Phòng khám Trung Quốc: Thêm một ca mổ trĩ suýt tử vong

Sức khỏeThứ Hai, 23/07/2012 09:03:00 +07:00

Dọa không mổ sẽ bị ung thư, chị Nguyễn Thị Lan, 28 tuổi (Bình Phước) vội vàng bán dây chuyền để mổ. Hậu quả là chị bị mất máu nghiêm trọng.

Dọa không mổ sẽ bị ung thư, chị Nguyễn Thị Lan, 28 tuổi (Bình  Phước) vội vàng bán dây chuyền để mổ. Hậu quả là chị bị mất máu nghiêm trọng.

Đêm 19/7, Khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy -TP.HCM tiếp nhận cấp cứu trường hợp chị Nguyễn Thị Lan, 28 tuổi trú ở Đồng Xoài, Bình  Phước trong tình trạng mất máu nhiều, suy hô hấp do tai biến mổ trĩ tại phòng khám có sử dụng bác sỹ Trung Quốc.

TS Phan Đương, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa cho biết, bệnh nhân Lan mổ trĩ tại phòng khám y học cổ truyền Huê Hạ (8B Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 5), vết thương 3cm ở hậu môn.
Chỉ đến khi PV chụp ảnh, phòng khám này mới kéo cửa xuống 

Với biểu hiện bệnh trĩ ngoại, chị Lan chỉ phải điều trị bằng thuốc, trường hợp biến chứng gây thuyên tắc mới chỉ định mổ.

Tuy nhiên bác sỹ Đông y phòng khám Huê Hạ đã chẩn đoán chị Lan phải mổ, “nếu không mổ ngay sẽ ung thư, nguy hiểm đến tính mạng”. 

Tại phòng bệnh, chị Lan chia sẻ với PV ANTĐ: Lo lắng về bệnh tật, chị Lan đã bán sợi dây chuyền 11 triệu đồng để đóng tiền phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật chừng nửa giờ, chị thấy chóng mặt, khó thở, người nhà đã ngay lập tức chuyển chị sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

TS Phan Đương thông tin thêm, nếu chị Lan không được cấp cứu kịp thời, mất máu nhiều, huyết áp tụt, chắc chắn nguy hiểm đến tính mạng. Hiện chị Lan đã tỉnh táo, sức khỏe đang hồi phục.

Tuần trước, phòng khám Huê Hạ là 1 trong số các phòng khám Trung Quốc bị thanh tra Sở Y tế TP.HCM tước giấy phép và buộc đình chỉ hoạt động.

Nhưng theo người dân phường 15, quận 5, kể cả khi xảy ra sự việc, phòng khám này vẫn mở và vẫn tiếp nhận bệnh nhân đến khám, điều trị. Chỉ khi thấy đông người tụ tập bàn tán, phản đối, bảo vệ phòng khám mới đóng cửa xếp xuống.

Được biết, phòng khám Huê Hạ do ông Huang Furu (SN 1937, quốc tịch Trung Quốc) đứng tên giấy phép. Phòng Y tế quận 5 đã kiểm tra phát hiện phòng khám này thường xuyên truyền dịch, cắt trĩ, sử dụng thuốc không đăng ký… và từng bị đình chỉ hoạt động do hành nghề vượt phạm vi chuyên môn cho phép.  

Điều khiến dư luận bất bình là các lỗi vi phạm nhiều năm qua, không hiểu sao thanh tra y tế vẫn… bỏ qua?

Bên cạnh đó, với chuyên môn yếu, nhiều người không có trình độ ngang nhiên thực hiện phẫu thuật, chỉ khi vi phạm xảy ra liên tiếp với mức độ nghiêm trọng, những hành vi của “bác sỹ” phòng khám Trung Quốc mới được xử lý…

Vấn đề quản lý bác sỹ Trung Quốc qua Việt Nam hành nghề cũng rất lỏng lẻo. Nhiều người không thuộc Hội Đông y TP.HCM vẫn dễ dàng mở phòng khám kiêm thêm các dịch vụ Tây y, mời lương y Trung Quốc chưa được phép, thậm chí không phải là bác sỹ được tráo ảnh, chứng minh thư và vô tư hành nghề.

 Lương y Trần Nam Hoàn, Phó Chủ tịch Hội Đông y Tân Bình nhận định: Những người Trung Quốc qua đây chắc chắn tay nghề không tốt. Theo phong tục tập quán, lương y tay nghề giỏi, họ sẽ chẳng bao giờ đi đâu hết.

Vì thế, những “bác sỹ” Trung y ở TP.HCM chỉ có thể sang Việt Nam bằng đường du lịch thông qua các đường dây “cò”. “Cò” sang Trung Quốc bắt mối, cho tiền và dụ dỗ kéo bác sỹ về Việt Nam.

Có hình thức là người Việt cho thuê nhà, đứng tên phòng khám còn người Trung Quốc mua cả phòng khám để hành nghề dù nhiều “bác sỹ” Trung y không hề biết phản ứng thuốc, sốc phản vệ là thế nào...

Rồi người đứng tên phòng khám thì làm lễ tân, bảo vệ “canh” cơ quan chức năng, “bác sỹ” Trung Quốc thì mặc sức tung hoành, đặc biệt là truyền dịch một cách vô tội vạ… Đến khi có đoàn kiểm tra, người đứng tên ngồi vào bàn khám, người Trung Quốc khai là bệnh nhân, hoặc bỏ trốn.

Bác sỹ Trương Thìn, Hội Đông y TP.HCM cho rằng: Ngành y tế phải đưa ra quy định chặt chẽ về cấp phép hoạt động cho người Trung Quốc, bởi đây không phải là vấn đề xã hội mà là tính mạng, sức khỏe của người dân.


Theo ANTĐ

Bình luận
vtcnews.vn