Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Không phân biệt người khám bằng thẻ BHYT với người khám dịch vụ'

Sức khỏeThứ Sáu, 03/06/2016 11:30:00 +07:00

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các đơn vị chức năng phải nỗ lực để người dân dùng thẻ vào bệnh viện không bị phân biệt, không mất nhiều tiền túi hơn.

Tại hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc bàn các giải pháp đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Hôm nay chúng ta bàn việc rất cụ thể nhưng rất thiết thực và cũng rất lớn là bảo hiểm, trong đó có BHYT. Như chúng ta đều biết, ở các nước tiên tiến, người nào không có BHYT mà có bệnh thì cực kỳ nguy hiểm. Vì thế Quốc hội đã thảo luận và khẳng định tinh thần BHYT toàn dân. Ở nhiều nước, tỉ lệ BHYT đều trên 99%". 

vu duc dam-1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý các nội dung thảo luận tại hội nghị (Ảnh: Quang Hiếu) 

"Lúc đầu, chúng ta đặt mục tiêu tới 2015 tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt 75% và tới 2020 là 80%. Khi đó có ý kiến nói năm 2015 không thể đạt 75%, chúng ta đã tổ chức hội nghị trực tuyến và giao nhiệm vụ cho từng địa phương, cuối cùng đạt 76%. Tức là nếu nhận thức đúng thì có thể làm được", Phó Thủ tướng nói.

Do đó, tháng 9/2015 Thủ tướng đã ký quyết định ban hành chỉ tiêu tới 2020 phải đạt 80% như Quốc hội yêu cầu. Nhưng tới nay, chúng ta bàn để điều chỉnh quyết định đó, đây là lần đầu tiên Quốc hội giao chỉ tiêu mà Chính phủ mạnh dạn đi trước và đi trước rất lớn.

"Con số 90% có khả thi không? Tinh thần của BHYT cũng như các loại BHXH là số đông dồn lại dùng cho số ít, bình thường bỏ ra tiết kiệm một ít để được chữa trị tốt khi có bệnh. Cần phải nhận thức như vậy", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành y tế và hệ thống y tế phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trước tiên là không phân biệt giữa người khám bằng thẻ BHYT và khám dịch vụ.

"Việc này dù đã có tiến bộ nhưng vẫn còn sự khác biệt, tôi đã nhiều lần trực tiếp đi khảo sát", Phó Thủ tướng lưu ý.

Cũng theo Phó thủ tướng, trách nhiệm rất lớn của các ngành chức năng là làm thế nào để người dân đóng BHXH thì khi vào viện phải bỏ tiền túi ít hơn. "Nói vậy thôi nhưng cần rất nhiều giải pháp, đặc biệt như Bộ Nội vụ nói là thay đổi cơ chế quản lý bệnh viện. Sau nữa là liên thông toàn bộ các bệnh viện, tức là người dân cầm một cái thẻ thì đi bất kỳ đâu cũng được khám chữa bệnh. Đây là thách thức rất lớn nhưng phải quyết tâm làm", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. 

Ghi nhận tại các địa phương thời gian qua, tỷ lệ tham gia BHYT tăng lên rõ rệt khi các đối tượng như người nghèo, trẻ em, nông dân... được ngân sách hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu cần xác định ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương để tiếp tục hỗ trợ người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: "Như Thứ trưởng Minh nói kết dư quỹ BHXH vẫn còn 450 tỷ, đề nghị Thủ tướng cho bảo đảm khoản này. Ngoài ra, các địa phương hỗ trợ thêm".

"Quan trọng hơn nữa, làm sao tăng tỉ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện, hiện mới chỉ đạt 10%. Một mặt chúng ta cần vận động người dân, mặt khác việc điều chỉnh giá dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ tác động đến đối tượng này. Vì nếu không mua thẻ BHYT thì chi phí khám chữa bệnh, điều trị sẽ rất cao. Báo cáo từ một số địa phương cho biết sau khi có thông tin điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ thì tỉ lệ người mua BHYT tự nguyện đã tăng lên", Phó Thủ tướng thông tin.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm về vấn đề mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT .

Cụ thể, việc mở rộng BHYT, bán thẻ BHYT như thế nào, quản lý như thế nào là trách nhiệm của BHXH. 

Về lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH cần nghiên cứu, xem xét ngoài việc bán dịch vụ BHYT cơ bản thì phải mở ra thị trường BHYT cao cấp hơn, đây chính là phát triển thị trường bảo hiểm.

"Không nước nào tự nhận mình tiến bộ mà lại không có hệ thống bảo hiểm cho toàn dân, trong đó có BHYT, chưa kể BHXH hiện nay mới có 25% người tham gia.

Từ trước đến nay người dân chưa có thói quen mua bảo hiểm, vì vậy, đây là cuộc vận động lớn để thay đổi thói quen của người dân, cần sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tin truyền thông", Phó Thủ tướng lưu ý.

Bình luận
vtcnews.vn