiên là do bệnh viện lập kế hoạch xin tài trợ không chuẩn. Khi bệnh viện lập kế hoạch đang có 200 người ung thư máu nằm điều trị, nhưng chỉ có 50 người đăng ký sử dụng loại thuốc này.

Đây là loại thuốc đặc trị khá đắt, với chi phí 1 tỷ đồng trên một năm điều trị. Mặc dù người sử dụng tại bệnh viện chỉ phải bỏ ra 42 triệu đồng/năm (đối ứng 5%) nhưng không phải ai cũng đủ tiền để dùng.

“Cho nên khi lập kế hoạch xin thuốc cho 50 người nhưng khi về bệnh viện chỉ 26 người sử dụng. Bệnh viện đã xác định không chuẩn cho nên khi lấy về chỉ 26 người sử dụng cho nên số thuốc thừa tăng lên”, ông Lợi phân tích.

Video: Vì sao phải tiêu huỷ 20.000 viên thuốc điều trị ung thư?

Bên cạnh đó, bệnh viện đã không chủ động báo cáo kịp thời để xin chủ trường chuyển hay như thế nào để sử dụng có hiệu quả khi bệnh viện dùng đến 6 tháng và thời hạn sử dụng thuốc sắp hết. Cho nên đến khi có lệnh tiêu huỷ nhưng bệnh viện vì lý do khách quan nên vẫn giữ thuốc trong kho.

“Nguyên nhân chủ quan có cả vấn đề của cơ quan tài trợ. Là cơ quan độc quyền cho nên tất cả việc di chuyển hay chuyển cho đơn vị khác hoặc nhượng cho bệnh nhân khác đều phải được sự đồng ý của cơ quan tài trợ. Trong trường hợp cụ thể này, cơ quan tài trợ đã không cho phép chuyển cho đơn vị khác, bệnh nhân khác nên đó cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh viện không làm được gì”, ông Lợi phân tích thêm.

Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng thẳng thắn chỉ ra điều cần rút kinh nghiệm ở vụ việc này là thủ tục hành chính của chúng ta bị kéo quá dài qua các khâu.

Cụ thể, khi bắt đầu làm thủ tục thuốc nhập này vào tháng 7 năm 2013, thì thuốc đã sản xuất vào tháng 6 năm 2013 trong khi thuốc này chỉ có thời hạn trong 23 tháng.

“Quy định chỉ cho phép 20 ngày làm thủ tục nhập khẩu thuốc nhưng ở trường hợp này làm được thủ tục để thuốc về đến cảng thì chỉ còn hạn 10 tháng. Khi thuốc vào đến kho của bệnh viện và người đầu tiên sử dụng chỉ còn thời hạn rất ngắn cho nên cho đến khi dùng đến 6 tháng vẫn còn 1/3 số thuốc”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi phân tích.

Qua sự việc này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Không phải bệnh viện và Sở Y tế TP.HCM vô cảm.

“Cố gắng làm sao để không bị lãng phí, thất thoát mặc dù thuốc này là thuốc tài trợ cho không, đối ứng không đáng kể nhưng rõ ràng là vấn đề lãng phí; hơn nữa không phải thuốc này có thể điều trị cho bất kỳ người ung thư máu nào mà phải phù hợp mới dùng được”, ông Lợi nhấn mạnh.

Minh Đức
Chuyên đề: Ung thư
Bình luận
vtcnews.vn