Ngửi mùi thối trong tự nhiên: Coi chừng tử vong do khí độc

Sức khỏeThứ Tư, 12/07/2017 14:20:00 +07:00

Khí độc hydro sulfua (H2S) được sinh ra trong tự nhiên rất nguy hiểm, chúng tập trung ở những nơi có luồng không khí yếu, nếu hít phải nồng độ cao có thể dẫn tử vong ngay lập tức.

Một vụ việc hết sức thương tâm vừa xảy ra tại thôn Sở Hạ (Xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội), khiến 5 người thiệt mạng khi đi tắm tại ao làng. Hiện, nguyên nhân tử vong vẫn đang được làm rõ, nhưng các chuyên gia cho rằng, khả năng 5 người này đã bị ngạt khí độc dẫn đến đuối nước và tử vong khi đang bơi tại ao.

Tại hội thảo về tư vấn phòng tránh đuối nước và ngộ độc khí trong tự nhiên ngày 11/7/2017 do Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chứ, Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã chia sẻ về cách nhận biết khí độc cũng như tầm nguy hiểm nếu hít phải loại khí độc này. 

Khí độc tích tụ ở đây là khí hydro sulfua (H2S), một chất có mùi hôi thối, rất độc. Khí này sinh ra trong quá trình phân hủy các chất hữu cơ, ở nơi chứa rác, chất thải hữu cơ và ngay cả trong đất. Chúng tích lũy nhiều tại những nơi có không khí kém như trong các hang, hốc, khe, hầm hay chỗ trũng.

Chất độc này có mùi giống trứng thối, nếu hít phải ở nồng độ thấp thì không gây nguy hiểm, nhưng với nồng độ cao có thể gây tê liệt khứu giác. Chúng hấp thu rất nhanh vào cơ thể, gây tê liệt, đặc biệt là thần kinh trung tâm hô hấp, dẫn tới ngừng thở và dẫn đến tử vong.

thac-si-nguyen-trung-nguyen-1485333254497-0-0-372-600-crop-1485333289529

 Ths Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh Nguyên Hoàng)

Theo ThS Nguyên, có rất nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc khí khi chui xuống giếng làm vệ sinh, khi chui vào các hang, hốc hay thùng chứa rác.   

Cũng theo ThS Nguyên, để đề phòng trường hợp này, chúng ta không nên đi vào những nơi có không khí kém, kể cả những nơi không có rác thải bởi bản thân khí này cũng được sinh ra từ lòng đất.

Nếu buộc phải tiến vào thì nên mở thông thoáng, tăng cường không khí trong sạch. Tốt nhất là nên có đồ bảo hộ và có người quan sát, hỗ trợ bên ngoài.

Những người hít phải khí H2S nồng độ cao sẽ bị ngã vật, bất tỉnh và khả năng cao là tử vong ngay lập tức.

Nạn nhân được đưa ra ngoài sẽ có những biểu hiện của nhiễm độc như hôn mê, ngừng thở, tụt huyết áp. Ngoài ra có thể thấy những vật dụng kim loại trên người như nhẫn, khuyên tai bằng bạc bị xỉn màu. Chính bởi vậy, những người xung quanh cần phải quan sát kỹ trước khi tiến vào giải cứu, bởi nếu không được phòng bị đầy đủ, người giải cứu cũng có thể bị tử vong theo.

IMG_1034

Theo bác sĩ Lương Quốc Chính, rất khó để xác định được nước có bị nhiễm khí độc hay không. (Ảnh: Nguyên Hoàng) 

Tiếp lời ThS Nguyên, bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa cấp cứu (bệnh viện Bạch Mai) cho biết, không chỉ ở những nơi không khí kém mà ở dưới nước cũng có thể bị chết do ngạt khí độc.

Theo Bs Chính, khi có rất nhiều người cùng bị đuối nước một lúc hoặc tử vong theo một hình thức giống nhau, tại một địa điểm thì ắt hẳn là do hít phải khí độc.

Khí độc trong nước sinh ra do cá sử dụng khí oxy, sau đó đào thải ra bằng phân hoặc do sự phân hủy của thực phẩm, dẫn tới người bơi bị ngạt thở, kiệt sức, đuối nước và tử vong.

Video: Nhà khoa học cảnh báo bất ngờ - Trong ao làng có nhiều khí độc chết người

Hiện nay, việc phát hiện khí độc tại ao, hồ, sông, ngòi là việc hết sức khó khăn bởi không phải lúc nào khí độc cũng phát lên trên mặt nước để có thể bị phát hiện, BS Chính nói.

Tốt nhất, trước khi bơi, chúng ta nên quan sát bằng mắt ở ao, hồ xem cá có nổi lên mặt nước hay có tập trung tại một địa điểm nhất định hay không. Nếu có, chứng tỏ nó đang thiếu dưỡng khí và rất nguy hiểm khi có ý định bơi, tắm.

Bên cạnh đó, nếu ao có mùi hôi, đục, bẩn, tảo sinh sôi nhiều cũng phải hết sức đề phòng bởi lúc này, dưỡng khí trong ao rất độc hại và gây nguy hiểm cho người.

Nguyên Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn