Chuyện buồn hai phận già ở trại phong bỏ hoang Đá Bạc

Sức khỏeThứ Năm, 28/09/2017 07:33:00 +07:00

Từng là nơi ăn, ở, chữa bệnh của hơn 100 bệnh nhân bệnh phong, vậy mà giờ đây trại phong Đá Bạc (Sóc Sơn, Hà Nội) chỉ còn là những căn nhà bỏ hoang và thấp thoáng trong đó là những số phận cô đơn, lẻ bóng, sống để chờ chết.

Con đường vào trại phong Đá Bạc (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) dài khoảng 3km từ đường 35 vào, nhưng là đường đất đỏ quạch và dày đặc ổ voi, ổ gà.

1

Trại phong Đá Bạc, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị bỏ hoang từ năm 2011. (Ảnh: Phong Sơn)

Chẳng cần phải tìm đâu xa, ngay ngoài lề đường là khu nhà quản lý của trại phong xưa kia với lớp sơn vàng khè đã tróc gần hết, cỏ dại mọc lên khắp nơi, chứng tỏ nơi đây đã bị bỏ hoang lâu lắm rồi.

3 38

Khắp nơi là phế thải, vật liệu. (Ảnh: Phong Sơn)

Khuất sau những hàng cây nhãn, dàn mướp um tùm là khu nhà ở của bệnh nhân ngày xưa, gồm ba dãy nhà, mỗi dãy sáu phòng lớn. Vào thời mà trại còn hoạt động, mỗi phòng lớn này chứa được 4 bệnh nhân, đằng sau đó là khu nhà bếp, tạo thành một công trình khép kín.

Cũng vàng vọt, bong tróc, ảm đạm như ngôi nhà quản lý phía trước cái sân rộng mà xưa kia là bãi đất sinh hoạt chung, giờ đây được tận dụng làm chỗ trồng cây ăn quả, và dàn mướp.

6 3

Trại phong Đá Bạc gồm bốn dãy nhà cấp 4 và một khu nhà ở cho bác sĩ. (Ảnh: Phong Sơn)

9 5

Bị bỏ hoang từ lâu, giờ đây trại phong chỉ còn những khu nhà đã xuống cấp, có phòng ở đã được tận dụng để trồng nấm. (Ảnh: Phong Sơn)

Nghe nói trại phong Đá Bạc ở Sóc Sơn thì gần lắm, nhưng có đi mới biết là chẳng gần chút nào, nếu không có sự chỉ dẫn tận tình của anh Nguyễn Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú thì có lẽ phải đến tối mịt chúng tôi mới tới nơi. Nhiều khi, đến google map cũng phải bó tay với những con đường chằng chịt.

Được tin chúng tôi muốn tới trại phong thăm hỏi và đưa tin về các cụ, anh Tâm mừng lắm, anh bảo từ ngày trại phong được lên báo, đã có rất nhiều đài báo rồi đoàn từ thiện nhưng thực sự đã có nhiều thông tin sai lầm chính từ những đơn vị này.

Anh chia sẻ, nhiều đoàn từ thiện hoặc báo đài lên đây đã khuếch trương sự nghèo đói, đau khổ của các cụ mà sự thật lại hoàn toàn không phải như vậy. 

Thứ nhất, các cụ là người bị một căn bệnh cực kỳ tàn nhẫn, đó là bệnh phong hay còn gọi là bệnh hủi. Ngày trước, ai mà mắc phải bệnh này thì bị kỳ thị, phân biệt như một dị nhân để rồi nhiều người phải tha hương, lạc xứ.

5 3

Cụ Nguyễn Thị Sợi - 71 tuổi đã gắn bó với trại Đá Bạc hơn 50 năm. (Ảnh: Phong Sơn)

Trại phong Đá Bạc được xây dựng từ những năm 1950, bệnh nhân ở đây đa số là những người được chuyển lên từ trại phong ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Nghệ An tới.

23 38

Cụ Sợi vừa được tặng một đầu kỹ thuật số từ các đoàn từ thiện, trong nhà cụ rất ngăn nắp, sạch sẽ. (Ảnh: Phong Sơn)

24 38

Phóng viên VTC News đang hướng dẫn cụ sử dụng đầu kỹ thuật số. (Ảnh: Phong Sơn)

Rất nhiều bệnh nhân ở đây đã bị hắt hủi bởi chính gia đình, người thân của họ nhưng may mắn thay, họ đã tìm được một gia đình mới ở trại phong này.

13 7

Cụ Lê Thị Liên - 81 tuổi, quê gốc ở Gia Lâm, Hà Nội mắc bệnh phong từ năm 19 tuổi và phải tha hương lạc xứ mãi tới năm 1968 khi trại Đá Bạc được xây dựng. (Ảnh: Phong Sơn)

18 10

Hàng ngày, cụ vẫn ra vườn và tụng kinh vào buổi chiều. (Ảnh: Phong Sơn)

17 10

Căn bệnh quái ác đã ăn mòn hết các ngón chân, ngón tay của cụ. (Ảnh: Phong Sơn)

Ngày xưa, bệnh phong hay bệnh hủi hoàn toàn không có thuốc nào chữa được, chỉ có đúng  cách đun lá dầu không ngâm. Khi ngành y tế Việt Nam phát triển, hiện đại hoá thì những người bị bệnh phong mới có cơ hội được chữa trị, nhằm hạn chế  sự phát triển của căn bệnh quái ác này.

Có những người mới mắc và đã được chữa trị khỏi hoàn toàn và đặc biệt đây là bệnh không lây. Do đó, rất nhiều bệnh nhân ở đây đã trở về với gia đình, hoặc trong thời gian chữa trị, rất nhiều đôi đã nên duyên vợ chồng ngay ở trong trại.

Anh Tâm cho biết, năm 2011, huyện Sóc Sơn có ý định xây nghĩa trang sinh thái ở chính khu vực trại phong Đá Bạc và đã có tổ chức xin ý kiến ban quản lý trại, các bệnh nhân và đều được đồng ý.

Tuy nhiên, còn lại 9 cụ xin được ở lại vì họ không còn chỗ nào để đi, đó là những bệnh nhân đã gắn bó rất lâu từ ngày còn ở Vĩnh Phúc. Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ còn lại 2 cụ bà sống trong trại, còn lại đã tìm được chỗ ở mới xung quanh khu vực xã Minh Phú.

Hàng tuần, vào thứ bảy hoặc chủ nhật, 9 cụ lại quay quần bên nhau ở trong trại, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa, thăm hỏi hai người bạn già cô đơn trong này.

Video: Trại phong Đá Bạc: Nơi nương náu của những mảnh đời bất hạnh

Tất cả 9 cụ đều được hưởng chế độ cho người khuyết tật, hàng tháng được khám chữa bệnh ở trạm xã miễn phí và được cấp 700.000 đồng/người. Các cụ được cấp hộ khẩu đặc biệt của xã bởi không còn trong diện quản lý của trại.

Thật không may, khi chúng tôi đến chỉ còn lại hai cụ Nguyễn Thị Sợi - 71 tuổi và Lê Thị Liên - 81 tuổi.

Cụ Sợi quê gốc ở Vĩnh Phúc, năm 17 tuổi chẳng may mắc phải căn bệnh quái gở này khiến người nhà, hàng xóm láng giềng xa lánh rồi bị đuổi khỏi làng. Từ đó, cụ đã gắn bó với trại phong ở Vĩnh Phúc rồi Đá Bạc, tính ra đã 50 năm rồi.

Nhà cụ Sợi là  khu nhà khám chữa bệnh ngay đầu hồi với dàn mướp xanh rờn phủ kín hiên nhà, ngoài sân là vài con gà cục tác và hai chú chó con trông đến vui mắt.

Trong nhà cụ cũng có bàn ghế, giường chiếu, bếp núc đàng hoàng và cực kỳ sạch sẽ, ngăn nắp.

Nhìn khung cảnh nhà cụ Sợi, thực sự chẳng ai nghĩ đây là một nơi bỏ hoang, mà chỉ cảm thấy thanh bình, vui vẻ lạ thường. Cụ Sợi tâm sự, hàng ngày cụ chỉ ăn cơm với rau, đậu hoặc muối vừng thôi, chứ thịt thì ăn được là mấy.

Tuần nào cũng có những đoàn từ thiện, thanh niên tình nguyện rồi chính quyền địa phương đến thăm hỏi, cho hai cụ thịt, đồ ăn hoặc giúp hai cụ dọn dẹp vườn tược nhưng bây giờ già rồi, ăn chỉ cho có bữa thôi.

Nhìn bữa cơm của cụ Sợi đơn giản, nhanh chóng quá nhưng mà cụ vui vẻ lắm. Vui vì có cụ Liên, có đàn gà, mấy con chó làm bạn rồi mọi người đến chơi; ở đây mà có người đến chơi là quý hoá lắm rồi.

Khi chúng tôi hỏi về cuộc đời cụ ngày trước, ánh mắt cụ thoáng buồn nhưng nụ cười lại ngay lập tức xuất hiện trên gương mặt. Hồi đó, cụ lấy chồng rồi, nhưng mà nghe tin cụ mắc bệnh phong, chồng cụ cũng bỏ cụ mà đi lấy vợ hai dù hai người đã có với nhau một cô con gái.

Sau này, chồng cụ lúc sắp mất có tìm lên đây với cụ, là người sống có tình nghĩa, cụ vẫn chăm sóc và lúc chồng mất, chính tay cụ đã chôn cất, hương nhang tới giờ. "Nghĩa tử là nghĩa tận mà" cụ nói.

Kể từ khi bị chồng bỏ, cụ Sợi không muốn đi tiếp bước nữa mặc dù trong trại cũng có nhiều người mai mối. 

Câu chuyện đã qua lâu lắm rồi, nhưng mỗi lần nhắc đến, cụ Sợi vẫn buồn lắm, buồn cho cái mảnh đời éo le của chính mình đã mắc phải bệnh phong, buồn cho những ngày tháng giờ đây sống cô quạnh.

Nếu không vì căn bệnh này, thì giờ cụ đã an nhàn sống cùng con đàn cháu đống, vui thú quê nhà. Cuộc đời không ai nghĩ đến chữ ngờ.

Cuối dãy nhà ẩm mốc kia là nhà cụ Lê Thị Liên, cụ quê gốc ở ngay Gia Lâm kia thôi, nhưng câu chuyện cụ kể xa xăm lắm, nghe mà vừa thấy bí ẩn, vừa thấy đau thương.

Vào trại sau cụ Sợi, nhưng bệnh lại nặng hơn, căn bệnh này đã ăn mòn hết cả chân tay của cụ. Thú thực, khi cầm máy lên, tôi chỉ muốn cất ngay máy đi, bởi tôi không muốn ghi lại những hình ảnh về cụ, những vết thương thể xác nhưng lại ăn dần ăn mòn tâm hồn cụ.

Đó không chỉ là những vết thương bên ngoài do bệnh, mà đó là vết thương lòng, hàng ngày nó cứ bào mòn tâm trí với những ký ức xưa kia hiện về. Giá như, vâng, giá như không do nó thì cụ Liên cũng như cụ Sợi sẽ không cô đơn, không bị hắt hủi.

Cụ Liên kể; ngày xưa, nhà cụ nghèo lắm, bố mẹ cụ mất năm 1945 vì đói quá, hai ông bà mất cách nhau có 6 ngày thôi, để lại cụ mới 9 tuổi và một người em. Hồi đó cụ phải đi ở đợ cho nhà khác, làm lụng ngoài đồng đến tối mịt mới về và căn bệnh phong tìm tới cụ lúc nào không hay.

Nhiều lúc, tôi muốn quên đi, quên hết những đau khổ mà tôi phải trải qua, nhưng mà càng cố quên thì lại càng nhớ; cụ Liên chia sẻ. 

Khi mới bị bệnh năm 19 tuổi, cụ chỉ cảm thấy tê, mất cảm giác mấy đầu ngón chân thôi, nhưng dần dà là cả chân, rồi tay... Đau đớn nhất là thời gian đầu phải giấu diếm vì sợ lắm, sợ bị hắt hủi, bị xa lánh nên cụ vừa làm cụ vừa khóc, đêm ngủ cũng khóc.

Khóc vì thương thay cho cái phận bị hủi của mình. Sau này, cụ được chuyển từ trại phong ở Nghệ An lên Đá Bạc, ở đây cụ đã kết duyên với một người đàn ông cùng cảnh ngộ và có với nhau được một cậu con trai.

phong 60

Chiếc radio cụ Liên được tặng để phục vụ việc tụng kinh. (Ảnh: Phong Sơn)

Nhưng cái éo le cứ đeo bám cụ đằng đẵng, tưởng chừng như đã tìm kiếm được hạnh phúc cho cuộc đời thì cụ phải gạt nước mắt nhìn cậu con trai dứt áo ra đi làm con nuôi người trong làng vì biết cả bố và mẹ đều bị hủi.

Đến ngay cả đám cưới của con, cụ cũng không được mời, chẳng ai biết cụ là mẹ đẻ mà chỉ được vài ba mâm cỗ trong trại gọi là báo tin mừng thôi.

Hàng ngày, cụ Liên ra vườn chăm sóc cây cối, rau quả rồi dành ra một tiếng để tụng kinh vào buổi chiều. Cụ bảo thi thoảng hai cụ cũng dẫn nhau đi lễ ở một ngôi chùa trong làng, nhưng thi thoảng thôi.

Nhìn hai cụ đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm được hạnh phúc, được có gia đình lắm. Khi được hỏi vì sao khi có quyết định di dời, hai cụ lại quyết định ở lại thì hai cụ bảo: "Bây giờ về đâu, đi đâu nữa, làm gì còn ai nữa mà tìm, với lại chúng tôi quen rồi".

Bây giờ, hai mảnh đời éo le hàng ngày làm bạn với nhau, sau bữa cơm, hai cụ lại cùng ngồi ngoài hiên, tâm sự về những ký ức đã qua, mọi buồn vui giờ chỉ là quá khứ.

Phong Sơn - Vi Yến
Bình luận
vtcnews.vn