Cảnh báo sự nhầm lẫn giữa thần đồng và tự kỷ

Sức khỏeThứ Hai, 06/12/2010 04:21:00 +07:00

Những thần đồng chỉ thích làm những gì chúng muốn, hoặc trước đây chậm nói, chỉ hiểu câu nói theo nghĩa đen, đôi khi nói một mình…

Tuần qua, báo chí liên tục đăng tải thông tin về những đứa trẻ mới ba tuổi đã đọc thông, viết thạo; được nhiều người dự đoán sẽ là thần đồng tương lai. Điều ít ai lưu ý là những trẻ này chỉ thích làm những gì chúng muốn, hoặc trước đây chậm nói, chỉ hiểu câu nói theo nghĩa đen, đôi khi nói một mình…

Các bác sĩ cảnh báo, phụ huynh coi chừng những trẻ này bị hội chứng Asperger. Thực tế mỗi năm, chỉ riêng BV Nhi Đồng II TP.HCM đã tiếp nhận đến 30 trẻ mắc hội chứng này.

Tội nghiệp thần đồng!

“Mới hơn ba tuổi mà thằng nhỏ đã biết đọc, biết viết!”. Nghe tin, cuối tuần qua, chúng tôi đã đến khu dân cư Sông Đà, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM để xác minh. Theo giấy khai sinh, cháu Nguyễn Văn Phúc sinh ngày 31/3/2007, tức đã hơn ba tuổi. Anh chị Nguyễn Văn Danh và Nguyễn Thị Hồng - cha mẹ Phúc cho biết, đến nay, cháu vẫn chưa thể trả lời những câu hỏi và tập trung để làm việc gì theo yêu cầu của người lớn, mà thích gì làm nấy. Chúng tôi làm quen và thử tài Phúc, cu cậu nhất quyết không làm theo. Nhưng, khi không ai yêu cầu gì thì Phúc bắt đầu “thể hiện”. Cậu lấy bút và quyển sách lớp 1 nhàu nát mang từ Quảng Bình vào, đọc những dòng chữ ông ngoại đã viết lên đó: “Sài Gòn, Quảng Nam, Quang Bình”. Tiếp theo, cu cậu đọc thêm mấy từ “cây thông, công viên, dòng sông”. Khi tôi đưa tờ báo bảo đọc, cậu kiên quyết không đọc mà nói “sữa nè, uống sữa” rồi ho khù khụ (Phúc đang bị ho). Dứt cơn ho, Phúc đột nhiên cầm tờ báo lên đọc một loạt câu ngắn; sau đó cầm bút viết một số từ bằng chữ in khá rành rẽ.

Cháu Nguyễn Văn Phúc rất thích chơi với sách vở, bút... 

Chị Hồng cho biết, Phúc rất thích “chơi” với sách, bút và có thể hý hoáy “vẽ” chữ suốt đêm, nhưng lại chậm biết nói. Đến Tết vừa qua, gần ba tuổi, cháu mới bắt đầu ú ớ được vài tiếng “ba”, “mẹ” và đó cũng là lúc ông bà ngoại phát hiện cháu biết đọc, biết viết.

Trước đó, người ta cũng phát hiện “thần đồng” Dương Chính Kiệt ở thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, Phú Yên mới ba tuổi đã đọc chữ ro ro; tại xóm Kinh Xáng Mới, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời - Cà Mau, cũng có “thần đồng” tên Nguyễn Phi Thường, chưa đầy ba tuổi đã thạo chữ… Chuyện trẻ ba - bốn tuổi biết đọc, biết viết tiếng Việt, thậm chí cả một số từ tiếng Anh, không còn là chuyện lạ, nhưng cha mẹ của các cháu lại có những phản ứng khác nhau. Cách đây không lâu, khi chúng tôi tìm đến nhà một “thần đồng” tại một tỉnh miền Tây, cha mẹ của “thần đồng” tỏ ra cau có: “Có cho gì không mà đòi gặp hoài. Tui sinh ra đứa con xuất chúng, mai này nó sẽ phục vụ Nhà nước thì Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ gia đình tui chứ!”.

Cũng xem con mình là xuất chúng, cha của một “thần đồng” đã đề nghị nhà báo can thiệp để con ông được “hỗ trợ, nếu không thì nhân tài bị bỏ uổng”. Nhiều phụ huynh đã tạo sức ép cho trẻ bằng cách buộc con phải biểu diễn như một chiếc máy biết đọc, biết viết, phải học nhanh học vội cho xứng với hai chữ “thần đồng”… Cụ thể, mới đây, khi một “thần đồng” đến tuổi vào lớp 1 thì bố mẹ  nằng nặc xin cho con “đại nhảy vọt” vào lớp 2. Thực tế, đã có một số “thần đồng” sau một thời gian gây ồn ào đã có biểu hiện gần như tách khỏi thế giới xung quanh; đọc tốt, viết giỏi nhưng những kỹ năng sơ đẳng khác gần như bị bỏ quên. Vì sao?

Cần được điều trị sớm

BS Đặng Ngọc Thạch, khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng II TP.HCM, cảnh báo: chúng tôi chưa thật sự gặp một thần đồng nào, chỉ biết mỗi năm, BV điều trị cho khoảng 30 trẻ bị Hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa (RLPTLT) (nhiều nhất là trẻ biết đọc biết viết, ngoài ra còn có những trẻ vẽ đẹp như họa sĩ, mê hát nhạc cổ điển, dự báo thời tiết...). BS Thạch giải thích, trẻ biết đọc, biết viết khi mới ba tuổi được chia làm ba dạng: thần đồng, trẻ được học chữ sớm, trẻ bị Hội chứng RLPTLT (còn gọi là rối loạn Asperger, rối loạn phổ tự kỷ).

Cháu Nguyễn Văn Phúc với mẹ. 

Hội chứng RLPTLT thường xuất hiện khi trẻ bước sang tuổi thứ hai - ba và có thể tồn tại suốt đời. Tỷ lệ mắc bệnh khá cao, chiếm 20-25/10.000 trẻ, thường gặp ở bé trai. Hội chứng này có nhiều hành vi giống trẻ tự kỷ nhưng ở mức độ nhẹ vì kỹ năng nhận thức, tương tác xã hội tốt hơn. Trẻ có những rối loạn phát triển trong các lĩnh vực: xã hội, kỹ năng giao tiếp, cảm xúc và hành vi. Thế nhưng, trẻ lại có trí nhớ phi thường, có khả năng tự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu những lĩnh vực mà trẻ thích thú. Ngay từ trước khi đi học, trẻ có thể biểu hiện những sở thích rất đặc biệt trong một lĩnh vực nào đó như: toán học, vật lý, lịch sử, địa lý, khả năng đọc sách, khả năng học thuộc lòng, tin học… và vượt trội so với những trẻ cùng lứa tuổi.

BS Nguyễn Phúc Giác Hải - Chủ nhiệm Bộ môn Thông tin dự báo, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người tại Hà Nội, cho biết, trẻ học chữ có hai cách: học ghép vần và học nhận dạng (học lỏm). Trẻ học ghép vần do có người lớn dạy cho trẻ, vì trẻ ba tuổi đã có khả năng đọc, viết nếu được đào tạo sớm. Học theo phương pháp nhận dạng thường do trẻ có trí nhớ rất kỳ lạ, cộng thêm tính tò mò, hiếu động cùng với các phương tiện truyền thông như truyền hình, báo chí, karaoke, sách vở, các trò chơi kích thích não bộ… “bùng nổ” hiện nay nên trẻ sẽ nhận dạng mặt chữ và tự liên kết chúng lại với nhau. Trẻ có thể giỏi vấn đề này nhưng lại yếu vấn đề khác, chỉ có thể giỏi ở một lĩnh vực nhất định, như có thể viết rất nhanh, học giỏi âm nhạc, thậm chí nhận dạng và viết được các quân cờ tướng.

Hiện nay, Hội chứng RLPTLT ở trẻ vẫn chưa xác định được nguyên nhân, nhưng có thể nói có sự tác động của yếu tố di truyền và môi trường. BS Thạch lưu ý, tiếp xúc lần đầu tiên sẽ không phát hiện ra bệnh của trẻ, mà phải tiếp xúc nhiều ngày mới thấy rõ. Ở những trẻ bị RLPTLT, chỉ giỏi một lĩnh vực nên nhận thức tổng thể về mối quan hệ xung quanh sẽ kém hơn trẻ bình thường. BV Nhi Đồng II TP.HCM từng tiếp nhận một trẻ bảy tuổi có trình độ ở môn vật lý tương đương HS cấp III, nhưng khi hỏi ý nghĩa của vấn đề đó, hỏi sâu về chuyên môn, trẻ lại không biết, trẻ chỉ có thể đọc viết như cách một người học thuộc lòng. 

Những trẻ bị hội chứng này thường có biểu hiện khác nhau, trong khi  phụ huynh thường tự hào về khả năng đặc biệt của con mình, mà ít chú ý đến những khiếm khuyết trẻ đang mắc phải. Do đó, cha mẹ cần đưa con đến bác sĩ tâm lý điều trị, để trẻ được can thiệp sớm. Nếu được sống trong môi trường phù hợp và có biện pháp can thiệp giáo dục tương thích, trẻ sẽ học hành rất tốt và có khả năng trở thành chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực mà trẻ yêu thích.

Theo Phụ nữ TPHCM

Bình luận
vtcnews.vn